Lâm Đồng đã đạt được kết quả đáng khích lệ qua 2 năm thực hiện Chỉ thị số 07 của Ban Bí thư về tăng cường lãnh đạo công tác phòng, chống HIV/AIDS tiến tới chấm dứt dịch bệnh AIDS tại Việt Nam trước năm 2030. Trong phương hướng tới, Lâm Đồng phấn đấu về đích trước 1 năm so với mục tiêu phòng, chống AIDS của quốc gia.
Kỹ thuật viên đang thực hiện các test tại Phòng Xét nghiệm khẳng định HIV thuộc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh |
• CAN THIỆP GIẢM TÁC HẠI, DỰ PHÒNG LÂY NHIỄM HIV
Theo Sở Y tế Lâm Đồng, kết quả xét nghiệm HIV cho nhóm nguy cơ cao (nghiện chích ma túy, phụ nữ mại dâm, nam quan hệ tình dục đồng giới, quan hệ tình dục khác giới ) từ năm 2021 đến 6 tháng đầu năm 2023 thực hiện 6.054 mẫu xét nghiệm, phát hiện 149 mẫu dương tính với HIV. Trong đó, đáng chú ý là trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) có tỉ lệ dương tính cao với 112 ca.
Riêng trong 6 tháng năm 2023, toàn tỉnh thực hiện xét nghiệm 22.158 mẫu cho tất cả các đối tượng (bao gồm cả xét nghiệm cho đối tượng nguy cơ cao), phát hiện 29 mẫu xét nghiệm HIV dương tính.
Từ ca nhiễm HIV đầu tiên được phát hiện vào năm 1993, tính đến tháng 6/2023, lũy tích các trường hợp nhiễm HIV/AIDS được báo cáo trên toàn tỉnh là 1.801 trường hợp, trong đó có 289 trường hợp đã chuyển thành bệnh nhân AIDS và 608 bệnh nhân tử vong do liên quan đến HIV/AIDS. Số tích lũy ca nhiễm HIV cao nhất tại TP Đà Lạt 585 ca và thấp nhất tại huyện Lạc Dương 10 ca. Về địa bàn phân bố dịch, 12/12 huyện, thành phố và 122/142 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đều đã có người nhiễm HIV.
Ngành Y tế Lâm Đồng đã triển khai thực hiện các biện pháp can thiệp giảm tác hại, dự phòng lây nhiễm HIV như phát bơm kim tiêm, bao cao su miễn phí, tư vấn phòng, chống HIV/AIDS, xét nghiệm HIV tại cộng đồng… Trong đó, ưu tiên tiếp cận các nhóm nguy cơ cao như nghiện chích ma túy, phụ nữ mại dâm, quan hệ tình dục đồng giới, bạn tình của người nhiễm HIV.
Duy trì thực hiện các biện pháp phát bao cao su, bơm kim tiêm miễn phí cho nhóm người có nguy cơ cao (nghiện chích ma túy, bán dâm, quan hệ tình dục đồng giới, bạn tình của người nhiễm HIV) thông qua các điểm phân phát bơm kim tiêm, bao cao su cố định và thông qua cán bộ chương trình phòng, chống HIV/AIDS tại các Trạm Y tế, lồng ghép các biện pháp giảm lây nhiễm HIV/AIDS và các bệnh truyền nhiễm khác qua đường tiêm, chích ma túy.
Thực hiện phát bao cao su, bơm kim tiêm và xét nghiệm HIV tại cộng đồng miễn phí thông qua nhân viên tiếp cận cộng đồng nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới tại TP Đà Lạt và huyện Đức Trọng cho nhóm người có nguy cơ cao khi có nhu cầu. Tổng số người nghiện chích ma túy được tiếp cận chương trình bơm kim tiêm là 756 người (năm 2021), 529 người (năm 2022) và 398 người (6 tháng đầu năm 2023). Tổng số người phụ nữ mại dâm được tiếp cận chương trình bao cao su là 1.116 người (năm 2021), 108 người (năm 2022) và 48 người (6 tháng đầu năm 2023).
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Lâm Đồng đã tổ chức khám, xác định tình trạng nghiện ma túy từ tháng 1/2023. Trong 6 tháng đầu năm đã khám và xác định tình trạng nghiện ma túy cho 21 đối tượng (1 đối tượng tự nguyện, 20 đối tượng do công an các phường đưa tới).
• ĐIỀU TRỊ NGHIỆN VÀ HỖ TRỢ ĐIỀU TRỊ HIV/AIDS…
Lâm Đồng có 1 cơ sở điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Lâm Đồng và 3 cơ sở cấp phát thuốc tại các Trung tâm Y tế Đạ Tẻh, Lâm Hà và Bệnh viện Y học cổ truyền Bảo Lộc. Số bệnh nhân hiện đang điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone là 310 người; tổng số tích lũy có 1.011 bệnh nhân tham gia điều trị.
Hàng năm, ngành Y tế chủ động phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tập trung vào hai chiến dịch truyền thông lớn: Chiến dịch dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con và Tháng Hành động Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS.
Tiếp tục triển khai hoạt động 3 phòng khám chuyên khoa HIV tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện II Lâm Đồng, Trung tâm Y tế Đức Trọng. Tổng số bệnh nhân hiện đang được điều trị thuốc kháng HIV là 968 bệnh nhân, trong đó có 12 trẻ em. Hiện tại, 3 phòng khám chuyên khoa HIV này đã thực hiện khám thông tuyến Bảo hiểm y tế, số bệnh nhân nhiễm HIV có thẻ Bảo hiểm y tế là 859/900 bệnh nhân chiếm 95,4%.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, xét nghiệm sàng lọc HIV cho phụ nữ mang thai, chuyển dạ với 10.921 mẫu, phát hiện 2 mẫu HIV dương tính. Có 7 phụ nữ mang thai nhiễm HIV đã sinh con; trong đó có 4 ca điều trị ARV trước mang thai và 3 ca phát hiện trong lúc chuyển dạ (xét nghiệm khẳng định dương tính). Điều trị dự phòng HIV cho mẹ bằng ARV 3 ca; số trẻ được điều trị dự phòng HIV 7 ca.
• MỤC TIÊU CHẤM DỨT DỊCH BỆNH AIDS
Lâm Đồng tập trung toàn lực để đẩy mạnh giải quyết toàn diện, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp trong công tác phòng, chống HIV/AIDS, phấn đấu chấm dứt dịch bệnh AIDS tại Lâm Đồng vào năm 2029...
Mục tiêu cụ thể đến năm 2025 tiếp tục đảm bảo 90% người nhiễm HIV biết được tình trạng bệnh của mình; 90% người nhiễm HIV được điều trị ARV; 90% số người được điều trị ARV kiểm soát được tải lượng vi rút ở mức thấp.
Đến năm 2029 nâng tỷ lệ lên 95% người có HIV biết được tình trạng bệnh của mình; 95% người nhiễm HIV được điều trị ARV; 95% số người được điều trị ARV kiểm soát được tải lượng vi rút ở mức thấp), nhằm chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2029.
Để đạt mục tiêu này, các cấp ủy, tổ chức Đảng tiếp tục quán triệt, tăng cường công tác lãnh đạo thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống HIV/AIDS; chỉ đạo giải quyết toàn diện, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống HIV/AIDS. Đồng thời, xác định đây là một tiêu chí để đánh giá hoạt động của tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể, đảng viên trong xây dựng thôn, tổ dân phố, gia đình văn hóa.
Huy động hệ thống chính trị, toàn xã hội tham gia vào công tác phòng, chống HIV/AIDS; vận động sự tham gia của cộng đồng người nhiễm HIV để kết nối những người nhiễm HIV khác đến với các dịch vụ điều trị và kết nối những người có nguy cơ cao đến với các dịch vụ dự phòng.
Chú trọng lồng ghép các hoạt động phòng, chống tội phạm, phòng chống tệ nạn xã hội, xóa đói giảm nghèo, giới thiệu việc làm, tạo sinh kế và xây dựng chương trình chăm sóc hỗ trợ cho người nhiễm HIV tái hòa nhập cộng đồng. Phối hợp hiệu quả các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, xây dựng gia đình văn hóa, thôn, tổ dân phố văn hóa, cuộc vận động “Xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”...
Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS nhằm tác động hiệu quả đến mọi đối tượng, cộng đồng dân cư, nhất là thanh thiếu niên, nhóm người có nguy cơ cao lây nhiễm HIV và các hoạt động tuyên truyền chống kỳ thị, phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS.
Rà soát, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, tạo môi trường thuận lợi để tăng cường sự tham gia của các tổ chức, cá nhân trong cung cấp, sử dụng dịch vụ, cho các chương trình, dự án về phòng, chống HIV/AIDS.
Bảo đảm tài chính, nâng mức đầu tư ngân sách địa phương cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2024-2030, đặc biệt là các lĩnh vực ngoài điều trị như: Hỗ trợ bảo hiểm y tế, hỗ trợ đồng chi trả thuốc ARV, các hoạt động dự phòng, can thiệp giảm tác hại, các hoạt động giáo dục, truyền thông, giám sát dịch, hỗ trợ nhân viên cộng đồng…
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin