Chiếc ná cao su

Truyện ký: VÕ TRẦN PHÚ 03:51, 13/06/2024
Minh họa: Phan Nhân
Minh họa: Phan Nhân

Vừa về đến cơ quan, mồ hôi còn nhễ nhại thấm đẫm trên vai áo, chưa kịp đặt bao tải xuống sàn, thì thằng Thanh phóng từ trên võng xuống ôm lấy tôi, miệng ríu rít:

- Anh có mua dây cao su để làm ná cho em không?

Tôi bực mình mắng yêu:

- Tao đi tải về mệt quá chừng, mày không hỏi thăm sức khỏe, mà mà đòi... mua dây, dây cao su, dây xiếc gì.
Nói thế thôi, nó biết tính tôi đã hứa là không sai hẹn bao giờ, vì trước khi đi, tôi có nói với nó: "Xuống ấp lần này anh sẽ gửi cơ sở mua dây thun về làm lại chiếc ná cho em”.

Là một chú bé tuổi lên mười nhưng dáng người Thanh đậm đà, lanh lợi, bắt đầu trổ mã. Sau Mậu Thân (1968), Thanh theo cha mẹ ra rừng. Chả là gia đình là cơ sở cách mạng ở ấp Đa Phú (Phường 7, thuộc TP Đà Lạt ngày nay). Sau cuộc tổng tiến công và nổi dậy, gia đình bị lộ nên bác Hai Chuân, cha của Thanh, đưa cả gia đình vào rừng theo cách mạng.

Thanh về công tác với tôi ở Văn phòng Tỉnh ủy Tuyên Đức. Nó làm liên lạc cho cơ quan, công việc chính là đi đưa công văn, đưa thư và ngược lại nhận thư báo từ trạm giao liên về Văn phòng Tỉnh ủy.

Cuối năm 1968, các cơ quan của tỉnh chuyển về khu căn cứ "Già Râu" ở miền Tây huyện Anh Dũng - Ninh Thuận (sở dĩ có cái tên lạ lùng này là vì ở đây có một buôn đồng bào dân tộc thiểu số Rắc Lây, già làng ở buôn này có bộ râu rất dài, nên gọi là căn cứ ông Già Râu).

Địch tăng cường khủng bố, chúng cho biệt kích, thám báo đi dò la, nắm tình hình nhằm khống chế các ngả đường tiếp cận giữa ta với đồng bào cơ sở ở các vùng Ka Đô, Quảng Hiệp, Tu Tra huyện Đơn Dương. Dù rằng căn cứ ở gần dân nhưng đời sống của anh em cán bộ, chiến sĩ vẫn gặp nhiều khó khăn, gian khổ. Từ chỗ thiếu thốn, anh em chúng tôi thường nghĩ ra nhiều cách để cải thiện đời sống hàng ngày, lúc thì đi đánh cá, lúc thì làm bẫy gà, bắn chim...

Tôi tháo chiếc ba lô treo trên trần nhà xuống, lâu ngày mùi mốc xì xông lên thật khó chịu. Lục tìm chiếc ná cao su vừa giải thích cho thằng Thanh nghe:

- Anh định dùng chiếc ná này, để đi bắn chim cải thiện chút đỉnh.

Nó sung sướng reo lên:

- Thế thì anh làm cho em một chiếc để em cùng đi bắn chim với anh nhé.

- Hôm nào xuống ấp đi tải, anh sẽ mua thêm dây cao su về làm cho em. Tôi nói.

Cầm chiếc ná trên tay, tôi miên man nghĩ về những năm tháng tuổi ấu thơ của mình... Tôi kể cho nó nghe về chiếc ná cao su mà tôi giữ đến hôm nay. Những ngày nghỉ học, tôi thường hay lang thang vào rừng, lội qua suối Cam Ly, vòng qua sân bay vào tận Tà Nung để bắn chim. Năm tháng qua đi, tuổi thơ cũng là những hoài niệm. Chiếc ná treo trên góc phòng học, một vật kỷ niệm thời thơ ấu. Nhưng một hôm... câu chuyện bị đứt quãng, bởi anh Lê Khải Hoàn (sau này là Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam), Chánh Văn phòng cơ quan gọi tôi lên giao công tác mới.

***

Ngoài chốt tiền tiêu của cảnh vệ, mấy chú thanh niên đang ngồi đánh bài "Tú lơ khơ", thấy tôi với thằng Thanh đi trực về bèn gọi vào uống nước, tán gẫu cho vui. Bất chợt, thằng Thanh đề nghị:

- Anh kể tiếp chuyện hôm trước cho bọn này nghe đi.

Tôi vừa nói, vừa cười:

- Chú gả chị gái cho anh đi, rồi anh kể tiếp chuyện chiếc ná thun cho mà nghe.

Đám thanh niên ngồi trên sạp, đồng thanh la lớn: "Đúng rồi, nhất trí" kèm theo những tiếng vỗ tay, thằng bé bẽn lẽn, mặt đỏ bừng, mày nhíu lại, ầm ừ trong cổ họng.

Ngày ấy, năm 1966, mình và các bạn học sinh cùng lớp, tham gia bãi khóa xuống đường giương cao khẩu hiệu đấu tranh, đòi dân sinh, dân chủ, đòi Mỹ cút về nước. Đi theo các anh sinh viên ở trường đại học lập thành đoàn biểu tình kéo nhau đến trước thư viện Abram - Lincoln - còn gọi là thư viện Việt Mỹ (nằm trong khuôn viên Thư viện tỉnh ngày nay). Anh sinh viên Phạm Xuân Tể (nguyên Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy TP Hồ Chí Minh sau ngày giải phóng). Cầm chiếc loa pin đứng trên nóc xe ô tô kêu gọi: "American friends go home" - “Những người bạn Mỹ cút về nước”, cả đoàn hưởng ứng hô to: "Cút đi, cút đi" và những nắm tay dương cao. Sau đó kéo nhau lần lượt đi đến trước tòa thị trưởng. Nhà cầm quyền Đà Lạt lúc bấy giờ cho quân cảnh, cảnh sát dã chiến trang bị súng bắn hơi cay, lựu đạn nôn mửa, dùi cui, ma trắc trông rất ghê, dàn trận ngăn đoàn biểu tình.

Cuộc chiến đấu nổ ra ngay trên đường phố. Nào đá, gạch, sỏi ném vèo vèo. Nhưng cũng không thấm tháp vào đâu. Lúc bấy giờ, tôi thoáng nghĩ: "Mình phải chơi ná thôi". Một cuộc hội ý nhanh, đám bạn và tôi chia nhau chạy về nhà đi tìm ná thun. Đứa trước, đứa sau, những viên sỏi từ những chiếc ná nhỏ bé của chúng tôi bay tới tấp vào mặt những tên cảnh sát dã chiến. Chúng lấy khiên chống đạn hình thành một bức tường phía trước để ngăn những viên sỏi bắn đi từ những chiếc ná này. Sau đó, chúng phản ứng cho bọn tôi nếm mùi lựu đạn cay. Phải nói có nếm mùi lựu đạn cay mới biết. Nó cay xè, nước mắt chảy ra ràn rụa không tài nào chịu nổi, các cô nữ sinh chịu không nổi, ngất xỉu, phải khiêng ra tuyến sau. May quá, lúc bấy giờ các mẹ, các chị tiểu thương ở chợ Đà Lạt chuẩn bị sẵn khăn ướt và chanh tươi đắp lên mới hết nhức mắt.

***

Mùa khô, rừng miền Tây - huyện Anh Dũng lá rụng, cây rừng trơ trụi, chỉ còn lác đác những chòm cây xanh mọc ven suối. Chim, thú rừng thường về đây làm tổ, săn mồi, uống nước. Thằng Thanh từ ngày có chiếc ná mới, lần nào đi trực cũng mang theo. Nó thường đến những con suối cạn để bắn chim. Có hôm xách về cả xâu, mặt mày vui tươi, hớn hở. Chờ tối đến, cả bọn kéo nhau ra cảnh vệ làm thịt chim nướng với sả ớt, ngồi nhâm nhi với chén nước trà.

