Kỷ niệm 98 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2023):
Lương duyên nghề báo

THÀNH NAM 05:44, 15/06/2023

Tháng Sáu, Nam Tây Nguyên hay đến lạ. Cơn mưa chiều không hẹn trước cứ đến rồi đi bất chợt, để lại khoảng trời trong veo. Tháng Sáu, thật rộn ràng với những người làm báo khi Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6 đến rất gần. Với tôi, tháng Sáu mang theo những ký ức ngọt lịm về những ngày làm báo đầy yêu thương trên mảnh đất Lâm Đồng.

Tác giả tác nghiệp tại Trường Sa
Tác giả tác nghiệp tại Trường Sa

Tôi học văn nhưng chẳng giỏi giang gì. Vì vậy, không dám chọn nghề viết lách vì sợ mình không "kham" nổi. Vậy nhưng, cuộc đời không ai biết được chữ ngờ. Đời đưa đẩy, tôi đi làm báo. Kể cũng hay, dường như nghề chọn mình. Nghề báo đã vận vào tôi như một lương duyên kỳ lạ. Năm 2008, sau 4 năm kiếm con chữ lận lưng trên ghế giảng đường, tôi chưa định hình mình nên làm gì. Ngày đó, báo chí với tôi là nghề còn mông lung và xa xôi lắm. Không chỉ mình tôi mà trong cùng một nhóm bạn thân, việc trở thành phóng viên - nhà báo có lẽ là chuyện chưa bao giờ xuất hiện trong ý nghĩ. Cái nghề gõ bồng bềnh trên bàn phím phiêu du, cái nghề nghe tiếng lách cách vọng ra từ chiếc laptop trong đêm thanh vắng vẫn còn mơ hồ đối với một đứa sinh viên nghèo. Chưa định vị được mình làm gì. Cứ tưởng tôi lại quay về với nghề bốc xếp hải sản nơi Sài Gòn hoa lệ. Nghề bốc xếp hải sản - nghề đã đùm bọc tôi có cơm ăn ngày ba bữa. Nghề này đã cho tôi bao trải nghiệm với đủ đầy những nặng nhọc, tổn thương, bao dung và cả những ân tình. Cái nghề đã cho tôi bao đêm thức trắng, nghề đã khiến tôi thèm ngủ hơn thèm cơm. Cứ ngỡ rằng, thành phố hoa chỉ là nơi dành cho tôi những ký ức đẹp mỗi khi nhớ về. Vậy nhưng, mảnh đất này lại một lần nữa dan díu với cuộc đời tôi. 

Tôi trở lại Đà Lạt để làm báo. Được nhận về công tác tại Đài Phát thanh và Truyền hình Lâm Đồng, tôi bỡ ngỡ bởi đến lúc về nhận nhiệm vụ tôi cũng chưa định hình được làm báo là làm cái gì. Là dân tỉnh lẻ, giọng nói trọ trẹ mà lại làm ở Phòng Phát thanh, tôi nghĩ rằng cơ hội "sống sót" với nghề là rất hẹp. Tôi cho rằng, giọng trọ trẹ như mình giao tiếp với người đối diện còn khó nghe huống hồ là nói trên đài. Vậy mà vẫn cứ làm. Những ngày đầu làm báo, chưa biết viết tin như thế nào cho đúng, cho đủ. Để có thêm kiến thức, lãnh đạo Phòng Phát thanh cho tôi mượn những tập tin đã biên tập, đã được phát sóng mang ra đọc, nghiền ngẫm. Ngày hai buổi cứ lên Phòng Phát thanh đọc hết trang này đến trang kia, tin này đến tin khác, tin trong tỉnh rồi đến trong nước. Nghiền ngẫm từ tin "chay" đến tin có tiếng động, ở cơ quan đọc chưa hết còn xin phép mang về nhà đọc. 10 ngày đầu ở Phòng Phát thanh, tôi chủ yếu là đọc tin của các anh, chị, đồng nghiệp. Đọc đến "ngộ" chữ mà chưa viết được một cái tin cho ra hồn. Nản, đã nhiều lần, tôi định bỏ nghề. Lí trí bao lần nghĩ vậy mà vẫn chưa dứt ra được, vẫn còn dùng dằng lắm. Được sự động viên, chia sẻ và yêu thương của các anh, chị, đồng nghiệp ở cơ quan, tôi chưa thể chia tay với nghề báo. Đọc tin miết cũng chán, tôi xin các cô, chú, anh, chị, các đồng nghiệp được đi tác nghiệp cùng. Tự mình viết tin rồi sau đó nhờ họ sửa giúp.

Cuối cùng, những bản tin vắn cũng được tôi viết ra, thế nhưng chữ của đồng nghiệp biên tập, sửa lỗi cho tôi còn nhiều hơn chữ tôi viết. Vậy mà nhờ sự góp ý, sự chỉ dẫn đầy yêu thương, cuối cùng bản tin cũng được phát sóng. Niềm vui không thể tả nổi khi tôi được nghe bản tin đầu tiên của mình phát sóng ở trên đài. Thời gian có lẽ là điều đáng sợ nhất bởi nó có thể làm nhòa đi nhiều thứ. Tuy nhiên, bản tin đầu tiên của tôi được phát sóng trên Đài Phát thanh và Truyền hình Lâm Đồng đã hằn vào tâm trí mình với bao cảm xúc. Niềm vui ấy như một chất xúc tác để tôi tiếp tục gắn bó với nghề báo. Cảm xúc, niềm vui của bản tin đầu tiên đã tiếp cho tôi thêm niềm tin, lòng yêu nghề để tôi gắn bó thêm 3 năm làm báo phát thanh, 2 năm làm báo truyền hình cùng những năm tháng làm báo in và điện tử.

Hơn 10 năm làm báo với đầy đủ những buồn, vui lẫn lộn. Đó là sự lừng khừng giữa chọn và buông, giữa ngỡ ngàng và và nuối tiếc khi gặp một đề tài hay chưa kịp triển khai. Vậy nhưng cái lớ ngớ, ngô nghê, lạ lẫm của những ngày đầu tiên vào nghề với tôi vẫn còn tươi rói cảm xúc. Ngoài sự nỗ lực của bản thân, tôi luôn cảm thấy biết ơn nhiều lắm những ân tình, sự dìu dắt chỉ bảo của những đồng nghiệp, những cô, chú và các anh, chị đã một thời cưu mang mình. Nghề báo, ngoài cuộc đời đưa đẩy thì ân tình của đồng nghiệp có lẽ là điều tôi mãi khắc ghi.