Nhiều người biết anh, mến mộ anh, tiếc thương anh và cũng nhiều bài báo và nhiều nhất và cũng xúc động nhất là những dòng chia sẻ về những tình cảm trân quý dành cho anh trên nhiều trang cá nhân của nhà báo, nhà văn, bạn đọc...
Nhiều người biết anh, mến mộ anh, tiếc thương anh và cũng nhiều bài báo và nhiều nhất và cũng xúc động nhất là những dòng chia sẻ về những tình cảm trân quý dành cho anh trên nhiều trang cá nhân của nhà báo, nhà văn, bạn đọc khi hay tin Trần Thanh Phương - nguyên Phó Tổng biên tập Báo Đại đoàn kết từ giã cõi đời. Tuy nhiên, nói về anh, viết về anh, người có tấm lòng với cuộc đời, với chữ nghĩa, thì những công trình được xác lập kỷ lục: “Người có bộ sưu tập bài báo nhiều nhất Việt Nam”, “Người có quyển sách sưu tập các bài báo có kích thước lớn nhất Việt Nam” và “Người có bộ sưu tập chân dung và bút tích nhà văn Việt Nam nhiều nhất Việt Nam”... có lẽ, vẫn chưa đủ, vẫn chỉ là bề nổi.
|
Nhà báo Trần Thanh Phương ký tặng quyển sách cuối cùng tại nhà |
Chân dung và bút tích nhà văn Việt Nam
Lúc nhà báo, nhà sưu tầm Trần Thanh Phương vừa mất, khi trả lời phỏng vấn nhà báo, tôi có lưu ý là viết về anh nên hiểu thêm về con người anh, gia cảnh của anh, để thấy rõ hơn tầm vóc, phẩm cách của anh và ý nghĩa của những công trình sưu tầm, in ấn của anh, từ tư liệu báo chí đến tư liệu văn học nghệ thuật. Trong số đó, đặc biệt nhất là bộ sách 2 tập, khổ lớn (20,5x29 cm, in 4 màu) với 500 chân dung và bút tích nhà văn Việt Nam từ đầu thế kỷ 19, từ Phan Bội Châu, Tản Đà, Đặng Thai Mai, Thế Lữ, Đoàn Phú Tứ, Lưu Trọng Lư, Quách Tấn, Hàn Mặc Tử, Phi Vân, Nguyễn Nhược Pháp, Nam Cao, Nguyễn Bính... đến một số tên tuổi thành danh từ thập niên tám mươi chín mươi của thế kỷ trước cho đến đầu thế kỷ 21.
Nhà báo Trần Thanh Phương và vợ (chị Phan Thu Hương, nhà giáo) sống thanh bạch bằng đồng lương và tiền nhuận bút. Anh chị tiết kiệm đến tằn tiện. Suốt cuộc đời bên nhau, anh chị chưa một lần đi du lịch thăm thú nơi này nơi kia; chưa cho phép mình mua một cái áo cái quần ở một cửa hiệu có thương hiệu và cũng chưa một lần đưa nhau vào một nhà ăn sang trọng. Chi tiêu nhín nhút, dè sẻn cho bản thân, cho gia đình, chỉ để dành dụm tiền đầu tư cho những bộ sưu tập và từ chắt lọc tư liệu quý để in thành những quyển sách có giá trị về nghề, về người làm văn hóa văn nghệ, cho hôm nay và mai sau.
Trần Thanh Phương không tự đi được xe (xe đạp và cả xe gắn máy). Anh cũng không sử dụng internet (lúc anh làm công việc sưu tầm, ở Việt Nam cũng chưa có net) nên mọi thao tác kiếm tìm tư liệu anh thực hiện bằng phương pháp thủ công, trong đó, gian nan nhất là khi thực hiện bộ Chân dung và bút tích 500 nhà văn Việt Nam.
Suốt thời gian dài thực hiện bộ sách, đối với một số nhà văn đã mất, Trần Thanh Phương tìm tư liệu bút tích ở các thư viện lớn nhỏ và ở những tủ sách gia đình của người quá cố, độc giả hay bè bạn còn lưu giữ. Số đông còn lại, chỉ một số ít, anh liên lạc qua điện thoại hay thư từ. Ngoài số đó ra, anh làm việc trực tiếp với từng người. Các nhà văn sinh sống và làm việc trong phạm vi thành phố Hồ Chí Minh, phương tiện mà anh đi lại gặp gỡ là xe ôm và phải tới lui ròng rã nhiều năm liền. Đối với nhà văn đang sống ở Hà Nội (chiếm số đông), Trần Thanh Phương đã dành nhiều thời gian viết thư, gọi điện, chờ đợi và thực hiện những chuyến “bắc tiến”. Lưu lại thủ đô, tránh làm phiền người khác, anh thuê một chỗ nghỉ, gọi điện, chờ đợi và thuê một chiếc xe ôm để đưa anh tới gặp và “xin” ảnh chân dung, bút tích và chữ ký nhà văn.
Khác với “kỷ yếu nhà văn” của Hội Nhà văn Việt Nam cũng như một số Hội Nhà văn tỉnh thành, “Chân dung và Bút tích nhà văn Việt Nam” do Trần Thanh Phương và Phan Thu Hương sưu tầm và in ấn không chỉ có ảnh chân dung, vài nét về tiểu sử văn học mà còn có chữ ký, tâm sự, “tuyên ngôn” nghề nghiệp cùng đoạn văn, câu thơ tâm đắc và nhận xét của đồng nghiệp về văn chương đồng nghiệp.
Bút tích nhà văn Nguyễn Minh Châu ghi nỗi niềm khắc khoải: “Chúng tôi rất cảm động đọc thư của anh. Anh Phương ạ, hàng chục năm nay,... chúng ta vẫn thường nói với nhau một cách “sang trọng”: hãy đem hạnh phúc đến cho Nhân dân, chẳng biết chúng ta đã làm được đến đâu...”.
Bút tích Nguyễn Ngọc Tư, nhà văn trẻ nhất trong bộ sách “Vì cuộc sống tôi quá êm đềm nên tôi để nhân vật của mình phiêu bạt giang hồ. Vì tình yêu của tôi quá trọn vẹn nên nhân vật tôi yêu nhiều, yêu ngang trái. Tôi muốn họ sống thay mình...”.
Mỗi nhà văn “chiếm” hết 2 trang giấy khổ to, in màu. Ảnh chân dung, nét chữ, chữ ký... phần nào, vừa toát lên được chân dung, nội lực, sự nghiệp của người cầm bút lại vừa phản ánh được một phần diện mạo của nền văn học.
|
Tập sách Hạt bụi nghiêng mình nhớ đất quê của nhà báo Trần Thanh Phương |
Lặng lẽ nâng đồng nghiệp cao lên
Bộ sách 500 chân dung nhà văn Việt Nam với ngàn trang sách, khổ lớn, in màu trang trọng đó lại “được” NXB giàu nhất so với các NXB của cả nước, trả nhuận bút bộ quyển sách bằng... sách cho tác giả.
Vốn khiêm nhường, lặng lẽ và luôn coi trọng tình cảm, anh Trần Thanh Phương và vợ lại tiếp tục... lặng lẽ biếu sách cho nhân vật của sách.
Tôi và một ít nhà văn nữa, tình cờ biết được anh chị đang giữ hàng trăm bộ sách (trong đó có chân dung mình) mà anh chị dành nhiều năm thực hiện. Chúng tôi đến nhà anh chị nhận sách và xin gởi lại tiền sách. Tôi nhớ mãi gương mặt ngượng nghịu của anh Phương khi cầm những tờ tiền.
Tôi cũng nhớ lần tôi cùng nhà văn Lê Văn Thảo về Long Xuyên tham dự buổi Tổng kết và trao giải thưởng Cuộc thi truyện ngắn Đồng bằng Sông Cửu Long vào năm 2011. Trên đường đi, anh Thảo ghé nhà rước anh Trần Thanh Phương cùng đi. Anh Phương mang theo mấy quyển sách “Chân dung và Bút tích nhà văn Việt Nam” tập 2 vừa mới in xong, trong đó có một ít nhà văn mà anh biết là sẽ được gặp mặt trong buổi gặp mặt anh chị em viết văn miệt đồng bằng.
Ở buổi tụ họp đó, tôi thấy anh trao tặng những quyển sách và giữ lại một quyển. Khi mọi người dự liên hoan cụng ly cười nói ồn ào, thì anh Phương lại lặng lẽ rời cuộc vui, hỏi anh chị em làm văn nghệ An Giang về địa chỉ gia đình của nhà văn Phạm Thường Gia. Rồi anh gọi xe ôm, tìm đến nơi chỉ để đặt quyển sách lên bàn thờ nhà văn quá cố.
Và có lẽ, cũng ít người biết được, trước một ngày, ngày Triển lãm “Nhà báo Trần Thanh Phương và những trang tư liệu” vào sáng 19/6/2013 tại Thư viện Khoa học Tổng hợp TP Hồ Chí Minh, đứa con trai duy nhất của anh chị (con nuôi, anh chị nuôi từ bé) trên đường đến giảng đường đại học thì gặp tai nạn và qua đời. Vậy mà buổi sáng hôm đó anh chị đã nén nỗi đau xé lòng để buổi triển lãm vẫn diễn ra và để cánh nhà văn chúng tôi vô tư tươi cười chụp ảnh bên cạnh những chân dung và bút tích, chữ ký được lồng vào khung kính treo trang trọng trên những bức tường của thư viện.
Mà đâu chỉ có bộ sách “Chân dung và Bút tích nhà văn Việt Nam”, nhiều quyển sách sưu tầm, chọn lọc nhiều tác phẩm, nhiều bài viết, bài nghiên cứu phê bình của nhà văn và của nhiều người viết về tác phẩm, sự nghiệp sáng tác và cả những bài viết tiễn biệt (điếu văn) đối với nhiều nhà văn cũng được anh Trần Thanh Phương cùng vợ bỏ công sức và tiền của để in thành sách. Những quyển sách trở thành tư liệu quý về văn chương và về các nhà văn, như: Thác là tinh anh; Chân dung bằng chữ; Rượu với văn chương; Lời cuối với nhà văn đã đi xa...
Riêng “Lời cuối với nhà văn đã đi xa” là một quyển sách đặc biệt. Mở đầu sách là diễn văn viếng mộ Nguyễn Đình Chiểu (ngày 27/6/1943) do Ngạc Xuyên Ca Văn Thỉnh đọc trước mặt cả quan chức, trí thức tỉnh Bến Tre, trong số đó có đại diện chính phủ Pháp, Thống đốc Nam Kỳ dự. Rồi bài điếu của Phan Bội Châu, của Huỳnh Thúc Kháng đọc trước linh cữu Phan Chu Trinh; bài thơ Nguyễn Khuyến khóc Dương Khuê và hơn một trăm bài điếu những nhà văn tên tuổi mà tác phẩm văn chương của họ mãi còn giá trị, ngay nhiều bài điếu văn, cũng của những nhà văn tên tuổi, cũng xứng đáng là những áng văn, như các bài viết về sự nghiệp văn chương của Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Tuân, Nguyễn Minh Châu, Chế Lan Viên, Tào Mạt, Văn Cao, Nguyễn Đình Thi, Thu Bồn, Lê Đạt, Hữu Mai, Nguyễn Quang Sáng, Tô Hoài, Anh Đức, Trang Thế Hy...
“Hạt bụi nghiêng mình nhớ đất quê” là quyển sách cuối cùng của Trần Thanh Phương. Quyển sách ra mắt bạn đọc trong thời gian anh chống chọi với bạo bệnh. Phần lớn quyển sách anh chọn những bài viết về bè bạn, về đồng nghiệp, những người ít nhiều có những đóng góp cho sự nghiệp báo chí và văn học của đất nước. Đọc từng chân dung nhà văn, nhà báo, nghệ sĩ được in trong quyển sách cuối này, càng thấy rõ tấm lòng anh, nhân cách anh - một con người biết lùi lại phía sau, lặng lẽ lùi lại phía sau, biết hy sinh quyền lợi vật chất, biết quên mình đi, luôn thu “cái tôi” nhỏ lại, âm thầm cúi xuống nâng người khác lên, chỉ để cho công việc lớn hơn, có ý nghĩa hơn.
Và công việc mãi còn ý nghĩa, đó là những quyển sách, những công trình sưu tầm, biên soạn công phu, quý báu mà nhà báo, nhà văn, nhà sưu tầm Trần Thanh Phương dâng tặng cho đời.
Thủ Đức, chiều ngày 11/2/2020
BÍCH NGÂN