Một ngày nọ, nó lần theo con suối, tình cờ phát hiện một vật lạ màu đen lấp ló bên kia suối. Trong đầu Thanh thầm nghĩ: "Chắc là con gấu" dương ná lên bắn chơi. Viên đá vừa thoát đi nghe một tiếng "cốp" sau đó là những tràng đạn súng M16 nổ liên hồi. Thì ra nó bắn trúng mũ sắt của tên biệt kích và thế là ba chân, bốn cẳng chạy văng cả dép. May quá, nhờ đi bắn chim, nên nó thuộc đường, cắt rừng lẩn khuất vào bên trong rừng già.

Nghe súng nổ, biết có địch càn vào cứ, nên cơ quan chủ động triển khai phương án chống càn. Dân quân, du kích ở buôn Già Râu sẵn sàng chiến đấu. Tất cả các lối đi về buôn đã được ngụy trang. Bẫy đá, mang cung, hầm chông được bố trí gài sẵn. Nếu ai không biết cắt đường, đi theo lối mòn cũ là dính ngay hầm chông.

Địch dùng máy bay OV10, L19 liên tục quần đảo, chỉ điểm cho pháo, cho máy bay F105 bắn phá vào buôn, vào khu căn cứ. Bầu trời vùng căn cứ nhuộm một màu khói bom nghi ngút. Hôm sau, địch đổ quân với quy mô lớn. Chúng dùng cưa máy hạ cây rừng già làm sân bay dã chiến cho trực thăng đỗ quân chốt trên những điểm cao. Cho phi pháo ngày đêm bắn phá những điểm mà chúng nghi là có nơi đóng quân của các cơ quan. Dưới đất, chúng cho biệt kích phối hợp với bộ binh vào vùng rẫy của đồng bào, phá hoại sản xuất hoa màu. Một vài toán bộ binh hung hăng đi vào lùng sục trong buôn, bị dính hầm chông, mang cung và lực lượng du kích đánh trả. Anh em tự vệ cơ quan ngày đêm bám địch chống càn gây không ít thương vong cho chúng. Qua bảy ngày đêm liên tục, chúng không tìm ra bộ chỉ huy vùng căn cứ nên gọi phi pháo bắn phá rồi rút quân về Phan Rang.

Mải lo chống càn và đánh địch, anh em cơ quan quên mất thằng Thanh. Một cuộc họp cơ quan khẩn cấp được triệu tập, anh Hoàn ra lệnh:

- Bằng mọi cách phải đi tìm cho được bé Thanh, nhất là các chú bảo vệ phải lên đường ngay với bất cứ giá nào phải tìm cho bằng được và đưa cháu về đây.

Cả cơ quan đang chăm chú lắng nghe thì từ ngoài Thanh bước vào nói:

- Thưa các chú, cháu đã về rồi đây.

Cả cơ quan mọi người cùng ồ lên một tiếng. Mừng quá, tôi nhảy tới ôm chầm lấy nó mừng rối rít. Sau đó nó kể lại:

- Súng nổ, em chạy dạt xuống phía đuôi rẫy. Vượt qua gân đồi bên kia cắt rừng ra phía trạm, rồi ở lại với mấy anh giao liên. Tôi hỏi:

- Sao em không về cơ quan?

- Nếu về cơ quan sẽ bị hầm chông, dễ bị mang cung của du kích.

Tôi chặc lưỡi: "Thằng nhỏ thế mà lanh thiệt".

Chuyện đi bắn chim, phát hiện biệt kích chỉ có tôi với thằng Thanh biết. Nếu để lộ ra cơ quan sẽ thi hành kỷ luật hai đứa vì tội vô tổ chức. Xét cho cùng thì việc làm của thằng Thanh vô tình đã cứu cho vùng căn cứ tránh được một trận càn lớn, không để thiệt hại người mà chỉ bằng chiếc ná cao su nhỏ bé và đơn sơ của thằng Thanh.

Chuyện về chiếc ná cao su, nó đơn giản như chính bản thân của nó vậy, nhưng dù đã gần 50 năm trôi qua vẫn còn đọng lại mãi trong ký ức tôi những kỷ niệm nhỏ khó quên về một thời máu lửa, một thời hào hùng mà góp mặt vào đó có cả những chiếc ná cao su đơn sơ và giản dị mà chúng tôi đã sử dụng.