Mặt trời không bao giờ tắt

Truyện ngắn: NGUYỄN THỊ BÍCH NHÀN 06:00, 11/07/2024
Minh họa: Phan Nhân
Minh họa: Phan Nhân

1. - Em thất vọng quá. Đã lùn tịt, lại mập béo quá đáng. Còn “khuyến mãi” thêm dáng đi lệch vẹo. Túm lại, bất ổn toàn tập.

- Thôi kệ đi em, lông nhông cỡ thằng Lộc, con gái ngon lành nó thèm chi. Anh nghĩ, luật đời “nồi nào vung nấy” hết.

Tưởng nàng ấy từ miền Tây ra chơi cho biết nhà biết cửa, ai ngờ ở lì luôn, gọi vợ xưng chồng vang vang, khiến xóm giềng ai gặp tôi cũng hỏi chú Lộc cưới vợ hồi nào mà không ai hay. Thiệt là phiền phức ghê nơi, cảm giác như nhà mình bị châm biếm vậy, giá bố mẹ chồng tôi còn tại thế, đố có mà lơ ngơ.

- Nghe chú Lộc nói, tuần sau bố mẹ Quà sẽ ra chúng ta, bàn chuyện cưới hỏi đó.

Chứ cái kiểu gì ngược đời vậy trời? Người ta đi cưới vợ, còn mình, để vợ tới cưới. Tôi đã bực lại càng thêm bực. Bực nhưng vẫn qua dọn dẹp chuẩn bị đón khách, tính thằng em rể tôi biết, nhà cửa bầy hầy khiếp lắm. Tôi lầm bầm trong bụng bước qua. Ồ, hơi bị kinh ngạc, gọn gàng ngăn nắp, nhà cửa lau chùi bóng rạnh. Đâu siêu phàm dữ. Hình như còn đang dọn dẹp phần sau. Tôi lén đứng dòm. Đôi tay thoăn thoắt, làm nhanh và khoa học. Chắc ông trời lấy đi cái này của Quà thì bù đắp cái khác - tôi thích những đôi tay chịu làm việc và cái đầu biết suy nghĩ nên bất ngờ có thiện cảm. Hay đó cũng là một kiểu di truyền? Tôi suy diễn vậy vì đêm hôm nghe chồng nói cha của Quà bị mù, nhưng rất giỏi. Không tin lắm nhưng giờ thấy cảnh này, tôi càng nóng lòng muốn gặp người người đàn ông đặc biệt đó.

Xe taxi dừng trước cửa nhà, tôi lật đật chạy về gióng áo quần qua tiếp khách.

Ngồi trước mặt tôi là người đàn ông đeo đôi kính đen, sơ mi đóng thùng chỉn chu, nói chuyện từ tốn, khít rịt, không thừa không thiếu một từ. Và vợ chồng tôi chẳng có lí do để từ chối vào miền Tây dự lễ cưới được tổ chức ở phía đàng gái.

Hiền hòa, hiếu khách và phóng khoáng, đó là những ấn tượng tôi cảm nhận được ở cha mẹ Quà. Khảo sát một vòng, thấy nhà ở mà giống khu sinh thái. Ý nghĩ vừa lóe lên thì nghe: "Ban đầu cha chỉ trồng cây ăn trái nhưng sau kết hợp với du lịch luôn" - Quà đứng sau lưng hồi nào tôi chẳng hay biết.

- Khách đến đây tham quan, chụp ảnh và ăn trái cây tại vườn. Mẹ có phục vụ nước, cà phê, các món ăn miệt vườn nóng hổi, là cái quán Hoa mặt trời kề nhà đấy chị.

Thật là một sáng kiến hay. Giữa thời buổi bon chen bụi bặm, được về giữa một vườn bóng mát, vui đùa cùng hoa trái, sẽ giải tỏa bớt bộn bề. Lịch thiệp, tận tình và niềm nở - tôi lại thấy ưu điểm của gia đình Quà. "Hay mình ở lại một tuần để tình sui gia khắng khít hơn đi anh". Tôi thuyết phục chồng vậy chứ thực tình, tôi muốn khám phá người thương binh đặc biệt này.

2. Hai mốt tuổi nhập ngũ. Bác Văn nhớ như in, sau tám tháng huấn luyện, bác đã trở thành một trong những người lính tình nguyện sang đất nước chùa Tháp, chiến đấu với quân Khmer đỏ. Lạ nước lạ cái nên công việc trinh sát rất quan trọng. Mỗi lần đi từ ba đến năm người. Phải do thám xem khu vực có khoảng bao nhiêu địch để biết đường lên kế hoạch tác chiến. Đó quả là cuộc chiến đấu ác liệt, địch còn rất đông. Sau mỗi trận đánh, bộ đội ta hy sinh và bị thương nhiều. Khi một người bị thương thì những người kia sẽ bằng mọi cách để đưa về, mà như thế thì càng nguy hiểm. Nhưng nguy hiểm cũng phải làm, trong cơn sinh tử, ai mà nỡ bỏ lại đồng đội mình, chết là cùng chớ gì. Một hôm, bác Văn cõng một đồng đội về đơn vị thì một đồng đội khác vừa nhìn thấy đã buồn rượi nói “Mày ơi, nó chết rồi!”. Chả hiểu sao lúc đó tớ lại cười! - nói và cười rất đau khổ. Thằng bạn chửi, mày khùng hả? Chứ bây giờ mày với tao khóc nó, rồi ngày mai mày khóc tao, rồi ngày mốt lấy ai sẽ khóc mày? Nói tới đó thì ngừng lại, giữa tôi và bác là một khoảng lặng bối rối, như một phút mặc niệm. Cuộc chiến qua đi nhưng vẫn còn đồng đội chưa được về với gia đình - về làm sao khi chỉ còn một người em bị tâm thần, về rồi lấy ai lo… Bác Văn kể, nỗi ray rứt hiện lên trên giọt nước đang lưng ở tròng mắt, đồng đội chết để mình được sống…

Tôi nghẹn ngào nghe, không dám thở mạnh, muốn hỏi nhiều điều nhưng lại không dám hỏi. Dường như hiểu được điều tôi đang nghĩ, bác kể tiếp.

Đêm đó, bác và những anh em khác nã đạn vào lô cốt địch nhưng không phá nổi, từ bên trong lựu đạn được quăng ra như vãi trấu. Thật là điều nằm ngoài dự tính, ngay bên cạnh những người lính đang tìm cách tiếp cận lô cốt địch có một ngôi nhà làm tường, ai ngờ ngôi nhà bị trúng pháo, bất ngờ bốc cháy. Không còn điểm dựa, mọi di chuyển của quân ta bị lộ hết. Lúc bom nổ, bác bị thương nặng ở đầu và mắt. May, phước lớn nên còn giữ được mạng sống.

Nhưng lúc tỉnh dậy, chỉ ước mình được banh xác ngay lúc đó. Bị mù, cảm giác kinh khủng như trời đã sập xuống đầu mình, còn kèm theo cơn lốc màu đen vậy.

Ròng rã bốn năm, người lính trở về với chiếc ba lô nhẹ tênh. Vợ ra đón chồng nhưng không phải cầm tay nhau, lãng mạn chạy tung tăng trên con đường quê như hẹn ước mà ngậm ngùi dắt chồng về. Không chỉ mù lòa mà còn được "khuyến mãi" những mảnh đạn còn găm trong mình nữa.

- Hên cho ổng là đã gặp, yêu, thề non hẹn biển rồi nên tui mới chịu làm đám cưới. Đám cưới họ hàng đầy đủ nhưng không có chú rể - vì chú rể còn đang ở tận Campuchia. Tối động phòng, cô dâu ngủ với em gái của chồng. Xui cho tui mà hên cho ổng, chứ đừng hòng tui ưng một ông mù.

Bác gái nói và cười, tôi cũng cười, cười rất tươi, vì nội dung câu nói không cưng như cái cách bác ấy nói. Ở chung với nhau ba ngày, nhìn cái cách bác chăm sóc chồng, tôi hiểu được thông điệp, nếu có kiếp sau nữa, tui cũng chỉ gả mình cho ông thôi. Tôi quý tính cách này, ít nói, chỉ nói bông đùa thôi nhưng cư xử rất tinh tế và đậm đà tình nghĩa.

- Chắc kiếp trước bả nợ tui nên kiếp này lo trả. Hồi thanh tân xuân sắc thì chồng ở chiến trường. Chồng xuất ngũ không trọn vẹn, sức khỏe yếu, sốt rét đeo đuổi và tinh thần bị sang chấn nặng nhưng vợ vẫn nhẫn nại cận kề, quán xuyến tất cả.

