Mái đình giữa phố

06:01, 20/01/2020

Người Việt dù đi muôn nơi vẫn giữ truyền thống ly hương nhưng không ly tổ. Đi đến đâu, họ cũng mang theo cả tập tục sinh hoạt của mình đến đó, mà dấu ấn rõ nhất là đình làng...

Người Việt dù đi muôn nơi vẫn giữ truyền thống ly hương nhưng không ly tổ. Đi đến đâu, họ cũng mang theo cả tập tục sinh hoạt của mình đến đó, mà dấu ấn rõ nhất là đình làng. Những mái đình trong lòng thành phố Đà Lạt, nhỏ nhắn, khiêm nhường và đã nhuốm màu xưa cũ, nhưng chứa đựng trong đó là cả câu chuyện lịch sử, văn hóa của những lưu dân đến định cư từ xa xưa.
 
Những ngày tết cổ truyền đang đến thật gần, mái đình nào cũng được dọn dẹp, chăm chút để đón chào một năm mới. Đi đến đâu, dù là đình Thái Phiên ở Phường 12, đình Nghệ Tĩnh ở Phường 8, đình Ánh Sáng hay đình Đà Lạt ở Phường 1, hễ mở miệng nói là đều gặp được đồng hương. Những tiếng nói nhẹ nhàng xứ Bắc hay trọ trẹ miền Trung vang giữa những ngày tháng Chạp, giữa thơm nức mùi gừng, mùi kiệu, ngỡ như quê nhà những ngày giáp tết đang ở thật gần.
 
Cổng đình làng Thái Phiên
Cổng đình làng Thái Phiên
 
1. Thời điểm này, làng hoa Thái Phiên đang tất bật cho vụ hoa lớn nhất trong năm. Mặc dù Festival Hoa Đà Lạt 2019 đã kết thúc gần một tháng, nhưng dấu ấn của lễ hội hoa thì vẫn còn vương lại ở đây khi lối dẫn vào đình vẫn rực rỡ sắc hoa và các tấm pano quảng bá. Người dân ở đây đi lên từ hoa, nhờ những cúc, lyly, cát tường,... mà xây dựng cuộc sống ấm no, mà phát triển kinh tế. “Cuộc sống từ những ngày đầu khai hoang lập ấp nương nhờ vào nông nghiệp, nên người dân luôn coi trọng đời sống tâm linh, cầu cho mưa thuận gió hòa để an cư lạc nghiệp” - ông Nguyễn Hữu Trúc, Trưởng Ban Quản lý đình Thái Phiên chia sẻ khi dẫn chúng tôi thăm đình. Người đàn ông năm nay đã 80 tuổi, vẫn nhanh nhẹn, khỏe mạnh đùa rằng: “Bây giờ, người ta gọi là Trưởng ban quản lý, còn ngày xưa chúng tôi gọi là Trưởng làng - nghe nó giản dị, gần gũi và thân thiết hơn nhiều, như đang ở làng, ở quê mình”.
 
Được xây dựng từ tháng 2/1968 và hoàn thành một năm sau đó, đi qua bao mùa nắng mưa, đình Thái Phiên nay đã nhuốm màu thời gian với mái ngói bạc màu, rêu phong và cánh cửa cũ kỹ. Đình rộng 3 gian, có hình dáng chữ Nhất, quy mô vừa phải và mang dáng dấp đặc trưng của kiến trúc đình làng Việt. Ở đó, xen giữa kiến trúc, họa tiết rất Huế, rất Quảng là những bóng liễu, bóng thông đặc trưng của Đà Lạt, như một sự giao thoa giữa các vùng miền. Và là một không gian mở, không có tường, không có hàng rào bao bọc xung quanh, như một sự kết nối vô hình với người dân.
 
Hàng năm, vào dịp Xuân Thu nhị kỳ (16/2 và 16/7 Âm lịch), con cháu ở vùng đất Thái Phiên hay những người đi làm ăn xa lại tề tựu về để cùng tổ chức nghi lễ thờ cúng tổ tiên, thần bảo hộ, các vị tiền hiền và hậu bối đã có công mở đất lập làng. Hơn 40 năm đứng tế, xướng văn, ông Trúc bảo rằng đó là thành quả của bao nhiêu năm nghiên cứu sách vở mà ông cha để lại hay học hỏi từ những người đi trước. Bây giờ, lại có những người trung niên đứng hai bên hầu rượu vào mỗi dịp tế lễ. Đó sẽ là thế hệ thừa kế và tiếp nối ông Trúc một ngày ông không còn mạnh khỏe như bây giờ. 
 
Ngoài ngôi đình chung Thái Phiên, Phường 12 còn có 4 đình làng riêng là Phước Yên, Nam Phò, Thanh Lương và Kế Môn. Những ngày này, mọi ngôi đình đã bắt đầu được dọn dẹp và trang hoàng để 30 Tết, các bô lão trong làng làm lễ đón ông bà, thần linh về ăn tết. Thái Phiên là vùng hoa, nên hoa được dâng lên đình cũng là hoa do bàn tay người dân ở đây trồng nên, trên chính mảnh đất này. Đó như là một lời cảm tạ chân thành và ý nghĩa nhất đối với những vị hiền nhân đã có công lập ấp, lập làng.
 
Đình Thái Phiên
Đình Thái Phiên
 
2. Nằm lặng lẽ sau lưng những dãy nhà san sát, trong cái nắng tháng Chạp vàng như mật, đình Nghệ Tĩnh hôm chúng tôi đến thơm lừng mùi mứt, bởi những nhà dân quanh đó đã rộn ràng chuẩn bị đón tết. Cụ bà Lãng đang đảo mẻ mứt cà rốt trên bếp than, hướng mặt về phía mái đình khoe rằng: Dù tên là đình Nghệ Tĩnh, nhưng không riêng gì người Nghệ An, Hà Tĩnh, mà ai cũng có thể đến đây thắp nhang, nhất là vào dịp tết. Sáng mồng Một, sau khi đi chùa, viếng mộ, bà con lại lên đình để cầu cho một năm mưa thuận gió hòa. Điều đó đã trở thành một truyền thống của người dân nơi đây.
 
Đình Nghệ Tĩnh được xây dựng vào năm 1940, ngoài thờ cúng thổ thần, các vị tiền hiền có công khai hoang vùng đất như các đình khác, nơi đây còn thờ các vị anh hùng liệt sĩ hy sinh trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh và Đức thánh Trần Hưng Đạo. Ngoài ra, đình còn có gian thờ các nam vong linh và nữ vong linh - là những người con tha phương, sinh sống, làm ăn và nằm lại trên chính mảnh đất mà họ chọn làm quê hương thứ hai này.
 
Là người nắm rõ lịch sử của đình Nghệ Tĩnh, cụ Nguyễn Trung năm nay đã 93 tuổi, mắt đã mờ, chân đã run và giọng nói thều thào, nhưng cụ vẫn say sưa nhắc về những thăng trầm của đình làng. Rằng lúc lập ấp, người dân dù còn khó khăn nhưng vẫn góp công, góp của xây đình để cúng tế và tập hợp bà con trao đổi cung cách làm ăn. Và cụ vẫn luôn tự hào rằng những người lập ấp Nghệ Tĩnh đều là những đảng viên yêu nước. Tuổi già sức yếu, giờ đây, cụ chỉ đứng đằng sau để hướng dẫn thế hệ sau lo hết mọi việc cúng bái, mà cụ thể ở đây là ông Trần Đức Chúc - người dẫn chúng tôi thăm đình.
 
Sinh ra, lớn lên và lập nghiệp ngay tại nơi này, ông Chúc - năm nay 78 tuổi, tự hào khi mình là thế hệ thứ hai của ấp Nghệ Tĩnh, và đã gắn bó cả cuộc đời với mái đình này. Tuổi thơ của ông Chúc là những ngày lên đình học chữ khi chưa có trường học. Thế nên, đình Nghệ Tĩnh đã trở thành nơi gắn bó, gần gũi và thân thiết với ông và con cháu trong ấp từ ấu thơ cho đến bây giờ. 
 
Ông Trần Đức Chúc vẫn thường xuyên đến quét dọn trong đình Nghệ Tĩnh dù đó không phải chức trách của mình
Ông Trần Đức Chúc vẫn thường xuyên đến quét dọn trong đình Nghệ Tĩnh dù đó không phải chức trách của mình
 
3. Theo các tài liệu, dấu tích việc “lập ấp, đẻ làng” ở Đà Lạt là ngôi đình Đa Lạc (Đà Lạt), xây dựng năm 1920. Khi tới Đà Lạt để mưu sinh, những người con xa quê hương phải đối mặt với nhiều khó khăn trong cuộc sống. Luôn mang nặng hình ảnh làng quê Việt Nam với “cây đa, giếng nước, sân đình”, đình Đà Lạt ra đời như là điểm tựa về tinh thần cho người dân.
 
Đình Đà Lạt được xây dựng từ năm 1920, nhưng đến năm 1936 đã thực hiện đại trùng tu và giữ nguyên dáng vẻ của đình cho đến bây giờ. Nét văn hóa về tâm linh và tinh thần vẫn được giữa vẹn nguyên . Ông Nguyễn Đức Đôn - Trưởng Ban Trị sự đình Đà Lạt, người đã tròn 60 năm rời làng quê Huế để gắn bó với mảnh đất lạnh này, chia sẻ: Ở đây, hầu như gia đình nào cũng có bàn thờ gia tiên. Ngày tết, ngày giỗ (kỵ) vẫn được duy trì đều đặn, trước hết là để tưởng nhớ đến người đã khuất, sau đó là dịp để tụ tập anh em, họ hàng. Tương tự các ngôi đình khác ở Việt Nam, nếu ngày mai cúng tế, chiều hôm trước, mọi người trong làng ấp phải dọn sạch sẽ các gian đình, bệ thờ, hương hoa đèn nến. 
 
Trước đây là thư ký của Ban trị sự, rồi khi ban cố vấn tiền nhiệm đã qua đời hết, ông Đôn lại thay họ đảm nhận công việc Trưởng Ban trị sự đình Đà Lạt. Tuổi cao và đôi chân không còn mạnh, nhưng vì mong muốn gìn giữ truyền thống để con cháu đời sau được tiếp nối, ông vẫn hàng ngày lui tới mái đình, bằng cả sự nhiệt tâm và tinh thần trách nhiệm của một người con xa quê luôn hướng về cội nguồn.
 
Một góc mái đình Nghệ Tĩnh
Một góc mái đình Nghệ Tĩnh
 
4. Không chỉ là một ngôi nhà cộng đồng của bà con làng xóm, đình làng đã trở thành một nơi thân quen gần gũi, nơi che chở, điểm tựa tâm linh của những người dân. Qua bao thăng trầm của thời gian và lịch sử, nét văn hóa ấy vẫn được gìn giữ và lưu truyền để những người con dẫu đi muôn phương vẫn quay trở về, quây quần, tề tựu cầu cho một năm mưa thuận, gió hòa.
 
Ông Hồ Thanh Hoàng - cán bộ Phòng Văn hóa thông tin TP Đà Lạt, cho biết: Theo thống kê, trên địa bàn thành phố Đà Lạt hiện có 86 đình, đền, nhưng chỉ có 4 đình được công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh. Các đình đa phần đều đã xuống cấp và đang xin kinh phí để tu bổ, sửa chữa. Đó là nơi để người dân sinh hoạt đời sống văn hóa tinh thần, để những người con từ mọi miền về lập nghiệp có dịp ôn lại truyền thống cội nguồn của dân tộc.
 
Sự hiện hữu của những ngôi đình với những giá trị lịch sử - văn hóa có ý nghĩa rất lớn trong tiến trình lịch sử xây dựng vùng đất Đà Lạt. Chúng đã góp phần đánh dấu sự giao thoa, hội nhập văn hóa của người Kinh trong nền văn hóa đa dạng của cộng đồng các dân tộc Cil, Lạch nơi đây. Với những giá trị này, UBND tỉnh đã lần lượt công nhận đình Thái Phiên, đình Nghệ Tĩnh, đình Trường Xuân (xã Xuân Trường) và đền thờ Quốc tổ Hùng Vương (Phường 6) là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.
 
Cùng với những công trình, lễ hội của những dân tộc sống lâu đời tại Lâm Đồng… sự tồn tại của những ngôi đình, việc duy trì lễ cúng đình, tế Xuân của người dân thành phố hoa có ý nghĩa đặc biệt, nó vừa giáo dục về truyền thống, lịch sử, vừa củng cố sợi dây liên lạc thiêng liêng giữa tất cả các thành viên trong cộng đồng. Và trên tất cả, những mái đình giữa phố như một chốn bình yên, tĩnh lặng, nơi chốn để nhớ thương, để đón đợi khi quay về.
 
Những ngày cuối tháng Chạp, chúng tôi đã đến và rời đi với lời mời tháng 2 trở lại trong dịp tế Xuân, để được thấy văn hóa Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Nghệ An, Hà Tĩnh... vẫn thấm đẫm trên những làng hoa lâu năm, để được gặp đồng hương với tình cảm thân thương của những người con xa xứ.
 
Ghi chép: VIỆT QUỲNH - HỒNG THẮM