Bảo Lâm: Khởi sắc vùng đồng bào dân tộc thiểu số

TỨ ĐỨC 06:04, 05/09/2023

Từ sự quan tâm đầu tư của Trung ương và của tỉnh, sự nỗ lực, cố gắng của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc anh em trên địa bàn huyện Bảo Lâm, đời sống người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) có nhiều chuyển biến tích cực, khởi sắc.

Huyện Bảo Lâm khôi phục, phát triển nghề trồng dâu, nuôi tằm
trong vùng đồng bào DTTS
Huyện Bảo Lâm khôi phục, phát triển nghề trồng dâu, nuôi tằm trong vùng đồng bào DTTS

CHÚ TRỌNG ĐẦU TƯ CƠ SỞ HẠ TẦNG

Huyện Bảo Lâm có diện tích tự nhiên 146.351 ha, dân số trên 122.000 người. Trong đó, đồng bào DTTS có 39.471 người, chiếm 32,3% dân số toàn huyện, gồm 30 dân tộc anh em, được phân bổ ở 14 xã, thị trấn. 

Giai đoạn 2016-2022, tổng nguồn vốn đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, dân sinh, thực hiện các chương trình, chính sách, dự án phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS trên địa bàn huyện trên 71 tỷ đồng, đầu tư cho 113 công trình, dự án.

Đến cuối năm 2022, toàn huyện có 100% đường xã và đường từ trung tâm xã đến trung tâm huyện được cứng hóa; 95% đường trục liên thôn được cứng hóa; 99,5% hộ gia đình sử dụng điện; 100% thôn có điện; 92,84% hộ dân sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; tỷ lệ bao phủ Bảo hiểm y tế đạt 92,4%; 14/14 xã, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế; tỷ lệ tăng dân số tự nhiên giảm còn 1,04%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 62,03%; 14/14 xã, thị trấn duy trì bền vững đạt chuẩn phổ cập giáo dục, xóa mù chữ; 13 xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới; thị trấn Lộc Thắng giữ vững tiêu chí thị trấn văn minh đô thị; 98,4% thôn, tổ dân phố đạt chuẩn văn hóa; 93% số hộ gia đình đạt gia đình văn hóa. 

Duy trì được 13 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó xã Lộc An đạt chuẩn NTM nâng cao. Cơ sở vật chất Trường Phổ thông Dân tộc nội trú và THCS huyện được củng cố và ngày càng hoàn thiện. Tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS giảm còn 5,56%; tỷ lệ hộ cận nghèo người DTTS giảm còn 5,18% (theo chuẩn nghèo đa chiều).

ĐA DẠNG HÓA SINH KẾ CHO NGƯỜI DÂN

Công tác hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp, hướng dẫn người dân áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hỗ trợ liên kết, tiêu thụ sản phẩm trong vùng đồng bào DTTS luôn được UBND huyện, các ngành chức năng, UBND các xã, thị trấn chú trọng thực hiện. 

Giai đoạn 2016-2022, huyện Bảo Lâm tiếp tục giữ ổn định diện tích đất nông nghiệp hiện có trong vùng đồng bào DTTS, đồng thời, xác định hai loại cây trồng chính là cây chè, cây cà phê để tập trung đầu tư, hướng dẫn đồng bào phát triển kinh tế hộ gia đình. Các ngành chức năng ở huyện đã mở được 146 lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật với 5.840 lượt người tham dự. Hướng dẫn người dân thực hiện chuyển đổi, trồng tái canh được 4.186 ha cây cà phê, nâng diện tích cà phê đã được chuyển đổi giống tốt cho năng suất, chất lượng cao trong vùng đồng bào DTTS lên 6.426 ha, đạt 66% diện tích; năng suất bình quân từ 2,9-3,1 tấn/ha. Chuyển đổi sang giống chè chất lượng cao được 265 ha, nâng diện tích chè được chuyển đổi lên 718 ha, đạt 44% diện tích; năng suất bình quân từ 10-12 tấn chè búp tươi/ha. 

Bên cạnh đó, cơ quan chức năng đã hướng dẫn Nhân dân trong vùng đồng bào DTTS trồng xen một số loại cây ăn quả có lợi thế của địa phương như: cây bơ (diện tích 1.300 ha, sản lượng đạt 5.340 tấn); cây sầu riêng (diện tích 1.565 ha, sản lượng đạt 15.650 tấn). Hỗ trợ khôi phục, phát triển nghề trồng dâu, nuôi tằm tại một số địa phương có truyền thống như: Lộc Tân, Lộc Nam, Lộc Bắc, Lộc Bảo, B’ Lá, với diện tích khoảng 290 ha, sản lượng đạt 6.670 tấn.

Chăn nuôi trong vùng đồng bào DTTS thuộc thôn, xã đặc biệt khó khăn tiếp tục phát triển, giai đoạn 2016-2022 huyện đã hỗ trợ trên 200 con bò giống lai Zebu, 2.000 con dê, gà và gia cầm khác cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số để phát triển kinh tế hộ gia đình. Công tác phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, đàn vật nuôi luôn được quan tâm thực hiện, không để xảy ra dịch bệnh trong vùng. 

 Sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã có bước chuyển biến tích cực, đến nay, toàn huyện có khoảng 8.220 ha diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Trong đó: 4.680 ha cà phê; 1.650 ha chè; 550 ha dâu tằm, 240 ha rau, hoa; 1.100 ha cây ăn quả. Một số mô hình sản xuất nông nghiệp trong vùng đồng bào DTTS mang lại hiệu quả kinh tế cao như: Mô hình Trồng xen các lại cây ăn trái như bơ, sầu riêng tại xã Lộc Phú, Lộc Nam, Lộc Bảo, B’Lá, Lộc Bắc, Lộc Lâm. Mô hình phát triển kinh tế hộ gia đình hoạt động có hiệu quả như hộ ông K’ Yang ở Thôn 3, ông K’ Sẻo ở Thôn 1, xã Lộc Lâm với mô hình trồng cà phê và chăn nuôi bò; hộ bà Ka Nhụy ở Thôn 15, xã Lộc Thành với mô hình rang xay cà phê; ông K’ Chiến ở thôn Hang Ka, xã Lộc Bảo với mô hình trồng sầu riêng...

Thời gian tới, huyện Bảo Lâm tiếp tục tập trung nguồn lực, đầu tư có hiệu quả các chương trình, dự án phát triển toàn diện kinh tế - xã hội vùng DTTS; chuyển đổi nghề, hỗ trợ các đối tượng yếu thế, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống Nhân dân vùng DTTS. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân về công tác dân tộc. Tuyên truyền nâng cao nhận thức cho đồng bào dân tộc trong ý thức tự lực vươn lên, tích cực lao động, sản xuất. Tạo mọi điều kiện thuận lợi để bà con tiếp cận các nguồn lực đầu tư của Nhà nước, nguồn lực về khoa học công nghệ, vốn tín dụng ưu đãi...