Vẫn luôn nhận mình không phải là nhà văn, mưu sinh bằng nghề kế toán nhưng sức viết của tác giả Nguyễn Thị Thanh Bình với nhiều giải thưởng văn chương uy tín của chị khiến không ít nhà văn khâm phục...
Vẫn luôn nhận mình không phải là nhà văn, mưu sinh bằng nghề kế toán nhưng sức viết của tác giả Nguyễn Thị Thanh Bình với nhiều giải thưởng văn chương uy tín của chị khiến không ít nhà văn khâm phục. Chị là tác giả có duyên với nhiều giải thưởng văn chương uy tín như: Văn học tuổi 20, Văn học tuổi xanh, Văn học dành cho thiếu nhi... Trong khi đó, Bình vẫn coi việc viết lách là “niềm vui nhỏ” “viết như kiến tha mồi”...
|
Nhà văn Nguyễn Thị Thanh Bình |
Tôi viết tích cóp mỗi ngày một tí
- Không ít bạn văn thắc mắc Nguyễn Thị Thanh Bình “sức đâu viết lắm thế?”. Chị thu xếp thời gian dành cho văn chương như thế nào khi công việc của chị là nhân viên kế toán và làm mẹ?
- Thật ra tôi thấy mình dành thời gian cho văn chương không nhiều, tôi biết các bạn khác viết khỏe, có sức bền và kiến thức, môi trường. Tôi lười lắm, ban ngày ở công ty với những con số khô khan và đủ thứ áp lực, tối về còn “vật lộn” với hai cậu con trai đang tuổi lớn, lâu lâu viết vài dòng cho đỡ quên. Cứ tích cóp mỗi ngày một tí như kiến tha mồi vậy thôi.
- Người ta vẫn nói dính vào văn chương rất mệt, kì thực tôi thấy với những nhà văn như Nguyễn Thị Thanh Bình thì có vẻ “khỏe”. Bằng chứng là chị đã có 16 đầu sách và vẫn đang rất sung sức?
- Tôi vẫn hay đùa với bạn, viết là do... không có chuyện gì làm (cười). Tôi lười ra ngoài, chỉ đi đâu khi thật sự cần thiết, về đến nhà là ở lì trong nhà, túc tắc động chân động tay làm gì đó, khi những việc nhà đã… đẩy được cho con và không còn gì để “túc tắc” là tôi mở máy. Cứ thủng thỉnh thế thôi.
- Đổi qua thể loại đồng thoại, xuất hiện cùng lúc ấn tượng về câu chuyện của con chó và con mèo, chị thấy điều gì thú vị trong thể loại này?
- Từ bé, tôi đã có khiếu chơi với trẻ con và chó mèo, con vật các loại. Khi còn ở quê với ông bà ngoại, tôi vẫn chui từ vườn nhà này sang vườn nhà kia, trèo cây hái quả, hoặc là đi ngang qua thôi, nhưng bọn chó mèo không làm gì tôi, hoặc chúng mừng, hoặc chúng thờ ơ nhìn tôi đi qua. Có thể nói, tôi “quen” với chúng. Nhưng viết về sự “quen” tôi thấy khó, nên tôi chọn những sự... lạ và riêng.
Quen và chơi với chúng, tôi chắc chắn chúng hiểu những gì con người nói và làm, chúng cảm nhận được những sự việc xảy ra xung quanh chúng và có những phản hồi khá thú vị, chúng muốn giao tiếp với con người nhưng con người lại không hiểu và bỏ qua một cách đáng tiếc. Chỉ cần bỏ công quan sát và thực sự yêu thương sẽ thấy chúng rất đáng yêu, cũng có những giận hờn, ốm đau, vui vẻ và làm nũng. Chúng như những đứa trẻ, nhưng là trong hình hài khác mà thôi.
- Viết đồng thoại có khó, áp lực hay không khi sau hàng chục năm không ít người vẫn chỉ nhắc tới “chú dế mèn” của nhà văn Tô Hoài?
Cá nhân tôi thấy không khó, vì tôi hiểu và viết về chúng theo cách của tôi, có thể bạn hay độc giả thấy vô lý, nhưng như đã nói, chó mèo hay những con vật đều có tình cảm và chúng thể hiện tình cảm đó theo cách riêng, với mỗi người mỗi khác.
Có một số chuyện khi viết tôi không nhớ, chỉ khi sách ra mới nhớ và... tiếc.
- Chị nghĩ sao khi bản thân các nhà văn viết cho thiếu nhi vẫn luôn cố gắng hết lòng với tác phẩm, tác phẩm viết cho thiếu nhi vẫn xuất hiện đều đều nhưng trên các phương tiện truyền thông vẫn đánh giá “vừa thiếu vừa yếu”?
- Ờ, nghe cũng có chút chạnh lòng, đôi khi tôi vẫn đùa với bạn tôi là việc “cứu thế giới” ấy không dành cho tôi, chắc ai đó đang nói về những nhà văn chuyên nghiệp chứ đâu nói về người viết amatơ như tôi. Nói đi thì thế, nhưng cũng phải nói lại, “đất” dành cho văn học thiếu nhi đâu? Hiện nay hầu như tờ báo trung ương và địa phương nào cũng dành cho văn học, nhưng có mấy tờ dành cho văn học thiếu nhi? Có một số tờ báo như Khăn Quàng Đỏ, Nhi Đồng, Rùa vàng hay Hoa học trò, Mực Tím... phục vụ cho đối tượng thiếu nhi, nhưng có mấy trang dành cho văn học?
Thêm nữa, sách cho thiếu nhi được in với số lượng không nhiều, làm nản lòng người viết. Đã vậy khi in ra cứ như “ném đá ao bèo” vì ít được quảng cáo, giới thiệu đến lớp độc giả nhỏ tuổi. Tôi nghĩ, để các em đọc sách, trước hết cha mẹ các em nên đọc trước và định hướng cho con. Tôi thấy những nhà cha mẹ yêu sách thì con sẽ ham đọc sách, có lần đến nhà đồng nghiệp ăn mừng tân gia, tôi không tìm thấy quyển sách nào trong ngôi nhà ba tầng bề thế có ba thế hệ cùng sinh sống với bốn đứa trẻ từ hai đến mười tuổi. Tôi có hỏi, thì nữ chủ nhân nói không có, bọn trẻ thường chơi ipad và xem tivi chứ không chịu đọc sách, người lớn thì đọc tin tức trên mạng, nhà chẳng có ai đọc sách.
Văn học thiếu nhi như... con ghẻ, nếu được quan tâm, tôi nghĩ các nhà văn sẽ không bao giờ bỏ qua lớp độc giả này.
- Thế hệ những nhà văn, nhà thơ trưởng thành từ tác phẩm tuổi xanh như chị bây giờ không mấy người còn mặn mà với văn chương. Điều gì ở văn chương khiến chị bền bỉ theo đuổi?
- Viết, với tôi là một hình thức giải trí, bạn có thể cà phê với bạn, tôi núp ở nhà, và nhờ những con chữ, tôi giao lưu chuyện trò với bạn bè. Tôi có thêm bạn từ những cuốn sách. “Lợi đơn lợi kép” thế nên tôi vẫn giữ thói quen viết, tôi không biết khi nào tính lười của tôi lên đến level bỏ viết, nhưng trước mắt cứ thế đã.
|
Một số tác phẩm đã được xuất bản của nhà văn Nguyễn Thị Thanh Bình |
Ðàn ông làm được gì thì phụ nữ làm được việc đó
- Tôi luôn cảm thấy ẩn sau dáng vẻ hiền lành, nhu mì ít nói của chị lại là một phụ nữ quyết đoán, kĩ càng, sẵn sàng đương đầu với nghịch cảnh… Từ cuộc sống của mình, chị nghĩ phụ nữ mạnh mẽ quá, sướng hay khổ?
- Những khi chuyện trò với bạn, tôi thi thoảng đùa, sao lại gọi là “phụ nữ” mà không phải là “chính nữ”? Phải chăng từ khi sinh ra, phe tóc dài đã mặc định là phụ? Thử nhìn xem, trong xã hội đàn ông làm được gì thì phụ nữ làm được việc đó, có khi còn hoàn hảo hơn. Về nhà, họ quán xuyến nhà cửa, nói đàn ông là trụ cột gia đình nhưng một cái nhà mà chỉ có trụ cột, không có tường bao, không có nội thất,... thì sao thành gia đình?
Bản thân tôi thấy sướng khổ do mình, do cảm nhận thôi.
- Phụ nữ viết văn, càng viết nhiều, càng viết hay càng… lận đận là mẫu số rất chung. Chị nghĩ sao về điều này?
- Thế nào là lận đận? Thế nào là bất hạnh?
Thứ người ngoài nhìn thấy là lận đận, biết đâu với người trong cuộc lại là thiên đường thì sao?
- Chị thường chia sẻ với hai con trai những điều gì?
- Tự lập, tự làm, tự lo và tự do.
Ngay từ khi lên cấp hai, con trai lớn của tôi đã biết bấm máy giặt, phơi quần áo, quét nhà, lau nhà, gấp đồ, ủi đồ, cắm cơm, nấu canh rau (chỉ canh rau đơn giản) và... luộc, tráng trứng. Khi em nhỏ lớn hơn thì em nhỏ sẽ chia việc với anh. Chỉ là những việc tủn mủn vậy thôi, nhưng mất khá nhiều thời gian của các bà nội trợ đó.
Được cái, hai con tôi khá ngoan và thương mẹ, mẹ dạy gì cũng học. Bây giờ đi làm về, những ngày mệt mỏi, tôi sẽ... lười và đùn việc cho đám con. Nếu có dịp đến nhà, có thể bạn sẽ thấy cảnh mẹ ngồi ôm gối coi tivi trong khi con trai nhỏ lau nhà, con trai lớn rửa bát. Tất nhiên, chúng lau nhà sẽ không được sạch lắm, làm việc nọ còn bỏ vương việc kia, nhưng có sao, vì mẹ chúng cũng còn đủ thứ sai lầm mà?
- Con trai có chia sẻ với mẹ trong văn chương không?
- Cũng có nhưng ít, hai con tôi nghe người ta gọi mẹ là nhà văn còn có vẻ ngượng, vì chúng nghĩ nhà văn phải là ai đó giỏi giang chứ không phải là bà mẹ lười của chúng. Mà tôi cũng thấy ngượng vì tôi đã làm được gì đâu?
- Cảm ơn chị đã chia sẻ.
VÕ THU HƯƠNG (thực hiện)