Khói chiều Ba mươi

02:01, 28/01/2020

(LĐ online) - Ấy là ngọn khói đặc biệt, tỏa ấm không gian chiều cuối năm nhiều dự cảm, âm vang trong lòng những kẻ tha phương tiếng réo gọi quay về cố xứ, bởi Tết đã kề cận.

(LĐ online) - Ấy là ngọn khói đặc biệt, tỏa ấm không gian chiều cuối năm nhiều dự cảm, âm vang trong lòng những kẻ tha phương tiếng réo gọi quay về cố xứ, bởi Tết đã kề cận.
 
1. Thì khói vẫn là khói như muôn năm cũ. Sự khác biệt đến từ tâm thái con người, khi muốn neo ngọn khói đó vào cái nút điểm chênh chao chiều Ba mươi Tết, để ký thác, gửi gắm yêu thương, để trở về sum vầy bên gia đình, để tri ân đấng sinh thành, để tưởng nhớ ông bà, tổ tiên. Vì thế, ngọn khói có nỗi dùng dằng và cả cái thảng thốt, vang động như kiểu người già khó ngủ chợt thức giấc giữa khuya. Tiếng vang động ấy từ đâu và ai là người réo gọi thì chẳng ai xác định được rõ ràng. Tuy vậy, ta ngầm hiểu tạm với nhau rằng, đó có thể là tiếng réo gọi của nhúm nhau ta mà cha ta đã chôn vào ruột đất khi ta ra đời, cũng có thể là tiếng réo gọi của những tháng ngày thơ ấu, của khúc ru mẹ ầu ơi bên cánh võng, của một bếp lửa nồng ấm yêu tin, vân vân. Nó giống như tiếng réo gọi của nước với những con cá, tiếng réo gọi của rừng xanh với muông thú, tiếng réo gọi của bầu trời với những cánh chim tự do. Tiếng réo gọi đó bí nhiệm và mầu nhiệm khiến cho ta tần ngần và ta tìm mọi cách để trở về chốn quê xưa nguồn cội, dù chỉ là trở về trong lần giở ký ức nhớ thương.
    
Bên mâm cơm đoàn viên, ta mang về những câu chuyện dãi dầu đường xa đất khách, tủi tủi mừng mừng, nhỏ to san sẻ, ru rín yêu thương. Thật buồn biết mấy khi ai đó trong số những đứa con tha phương như ta vì một lý do đặc biệt, không thể về cố xứ ăn Tết.
 
2. “Về quê ăn Tết!”, không đơn thuần là lời réo động, nó còn chứa đựng cả quan niệm sống, một thái độ ứng xử trên nền tảng lòng biết ơn nguồn cội trong cảm thức “Ai không có quê hương, kẻ đó không có đồng loại”. Cảm thức đó vĩnh hằng trong trái tim toàn nhân loại. Nó càng được củng cố bởi sự chộn rộn, xốn xang của những người đi làm ăn hoặc sinh sống xa cố xứ trong dịp Tết. Ai cũng vậy, đều thao thức tự nhủ: “Mình phải về cho kịp ngày Ba mươi Tết!”.
    
 “Mình phải về cho kịp ngày Ba mươi Tết!”, không hẳn là việc thực hiện nghĩa vụ của người con hiếu lễ với cha mẹ, mà cao và sâu hơn thế, đó như thể cuộc hành hương tìm về ẩn ức quê xứ, để di dưỡng và thanh tẩy tâm hồn, để tiếp thêm nghị lực cho chặng đường phía trước. Ghé lại cố xứ chiều Ba mươi Tết, tự tay thắp một nén nhang lên bàn thờ tổ tiên, trong bát ngát hương trầm tỏa bay, tưởng như từng sợi khói thơm kia có bóng dáng người xưa đang trở về. Ta tĩnh lặng dõi vọng bóng dáng của tổ tiên trong nhang thơm, nghĩ về điều linh thiêng, những ước vọng kiếp sống, những hoài bão bao đời mà ông cha giống nòi gửi gắm, nghĩ về người thân ta nay đã không còn. Buổi chiều hôm ấy, ta theo mẹ ta cùng con cháu mang nhang ra nghĩa địa làng thăm phần mộ những người thân của mình, khấn vái mời những người thân trong gia đình đã khuất về ăn Tết.
     
Tết của người Việt thiêng liêng là bởi không chỉ dành cho người đang sống, mà còn để tưởng nhớ người đã khuất. Tất cả giao thoa quyện chặt giữa hai cõi dương - âm, giữa hiện tại - quá khứ, cùng hướng đến tương lai. Sau khi mời những người đã khuất về ăn Tết, tất cả các thành viên trong gia đình lại tất bật chuẩn bị mâm cỗ cúng giao thừa.
 
3. Ngay từ ngày còn rất trẻ, ta đã phải sống xa quê, rồi biền biệt năm này qua năm khác, họa hoằn lắm mới ghé về thăm đấng sinh thành và lại vội vã rời đi, chỉ kịp gửi lại chút quà mọn. Trong những lần về rồi đi chóng vánh ấy, ta như kẻ trốn chạy, chẳng dám nhìn vào đôi mắt buồn thương, trống trải của mẹ. Ta rời khỏi nhà được một quãng xa, mới len lén ngoái lại nhìn vẫn thấy mẹ ta đứng đó trông theo. Mẹ ta là thế! Cả một đời đắng đau nuôi con, thờ chồng.
     
Ánh mắt mẹ ta nhìn ta khi ta rời xa tổ ấm, trở thành một ám ảnh nhắc ta luôn quay đầu nhìn về cố xứ, mặc cho đôi chân ta mải rong ruổi trên vạn nẻo đường xa ngái. Ở đó, mẹ ta vẫn ngày đêm đỏ mắt mong ngóng bước chân ta trở về, nhất là vào thời khắc cái mùi nhang trầm đã tỏa bay dìu dặt trong ngọn khói chiều Ba mươi Tết. Phút giây linh thiêng đó, dù ở quê nhà hay đất khách, ta cũng rưng rưng thắp một nén nhang trầm, thành kính dâng lên bàn thờ tiên tổ mời người về ăn Tết cùng con cháu. Trong khói nhang trầm, ta cảm nhận rất rõ một thứ hơi ấm diệu kỳ, chầm chậm tỏa lan trong lòng mình nhẹ bẫng, bâng khuâng.
 
Ngoài kia, gió xuân cũng đã xôn xao, người người cũng đã rộn rã những câu chuyện Tết, cành mai cũng đã bung nụ, e ấp, rạo rực mừng đón xuân về.
 
Tạp bút: TRỊNH CHU