Những vướng mắc trong lĩnh vực y tế hiện nay đã được Sở Y tế tỉnh Lâm Đồng tổng hợp báo cáo, đề xuất, kiến nghị UBND tỉnh và Bộ Y tế sớm tháo gỡ để tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho ngành Y tế địa phương phát triển đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân Lâm Đồng nói riêng và vùng Tây Nguyên nói chung.
Ngành Y tế đang tổ chức khám sàng lọc bệnh lao miễn phí tại cộng đồng ở huyện Đam Rông |
• CÔNG TÁC ĐÀO TẠO
Về đào tạo nhân lực bác sĩ, Nghị quyết số 23 ngày 6/10/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, có nêu đến năm 2030 đạt 11 bác sĩ/vạn dân. Tính đến 31/12/2022, tỉnh Lâm Đồng đạt 8,22 bác sĩ/vạn dân, để đạt chỉ tiêu 11 bác sĩ trên 10.000 dân năm 2030, ngành Y tế Lâm Đồng cần bổ sung khoảng 470 bác sĩ, bình quân mỗi năm cần phải bổ sung 59 bác sĩ. Tuy nhiên, đến nay không còn các hình thức đào tạo cử tuyển, đào tạo theo địa chỉ sử dụng; hình thức đào tạo theo Thông tư số 09 ngày 7/5/2020 về ban hành quy chế tuyển sinh trình độ đại học; tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành giáo dục mầm non đã hết hiệu lực.
Vì vậy, để thực hiện đạt chỉ tiêu trên theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng và Nghị quyết số 23, Sở Y tế tỉnh Lâm Đồng đề xuất Bộ Y tế kiến nghị với Chính phủ, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép các Trường Đại học Y, Dược được thực hiện hình thức đào tạo đặt hàng theo nhu cầu của địa phương đối với bác sĩ để vừa phát triển về số lượng, vừa đảm bảo về chất lượng đào tạo và đào tạo liên thông từ y sĩ lên bác sĩ nguồn nhân lực tại chỗ phục vụ cho tuyến y tế cơ sở đối với những địa phương khó khăn trong tuyển dụng, thu hút được nhân lực bác sĩ về công tác tuyến y tế cơ sở.
Qua đó, hiện tại, việc đền bù chi phí đào tạo thực hiện theo hướng dẫn tại khoản 1, Điều 8 Nghị định số 101 ngày 1/9/2017 của Chính phủ và Thông tư số 15 ngày 25/12/2012 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ hướng dẫn về tuyển dụng, ký kết hợp đồng làm việc và đền bù chi phí đào tạo, bồi dưỡng đối với viên chức “Chi phí đền bù bao gồm học phí và tất cả các khoản chi khác phục vụ cho khóa học, không tính lương và các khoản phụ cấp nếu có”. Việc đào tạo đối với nhân viên y tế rất khó khăn vì thời gian đào tạo dài; phải thường xuyên tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ; nhân lực thiếu phải bố trí thời gian phù hợp để các viên chức thay nhau đi đào tạo, bồi dưỡng. Tuy nhiên, với quy định trên một số viên chức y tế sau khi đào tạo đã viết đơn xin nghỉ việc và đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc do số tiền đền bù học phí và các khoản chi khác (không bao gồm lương, phụ cấp) thấp.
Còn kinh phí đào tạo, theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 14 Nghị định số 60 ngày 21/6/2021 của Chính phủ, các đơn vị không được sử dụng kinh phí chi thường xuyên để chi cho công tác đào tạo mà sử dụng nguồn kinh phí từ quỹ phát triển sự nghiệp của đơn vị được trích lập hàng năm từ kết dư chênh lệch thu chi để chi cho công tác đào tạo. Tuy nhiên, kinh phí do ngân sách nhà nước cấp hàng năm và nguồn thu từ dịch vụ khám, chữa bệnh của đơn vị có nguồn thu thấp chỉ đảm bảo các nhu cầu hoạt động tại đơn vị, hàng năm không có chênh lệch thu chi để trích lập các quỹ đúng theo quy định nên rất khó khăn về kinh phí chi cho đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ. Sở Y tế đề nghị UBND tỉnh sớm trình HĐND tỉnh ban hành Quy định chính sách thu hút và hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực tỉnh Lâm Đồng đến năm 2030.
• CHẾ ĐỘ, CHÍNH SÁCH
Chế độ phụ cấp ưu đãi nghề theo quy định tại Nghị định số 05 quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập phát sinh nhiều bất cập. Thực tế, Ban Giám đốc các cơ sở y tế; trưởng, phó các phòng chức năng (bác sĩ, điều dưỡng, y tế công cộng…) và viên chức có chuyên môn y tế (bác sĩ, điều dưỡng, y tế công cộng, viên chức dân số…) do đặc thù công việc và tình hình nhân lực của ngành Y tế những viên chức này đều trực tiếp tham gia công tác chuyên môn; trực tiếp tham gia khám bệnh, chữa bệnh tại đơn vị. Đặc biệt, từ khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát, tất cả công chức, viên chức y tế không kể ngày hay đêm đều được huy động để tham gia công tác phòng, chống dịch; phải chịu cường độ làm việc cao, hầu như không có ngày nghỉ, phải làm việc trong môi trường làm việc nguy hiểm, có nguy cơ mắc bệnh cao, thậm chí có thể ảnh hưởng tính mạng nhưng do chưa đảm bảo quy định “thường xuyên, trực tiếp” nên không thuộc đối tượng được hưởng phụ cấp ưu đãi nghề theo quy định tại Nghị định số 05, làm ảnh hưởng rất lớn đến tâm tư, nguyện vọng của viên chức, người lao động.
Hiện, Lâm Đồng chưa có nhà ở công vụ cho nhân viên y tế theo tiêu chuẩn quy định tại Quyết định số 03 ngày 18/02/2022 của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chuẩn, định mức nhà ở công vụ. Vì vậy, cần có chính sách cụ thể về nhà ở công vụ, nhà ở xã hội cho nhân viên y tế, tạo điều kiện cho nhiều nhân viên y tế hiện còn đang khó khăn yên tâm công tác, gắn bó lâu dài với hệ thống y tế công.
Bên cạnh đó, cần sửa đổi, bổ sung quy định về chế độ phụ cấp đối với nhân viên y tế tại các tổ dân phố thuộc các phường, thị trấn. Đến nay, chỉ có nhân viên y tế thôn bản được hưởng chế độ phụ cấp theo quy định tại Điều 1 Quyết định số 75 ngày 11/5/2009, còn nhân viên y tế tổ dân phố tại phường, thị trấn chưa có chế độ phụ cấp.
Kinh phí hợp đồng làm chuyên môn, nghiệp vụ được Sở Y tế kiến nghị UBND tỉnh xem xét đối với các đơn vị chưa tuyển dụng hết số lượng người làm việc được giao, các trường hợp hợp đồng lao động làm công việc chuyên môn, nghiệp vụ tại đơn vị được phép sử dụng ngân sách nhà nước để chi trả cho đối tượng này.
• CÔNG TÁC QUY HOẠCH, BỔ NHIỆM
Căn cứ Điều 48 Nghị định số 115 của Chính phủ quy định hồ sơ nhân sự bổ nhiệm, bổ nhiệm lại có kết luận của cấp ủy có thẩm quyền về tiêu chuẩn chính trị; với quy định trên thì tất cả hồ sơ bổ nhiệm, bổ nhiệm lại phải có kết luận của cấp ủy có thẩm quyền về tiêu chuẩn chính trị. Ngành Y tế là một ngành đặc thù thực hiện nhiệm vụ chuyên môn là bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân; nhiều cán bộ y tế có trình độ chuyên môn cao, có đạo đức nghề nghiệp, có tinh thần trách nhiệm, có khả năng đảm nhiệm, điều hành thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn tại các khoa, phòng thuộc đơn vị nhưng có lịch sử chính trị không thể kết nạp vào Đảng, do đó với quy định nêu trên thì không thể thực hiện công tác quy hoạch, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại các chức vụ lãnh đạo, quản lý các khoa, phòng thuộc bệnh viện, Trung tâm Y tế. Qua tổng hợp đến tháng 5/2023, ngành Y tế tỉnh Lâm Đồng có 99 trường hợp dự kiến quy hoạch và 41 trường hợp dự kiến bổ nhiệm, bổ nhiệm lại chưa được kết nạp Đảng. Thực tế, hiện nay áp dụng theo quy định nêu trên thì ngành Y tế Lâm Đồng không đảm bảo đủ nguồn nhân sự để thực hiện công tác quy hoạch, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại chức vụ lãnh đạo, quản lý các khoa, phòng thuộc bệnh viện, Trung tâm Y tế đòi hỏi có chuyên môn cao.
Bên cạnh đó, về xếp hạng đơn vị sự nghiệp công lập, theo Thông tư số 23, ngày 25/8/2005 của Bộ Y tế chỉ quy định tiêu chuẩn và bảng điểm xếp hạng bệnh viện và các đơn vị y tế dự phòng, không có bảng điểm xếp hạng đối với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật, Trung tâm Kiểm nghiệm Dược phẩm - Mỹ phẩm, Trung tâm Pháp Y. Thông tư cũng quy định “đối với bệnh viện hạng I phải đạt từ 60% trở lên các trưởng khoa và phó trưởng khoa có trình độ tiến sĩ hoặc chuyên khoa 2, còn lại là đại học”, tiêu chuẩn này rất khó khăn đối với các tỉnh vùng núi, vùng dân tộc thiểu số.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin