Tôn trọng và bình đẳng với văn hóa các dân tộc thiểu số (Bài 3)

05:06, 18/06/2020

Có một thực tế là, hầu hết cư dân các dân tộc thiểu số sinh sống ở địa bàn miền núi, không gian cư trú cách biệt, khó khăn về giao thông và nhiều hạ tầng cơ sở khác...

[links()]
Điều chỉnh và phát huy hiệu quả các chính sách
 
Có một thực tế là, hầu hết cư dân các dân tộc thiểu số sinh sống ở địa bàn miền núi, không gian cư trú cách biệt, khó khăn về giao thông và nhiều hạ tầng cơ sở khác. So với miền xuôi, đặc biệt là với đô thị lớn, mặt bằng đời sống ở nhiều vùng của đồng bào còn thấp, trình độ dân trí chưa cao. Rút ngắn khoảng cách, tạo cơ hội phát triển đồng đều giữa các dân tộc là mục tiêu nhất quán trong sự nghiệp cách mạng của Đảng, Nhà nước và đã đạt nhiều thành tựu.
 
Biểu diễn văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên hiện đang là sản phẩm thu hút đông đảo du khách. Ảnh: H.Yên
Biểu diễn văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên hiện đang là sản phẩm thu hút đông đảo du khách. Ảnh: H.Yên
Cần phát huy sức mạnh nội sinh  
 
Từ năm 1946 đến nay, Hiến pháp Việt Nam qua các thời kỳ đều luôn khẳng định quyền bình đẳng của các dân tộc, trong đó có bình đẳng về văn hóa tộc người. Đó là khẳng định quan trọng, rõ ràng của thể chế chính trị trong việc công nhận quyền bình đẳng giữa các dân tộc, trong một quốc gia thống nhất với 54 dân tộc anh em chung sống; trong đó, đồng bào các dân tộc thiểu số chiếm 14,7%, với hơn 12,3 triệu người. Theo tài liệu tại một cuộc hội thảo về công tác dân tộc, thể chế hóa đường lối của Đảng, cho đến cuối năm 2019, Quốc hội đã ban hành 108 luật, hơn 30 nghị quyết có nội dung liên quan lĩnh vực dân tộc thiểu số. Hệ thống chính sách dân tộc do Chính phủ và các bộ, ngành xây dựng có 118 văn bản, trong đó có 54 chính sách, đề án trực tiếp hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi...
 
Dù tỷ lệ dân số thấp so với dân số cả nước, nhưng cần khẳng định và ghi nhận sâu sắc về cống hiến, hy sinh của Nhân dân các dân tộc thiểu số đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Lịch sử tô thắm “sông máu, núi xương” của đồng bào Tày, Nùng, Mông, Dao, Thái, Mường,... đã đổ xuống giữa núi rừng phía bắc trong các năm tháng chống thực dân Pháp, bảo vệ biên cương. Không ai có thể quên già trẻ, gái trai các tộc người Pa Cô, Vân Kiều, Ê Đê, Ba Na, Cơ Ho, Châu Mạ, S’Tiêng,... ở Trường Sơn - Tây Nguyên nhất tề cùng đất nước đứng lên. Đó còn là sự hy sinh vô bờ bến của đồng bào Chăm, Khmer,... vào thời kỳ đất nước bị chia cắt. Trong giai đoạn cách mạng mới, phên dậu che chắn giang sơn vẫn được dựng lên từ ý chí của Nhân dân cả nước, trong đó các dân tộc anh em cư trú ở vùng biên cương, duyên hải là những thực thể vô cùng quan trọng. Do đặc điểm cư trú, các dân tộc thiểu số hầu như đứng chân ở các địa bàn chiến lược, nơi đầu sóng ngọn gió trong mỗi giai đoạn lịch sử, lại phải chịu nhiều nỗi thiệt thòi vì không gian cách biệt, thiếu thốn, khó khăn nhiều mặt.
 
Sau ngày đất nước thống nhất, Đảng và Nhà nước đã triển khai nhiều chủ trương, chính sách, tập trung các nguồn lực đầu tư nhằm phát triển các địa bàn miền núi và dân tộc, trong đó thực thi nhiều chiến lược quan trọng để đẩy mạnh sự nghiệp bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa. Diện mạo các vùng cao, vùng dân tộc thiểu số đã và đang đổi mới; đời sống kinh tế - xã hội, văn hóa tinh thần ở nhiều vùng quê không ngừng khởi sắc... Đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước về vấn đề dân tộc là đúng đắn, nhất quán, nhưng nhìn nhận một cách khách quan, trong nhiều năm qua, không ít chính sách cụ thể áp dụng vào thực tế còn chung chung, mang tính áp đặt hoặc khảo sát thiếu khoa học nên chỉ góp phần tháo gỡ khó khăn tức thời mà chưa thật sự mang tính bền vững. Nhiều chính sách ban hành thiếu luận chứng cụ thể, sát thực về văn hóa tộc người nên tác dụng thấp (như: cung cấp bò giống ở vùng không có tập quán chăn nuôi nên bà con bán hoặc làm thịt; mua cồng chiêng được sản xuất đồng loạt và dàn âm thanh điện tử trang bị cho các nhà văn hóa cộng đồng nhưng đồng bào không sử dụng...). Nhiều dự án “đánh trống bỏ dùi” dẫn đến lãng phí, không mang lại hiệu quả (như: khôi phục các làng nghề truyền thống nhưng thiếu khảo sát kỹ thị trường đầu ra; xây dựng các công trình nước sạch rồi để hư hỏng, đắp chiếu...)...
 
Dù được bàn nhiều, nhưng đến nay, câu chuyện trao “cần câu hay con cá” chưa hẳn đã thật sự ngã ngũ. Tuy nhiên, các chính sách hỗ trợ cần tính đến mục đích bền vững, nhất là phát huy trách nhiệm của người được thụ hưởng chứ không chỉ là quyền được thụ hưởng. Khuynh hướng đó sẽ tạo nên tâm lý trông chờ, ỷ lại của một bộ phận đồng bào. Bên cạnh vai trò điều chỉnh của Nhà nước, thay đổi nhận thức của toàn xã hội, thì cần làm sao để đồng bào các dân tộc thiểu số cũng phải tự vượt qua các rào cản mặc cảm, tự ti để tự khẳng định mình, từ đó tạo nên sự chủ động, phát huy sức mạnh nội sinh. Trong phát triển kinh tế - xã hội, trao “cần câu” là để hoàn thiện cơ chế, chính sách, hành lang pháp lý, hỗ trợ vốn, chuyển giao khoa học - công nghệ và các điều kiện khác nhằm tác động vào sự phát triển. Trong sự nghiệp bảo tồn và phát triển văn hóa, ngoài sự đầu tư của Nhà nước, chiếc “cần câu” ấy một phần phải do chính đồng bào tạo ra. Củng cố nhận thức về quyền bình đẳng văn hóa của cộng đồng xã hội là cần thiết, nhưng trước hết cần giúp đồng bào tự ý thức sâu sắc về chính các giá trị, bản lĩnh văn hóa của mình, từ đó biết cách quý trọng, giữ gìn, phát huy.
 
Khẳng định vai trò của chủ thể văn hóa
 
Mỗi tộc người là một chủ thể của một nền văn hóa, không ai có thể làm tốt hơn họ trong việc gìn giữ di sản mà tổ tiên trao truyền. Bản sắc của mỗi dân tộc là vốn quý, là niềm tự hào, là hình ảnh mà họ khẳng định với cộng đồng về lịch sử sinh tồn và nét tinh hoa của dân tộc mình. Có một thực tế hiện nay là nhiều cư dân trong các dân tộc thiểu số đang hời hợt hoặc quay lưng lại với chính những giá trị văn hóa của dân tộc mình. Một bộ phận lớp trẻ còn tỏ ra tự ti, mặc cảm về những sự “khác biệt”. Chúng tôi đã nhiều dịp trao đổi với những người dân tộc thiểu số có uy tín như thầy giáo Ya Loan, Nghệ nhân Ưu tú Ma Bio (Chu Ru), già làng K’Diệp, già làng Krazan Plin, ông Păng Ting Uốk (Cơ Ho), cựu chiến binh Điểu Thị Lôi, già làng Điểu K’Lộc (XTiêng), ông Thào Hoàng Khải (H’Mông),... và họ đều có chung tâm trạng lo lắng về thực tế nêu trên. Mọi người chia sẻ rằng, khi đồng bào xa rời cồng chiêng, quên kể sử thi, quên lời hát, điệu múa ông bà trao truyền và từ chối trang phục truyền thống,...của dân tộc mình thì các tộc người khác khó “giữ thay” cho họ. Trong khi đó, nhiều vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở các tỉnh: Lâm Đồng, Quảng Nam, Bình Phước, Quảng Ngãi bên cạnh việc “bỏ quên” các giá trị văn hóa của dân tộc mình lại “học đòi” tệ xa hoa như làm sinh nhật mời hàng trăm khách, đám cưới phô trương linh đình cỗ bàn,... rồi gánh nợ nhiều năm. Nhạc sĩ Krazan Dick, người dân tộc Cơ Ho, thẳng thắn nói: “Nếu mỗi tộc người không có niềm tự hào, ý thức tôn trọng những di sản quý báu của cha ông thì khoan hãy trách đến các cộng đồng khác thiếu quan tâm, sẻ chia và đồng cảm với mình!”. Ông Dick cũng thừa nhận: “Ngay trong các dân tộc thiểu số với nhau cũng có hiện tượng phân biệt, kỳ thị”. Điều đó cho thấy, ít nhiều sự ứng xử bất bình đẳng, cách biệt, hiểu biết sai lệch trong văn hóa tộc người cũng có phần xuất phát từ thiếu sót trong nội bộ các dân tộc thiểu số. Vì vậy, trước hết cần xây dựng và củng cố niềm tự hào, tự tôn, khơi gợi năng lực nội sinh trong sự nghiệp bảo tồn văn hóa ngay từ trong cộng đồng, nhất là lớp trẻ. Các dân tộc thiểu số Việt Nam là chủ nhân của Di sản văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, của hát Then cùng vô vàn tri thức văn hóa bản địa có lịch sử sinh tồn, phát triển và sáng tạo lâu đời. Vì thế cần làm cho niềm tự hào về cội nguồn, bản lĩnh, bản sắc văn hóa của mỗi tộc người tiếp tục tạo nên những kháng thể đủ sức đẩy lùi hiện tượng tiêu cực mới nảy sinh...
 
Cũng cần đề cập công tác nghiên cứu, nguồn nhân lực quản lý, nghiệp vụ văn hóa ở các địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số. Thực tế thời gian qua, không ít nghiên cứu văn hóa tộc người mới dừng lại ở khảo sát chung chung, nâng cấp thành vấn đề lý luận thiếu sát thực. Còn thiếu đề tài nghiên cứu sâu về một tộc người cụ thể với mọi vấn đề liên quan, thiếu cả đề tài liên ngành có giá trị ứng dụng cao. Nhiều nghiên cứu hầu như kết thúc sau khi nghiệm thu, ít có điều kiện triển khai, áp dụng vào thực tế. Khía cạnh khác, nguồn nhân lực quản lý và chuyên môn cho công tác dân tộc ở một số địa phương còn chưa được coi trọng, phần lớn cán bộ lãnh đạo của Ban Dân tộc nhiều tỉnh là người dân tộc Kinh. Và trong văn hóa, sự thiếu và yếu nhân lực thể hiện rất rõ. Đơn cử như ở Lâm Đồng, một tỉnh có 42 dân tộc thiểu số chiếm 30% dân số, nhưng cả Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh hiện chỉ có duy nhất một cán bộ người dân tộc thiểu số nhưng làm việc trong lĩnh vực thể thao. Mở rộng ra còn thấy ở Tây Nguyên, các dân tộc thiểu số chiếm khoảng 36,3% dân số toàn vùng, song trong nhiệm kỳ này, cán bộ là người dân tộc thiểu số ở cấp huyện chưa đến 17%; cấp ủy các tỉnh là 10,9%; lãnh đạo sở, ban, ngành 12,4%. Hiện, số cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên chủ yếu tập trung tại các đơn vị sự nghiệp, còn trong cơ quan hành chính nhà nước chưa tương xứng với tỷ lệ đồng bào. Nhiều thanh niên có trình độ đại học, cao đẳng khi trở về địa phương không được tuyển dụng vì chỉ tiêu, vị trí việc làm phù hợp đã gần như bão hòa. Đó cũng là một trong các thực tế thể hiện sự mất cân đối, thiếu bình đẳng...
 
Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) đã xác định: “Thực hiện chính sách bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau giữa các dân tộc, tạo mọi điều kiện để các dân tộc cùng phát triển, gắn bó mật thiết với sự phát triển chung của cộng đồng dân tộc Việt Nam. Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, ngôn ngữ, truyền thống tốt đẹp của các dân tộc. Chống tư tưởng kỳ thị và chia rẽ dân tộc. Các chính sách kinh tế - xã hội phải phù hợp với đặc thù của các vùng và các dân tộc, nhất là các dân tộc thiểu số”. Đó là điểm tựa chính trị quan trọng, là cơ sở để chúng ta tiếp tục xây dựng, điều chỉnh, hoàn thiện hệ thống chính sách. Đó cũng là tư tưởng cốt yếu để toàn xã hội và đồng bào các dân tộc phát triển nhận thức, khai phóng suy nghĩ, ứng xử đúng đắn khi hội nhập cùng cộng đồng dân tộc, vừa tiếp thu giá trị mới phù hợp, vừa phát huy bản sắc riêng, để văn hóa mỗi tộc người ngày càng phát triển, để văn hóa Việt Nam ngày càng vươn tới tầm cao mới.
 
UÔNG THÁI BIỂU