K’Ho là dân tộc bản địa sinh sống lâu đời trên cao nguyên Di Linh và cao nguyên Lâm Viên với nhiều nhánh gồm: K’Ho Srê, K’Ho T’ring, K’Ho Nộp, K’Ho Cil, K’Ho Lạch, K’Ho D’ròn. Đa số các nhánh người K’Ho sống trên núi cao, rừng rậm Lâm Đồng với tập quán du canh du cư “ăn rừng”, săn bắt, hái lượm; riêng người K’Ho S’rê làm ruộng nước (trong tiếng K’Ho, Srê nghĩa là ruộng), chăn nuôi gia súc, gia cầm, định canh định cư dọc các thung lũng gần nguồn nước ở Di Linh, Lâm Hà, Đức Trọng.
|
Cồng chiêng vào hội |
Cuộc sống khá tách biệt giữa đại ngàn, nên người K’Ho nói chung và người K’Ho Srê - Di Linh nói riêng vẫn giữ được nhiều nét phong tục tập quán, văn hoá truyền thống phong phú, đa dạng và giàu bản sắc. Sự phong phú, đa dạng ấy thể hiện qua mọi khía cạnh của đời sống, từ những bài bản cồng chiêng, những làn điệu yalyao, những khúc tầm pớt cho đến trang phục truyền thống, lễ hội dân gian độc đáo, khác lạ.
Với quan niệm vạn vật hữu linh, người K’Ho tin rằng mọi mặt của đời sống đều do các thế lực siêu nhiên chế ngự. Thần (Yàng) phù hộ cho con người; còn thế lực ma quỷ (chà) gây tai họa. Người K’Ho thờ các vị thần mặt trời, mặt trăng, thần núi, thần sông, thần đất, thần lúa... Là cư dân sống bằng nông nghiệp, các lễ hội của người K’Ho S’rê - Di Linh cũng gắn liền với vòng đời, mùa màng, các nghi thức lễ hội đều cúng các vị thần (Yàng). Mỗi mùa vụ (một năm) người K’Ho thường tổ chức nhiều lễ hội khác nhau như: Sih sre (gieo sạ), Nhô wèr (cúng dưỡng lúa), Nhô brê Rơhe (mang lúa về kho), Nhô R’hê (mừng lúa mới).
Lễ hội mừng lúa mới thường được tổ chức khi mùa màng đã thu hoạch xong (khoảng tháng 12 cho đến tháng 1 năm sau) nhằm gửi gắm ước vọng và cầu mong thần lúa ban cho mọi người, mọi gia đình có cái ăn, cái mặc, ngày càng có cuộc sống sung túc, ấm no và hạnh phúc hơn. Lễ hội cũng là dịp để dân làng cùng nhau vui chơi hưởng thụ thành quả lao động sau 1 năm vất vả, thắt chặt tình đoàn kết gắn bó giữa mọi người, mọi nhà.
|
Xin Yàng cho hạ dàn chiêng |
Cuộc sống đổi thay, cùng với sự phát triển, nhiều lễ nghi phong tục cổ truyền của người K’Ho đang dần bị mai một. Vì lẽ đó, nét độc đáo trong Lễ hội mừng lúa mới (Nhô R’hê) của người K’Ho Srê - Di Linh đã được các nghệ nhân đến từ buôn K’Rọt Dờng xã Bảo Thuận tái hiện trong Ngày hội Văn hóa - Thể thao các dân tộc Di Linh năm 2022 vừa diễn ra tại Quảng trường trung tâm huyện với mong muốn trao truyền những giá trị văn hóa, phong tục, tập quán tốt đẹp của ông bà để lại cho thế hệ con cháu hôm nay.
Khi cây nêu được dựng lên là buôn làng mở hội. Trong không gian linh thiêng, già làng K’Brel thổi 3 hồi tù và thành kính mời Yàng xin cho buôn làng tổ chức lễ hội. “Ơi Yàng! Hỡi dân làng! Sau một năm vất vả với cái nương, cái rẫy, hôm nay lúa đã chất đầy kho, rượu cần đã đến ngày khai ché. Chúng ta cùng tụ hội về đây để tạ ơn Yàng và các thần linh đã cho buôn làng một năm mưa thuận, gió hòa, cho cái nương, cái rẫy tốt tươi, lúa trên nương trĩu hạt, cho đàn heo nhiều như con kiến đen, cho đàn trâu nhiều như con ốc dưới suối. Hỡi dân làng! Chúng ta cùng về đây mở hội. Ơi Yàng!”.
Lời gọi Yàng vừa dứt, âm điệu cồng chiêng vào hội rộn rã. Bên các lễ vật, trâu, gà, muối, rau, củ, gạo, trứng được bày trang trọng, già làng K’Brel khấn: “Ơi Yàng! Hỡi thần chiêng linh thiêng đang ngụ trong các chiêng to, chiêng nhỏ, chiêng mẹ, chiêng con. Buôn làng có cái ăn, cái để, biết nói, biết nghe, biết làm theo điều phải là nhờ ơn thần chiêng, xin cảm ơn thần và mời thần về dự hội cùng buôn làng, hôm nay buôn làng mở hội mừng lúa mới có trâu tế lễ, có rượu cần ngon cúng Yàng. Xin cho hạ dàn chiêng xuống và đánh lên vang dậy núi rừng, rộn rã lòng người, tưng bừng lễ hội”.
|
Già làng mời Yàng về dự lễ hội cùng buôn làng |
Sau khi hiến sinh con gà trống, già làng dùng tiết gà bôi lên cây nêu, bôi lên mặt chiêng 6 rồi trao từng chiếc chiêng cho các thành viên. Bài chiêng “Chào mừng quý khách” cùng tấu lên hòa cùng vũ điệu xoang quanh cây nêu.
Già làng khai ché rượu cần, rót rượu dâng lên Yàng và các thần linh, sau đó mời rượu, đeo còong đồng cho quan khách và các thành viên. Âm điệu dàn chiêng 6, khèn M’buốt, trống da trâu tấu bài Gung me, Gung mạ, hòa cùng bài hát Nhu tơ nơm (uống rượu cần).
Tiếng cồng chiêng đi cùng người K’Ho suốt cuộc đời từ khi cất tiếng khóc chào đời đến lúc nhắm mắt xuôi tay về với các Yàng. Cồng chiêng như sợi dây tâm linh con người với thần linh, gắn bó lòng người, nó không thể thiếu trong các lễ nghi nông nghiệp và trong những sự kiện mừng vui của đồng bào. Bộ chiêng 6 của người K’Ho là biểu tượng của một gia đình, có cha mẹ, con cái, ông bà. Tiếng chiêng nhỏ, chiêng to, cồng con, cồng mẹ, hòa vào nhau nghe như mưa, như gió, như nước chảy, thác đổ, sấm rền. Đánh to, tiếng chiêng luồn vào rừng sâu, bò lên núi cao; đánh chậm, tiếng chiêng trườn lên đồng cỏ, mọi vật quên ăn, quên uống ngẩng đầu nghe tiếng chiêng.
Sau nghi lễ cúng Yàng, quanh ché rượu cần và bếp lửa, khi men rượu cần đã ngấm sâu vào mỗi người thì đây cũng chính là lúc các chàng trai thử tài đánh chiêng để chiếm lấy trái tim của các cô gái. Ching yo là một hình thức đấu chiêng của người K’Ho, các chàng trai sẽ dùng nghệ thuật đánh chiêng của mình để ép đối thủ không đánh chiêng được (bị loạn nhịp) sẽ giành chiến thắng. Phần thưởng là những cần rượu mời gọi, ánh mắt tình tứ, nụ cười ngọt ngào của các cô gái hướng về người chiến thắng.
Những khúc hát đồng dao, những bài yalyao, những khúc tầm pớt ngợi ca đời sống lao động sản xuất cùng đạo lý làm người hòa âm cùng các nhạc cụ cồng chiêng, kèn ống bầu (Kơmbuat), đàn ống tre (Kơrla), trống (Sơgơr) tiếp tục được phô diễn. Bên ché rượu cần, bếp lửa, thịt nướng, cuộc vui diễn ra thâu đêm suốt sáng. Hơi men càng lúc càng ngấm sâu, tiếng chiêng càng lúc càng vang xa, tiếng khèn, giọng hát càng lúc càng ngọt ngào, vũ điệu xoang mỗi lúc một nhịp nhàng ảo diệu, bước chân chuếnh choáng thêm thổn thức, đắm say…
Theo nghệ nhân K’Brel, trước đây, người K’Ho Srê ở xã Bảo Thuận, Di Linh sống chủ yếu bằng nghề canh tác lúa nước, nên tất cả nghi lễ và tổ chức lễ hội đều liên quan đến vòng đời sinh trưởng của cây lúa, cúng tế thần lúa. Họ không tiếc con gà, con heo, con trâu để cúng tế thần lúa, vì hạt lúa đã nuôi sống họ, cho họ cuộc sống. Vào năm được mùa làm lễ lớn thì hiến sinh bằng trâu, nhỏ hơn thì hiến sinh bằng dê hoặc gà. Đi kèm là các lễ vật gồm rượu cần, gạo, cá khô, muối, xôi và trái cây, củ, quả từ nương rẫy.
Ngày nay, bà con dân tộc K’Ho đã ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất, đồng ruộng của người K’Ho Srê - Di Linh thâm canh 2 - 3 vụ/năm, mùa màng bội thu, không còn phụ thuộc vào thời tiết mưa thuận gió hòa. Người K’Ho giao lưu cùng các dân tộc anh em khác, đời sống không ngừng phát triển. Lễ hội mừng lúa mới vẫn là một nét đẹp trong văn hoá cộng đồng, nhưng giờ đây mang thêm một ý nghĩa mới, là dịp để người K’Ho biết ơn tổ tiên, thần linh, trao đổi kinh nghiệm sản xuất, mừng cuộc sống có ấm no sung túc, có sức khỏe để tiếp tục làm ra của cải, vật chất, gắn chặt đoàn kết bon làng, cùng chia ngọt sẻ bùi, hưởng thành quả lao động. Việc phục dựng Lễ hội Nhô R’hê - Mừng lúa mới của người K’ho Srê nhằm trao truyền cho các thế hệ sau một nét đẹp văn hóa truyền thống rất đáng trân trọng, bảo tồn và gìn giữ.
QUỲNH UYỂN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin