Khi nhận được cùng lúc 3 cuốn sách với ba thể loại đều ra mắt một thời điểm của nhà văn Bích Ngân (hội viên Hội Nhà văn Việt Nam), tôi không ngạc nhiên, bởi đã phần nào biết về bút lực của chị....
Khi nhận được cùng lúc 3 cuốn sách với ba thể loại đều ra mắt một thời điểm của nhà văn Bích Ngân (hội viên Hội Nhà văn Việt Nam), tôi không ngạc nhiên, bởi đã phần nào biết về bút lực của chị. Truyện ngắn với cái tên tác giả Bích Ngân vốn quen thuộc với tôi từ cách đây hơn 20 năm, khi tôi còn là biên tập viên tờ Thanh niên chủ nhật của báo Thanh niên, và từng được chị chia sẻ những bản thảo đánh máy, khi nó chưa lên mặt báo, chưa in thành sách. Rồi sau đó, thi thoảng những tản văn của Bích Ngân được gửi đến, như một chia sẻ “nóng” với trang báo, bởi những gì chị viết không đơn thuần chỉ là cảm xúc, nó luôn gắn với một sự kiện, một quan điểm thời sự, đời sống. Gần đây tác giả có “khoe” với tôi về thể loại mới: truyện hài hước. Tôi cũng không thấy lạ, bởi cứ hình dung nụ cười tủm tỉm duyên dáng, lối nói thẳng, trực diện, “đánh” trúng vấn đề, nhất là sau thành công của chị trong lĩnh vực viết kịch bản sân khấu, vốn cần đến những mảng miếng, nút thắt, giải quyết tình huống bằng những đột phá, bất ngờ... tôi tin rằng chị viết truyện hài hước cũng sẽ rất hấp dẫn, hiệu quả.
|
Nhà văn Bích Ngân |
Điều đó quả thật đã chứng minh bằng sự ra đời của 3 tác phẩm: Đường đến cây cô đơn (Tập truyện ngắn), Tiếng gọi bến bờ (Tản văn và Tạp bút), và Anh nhớ em muốn chết (Tập truyện hài hước) của Bích Ngân do Nhà Xuất bản Tổng hợp TP Hồ Chí Minh ấn hành quý III năm 2019.
Với Tiếng gọi bến bờ, Bích Ngân dành những trang viết cho nỗi trăn trở với cuộc sống qua những tự vấn của một người cầm bút từng trải, ở độ tuổi am tường và nhìn nhận sâu xa bản chất sự vật, sự việc. Trong đó cũng nêu những tấm gương trí thức, những gương mặt văn nghệ sĩ để cùng họ tạo nên những “giá trị tinh thần, cùng những va đập, những day dứt, những khát vọng sáng tạo cũng như sự cống hiến lặng lẽ của họ”, như lời tác giả bộc bạch. Tác phẩm Anh nhớ em muốn chết mang đến tiếng cười giễu nhại nhưng không nhạt, nhẹ giải trí đơn thuần mà khéo léo như một nhà tâm lý học, xã hội học “giải phẫu”những vấn đề của đời sống, của nhân cách phụ nữ - đàn ông, và vẫn trên tinh thần “Văn chương với tôi là cái nghiệp, còn viết truyện hài hước chỉ là một hình thức thể hiện mà thôi” như trả lời phỏng vấn của chị trên báo Phụ nữ Việt Nam. Tập truyện ngắn “Đường đến cây cô đơn” của Bích Ngân chinh phục độc giả yêu văn chương bằng sức nặng riêng, bởi đó là những truyện thể hiện được thế mạnh của một cây viết chín muồi, dày dạn kinh nghiệm, cũng như chuyển tải được những trăn trở tận tâm tận lực của nhà văn trước những vấn đề xã hội với độ nén cao.
Tôi muốn nói sâu hơn về tập truyện ngắn của chị, theo tôi, đó là điểm nhấn cảm xúc và tư tưởng trong bộ ba tác phẩm này. Đường đến cây cô đơn là tên một truyện ngắn trong cuốn sách (đã đăng trên Lâm Đồng Cuối tuần ngày 19/7/2019), trong đó chị chọn một câu thoại của nhân vật làm slogan của tập truyện “Cây nào đứng thẳng cũng đều là Cây cô đơn”. Thật ra đó là một câu nói thốt ra bất chợt của nhân vật Tứ - người chồng, như trong đời chúng ta hay thốt ra những câu nói vô tình trong tình huống nào đó và nó bỗng chuyển tải một ý niệm sâu xa, một xác quyết được thừa nhận. Ở đây, trong một tình huống, khi Bích - người vợ canh cánh với mong muốn bất chợt là tìm đến Cây cô đơn như một địa chỉ check in lạ kỳ độc đáo, xác định một cái thực trong cái ảo, Tứ đã bay lên Đà Lạt với cô. Những tưởng họ sẽ có một khoảng thời gian ngọt ngào, lãng mạn và mới mẻ, để thực hiện một ý thích, ý tưởng mạo hiểm, thú vị, để cuộc sống nhàm chán có sự xoay chuyển nào đó cần thiết, thì điều họ không ngờ là những chi tiết nhỏ nhặt như delay chuyến bay, như mẩu tin từ thiện phát trên ti vi... bỗng phá vỡ tất cả. Để rồi bất chợt người ta nhận ra sự cô đơn của những cái cây đứng thẳng. Cái kết lửng không đưa hai con người tới địa điểm tồn tại của Cây cô đơn, mà khiến họ thừa nhận một điều rằng “trong cõi nhân gian vừa rộng vừa hẹp này, dường như, mỗi chúng ta đều là một Cây cô đơn”. Nhưng tại sao đó không phải là “phát hiện” của Bích, mà lại là câu nói thốt ra từ Tứ? Về mặt thủ pháp, tác phẩm của nhà văn Bích Ngân luôn làm được điều này: chị “nhặt” ra trong cuộc sống những triết lý hiển nhiên mà cô đọng, nó nói lên cả một vấn đề xã hội, vấn đề con người, vấn đề cuộc sống, để tự bạn đọc đeo đuổi nghĩ suy và liên tưởng. Truyện ngắn của chị vì thế mà bám rễ vào tâm trí người đọc.
Cùng chủ đề với truyện ngắn Đường đến cây cô đơn là những truyện ngắn Kẹt trong sương mù, Khoảnh khắc trăm năm cô đơn. Các đôi vợ chồng như Huy và Thùy, Yên và Ngôn đều có nỗi cô đơn của những khoảng trời riêng, trong đó người đàn ông đóng vai trò của những nhân vật thiếu chia sẻ và thấu hiểu. Với Huy là sự vô cảm, chỉ một trò vui vô thưởng vô phạt như cái máy đánh bạc đủ kéo anh ra khỏi “tuần trăng mật” lẽ ra đã có được với Thùy. Còn với Ngôn, anh say sưa câu cá, thả mồi, không quan tâm đến cái thế giới tinh thần mê đắm mà cũng đầy trăn trở, trằn trọc của Yên với những cuốn sách, ngay cả khi tin về cái chết của Gabriel Garcia Marquez, nhà văn mà nàng yêu thích, làm rúng động lòng nàng... Ở các truyện ngắn Cánh rừng vĩnh cửu, Thời gian vẫn đang trôi, sự cô đơn đôi khi được đẩy lên đến tột cùng, nó khiến nhân vật tưởng tượng ra cả một bóng hình ảo ảnh, để được chia sẻ, đồng cảm; hay phải tự lần víu ngược từng con sóng để thoát khỏi cái chết...
|
Ba tác phẩm: Tiếng gọi bến bờ, Anh nhớ em muốn chết, Đường đến cây cô đơn của nhà văn Bích Ngân |
Ở một mảng khác của cuộc sống thời nay, người ta thấy một Bích Ngân mổ xẻ tinh tế và sắc cạnh vào sự thay đổi của con người, của cá nhân trong một xã hội phát triển với sự đề cao vật chất và thực dụng. Trong Rượu bốn mươi năm, là cái vị đắng ngắt xen lẫn cay chát như nước mắt của ông Út khi thấy đứa con trai mình trưởng thành, cùng những đứa cháu có vai vế xã hội nhờ vào thủ đoạn và lợi dụng công sức, sự hy sinh xương máu của cha ông. Cái đau và sốc của ông không hẳn là khi biết chai rượu mà con cháu hưởng thụ - nói là “loại thường thường bậc trung” nhưng giá bằng “mấy mùa bắp, mấy mùa dưa của tao với thím mày”, mà là cái đau khi chúng thản nhiên đến vô cảm. Dù câu chuyện khác nhau, nhưng cùng là nỗi đau của một thế hệ những con người chính trực, đã cống hiến, hy sinh cho đất nước trong thời chiến, nay phải đối mặt với thực tế thời bình nhan nhản cái xấu, cái ác, như ông Trưởng ban quản trị trong Cuộc chiến khác, rơi vào cái bẫy nghiệt ngã của những kẻ cho vay nặng lãi, lũng đoạn cuộc sống dân lành mà chính ông đang đấu tranh… Một đám rước, Gió lạnh cũng là những truyện ngắn chuyển chở thông điệp, tâm tư trĩu nặng của tác giả về con người thời hiện đại. Khi mải chạy theo đồng tiền, danh vọng và trọng thị nó, nhiều người trẻ đã trở nên vô cảm, họ đã quên đi rất nhiều ân tình quá khứ, quên đi lòng tốt, tình cảm ruột rà của những con người bình thường, dung dị nhưng lại chính là rường mối xây dựng nên xã hội nhân bản, tốt đẹp.
Tập truyện ngắn cũng dành cho bạn đọc những cảm xúc yên bình, lắng đọng với những tác phẩm mà tác giả viết từ những chuyến đi đáng nhớ như Đêm biên giới, Người đàn bà góa trên chuyến tàu Trường Sa, Bên dòng sông Ray, hay Chuỗi ngọc từ cao xanh - câu chuyện xung quanh cuộc gặp gỡ, tâm tình trong một đêm trăng của những văn nghệ sĩ. Thấy ở những truyện ngắn này cái tình của tác giả và tính nhân văn thấm đẫm trong từng con chữ, hơi thở cuộc sống luôn nóng hổi với những vấn đề thời sự của đất nước mà người cầm bút chân chính luôn đau đáu khôn nguôi. Dù với những cái kết mở, nhưng nhà văn Bích Ngân luôn mang đến cho bạn đọc niềm tin vào những điều tốt đẹp, có hậu, ngay cả khi những nhân vật ấy thiệt thòi, mất mát, hay đơn độc. Nhà văn Anton Chekhov, nhà cách tân nghệ thuật kịch, một bậc thầy truyện ngắn của Nga và thế giới, từng nói: “Hãy nhớ rằng chỉ cần có một từ hay, một tên gọi đích đáng nào đó, cốt truyện sẽ tự đến”, và điều này rất tương đồng, dễ nhận ra trong phong cách truyện ngắn của nhà văn Bích Ngân.
3 cuốn sách không chỉ chứng tỏ sự đa tài, mà đó là nhiệt huyết văn chương của chị, trong đó, tập truyện ngắn Đường đến cây cô đơn là tác phẩm để nhà văn được cháy hết mình trong những khoảnh khắc cô đơn, như chị nhắn riêng cho tôi “cần nuôi dưỡng sự cô đơn... nhiều khi thật hạnh phúc khi đủ cô đơn em à”.
BÍCH HẠNH