Nhận thức của một người phụ thuộc hơn 80% vào đôi mắt. Bị mù, cảm giác mình là đồ bỏ. Giữ con cho vợ chạy đi công chuyện, con bé bò vô phòng, quơ trúng con dao nhỏ bị bỏ quên, nghe mùi tanh mới biết con đã đổ máu lênh láng… Vậy đấy, tất cả những gì ngoài sải tay người mù là mất quyền kiểm soát. Không thể biết mình có rơi xuống vực không dù chân kia đã ở miệng hố. Môi sưng vù, đầu nổi cục. Té dập đầu mẻ trán bao lần nhưng cuộc đời như dòng sông, đâu thể dừng lại một chỗ được. Có thịt nát xương tan cũng phải bước tới thôi. Trở thành gánh nặng cho người khác, cũng đồng nghĩa mình độc ác. Không vươn lên là tự hại bản thân mình. Là xấu hổ với sự hy sinh của đồng đội. Bằng mọi giá phải đứng được trên hai chân may mắn vẫn còn nguyên vẹn của mình.

Người đàn ông mù lòa bắt đầu cảm nhận cuộc sống bằng đôi tai. Và nhìn đời bằng đôi tay. “Mù thì đã sao, đâu phải duy nhất mình là người mù, không chết được thì phải sống!...”. Sau khi làm công tác tư tưởng cho bản thân, bác Văn tập làm những công việc bình thường như lúc còn sáng mắt. Bắt đầu tập dò dẫm định hướng di chuyển, tập quét nhà, quét sân. Những ngày đầu, không thể kể hết những lần bị té, làm đổ tháo đồ đạc... nhưng tất cả vẫn không làm bác nản lòng. Ngày mới tập ra đồng thăm lúa, cắt cỏ, cuốc đất, dọn bờ, bác té lên té xuống. Nhưng sau thì quen dần và rất thành thạo. "Lúc vợ chồng bắt tay cải tạo vườn tạp thành vườn trồng cây trái, hai đứa sánh đôi nhau, mỗi người mỗi cuốc, đánh rãnh để chuẩn bị xuống giống. Dù bị mù hai mắt nhưng cuốc không trật nhịp nào, tất cả đều ngay hàng thẳng lối. Hình như năng lượng và cả năng lực của người mù đều dồn cho đôi tay nên nó siêu phàm lắm. Trồng cây rồi rờ lá đoán bệnh. Lá to mà mỏng thì thiếu phân lân. Phải bón đủ phân lân, kali lá mới cứng, dày và cây mới cứng được. Nghe đài, nắm thông tin nơi có cây giống tốt, liên hệ tiêu thụ sản phẩm… Ổng làm hết" - bác gái tự hào kể thêm. 

3. Khi cuộc sống đã ngày càng vững vàng, bác Văn nghĩ đến những người không may bị mù, đặc biệt là những em nhỏ. Có lần bác đội mưa, rẽ bóng tối băng tìm đến nhà một em nhỏ bị mù ở cách biệt trung tâm để em ra thành phố học chữ, hòa nhập cuộc sống hiện đại. 

Đang trò chuyện sôi nổi, bỗng bác trầm ngâm: "Vẫn cảm ơn tất cả những gì đã đến với mình. Nhờ nó mà đã có cơ hội khai quật hết những năng lực tiềm tàng của bản thân. Chỉ ước, một điều ước nhỏ nhoi…".

- Còn điều trăn trở lớn nào khác, hả bác?

 - Mơ ước được một lần nhìn mặt con, xem mắt một mí hay hai, mũi cao hay thấp, da ngăm hay trắng, cười giống bố hay mẹ…
Tôi xúc động nghẹn ngào nhưng vẫn cố giữ giọng bình tĩnh:

- Con chỉ nói chúc mừng vì bác đã có một cô con gái tuyệt vời, xinh đẹp và đảm đang. Em ấy bảo vợ chồng đã có kế hoạch mở mang thành một khu du lịch nhà vườn hoành tráng hơn, thật vui vì bác đã có con gái nối chí cha…

- Thật không? Ai cũng nói vậy hết, mà tui chỉ sợ người ta an ủi...

- Thật 100% ạ.

Bác cười mãn nguyện. Tôi cũng cười, có điều phải đưa tay quẹt giọt nước đang lăn dài trên má.