Nhà văn Lê Đức Dương hiện là cây bút sung sức viết cho thiếu nhi, với trên mười đầu sách truyện ngắn, truyện dài. Vào hè 2024, anh đã cho ra mắt tập truyện dài Cuộc phiêu lưu của Còng Gió Vân Xanh đang được bạn đọc đón nhận nồng nhiệt. Tuy nhiên, nghề viết sách cho thiếu nhi vẫn còn quá nhiều trăn trở...
Độc giả nhí xin chữ ký nhà văn Lê Đức Dương |
• PV: Chào nhà văn Lê Đức Dương! Tôi nhớ anh viết các thể loại hài, phóng sự, văn hóa văn nghệ và viết văn cho các báo từ đầu những năm 1990. Vậy anh viết cho thiếu nhi từ khi nào?
• Nhà văn Lê Đức Dương: Tôi cũng viết cho thiếu nhi từ thời điểm đó. Tôi viết truyện ngắn thiếu nhi gửi đăng trên Báo Thiếu niên Tiền phong, Báo Nhi đồng và Báo Khăn quàng đỏ TP Hồ Chí Minh.
Vậy duyên gì khi vừa viết truyện cho người lớn, lại viết thiếu nhi? Đó là tôi vốn luôn có một tâm hồn trẻ con, từ bé đã đọc rất nhiều sách thiếu nhi, Báo Thiếu niên hay các truyện cho thiếu nhi ở các báo thời đó. Tính tôi lại hiếu động, thích tìm hiểu nên có góc quan sát của trẻ con. Chưa kể duyên tôi lại làm cho tờ báo tuổi thơ là tờ Thiếu niên Tiền phong từ năm 1992 nên tôi luôn tiếp cận công việc cho thiếu nhi. Sở trường của tôi là viết truyện ngắn chứ không làm thơ. Rồi từ các truyện tôi in thành sách ở Nhà xuất bản (NXB) Kim Đồng như: Con sáo mùa hạ (1988), Cào cào áo đỏ (2005), Chú ve sầu mùa thu (2008)...
Riêng với truyện dài thì từ gợi ý của nhà văn Trần Thiên Hương - người biên tập sách ban đầu cho tôi ở NXB Kim Đồng - nói tôi nên viết truyện dài. Nhưng mãi đến năm 2017, tôi mới viết cuốn Đảo thần kiếm, tiếp sau đó là Cá voi Eren đến Hòn Mun và mới đây là cuốn Cuộc phiêu lưu của Còng Gió Vân Xanh ra mắt tháng 4/2024.
• Anh có thể “bật mí” về chuyện “bếp núc” của những cuốn sách anh dành cho thiếu nhi, từ chọn đề tài đến khi phát hành?
• Viết cho thiếu nhi tưởng rất đơn giản nhưng nếu không nắm rõ tâm lý của trẻ thì rất khó. Tôi viết truyện ngắn thì theo nhiều lứa tuổi: Mới lớn, thiếu niên và nhi đồng... Chọn thể để dụng văn cho phù hợp như mới lớn thì cần lãng mạn, thiếu niên thì dí dỏm, tinh nghịch còn nhi đồng thì câu truyện đơn giản nhưng văn phải trau chuốt trong sáng. Với truyện dài mà ta gọi là tiểu thuyết thiếu nhi thì lại khác. Viết chủ đề phải hấp dẫn, cụ thể một miền đất, vùng biển như cuốn Đảo Thần Kiếm, Cá voi Eren đến Hòn Mun hay Cuộc phiêu lưu của Còng Gió Vân Xanh... đều viết về biển Nha Trang. Từ đáy biển, đảo hay bãi cát nên bạn đọc sẽ thích thú như xem phim về miền đất của mình hay đến du lịch nơi đó.
Sách cho thiếu nhi được chọn xuất bản thì việc phát hành đã do NXB tính và triển khai rồi. Tuy nhiên, riêng với tôi lại thêm quan niệm, tôi sẽ cùng NXB phát hành cuốn sách ở mảnh đất mà cuốn sách đang phản ánh, như ở đây là Nha Trang. Thế nên khi quảng bá sẽ tạo sức hút lớn với bạn đọc địa phương và cả cha mẹ các em nên ban đầu có hiệu quả. Với góc độ tác giả, khi tận mắt thấy cuốn sách mình được các em đón nhận cầm đọc, thì không gì hạnh phúc hơn. Vì thông thường, thấy nhiều tác giả khi in xong chỉ nhận vài cuốn sách là xong, không biết nó bán ra sao thì hơi buồn!
• Anh nói gì về hiệu ứng của tập truyện thiếu nhi Cuộc phiêu lưu của Còng Gió Vân Xanh của anh vừa ra mắt?
