Chuyển động Đề án 06 (Bài 2)

DIỄM THƯƠNG  06:01, 31/10/2023
 

Bài 2: Tạo đà tăng tốc nhanh và xa hơn

 

Theo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà: “Sứ mệnh của Đề án 06 mở rộng là dẫn dắt, thí điểm, đột phá trong chuyển đổi số”. Tại Lâm Đồng, Đề án 06 với những nhiệm vụ chưa từng có trong tiền lệ, có phạm vi và tầm ảnh hưởng rộng tới đa ngành, địa phương và đặc biệt yếu tố liên quan lớn đến người dân. Do đó, đây là việc không hề dễ dàng và không thể thực hiện trong một sớm một chiều mà cần phải có lộ trình cụ thể với những bước đi chắc chắn. Lâm Đồng cũng cần những chiến lược dài hơi, tạo đà tăng tốc cho Đề án 06 về đích đúng lộ trình.

Lâm Đồng chính thức vận hành Trung tâm IOC tỉnh, dấu ấn trong chuyển đổi số, Đề án 06
Lâm Đồng chính thức vận hành Trung tâm IOC tỉnh, dấu ấn trong chuyển đổi số, Đề án 06

CHỦ ĐỘNG THÁO GỠ “ĐIỂM NGHẼN”

Khi triển khai Đề án 06, người dân và doanh nghiệp sẽ được hưởng rất nhiều lợi ích. Đặc biệt, khi hệ thống định danh và xác thực điện tử được đưa vào sử dụng sẽ là nền tảng để phát triển hệ sinh thái số trong thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến gắn kết với chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất, kinh doanh bảo đảm thông tin, dữ liệu điện tử chỉ cần cung cấp, số hóa một lần. Mỗi người dân và doanh nghiệp được cung cấp tài khoản định danh điện tử để phục vụ các giao dịch trên môi trường điện tử gắn với các hệ sinh thái các cơ sở dữ liệu quốc gia, sử dụng chữ ký số, hợp đồng điện tử, thanh toán điện tử… tạo ra điều kiện cho công dân và doanh nghiệp trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Đề án 06 đã mang lại những kết quả tích cực bước đầu, làm tiền đề cho việc triển khai các nhiệm vụ các năm tiếp theo. Bên cạnh những kết quả đạt được, Chính phủ cũng chỉ ra thực trạng một số tồn tại, hạn chế là “điểm nghẽn” làm chậm tiến độ triển khai Đề án. Trong quá trình triển khai, các đơn vị, địa phương vẫn gặp phải một số khó khăn, vướng mắc. Những khó khăn, hạn chế nêu trên đặt ra yêu cầu và giải pháp tháo gỡ của tỉnh trong thời gian tới. Đặc biệt, các ngành, địa phương cần khắc phục khó khăn, bám sát kế hoạch của UBND tỉnh tiếp tục thực hiện hiệu quả các nội dung của Đề án 06, coi đó là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục. 

Vấn đề là làm sao cơ sở dữ liệu ngày càng phong phú, đầy đủ, bao trùm với phương châm “đúng, đủ, sạch, sống”. Kinh tế số là động lực quan trọng phát triển kinh tế đất nước; xã hội số là xã hội nền tảng của Việt Nam; văn hóa số góp phần cấu thành văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam. Phải hài hòa lợi ích Nhà nước, người dân, doanh nghiệp, phải triển khai một cách nhân văn, hợp lòng dân, được Nhân dân ủng hộ, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể, mục tiêu, động lực cho sự phát triển.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính

Cụ thể như, hệ thống các cơ sở dữ liệu của các ngành, địa phương chưa đầy đủ, thiếu tính đồng bộ, chưa thực hiện số hóa, kết nối, chia sẻ, liên thông, khai thác dữ liệu với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Chưa có cách làm phù hợp, chưa thực sự lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm nên dịch vụ công thiết kế chưa thuận lợi. Trình độ, kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin, giải quyết công việc trên môi trường số của cán bộ, công chức chưa thuần thục. Chất lượng, hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến còn hạn chế, chưa thuận lợi cho người dùng, số người thực hiện bằng hình thức trực tiếp còn chiếm tỷ lệ cao (trên 70%). Việc số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu, người dân phải cung cấp thông tin và đi lại nhiều lần... 

Ngay sau đánh giá thực tiễn triển khai 6 tháng đầu năm 2023, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp - Trưởng Ban Chỉ đạo Đề án 06 tỉnh, đã có chỉ đạo về việc thực hiện tháo gỡ các “điểm nghẽn” triển khai Đề án. UBND tỉnh Lâm Đồng đã yêu cầu giám đốc/thủ trưởng các sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, TP Đà Lạt và Bảo Lộc chủ động nghiên cứu, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ theo chức năng, nhiệm vụ được giao; trong đó, tập trung thực hiện tốt một số nội dung: Thường xuyên theo dõi, chỉ đạo cập nhật, công khai các thủ tục hành chính liên quan đến quản lý dân cư trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính; đồng thời, hoàn thành việc tái cấu trúc, quy trình nghiệp vụ các thủ tục hành chính theo thẩm quyền, lĩnh vực được giao và kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, giấy tờ có liên quan. Khẩn trương rà soát, đánh giá tổng thể hạ tầng công nghệ thông tin, hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu, an toàn, an ninh thông tin theo hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông; đầu tư, bổ sung, trang bị ngay các thiết bị đầu cuối cần thiết; bảo đảm vận hành thông suốt các hệ thống thông tin phục vụ triển khai Đề án 06 trên địa bàn, tránh “tắc nghẽn” trong quá trình tích hợp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, tập trung chuyển đổi quy trình, thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công từ phương thức truyền thống sang môi trường điện tử; chuẩn hóa, tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ, xây dựng các biểu mẫu điện tử, sử dụng phần mềm chuyên dụng, số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính để làm giàu kho dữ liệu, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp không phải cung cấp lại các thông tin đã có. 

Thực hiện nghiêm việc ký số, gửi nhận văn bản và xử lý hồ sơ công việc trên môi trường điện tử; đẩy mạnh xây dựng, cập nhật, kết nối, liên thông các nền tảng số, Cơ sở dữ liệu quốc gia, Cơ sở dữ liệu chuyên ngành đồng bộ, thực chất, hiệu quả, góp phần khắc phục tình trạng “manh mún”, “cát cứ thông tin”, “chia cắt” và “co cụm dữ liệu” như hiện nay. Ưu tiên bố trí nguồn kinh phí phục vụ triển khai Đề án 06 và chuyển đổi số theo quy định, tránh tình trạng cắt giảm kinh phí hoặc đưa vào tổng thể chi phí chi thường xuyên của cơ quan, đơn vị làm ảnh ưởng đến tiến độ chung về chuyển đổi số.

Đề án 06 là bước đệm, tạo đà cho chuyển đổi số
Lâm Đồng đúng lộ trình, nhanh và xa hơn
Đề án 06 là bước đệm, tạo đà cho chuyển đổi số Lâm Đồng đúng lộ trình, nhanh và xa hơn

TẠO ĐÀ TĂNG TỐC 

Ngay trong tháng 10/2023, Ban Chỉ đạo Đề án 06 tỉnh đã lựa chọn triển khai các mô hình điểm về Đề án 06 căn cứ cẩm nang hướng dẫn triển khai 44 mô hình điểm của Cục C06 - Bộ Công an và tình hình, điều kiện thực tế của địa phương. Ban Chỉ đạo thống nhất lựa chọn, triển khai 33/44 mô hình điểm có tính khả thi, phù hợp với địa phương. Phạm vi triển khai diện rộng trên địa bàn toàn tỉnh. Thời gian thực hiện từ tháng 10/2023 đến tháng 12/2025.

Việc triển khai các mô hình với mục đích phát huy vai trò của Ban Chỉ đạo và các Tổ công tác triển khai Đề án 06 từ tỉnh đến cơ sở; tiếp tục nâng cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thuộc các cơ quan, đơn vị, địa phương trong thực hiện các nhiệm vụ về triển khai các mô hình điểm của Đề án 06 phục vụ xây dựng Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, công dân số phù hợp, thống nhất với Chương trình chuyển đổi số quốc gia; mang lại nhiều giá trị, tiện ích mà người dân, doanh nghiệp được thụ hưởng từ các mô hình điểm về Đề án 06; thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương; nhất là người dân dễ dàng tiếp cận: dịch vụ công; các tiện ích trên ứng dụng VNeID về tố giác tội phạm, sử dụng sổ sức khỏe điện tử, sổ lao động, nộp phạt trực tuyến; thanh toán không dùng tiền mặt; tạo mã QR code truy cập trung tâm hướng dẫn các nghiệp vụ về định danh điện tử; chuyển đổi số... mọi lúc, mọi nơi.

Lộ trình thực hiện được chia làm 3 giai đoạn. Cụ thể, giai đoạn 1: Chuẩn bị các điều kiện và xây dựng kế hoạch, giải pháp thực hiện, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp có liên quan được giao chủ trì triển khai thực hiên các mô hình điểm chủ động xây dựng, ban hành kế hoạch theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Giai đoạn 2: Đẩy mạnh, tăng cường triển khai tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp; phân bổ, bố trí phù hợp các nguồn lực. Giai đoạn 3: Ứng dụng tiện ích các mô hình vào thực tiễn đời sống. Các mô hình được đánh giá đưa Đề án 06 đi vào đời sống của người dân như: Triển khai 53 dịch vụ công thiết yếu, tự động hóa trung tâm hành chính công thông qua tương tác Kiosk, xây dựng tối thiểu 20 dịch vụ công không sử dụng hồ sơ giấy, Trung tâm Giám sát an ninh mạng SOC tỉnh...

Có thể khẳng định, sau 1 năm thực hiện Đề án 06, Lâm Đồng đã đạt được những thành tựu quan trọng trong hành trình bước vào “kỷ nguyên số”. Đề án 06 chính là bước đệm, tạo đà phát triển chuyển đổi số toàn diện. 

Để lộ trình này “nhanh và xa” hơn cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, là yêu cầu tất yếu, đòi hỏi khách quan, mang tính toàn dân, toàn diện, tổng thể, bao trùm, không để ai bị bỏ lại phía sau. Những kết quả lớn đã đạt được trong quá trình thực hiện Đề án 06, chuyển đổi số quốc gia đã góp phần nâng cao nhận thức và hành động về chuyển đổi số; hoàn thiện thể chế, từng bước hoàn thiện cơ sở vật chất về chuyển đổi số, nhất là cơ sở dữ liệu, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; nguồn lực được đầu tư cả về tài chính, cơ sở vật chất và con người; tạo ra các dịch vụ công tiện ích cho người dân, doanh nghiệp, phục vụ phát triển đất nước, kết nối quốc tế; chuyển đổi số góp phần tăng trưởng, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.