Tác giả đã phân tích nguyên nhân dẫn đến vụ bạo động ở Yên Bái. Ông đề cập chủ yếu đến những nguyên nhân chủ quan từ phía quân đội Pháp và trách nhiệm của nhà cầm quyền Đông Dương thời đó.
|
Cuốn sách nói về cuộc khởi nghĩa Yên Bái dưới góc nhìn của sỹ quan Pháp |
Cuốn sách "Yên Bái đêm đỏ lửa" (La nuit rouge de Yen Bai) của tác giả người Pháp có bút danh Bốn Mắt và dịch giả Nguyễn Thành Quang vừa chính thức ra mắt độc giả tối 28/7.
"Yên Bái đêm đỏ lửa" mang đến tư duy, góc nhìn sắc nét của một sỹ quan người Pháp - người ở phía bên kia chiến tuyến - về cuộc khởi nghĩa Yên Bái. Cuốn sách cũng là minh chứng rõ nét về sự hy sinh anh dũng của những người yêu nước - các thành viên trong Quốc Dân Đảng vào những năm 30 thế kỷ trước. Nhờ đó, sự kiện này và những con người anh hùng đó “không bị ngủ yên trong tấm vải liệm vô tri.”
Cuốn sách còn thể hiện niềm tự hào của các nhà nghiên cứu, nhà sử học và cả thế hệ ngày nay về đất nước, con người Việt Nam trong hành trình dựng nước và giữ nước.
Khởi nghĩa Yên Bái là một cuộc nổi dậy bằng vũ trang bùng phát tại Yên Bái do Việt Nam Quốc dân Đảng tổ chức và lãnh đạo nhằm đánh chiếm một số tỉnh và thành phố trọng yếu của Bắc Kỳ vào đêm mùng 9, rạng sáng ngày 10/2/1930.
Dù nhanh chóng bị thất bại do nhiều nguyên nhân cả chủ quan và khách quan nhưng cuộc khởi nghĩa Yên Bái đã góp phần cổ vũ lòng yêu nước của nhân dân Việt Nam.
Tác giả đã phân tích nguyên nhân dẫn đến vụ bạo động này. Ông đề cập chủ yếu đến những nguyên nhân chủ quan từ phía quân đội Pháp và trách nhiệm của nhà cầm quyền Đông Dương thời đó.
Với cái nhìn sắc sảo, khách quan, với đầu óc quan sát tỉ mỉ, cụ thể, cộng với sự phân tích mang tính khoa học của một nhà quân sự, tác giả đã đưa ra những nhận định tổng quan về tình hình Bắc Kỳ lúc đó. Những phân tích và đánh giá của ông khá bao quát, từ vị trí địa lý các vùng miền, từ tâm tính, đặc điểm của con người đến những giá trị đạo đức và tinh thần dân tộc.
Nhân dịp ra mắt cuốn sách, Viện Pháp phối hợp với TruongPhuongBooks tổ chức buổi tọa đàm với sự tham gia của nhà sử học Dương Trung Quốc, dịch giả Nguyễn Thúy Yên, dịch giả Nguyễn Thành Quang và nhà sưu tầm, nghiên cứu Tạ Thu Phong.
Đánh giá về tác phẩm, dịch giả Nguyễn Thành Quang cho hay cuốn sách đã phản ánh nhiều vấn đề về xã hội thời đó với phong cách báo chí chứ không chỉ mang văn phong của một cuốn sách sử.
Cuốn sách tổng hợp rất nhiều tài liệu tiếng Pháp và tiếng Việt. Do đó, trong quá trình chuyển ngữ, dịch giả cũng gặp thách thức lớn về mặt ngôn ngữ và tri thức liên quan song ông rất cố gắng truyền tải trung thực nội dung tác phẩm.
(Theo Vietnam+)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin