Ngôn ngữ mỹ thuật của chữ

TRỊNH CHU 03:51, 13/06/2024

Họa sĩ Võ Trịnh Biện (TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) đã đưa 264 Hán tự trong Bát Nhã Tâm Kinh thoát khỏi phạm trù ngôn ngữ thông thường trở thành ngôn ngữ nghệ thuật khối nét nhiều màu vẻ.

Bìa tập sách 
Bát Nhã Tâm Kinh của họa sĩ 
Võ Trịnh Biện
Bìa tập sách Bát Nhã Tâm Kinh của họa sĩ Võ Trịnh Biện

Yếu tố đầu tiên làm nên sự độc đáo ở đây, chính là việc anh không viết chữ mà sử dụng mực Nho để vẽ lại toàn bộ 264 Hán tự từ bản tiếng Hán Bát Nhã Tâm Kinh trên nền giấy carton khổ rộng. Mỗi chữ Hán, qua cách tạo hình bằng những đầu ngón tay của họa sĩ Võ Trịnh Biện, là một sự soi rọi, một ngẫu cảm, một kêu đòi đồng vọng, cũng là một kiến giải về mảng màu, hình khối, bố cục. Mỗi nét cong, nét thẳng trên từng đơn vị Hán tự là một bộ chiết tự lạ mắt. Mỗi nét sổ, nét ngang của mỗi chữ Hán là một biểu ảnh đầy sáng tạo, thẩm mỹ.

Một điểm độc đáo nữa, chính là anh đã phá bỏ sự chấp kiến trước kia: chữ chỉ sử dụng cho một mục đích duy nhất - viết! Tranh chữ, tại sao không? Thế là họa sĩ Võ Trịnh Biện chọn ảnh tượng những thân trúc để tạo hình các Hán tự trong không gian 3 chiều, đặt trên màu nền tôn chữ là hình ảnh những thân tre sống động như thực. Anh rất tinh tế trong việc tìm ra các phương pháp biểu đạt màu nền: khi thì tạo hình thân tre theo lối phẳng ngang, lúc thì tạo hình thân tre ở dạng thẳng đứng, nhiều khi lại là những nét xiên táo bạo, lắm lúc thì tạo hình thân tre theo kiểu đan cài đầy - khuyết, để một mặt làm nổi rõ các mảng khối chữ là những tạo hình thân cây trúc, mặt khác tạo hiệu ứng sáng tối linh động nhằm tô đậm sự uyển chuyển, mềm mại của từng cấu trúc chữ. Bằng ngôn ngữ màu sắc và đường nét, họa sĩ Võ Trịnh Biện lột tả hết thảy vẻ đẹp tạo hình trong mỗi con chữ, thể hiện bằng hình tượng trúc - tre. Thông qua ngôn ngữ hội họa của anh, ảnh tượng cây trúc - cây tre một lần nữa bước lên vị trí cao tột, mang biểu trưng cốt cách con người Việt Nam. Tất nhiên, họa sĩ Võ Trịnh Biện không bỏ quên chức năng chuyển tải các nội dung Phật pháp của chữ.

Tài hoa trong suy niệm lý tính, tỉ mỉ trong lựa chọn phương cách biểu hiện, mỗi Hán tự trong Bát Nhã Tâm Kinh do anh vẽ là một tác phẩm nghệ thuật đích thực: cấu trúc, màu sắc, không gian, tư tưởng. Tất cả những con chữ mang ảnh tượng trúc - tre đó, họa sĩ Võ Trịnh Biện đã tập hợp lại và đóng thành một tập sách dày 50 trang. Bên cạnh phần Hán ngữ được vẽ bằng ảnh tượng thân trúc - thân tre, anh còn viết bổ sung phần Việt ngữ và Anh ngữ để hỗ trợ những người không biết đọc chữ Hán có thể đọc Bát Nhã Tâm Kinh qua phần tiếng Việt và tiếng Anh, rồi mới đem đối chiếu lại với phần Hán tự ở phía đằng trước. Tập sách này, chiều dài 110 cm, chiều rộng 80 cm, chiều cao 10 cm, gồm 3 ngôn ngữ: Hán, Việt và Anh.

Từ việc chọn chữ Hán làm điểm nhìn mỹ cảm, hữu thức hay vô thức, họa sĩ Võ Trịnh Biện đã tạo ra cuộc gặp gỡ giữa triết học Phật giáo (Bát Nhã Tâm Kinh) và căn tính dân tộc Việt (biểu tượng cây tre - cây trúc). Nói cách khác, anh đã tạo ra sự tương liên từ chính cái điểm nhìn đặc dị của mình, biến những ký tự mang tính triết học thành những cấu trúc mỹ thuật độc đáo. Tranh chữ - một định danh riêng của họa sĩ Võ Trịnh Biện.