Nghề truyền thống đang gặp không ít khó khăn trong nhịp sống hiện đại là điều dễ nhận thấy. Thế nhưng, trong bối cảnh đó, có một số nghề đang từng ngày "hồi sinh" nhờ lớp người trẻ dám nghĩ, dám làm. Một trong số đó là Tổ hợp tác sản xuất rượu cần và dệt thổ cẩm tại Buôn Go (thị trấn Cát Tiên, huyện Cát Tiên).
Nghề truyền thống đang gặp không ít khó khăn trong nhịp sống hiện đại là điều dễ nhận thấy. Thế nhưng, trong bối cảnh đó, có một số nghề đang từng ngày “hồi sinh” nhờ lớp người trẻ dám nghĩ, dám làm. Một trong số đó là Tổ hợp tác sản xuất rượu cần và dệt thổ cẩm tại Buôn Go (thị trấn Cát Tiên, huyện Cát Tiên).
|
Thế hệ trẻ luôn mong muốn sẽ gìn giữ và phát huy được nghề truyền thống của ông cha để lại. Ảnh: T.Hiền |
Nghề dệt truyền thống cùng hương vị rượu cần
Không những có thêm nguồn thu nhập cho nhiều lao động là người đồng bào dân tộc thiểu số gốc Châu Mạ; nghề dệt thổ cẩm truyền thống và ủ hương vị thơm nồng của rượu cần đã góp phần tạo nên một Buôn Go mang những nét rất riêng ở thị trấn Cát Tiên.
Trò chuyện cùng chúng tôi, chị Phạm Thị Thúy - người gắn bó với việc làm rượu cần suốt gần 15 năm qua của cha ông tâm sự: “Rượu cần và dệt thổ cẩm là hai thứ không thể thiếu trong các dịp lễ quan trọng của người đồng bào dân tộc Châu Mạ. Trong các bước làm rượu cần, chóe là bước quyết định hũ rượu đó ngon hay dở. Trước khi làm rượu thì phải rửa chóe thật sạch bằng nước nóng ngâm lá cây rừng, lau khô, sau đó phơi thật khô dưới ánh nắng mặt trời. Nếu phơi chóe càng lâu thì rượu cần trong thời gian ngâm sẽ không bị chua, thơm hơn, có vị ngọt hơn”.
Với chị Thúy, không quá khó để có được một chóe rượu cần ưng ý, đậm đà hương vị người Mạ, nguyên liệu chủ yếu để làm ra rượu cần là gạo và men. Đầu tiên cần lựa chọn loại gạo thơm ngon nhất, nấu chín để nguội, rồi trộn với men được chiết từ vỏ cây rừng. Thông thường, men được làm từ cây rừng, rồi giã thành bột trộn chung với cơm đã được nấu, hỗn hợp này sau đó được ủ vào chóe.
“Thông thường khoảng 3 tháng có thể sử dụng được. Còn thời gian ủ càng lâu thì rượu càng ngon, độ đậm đặc nước cốt tăng lên, thơm mùi của nếp và đắng của men vỏ cây rừng”, chị Thúy nói.
Cũng như rượu cần, nghề dệt thổ cẩm truyền thống lâu nay đã trở thành nét đặc sắc riêng, tồn tại qua bao thế hệ. Ngồi miệt mài bên khung dệt để tạo ra những sản phẩm thổ cẩm màu sắc, đẹp mắt với nhiều công dụng như tấm đắp, khố, váy,… đã dần quen thuộc khi nhắc đến người con gái Châu Mạ.
Chỉ với một bộ khung gồm nhiều thanh gỗ và tre đơn sơ, gọn nhẹ nhưng người Mạ đã tạo nên những tấm thổ cẩm với các đường nét hoa văn sinh động. Cách nhuộm màu cho sợi của người Mạ cũng rất công phu. Bà con phải vào tận rừng sâu tìm những cây lá, củ, quả có màu sắc đem về giã nhỏ hoặc mài bột để nhuộm sợi.
Điểm độc đáo, đậm chất văn hóa bản địa được nhiều người đánh giá cao chính là sự kết hợp khéo léo về màu sắc, hoa văn cùng chất liệu để cho ra một sản phẩm đậm chất riêng của người Châu Mạ.
|
Những sản phẩm của Tổ sản xuất rượu cần và dệt thổ cẩm luôn được trưng bày tại các chương trình, lễ hội của địa phương. Ảnh: T.Hiền |
Khi người trẻ quyết tâm giữ nghề
Buôn Go được xem là nơi có bề dày truyền thống văn hóa với những nghề truyền thống như: cồng chiêng, dệt, làm rượu cần, rèn... Để giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc mình, đầu tháng 6/2018, Đoàn thanh niên trong bản đã quyết tâm thành lập “Tổ hợp tác sản xuất rượu cần và dệt thổ cẩm”, thu hút đông đảo các thành phần dân cư ở nhiều độ tuổi tham gia sinh hoạt, nhất là lớp trẻ.
Cũng như bao bạn trẻ trong Buôn Go, chị Phạm Thị Thúy luôn mong muốn thế hệ mai sau sẽ là những nhân tố mới, gìn giữ và phát huy nghề truyền thống. “Đối với mỗi người con Châu Mạ, chóe rượu cần hay những tấm thổ cẩm là hai thứ luôn hiện hữu và không thể thiếu trong các dịp lễ quan trọng. Đó không còn là thức uống bình thường, tấm vải giản đơn mà từ lâu, những thứ đó đã gắn liền với đời sống tâm linh của con người nơi đây” - chị Thúy bộc bạch.
Nâng niu tấm thổ cẩm đang dệt dở trên tay, cô bạn trẻ Tiểu Thị Như (19 tuổi) - người đang tham gia tổ hợp tác vui vẻ nói: “Vừa tham gia tổ hợp tác là em đã bị cuốn hút bởi từng họa tiết trên những tấm thổ cẩm rồi. Trong các buổi sinh hoạt của tổ, em đã được các nghệ nhân, các già làng chỉ dạy cho rất nhiều cách dệt thổ cẩm như thế nào cho đúng hoa văn của người Mạ. Qua đó, em đã hiểu thêm ý nghĩa và càng nâng niu, trân trọng hơn những giá trị văn hóa của người xưa để lại”.
Cùng quây quần với các bạn trẻ Buôn Go những ngày mưa, bên bếp lửa hồng, mọi người cùng nhâm nhi chút rượu cần ấm nóng trong chóe, rồi nhìn ngắm những tấm thổ cẩm hoa văn giản đơn nhưng cũng đủ khiến nhiều người phải lưu luyến và nhớ nhung về một tổ hợp tác sản xuất rượu cần và dệt thổ cẩm bản địa.
Chị Đào Thị Lê - Bí thư Đoàn thị trấn Cát Tiên cho biết, thời gian qua, mô hình “Tổ hợp tác sản xuất rượu cần và dệt thổ cẩm” của Buôn Go luôn được chọn là hạt nhân nòng cốt trong các chương trình hoặc hội thi về nghề truyền thống. Hơn nữa, những lần tập hợp để cùng nhau ủ rượu hay dệt sẽ giúp cho lớp trẻ hiểu hơn về bản sắc văn hóa và ý nghĩa của việc lưu giữ nghề truyền thống của người đồng bào dân tộc thiểu số gốc Châu Mạ.
THÂN THU HIỀN