(LĐ online) - Ngày 30/10, Đoàn Giám sát Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương do đồng chí Phạm Đức Toàn - Ủy viên Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Trung ương, Phó Trưởng Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương làm trưởng đoàn đã làm việc với Sở Nội vụ Lâm Đồng về việc triển khai Phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2021- 2025 tại tỉnh Lâm Đồng.
Đồng chí Phạm Đức Toàn - Ủy viên Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Trung ương, Phó Trưởng Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương phát biểu tại buổi làm việc |
Về phía Lâm Đồng có đồng chí Đàm Minh Tuấn - Phó Giám đốc Sở Nội vụ, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Thi đua Khen thưởng tỉnh; đại diện lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Lâm Đồng; Hội Nông dân tỉnh; Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tỉnh...
Xác định giảm nghèo bền vững là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, trong những năm qua, Lâm Đồng đã tích cực triển khai trên địa bàn nhằm cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho hộ nghèo, cận nghèo, đối tượng có hoàn cảnh khó khăn trong tỉnh, coi đây là điều kiện để bảo đảm cho sự phát triển bền vững, góp phần thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội.
Trong tháng 12/2021, Tỉnh ủy Lâm Đồng đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU tiếp tục thực hiện giảm nghèo đa chiều, bền vững, giảm dần khoảng cách giàu nghèo; hạn chế tái nghèo và phát sinh hộ nghèo mới trong tỉnh; hỗ trợ người nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản; tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng cho các xã nghèo, thôn nghèo nhằm sớm thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn. Mục tiêu của tỉnh đặt ra hàng năm giảm hộ nghèo từ 1,0 – 1,5%, riêng hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) giảm từ 2 – 3% theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025; đến cuối năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo của tỉnh đảm bảo giảm thấp hơn sơ với tỷ lệ chung của cả nước.
Tỉnh ủy Lâm Đồng trong tháng 6/2022 cũng đã ban hành Nghị quyết số 16-NQ/TU nhằm phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS trong tỉnh giai đoạn 2022-2030, trong đó xác định mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập bình quân vùng DTTS với mức bình quân chung của tỉnh; không còn xã khó khăn và đặc biệt khó khăn, giảm 60% số thôn đặc biệt khó khăn.
Trên cơ sở các nghị quyết của Tỉnh ủy, để triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh đã trình HĐND tỉnh ban hành các quyết định, chương trình, kế hoạch để triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách về giảm nghèo bền vững như phân bổ ngân sách nhà nước đầu tư thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) Giảm nghèo bền vững; Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc; vay vốn từ nguồn ngân sách địa phương qua Ngân hàng Chính sách xã hội; lồng ghép nguồn vốn và huy động các nguồn lực để thực hiện Chương trình Giảm nghèo; hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp; hỗ trợ kinh phí đóng bảo hiểm y tế đảm bảo từ ngân sách địa phương; giảm học phí cho học sinh các xã đặc biệt khó khăn, khu vực đồng bào DTTS.
Theo chỉ đạo của tỉnh, công tác giảm nghèo được triển khai sâu rộng từ tỉnh đến cơ sở, phù hợp với thực tiễn của các ngành, lĩnh vực, địa phương; gắn phong trào với thực hiện hiệu quả các Chương trình MTQG và các chương trình, kế hoạch trọng tâm của tỉnh. Các cấp, các ngành của tỉnh đã triển khai đồng bộ các chính sách về giải quyết việc làm; ưu đãi tín dụng; hỗ trợ nhà ở, giáo dục, y tế, pháp lý, thông tin truyền thông. Các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh cũng tích cực hưởng ứng phong trào thi đua “Vì người nghèo – Không để ai bị bỏ lại phía sau”, phối hợp, lồng ghép với các phong trào thi đua: “Cùng cả nước, Lâm Đồng chung sức xây dựng nông thôn mới”; “Thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” và các cuộc vận động khác. Các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh đã tích cực tuyên truyền, vận động cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên tích cực hưởng ứng đóng góp hỗ trợ Quỹ “Vì người nghèo” của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh; hưởng ứng các hoạt động như Chương trình “Mái ấm Công đoàn”, “Tháng công nhân”; chương trình “Tết vì người nghèo”; tháng cao điểm “Vì người nghèo”; “Tuần gửi tiết kiệm chung tay Vì người nghèo”, triển khai thực hiện các chính sách an sinh xã hội, chính sách ưu đãi người có công với cách mạng và các hoạt động đền ơn đáp nghĩa.
Theo kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo đến cuối năm 2022, Lâm Đồng còn 6.636 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 1,94% (giảm 0,93% so với cuối năm 2021, mục tiêu giảm 1%); hộ cận nghèo là 11.601 hộ, chiếm tỷ lệ 3,4%, trong đó hộ nghèo DTTS còn 4.549 hộ, chiếm tỷ lệ 5,65% (giảm 2,9% so với cuối năm 2021, mục tiêu tỷ lệ giảm từ 2-3%); hộ cận nghèo DTTS còn 6.905 hộ, chiếm tỷ lệ 8,57%.
Trong năm 2022, tỷ lệ nghèo đa chiều của tỉnh giảm 1,6%, tỷ lệ nghèo đa chiều đồng bào DTTS giảm 4,74%; số hộ nghèo đồng bào DTTS chiếm tỷ lệ 68,55% trên tổng số hộ nghèo toàn tỉnh; số hộ nghèo không có lao động là 1.158 hộ, chiếm tỷ lệ 17,45%, hộ nghèo có người ốm đau, bệnh tật, tai nạn là 1.602 hộ, chiếm tỷ lệ 24,14% trên tổng số hộ nghèo toàn tỉnh. Dự kiến trong năm 2023 này, tỷ lệ nghèo đa chiều giảm 1%, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số giảm 2,5%, đạt kế hoạch đề ra.
Đối với các địa phương thuộc tỉnh, đến cuối năm 2022, thành phố Đà Lạt không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều (từ năm 2021); 3 địa phương có tỷ lệ hộ nghèo dưới 1%, là thành phố Bảo Lộc (0,41%), huyện Đơn Dương (0,07%) và huyện Đạ Huoai (0,48%); có 6 huyện có tỷ lệ hộ nghèo dưới 5%, gồm huyện Đức Trọng (1,07%), huyện Lâm Hà (3,70%), huyện Di Linh (3,82%), huyện Bảo Lâm (2,44%), huyện Đạ Tẻh (1,36%) và huyện Cát Tiên (3,66%); có 2 huyện có tỷ lệ hộ nghèo trên 5%, gồm: huyện Lạc Dương (5,83%), huyện Đam Rông (6,92%). Các địa phương có tỷ lệ giảm nghèo cao, gồm: huyện Đam Rông 7,84% (tương ứng 1.111 hộ), huyện Cát Tiên 3,40% (tương ứng 343 hộ), huyện Lạc Dương 2,74% (tương ứng 185 hộ) và huyện Di Linh 1,55% (tương ứng 625 hộ).
Theo đánh giá của tỉnh, thông qua các chương trình MTQG giảm nghèo bền vững và phong trào thi đua “Vì người nghèo – Không để ai bị bỏ lại phía sau” đã mang lại hiệu quả kinh tế tích cực cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo trong tỉnh; góp phần thu hẹp chênh lệch khoảng cách về giàu nghèo giữa thành thị với nông thôn và vùng đồng bào DTTS, giúp người dân thay đổi nhận thức về phương thức sản xuất trong phát triển kinh tế nông nghiệp, Nhiều người nghèo đến nay đã biết cách lựa chọn các giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện sản xuất, tham gia liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; biết áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất để tạo ra những sản phẩm hàng hóa tập trung có chất lượng đạt hiệu quả kinh tế cao. Phong trào thi đua đã khơi dậy tinh thần tự lực, tự vươn lên của người nghèo, nhiều hộ dân tự nguyện đăng ký thoát nghèo bền vững.
Qua triển khai phong trào, các ngành các cấp trong tỉnh cũng đã huy động được các nguồn lực thực hiện mục tiêu giảm nghèo; các chính sách giảm nghèo được thực hiện kịp thời, đồng bộ; nhiều địa phương có những các làm sáng tạo và hiệu quả; huyện nghèo, xã nghèo và các xã đặc biệt khó khăn được quan tâm đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng; hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo việc làm, thu nhập và tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản để đảm bảo cuộc sống theo hướng tiếp cận đa chiều. Công tác phát hiện, bồi dưỡng, tuyên truyền, nhân rộng điển hình tiên tiến; mô hình hay, cách làm mới, sáng tạo trong công tác giảm nghèo cũng được tỉnh tăng cường, phát huy hiệu quả.
Về công tác khen thưởng, trong giai đoạn 2021 - 2023, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đã trình Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng ba cho 1 cá nhân (ông Nguyễn Văn Lực - Chủ tịch Hội Bảo trợ Bệnh nhân nghèo – Người tàn tật và Trẻ mồ côi tỉnh Lâm Đồng); tặng Bằng khen cho 10 tập thể, 12 cá nhân, 2 hộ gia đình. Đối với cấp cơ sở, giai đoạn 2021-2023 tổng cộng có 145 tập thể, 231 cá nhân và 5 hộ gia đình được tặng Giấy khen của Chủ tịch UBND cấp huyện.
Tại buổi làm việc, đồng chí Phạm Đức Toàn - Ủy viên Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Trung ương, Phó Trưởng Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương đã đánh giá cao các kết quả đạt được của tỉnh Lâm Đồng đồng thời đề nghị tỉnh Lâm Đồng tiếp tục phát huy các nỗ lực của tỉnh trong phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”; chú ý bám sát sự chỉ đạo của Bộ Nội vụ và Nghị định của Chính phủ; đẩy mạnh và đa dạng hóa công tác tuyên truyền, tăng cường biểu dương người tốt việc tốt những điển hình tiên tiến mới để nhân rộng trong xã hội; đồng thời khen thưởng nhiều hơn cho những người lao động trực tiếp, các mô hình hay trong xã hội.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin