KỶ NIỆM 99 NĂM NGÀY BÁO CHÍ CÁCH MẠNG VIỆT NAM (21/6/1925 - 21/6/2024):
Nhà văn, nhà báo Minh Tự: Huế và món nợ Đà Lạt

ĐÀO ĐỨC TUẤN (thực hiện) 03:53, 13/06/2024

“Sau hơn 32 năm viết báo, tôi thấy rằng viết ngắn gọn, dễ hiểu và thật giản dị mới khó, mới hay, mới nên viết. Dễ hiểu nhưng không dễ dãi, đời thường mà không tầm thường”, nhà văn, nhà báo Minh Tự nói nhân dịp tái bản cuốn sách Trước nhà có cây hoàng mai...

Nhà văn, nhà báo Minh Tự giới thiệu cuốn sách Trước nhà có cây hoàng mai tại Huế
Nhà văn, nhà báo Minh Tự giới thiệu cuốn sách Trước nhà có cây hoàng mai tại Huế

Phóng viên: Động lực nào để anh tái bản cuốn sách Trước nhà có cây hoàng mai: Những ghi chép về Huế - xứ sở phong rêu kiêu sa (NXB Phụ nữ, 2024)? 

• Cuốn sách này ra đời từ thúc giục của những người bạn Sài Gòn yêu Huế và những người Huế xa quê. Từ thúc giục đó, tôi đã tuyển chọn lại trong hàng trăm bài mình viết về Huế để làm cuốn sách “Trước nhà có cây hoàng mai”, xuất bản năm 2016. 

Sau khi sách phát hành, tôi đã nhận được nhiều phản hồi của bạn đọc qua email, facebook, và comment ngay trên các nhà sách trực tuyến. Họ là những người Huế xa quê, đang sống ở TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Cần Thơ; họ là du khách đến Huế; họ là học sinh, sinh viên, giáo viên đang sống ngay tại Huế. Họ nói rằng rất thích những câu chuyện Huế trong cuốn sách này, vì: nó độc đáo theo kiểu Huế, nó vừa rất quen mà lại rất lạ, nó bất ngờ dù rất gần gũi, thiết thân; và vì nó dễ hiểu, dễ cảm... 

Họ nói rất muốn đọc sách về Huế, nhưng hiện nay trên các hiệu sách và trong thư viện, phần lớn là sách nghiên cứu chuyên sâu, của các nhà nghiên cứu, nên khó đọc. Một số sách được biên soạn ngắn gọn theo kiểu cẩm nang thì chỉ thuần túy là tư liệu. Còn cuốn sách “Trước nhà có cây hoàng mai” thì vừa có nhiều tư liệu xưa, vừa có thông tin hôm nay, vừa tường trình một cách khách quan, vừa có lời bình phù hợp, với một văn phong trong sáng và có cảm xúc.

Thế rồi năm ngoái 2023, bà Khúc Thị Hoa Phượng - Giám đốc Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam vào Huế dự hội sách quốc gia, đọc được cuốn sách Hoàng mai. Sau đó, cô đề nghị nên tái bản cuốn sách này. Tôi rất vui vì lời đề nghị đó. Bởi vì, sau tám năm, sách đã phát hành hết từ lâu. Vả lại, những góp ý của bạn đọc khiến tôi thấy rằng cuốn sách cần phải được sửa sang cho hoàn chỉnh, bổ sung thêm bài mới cho đầy đặn hơn. 

• Cụ thể, bản in lần này khác gì so với cuốn Trước nhà có cây hoàng mai: Tùy bút và phóng sự về Huế - xứ sở phong rêu kiêu sa (NXB Trẻ - 2016)?

• Ngoài một vài chỉnh sửa chi tiết nhỏ, tôi phải gia công khá nhiều về văn phong, câu cú, từ ngữ. Là người viết báo, nên tôi luôn chú trọng cách sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt sao cho ai cũng đọc được. Từ vị giáo sư cho đến bác xe ôm đều có thể hiểu ngay bài báo muốn viết gì. Tuy nhiên, sau khi đọc lại sách, tôi thấy vẫn còn một số câu phức khá dài, một số từ ngữ cao sang hoặc khó hiểu, một số từ địa phương chưa được chú thích. Vì vậy, tôi đã viết lại những câu đó, những đoạn đó, tìm những từ dễ hiểu để thay thế. 

Sau hơn 32 năm viết báo, tôi thấy rằng viết ngắn gọn, dễ hiểu và thật giản dị mới khó, mới hay, mới nên viết. Dễ hiểu nhưng không dễ dãi, đời thường mà không tầm thường. 

Tuy nhiên, có một từ khiến tôi mất nhiều thời gian suy nghĩ. Đó là từ “kiêu sa” trong dòng phụ đề “xứ Huế phong rêu kiêu sa”. Có bạn đọc không thích, nói “chi mà kiêu sa dữ vậy”. Nhưng lại có khá nhiều bạn đọc thích thú với từ đó, họ nói “kiêu sa chứ đâu phải kiêu căng”. Tôi hỏi ý kiến một chuyên gia làm sách ở Hà Nội, cô ấy nói “phong rêu kiêu sa” là sự quý phái vốn có của Huế mà. Vậy thì cứ giữ nguyên lời phụ đề đó nhé. 

Bản sách tái bản này có bổ sung thêm 3 bài mới, và bỏ đi 1 bài cũ do trùng đề tài với bài mới bổ sung, tổng số là 36 bài, gồm phóng sự, tùy bút, phỏng vấn, tôi gọi cho ngắn gọn là “ghi chép”. Thay hình ảnh cũ, thêm nhiều ảnh tư liệu mới tìm ra, trình bày trang trọng hơn, và một cái bìa rất nhã, đúng gam màu rêu phong của Huế.

• Cuốn sách tái bản (có bổ sung) lần này còn có bản dịch tiếng Anh (Ochna in the front yard: Fascinating stories about Huế - an ancient, poetic and glamorous land), bước đầu anh thấy độ tương tác với bạn đọc ra sao?

• Đặc biệt lần tái bản này, Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam đã làm thêm một bản tiếng Anh, như là món quà dành cho du khách quốc tế, và là tài liệu cho học sinh, sinh viên học tiếng Anh. Gọi là bộ “song mai”.

Du khách đến Huế, chắc hẳn cần đọc sách về văn hóa - lịch sử vùng đất này. Thế nhưng, trên kệ sách bán ở các điểm du lịch ở Huế, có rất ít sách tiếng Anh và ngoại ngữ khác, viết về Huế. Vì vậy, nhà xuất bản muốn cuốn sách Hoàng mai này có thêm một bản tiếng Anh. “Ochna in the front yard: Fascinating stories about Huế - an ancient, poetic and glamorous land”, có nghĩa là: Hoa mai vàng trước sân - Những câu chuyện thú vị về Huế - vùng đất cổ kính, nên thơ và quyến rũ. 

• Anh có thể “bật mí bếp núc” về việc viết và in cuốn sách này. Lần xuất bản trước có phát hành thế nào, lợi nhuận? Kỳ vọng lần in này?

• Nhà xuất bản Trẻ xuất bản sách này vào năm 2016 theo hình thức gọi là “kế hoạch A”. Tức là NXB mua bản thảo và ký hợp đồng sử dụng bản quyền trong 5 năm, trả nhuận bút cho tác giả, rồi in và phát hành. Mình không tham gia gì vào việc kinh doanh cuốn sách này nên chẳng biết lời lãi ra sao. Tuy nhiên, sách đã bán hết từ lâu. Tôi nghĩ chắc là không lỗ. 

Lần này, NXB Phụ nữ Việt Nam cũng hợp tác với tôi theo cách như NXB Trẻ lần trước. Số lượng in nhiều hơn, do có đến 2 cuốn, tiếng Việt và tiếng Anh. Rất vui là sau khi ra mắt sách, đã có khá nhiều bạn đọc mua trực tiếp, hoặc đặt mua qua hệ thống trực tuyến của các nhà sách. Có một số bạn đọc đặt mua nhiều cuốn làm quà tặng, có một du khách Việt kiều mua nhiều sách mang về Mỹ làm quà. 

• Lang bạt, chìm đắm với nghề báo nhiều năm, anh được và mất gì?

• Tôi có hơn 32 năm hành nghề viết báo, làm báo. Đến lúc này nhìn lại, thấy lựa chọn của mình với nghề này là quá đúng. Đúng với đam mê, đúng với khả năng lao động của mình. Không thể kể ra hết những được và mất trong 32 năm làm báo. Chỉ thấy là được nhiều và mất cũng không ít. Ngay cả khi buồn nhất trong nghề, thì cũng là được. Được buồn. Đến lúc này thì thấy vui. Mọi thứ đều quy về một chữ vui. 

• U60, anh dự định cuộc đời và sáng tạo tiếp theo...?

• Qua tuổi 55, tự nhiên đề tài, ý tưởng hiện ra rất nhiều. Quá nhiều thứ thúc giục mình phải viết, làm sách. Thì cũng ngay lúc đó, sức khỏe lại trục trặc. Phải dừng lại để sửa cái xe, sửa cho nó chắc chắn trở lại, để chạy tiếp. Quá nhiều thứ cần phải làm, phải viết, mà sức khỏe và thời gian không phải là nhiều. Vì vậy, không nên ham hố, phải chọn lựa. 

Lúc này, tôi vẫn viết tiếp những câu chuyện xứ Huế theo cách mà bạn đọc báo lâu nay vẫn thích đọc. Đó là công việc mỗi ngày. Tôi cũng rất thích công việc biên khảo. Việc này đòi hỏi làm việc bền bỉ và tỉ mẩn suốt quanh năm, và năm này qua năm khác. 

• Anh từng hơn mười năm hoa niên sống ở Đà Lạt. Hình như anh còn nợ một cuốn sách viết về Đà Lạt?

• ... Câu anh hỏi về Đà Lạt, thôi hẹn vậy. Món nợ đó chưa trả được, nói ra xấu hổ lắm...

Nhà văn, nhà báo Minh Tự tên thật Lê Văn Minh Tự. Sinh năm Mậu Thân 1968, ở làng quê xứ Truồi, hiện sống ở phố Huế. Bắt đầu vào nghề báo từ năm 1992, trải qua 3 cơ quan báo chí, làm đủ các công việc trong nghề báo: cộng tác viên, phóng viên, biên tập viên, trưởng văn phòng, giảng viên báo chí; khắp các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên. Hiện làm việc tại Ban Phóng sự của Báo Tuổi trẻ. 

Minh Tự viết đủ các thể loại báo chí: tin tức, tường thuật, phỏng vấn, phóng sự, bút ký, bình luận, ảnh báo chí; với đủ các loại đề tài thuộc nhiều lĩnh vực: chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, y tế, và cả thể thao, giải trí. Nhưng đề tài đam mê nhất là: Huế.