Ka Hờn 20 năm lan tỏa vẻ đẹp trang phục truyền thống

QUỲNH UYỂN 00:03, 06/06/2024

Trang phục truyền thống luôn chứa đựng nét văn hóa đặc trưng của mỗi dân tộc. Có một người phụ nữ K’Ho hơn 20 năm qua đã lặng lẽ tạo hình, tạo mẫu, tác tạo nên những bộ váy áo thổ cẩm, gìn giữ trang phục truyền thống, làm đẹp cho đời. Chị là Ka Hờn (sinh 1973) ở Liên Đầm, Di Linh.

Trang phục truyền thống do chị Ka Hờn (trái) được đồng bào lựa chọn
Trang phục truyền thống do chị Ka Hờn (trái) được đồng bào lựa chọn

Sinh ra với sức vóc nhỏ bé hơn người, chị Ka Hờn được bù lại có giọng hát hay. Năm 16 tuổi, chị tham gia văn nghệ ở buôn làng, tích cực tham gia các hoạt động của Hội Phụ nữ xã, nhờ vậy chị được xuống TP Hồ Chí Minh tham dự lớp đào tạo nghề may cho phụ nữ khuyết tật. 3 năm học được hỗ trợ ăn ở, lại được nhận học bổng vì thành tích học tập tốt. Thành nghề, chị được tuyển vào làm việc ở các công ty may, nhưng do sức khỏe không đáp ứng được áp lực của tăng ca, của điều kiện sống, năm 2000, chị trở về quê Di Linh, rồi lên K’Long (Hiệp An, Đức Trọng) may quần áo, hàng lưu niệm, ví, giỏ xách, ba lô... tại tổ hợp dệt may thổ cẩm do nhà thờ thành lập. 4 năm gắn bó với tổ hợp, với những người phụ nữ ngày đêm cần mẫn bên khung dệt, với cha xứ nhà thờ tâm huyết bảo tồn nghề dệt và trang phục truyền thống dân tộc, Ka Hờn thấy rõ hơn trách nhiệm của mình trong công việc mình chọn.

Trở về nhà ở Liên Đầm, từ những bài học may âu phục hiện đại, Ka Hờn đã sáng tạo vận dụng vào may trang phục thổ cẩm truyền thống của dân tộc mình. Nghề may thì nhiều người làm, nhưng để mạnh dạn tìm lối đi riêng và kiên trì với trang phục truyền thống thì cần có tình yêu, có tâm huyết; nhất là trong lúc rất nhiều người trẻ tuổi các buôn làng đi theo thị hiếu đương đại, ăn mặc theo model hiện đại, xa rời truyền thống dân tộc. 

Chị Ka Hờn giới thiệu trang phục thổ cẩm truyền thống dân tộc
Chị Ka Hờn giới thiệu trang phục thổ cẩm truyền thống dân tộc

Kiểu dáng váy trang phục truyền thống của người nữ K’Ho là váy áo rời, đàn ông mặc áo chui đầu và quấn khố. Nếu các cụ ngày xưa chỉ mặc cho kín, lấy tấm thổ cẩm quấn quanh thân dưới, dùng dây buộc ngang lưng làm váy, lấy mảnh thổ cẩm quấn quanh người hoặc gấp lại khoét cổ làm áo; thì giờ đây Ka Hờn tạo dáng, tạo hình cho trang phục dựa trên kiểu dáng truyền thống. Bên cạnh những đường may chắc chắn, váy có cạp, có khóa dây kéo, áo có viền có tay, có chiết eo theo dáng vóc của các thanh nữ; tạo áo, khố kín đáo cho nam giới với dây thun mặc như quần đùi nhưng vẫn để tua vải cho mộc mạc như truyền thống. Tùy theo người mặc để may trang phục vừa vặn, phù hợp, đẹp mắt. Chị còn phối hợp thổ cẩm với các chất liệu lụa, thun, gấm... tạo ra các mẫu váy đầm phù hợp với nhiều người, nhiều lứa tuổi, nhiều không gian, hoàn cảnh. Những bộ váy áo thổ cẩm chị may vừa giữ được đặc trưng bản sắc trong kiểu dáng đường nét, vừa hiện đại theo vóc dáng của từng người.

Dù chị chỉ may tại nhà, không để biển hiệu nhà may, nhưng lúc nào cũng đông khách. Người này thấy người kia mặc trang phục truyền thống đẹp, liền lựa chọn mà tìm đến chị, chọn mẫu hoa văn thổ cẩm, chọn kiểu dáng để chị may. Ka Hờn cho biết, người K’Ho - Di Linh từ xưa chỉ làm ruộng nương rẫy, đan cói, đan lát mây tre, chứ không dệt vải. Thổ cẩm được chị mua từ các làng nghề dệt thủ công Đam Pao (Đạ Đờn, Lâm Hà), K’long (Hiệp An, Đức Trọng), Đạ Nghịt (Lộc Châu, Bảo Lộc)... với hoa văn đặc sắc để người mặc lựa chọn.

Váy áo của chị Ka Hờn may nên không phải chỉ để trình diễn trên sân khấu thời trang mà được mặc trong các hoạt động sinh hoạt đời thường. Những năm gần đây, việc tuyên truyền, khuyến khích sử dụng trang phục truyền thống của ngành văn hóa làm cho đồng bào các dân tộc bản địa trong tỉnh thêm yêu quý tự hào trang phục truyền thống của dân tộc mình. Việc sử dụng trang phục truyền đã dần trở thành thói quen, lan tỏa sâu rộng trong các tầng lớp Nhân dân. Người trẻ ngày càng tìm về với trang phục dân tộc. Trong các đám cưới, đám hỏi, ngày Chủ nhật đi lễ nhà thờ, lễ hội, ngày tết, dạ hội, gặp gỡ, trong các dịp trọng đại, sắc màu thổ cẩm xuất hiện ngày càng nhiều ở các buôn làng. Vì thế, chị Ka Hờn làm không hết việc.

Nhiều Việt kiều trở về buôn làng thấy nhiều bà con mặc trang phục truyền thống phổ biến, nhờ bàn tay, óc sáng tạo khéo léo của chị Ka Hờn, họ nhận thấy vẻ đẹp trang phục của dân tộc mình và tìm đến chị đặt may. Trang phục truyền thống do chị Ka Hờn may đã theo chân người K’Ho đến các nước Âu, Mỹ xa xôi, hiện diện trong các chương trình văn nghệ của đồng bào xa Tổ quốc, khẳng định vẻ đẹp văn hóa dân tộc mình ở trời Tây.

Trong lúc rất nhiều người làm nghề may không có khách phải chuyển nghề, bởi đa số khách hàng trẻ đều đặt quần áo may sẵn được sản xuất trên dây chuyền công nghiệp, rẻ và hợp thời, chỉ cần cầm điện thoại bấm đặt qua mạng là ship về tận cửa, thì cơ sở may trang phục truyền thống của chị vẫn không lúc nào vắng khách. 

Bên cạnh việc may trang phục cho các câu lạc bộ cồng chiêng, trang phục đến trường cho giáo viên, học sinh dân tộc nội trú, trang phục cho đồng bào đi nhà thờ, đi chùa, tạo mẫu váy áo mới cho thanh niên nam nữ đi dự tiệc cưới, hỏi, dạ hội...; chị Ka Hờn còn đưa trang phục đi nhiều nơi trong các hội chợ du lịch, các gian hàng giới thiệu bản sắc văn hóa, bán cho nhiều người. Chị tâm sự, ngày xưa đi học may, theo nghề may là một tình cờ, rồi lựa lối đi riêng may trang phục thổ cẩm truyền thống cũng là ngẫu nhiên thì giờ đây đó là lựa chọn đúng. Không chỉ góp phần làm đẹp cho đời mà chị đang thiết thực gìn giữ, bảo tồn nét đẹp trang phục truyền thống của người K’Ho, người Mạ ở Lâm Đồng.