• Đây là cuốn sách tôi viết vào mùa hè 2021, sau khi cuốn Cá voi Eren đến Hòn Mun ra mắt thành công (Giải C sách Quốc gia, chung khảo Giải thưởng Hội Nhà văn năm 2021). Tôi viết với suy nghĩ thật đơn giản vì biết các em ở Nha Trang và nhiều miền đất đều thích tắm biển, đi rượt bắt còng gió chơi. Vậy tôi sẽ giới thiệu một thế giới bé nhỏ nhưng sinh động đang tồn tại ở bãi cát, dưới biển nên viết để các em biết mà yêu. Đó chính là một bộ phim khoa học nhỏ để các em biết có kiến thức đồng thời yêu thiên nhiên và các con vật bé nhỏ dưới chân mình. Bởi chúng rất tuyệt vời đáng yêu.
Cuốn sách ra đời trong tháng 4/2024. Được bạn đọc Nha Trang hưởng ứng mua ở trường, trực tiếp tác giả và cả các nhà hảo tâm mua sách tặng học sinh nghèo vùng sâu, vùng xa, không có cơ hội mua sách, báo dịp đầu hè. Đặc biệt, cũng như cuốn Cá voi Eren đến Hòn Mun, cuốn này cũng được làm quà tặng cho học sinh ở các điểm đảo Trường Sa và các chiến sĩ trẻ đang làm nhiệm vụ ở đó, đem niềm vui nhỏ đến với các bạn.
Hiện nay ở Việt Nam đang nở rộ các cuộc thi văn chương, trong đó có văn chương dành cho thiếu nhi. Anh có nhận xét và hy vọng gì từ các cuộc thi này?
Đó là tín hiệu đáng mừng cho bạn đọc nhỏ tuổi vì kích hoạt sáng tác của các cây bút dành cho tuổi thơ. Đó cũng là phương châm của Hội Nhà văn Việt Nam khóa này. Chính các cuộc thi này giúp cho không khí sáng tác cho thiếu nhi thêm sôi động. Chắc chắn, dù ít dù nhiều vẫn rất tốt, vì hơn bao giờ hết, việc chăm sóc trẻ từ vật chất đến tinh thần, cụ thể đây là sách báo rất quan trọng. Hiện nay, các cuộc thi mới đi được một phần, chưa có cuộc thi nào về đích nên hãy chờ xem thế nào.
• Có thể nói, việc đọc và thị trường sách đang gặp thách thức bởi nhiều lý do. Anh nghĩ gì về điều này? Làm sao để “kéo” trẻ em đọc sách?
• Việc trẻ em lẫn người lớn bị các loại hình nghe nhìn, công nghệ lấn át là rõ ràng. Đó là quy luật phát triển của thời đại nhưng văn hóa đọc vẫn có giá trị. Gọi là thách thức thì càng cơ hội cho người làm sách năng động, sáng tạo hơn để thích nghi. Với trẻ em “lười đọc sách, mê smartphone” là hiện tượng phổ biến. Muốn trẻ đọc sách thì cha mẹ phải có phương pháp định hướng từ nhỏ và kiên trì sẽ thành công. Tỉ lệ các cháu đọc sách, báo vẫn rất đông, không có gì mà lo ngại cả.
• Anh nhận thấy việc đọc sách thời nhỏ thế hệ mình (chưa có internet) với thiếu nhi lúc này có gì khác nhau?
• Khác nhau chút, xưa không cần nhắc nhở hay định hướng, phần lớn trẻ đều đọc truyện, báo, xem phim rạp… Nay thì công nghệ trò chơi điện tử phát triển nhưng các em vẫn đọc truyện và báo.
Nhà văn Lê Đức Dương sinh năm 1967 tại Hải Dương. Hiện làm việc tại Báo Thiếu niên Tiền phong & Nhi đồng, Văn phòng Đại diện Khánh Hòa. Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Tác phẩm đã in: Ơi con sáo Mùa Hạ (NXB Kim Đồng, 1988), Cào cào áo đỏ (NXB Kim Đồng, 2005), Chú ve sầu mùa thu (NXB Kim Đồng, 2008), Thám tử tìm mèo (NXB Kim Đồng, 2010), Con tim mùa phượng vỹ (NXB Kim Đồng, 2017), Biển một thời xa vắng (NXB Hội Nhà văn, 2017), Đảo Thần kiếm (NXB Kim Đồng, 2017), Cá voi Eren đến Hòn Mun (NXB Kim Đồng, 2021), Dòng sông với đôi bờ ký ức (NXB Hội Nhà văn, 2021), Cuộc phiêu lưu của Còng Gió Vân Xanh (NXB Kim Đồng, 2024). |
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin