Bài 2: Chuyển động từ cơ sở
Khi trên chuyển động mạnh, dưới cũng không thể đứng yên. Trước sự quyết tâm, quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các địa phương cũng chủ động chuyển động bằng cách khơi dậy tiềm năng, phát huy sức mạnh nội lực để có những bước đi phù hợp tình hình địa phương và đạt được mục tiêu cao nhất là phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng đời sống Nhân dân tại các địa phương.
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Hiệp kiểm tra tại Nhà máy Chế biến nông sản B’Lao Food (Khu công nghiệp Lộc Sơn) |
• NHỮNG KẾT TINH TỪ ĐÀ LẠT
Ngay từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng xác định tập trung xây dựng thương hiệu “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành”. Qua đó, giao nhiệm vụ cho Đảng bộ, chính quyền thành phố và các sở, ban, ngành của tỉnh cùng chung tay thực hiện, mở một con đường lớn để nông sản sạch Lâm Đồng định vị trên thị trường trong nước và bước ra quốc tế. Thương hiệu được công bố vào cuối năm 2017, đến nay, Đà Lạt và các vùng phụ cận đã có 674 tổ chức, cá nhân được UBND TP Đà Lạt đã cấp quyền sử dụng nhãn hiệu; trong đó, sản phẩm hoa chiếm 82,6%, rau chiếm 13,8%, cà phê chiếm 2% và du lịch canh nông chiếm 1,4%. Với “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành”, UBND tỉnh Lâm Đồng kết hợp cùng Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam thực hiện Dự án tiếp cận đa ngành và cải thiện môi trường đầu tư trong nông nghiệp. Qua đó, thực hiện mong mỏi mang những điều kỳ diệu từ miền đất lành của Đà Lạt đến với mọi người.
Với lợi thế về điều kiện tự nhiên kết tụ những sản vật nổi tiếng, Đà Lạt tập trung đưa các nhãn hiệu rau, hoa, cà phê Arabica và du lịch canh nông trở thành thương hiệu số một tại Việt Nam. Từ đó, từng bước phát huy, lan tỏa thương hiệu đến thị trường quốc tế. Tại Hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng bộ thành phố chỉ rõ, rau Đà Lạt đến nay đã khẳng định được thương hiệu trong và ngoài nước. Không chỉ đảm bảo được sản lượng cung ứng cho cả nước và xuất khẩu, rau Đà Lạt còn nổi tiếng sạch, an toàn được người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn.
Sầu riêng đang là cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng |
Cùng với rau, mỗi năm người trồng hoa Đà Lạt đã đưa được hơn 350 triệu cành hoa xuất khẩu ra thị trường thế giới (chiếm hơn 12% tổng sản lượng hoa Đà Lạt) như hoa cúc, hồng, lan, cẩm chướng... xuất khẩu qua các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Úc, Bỉ, Thái Lan, Singapore và Nga.
Để Thương hiệu “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành” bay cao, vươn xa cả thị trường trong nước và quốc tế, TP Đà Lạt đang ưu tiên xây dựng chương trình quảng bá, tuyên truyền đến hộ nông dân, hợp tác xã, các doanh nghiệp trực tiếp sản xuất; đồng thời, khuyến khích họ tham gia vào các chuỗi sản xuất, cung cấp dịch vụ, thực hiện tốt công tác quản lý chất lượng sản phẩm và an toàn thực phẩm với chiến lược dài hạn.
Thời gian qua, Đà Lạt đã kết nối với các công ty lữ hành trong và ngoài nước khai thác lượng du khách quan tâm đến du lịch canh nông; hợp tác với các trường học, các chương trình du lịch tổ chức cho du khách tham gia những hoạt động trải nghiệm, tìm hiểu, nghiên cứu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh và nông nghiệp hữu cơ; đẩy mạnh truyền thông phạm vi quốc gia và quốc tế, tạo bước phát triển cho du lịch Đà Lạt.
Đến tháng 5.2023, UBND tỉnh Lâm Đồng đã thống nhất mở rộng đối tượng được sử dụng thương hiệu “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành”, gồm hồng ăn quả, dâu tây, atiso; đông trùng hạ thảo tươi, khô; nấm linh chi tươi, khô và sản phẩm của các loại “đặc sản” này, cùng trà Ô long.
Từ những kết tinh mang tính đặc trưng của vùng đất lành đã giúp Đà Lạt thực hiện đạt và vượt kế hoạch 19/23 nhóm chỉ tiêu đã đề ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XII, với tổng mức đầu tư toàn xã hội đạt 32.567 tỷ đồng. Qua đó, tạo đà để Đà Lạt triển khai có hiệu quả các khâu đột phá; tập trung thực hiện các dự án, công trình trọng điểm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Theo Kết luận của Thành ủy Đà Lạt: Trong nửa nhiệm kỳ tới, Đảng bộ TP Đà Lạt đề nghị cấp ủy, chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể, ngành chức năng từ thành phố đến cơ sở tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đã đề ra của cả nhiệm kỳ. Tuyệt đối không tự mãn, chủ quan, bằng lòng với những kết quả đã đạt được. Từ đó, nghiêm túc đánh giá khách quan, kết quả các nhiệm vụ, mục tiêu đã đề ra trong Nghị quyết.
Ngày 31/10/2023, TP Đà Lạt vinh dự được UNESCO phê chuẩn trở thành thành viên thứ 3 của Việt Nam gia nhập Mạng lưới các thành phố Sáng tạo. Trong đó, Đà Lạt là thành phố sáng tạo âm nhạc toàn cầu và sẽ được trao tặng danh hiệu trong thời gian tới.
Tơ lụa Bảo Lộc đang ngày càng bay cao, vươn xa |
• BẢO LỘC - THÀNH PHỐ “HƯƠNG TRÀ, SẮC TƠ”
Ở Lâm Đồng, nếu như Đà Lạt nổi tiếng với rau và hoa thì Bảo Lộc được biết đến với trà (chè) và tơ lụa. Đã từ lâu, Bảo Lộc được mệnh danh là “thủ phủ” trà và là “kinh đô” tơ lụa Việt Nam.
Ông Nguyễn Văn Phương - Chủ tịch UBND TP Bảo Lộc, khẳng định: Thủ phủ trà - tơ lụa Bảo Lộc trong suốt chặng đường phát triển, không những mang ý nghĩa đặc biệt là tôn vinh các giá trị về trà, tơ lụa; tôn vinh nghề, người trồng, chế biến trà, ươm tơ, dệt lụa, mà còn tác động thiết thực trong việc phát triển sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu các sản phẩm của địa phương và cả tỉnh.
Hiện nay, Bảo Lộc có hơn 160 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh trà, với sản lượng sản xuất các loại trà xanh, trà hương và trà Ô long đạt khoảng 23.000 tấn/năm. Cùng với việc chiếm lĩnh trị trường trong nước, sản phẩm trà Bảo Lộc còn xuất khẩu qua nhiều thị trường trên thế giới như Đài Loan, Indonesia, Thái Lan, Singapore, Afghanistan, Pakistan, Ả Rập, Đài Loan, Trung Quốc, Mỹ và Nhật Bản. Qua đó, hoạt động xuất khẩu trà thu về cho địa phương15 triệu USD/năm.
Cùng với trà, Bảo Lộc đang có gần 30 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sản phẩm tơ lụa, sản xuất hơn 1.100 tấn tơ và khoảng 5 triệu mét lụa mỗi năm. Ngoài thị trường trong nước, sản phẩm tơ lụa Bảo Lộc còn xuất khẩu ra nhiều thị trường trên thế giới như: EU, Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Thái Lan, Lào... Qua đó, có những đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội.
Theo đánh giá, sau nửa nhiệm kỳ, TP Bảo Lộc đã đạt được nhiều kết quả nổi bật đáng ghi nhận trên các lĩnh vực. Đặc biệt, đến nay, TP Bảo Lộc đang tập trung hoàn thiện các tiêu chuẩn xây dựng đô thị loại II trước năm 2025 và hiện đã đạt 42/51 tiêu chuẩn.
Bảo Lộc cũng khẳng định là trung tâm công nghiệp phía Nam của tỉnh Lâm Đồng khi đang hội tụ hơn 1.100 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực chế biến các sản phẩm trà, cà phê, tơ lụa, trái cây và may mặc.
Phát biểu tại Hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ 2020-2025, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Hiệp đã chỉ rõ những tồn tại, khó khăn mà Bảo Lộc đang gặp phải trong quá trình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Từ đó, yêu cầu TP Bảo Lộc tập trung xây dựng lộ trình, bước đi phù hợp để triển khai thực hiện các công trình trọng điểm có hiệu quả. Tập trung kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư đầu tư vào các lĩnh vực thế mạnh như công nghiệp chế biến, dịch vụ - du lịch... Qua đó, hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ VI đã đề ra.
Tơ lụa Bảo Lộc đang ngày càng bay cao, vươn xa |
• CÁC ĐỊA PHƯƠNG CÙNG CHUYỂN ĐỘNG
Cùng với Đà Lạt, Bảo Lộc thì 10 địa phương còn lại trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng cũng đã để lại nhiều dấu ấn trong phát triển kinh tế - xã hội khi đã đi qua nửa nhiệm kỳ.
Đối với huyện Đức Trọng, sau nửa nhiệm kỳ, địa phương đã có 9/14 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra. Đức Trọng tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, thông minh và nông nghiệp hữu cơ đưa thu nhập đạt hơn 366 triệu đồng/ha/năm. Trong 14 xã đạt chuẩn nông thôn mới, Đức Trọng đã bứt tốc đưa 7 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Đặc biệt, với tinh thần đoàn kết, tăng tốc, đột phá, Đức Trọng đã thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 06, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Phát triển huyện Đức Trọng trở thành thị xã giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045”.
Trong khi đó, huyện Đơn Dương đã khẳng định được vị thế khi là huyện đầu tiên của tỉnh Lâm Đồng được Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới vào cuối năm 2015. Sau nửa nhiệm kỳ, địa phương có 6/8 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, trong đó có 3 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu; các chương trình kinh tế trọng tâm, công trình trọng điểm được quan tâm đầu tư triển khai; diện mạo nông nghiệp, nông thôn, đô thị có nhiều khởi sắc đảm bảo xu thế phát triển chung của địa phương và sự kỳ vọng của Nhân dân.
Các địa phương như Lạc Dương, Lâm Hà, Di Linh và Bảo Lâm cũng đạt nhiều thành tựu nổi bật trong phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, nông nghiệp được đầu tư phát triển theo hướng công nghệ cao, thông minh, nông nghiệp hữu cơ gắn với bảo vệ môi trường. Nhờ vậy, các sản phẩm OCOP tại các địa phương này như cà phê, cây ăn trái, rau, củ... không ngừng tăng lên về cả số lượng lẫn chất lượng. Nông thôn mới tại các địa phương tiếp tục được đầu tư xây dựng và có nhiều khởi sắc. Qua đó, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân.
Đối với huyện Đam Rông, từ một huyện khó khăn, địa phương đã tận dụng hiệu quả các chính sách đầu tư của Nhà nước, cùng với quyết tâm chính trị cao, khát vọng lớn của toàn Đảng bộ; ý chí tự lực, tự cường của người dân đã vực dậy đưa Đam Rông từng bước tiệm cận gần hơn với các địa phương trong tỉnh.
Riêng 3 huyện phía Nam, Đạ Huoai, Đạ Tẻh và Cát Tiên đã cùng nhau phát huy hiệu quả thế mạnh của từng địa phương. Trong đó, Đạ Huoai đã khẳng định vững chắc vị thế “thủ phủ” sầu riêng của tỉnh Lâm Đồng. Với gần 6.000 ha sầu riêng ghép, diện tích sầu riêng VietGAP, công nghệ cao, hữu cơ không ngừng tăng lên đã giúp người dân Đạ Huoai có được nguồn thu từ 1.200 - 1.500 tỷ đồng/năm. Trong khi đó, Đạ Tẻh đã khẳng định là vùng sản xuất nếp quýt được mệnh danh “Hạt ngọc Đạ Tẻh”; đồng thời, hình thành các cây ăn trái tiềm năng, đa dạng như bưởi da xanh, sầu riêng, quýt đường. Đây cũng là vùng trồng dâu, nuôi tằm lớn đang trên đà phát triển. Còn Cát Tiên tiếp tục khẳng định là vựa lúa lớn nhất của tỉnh khi năng suất lúa tăng lên theo từng năm; địa phương còn hình thành nhiều vùng sản xuất cây ăn trái đầy hứa hẹn trong tương lai... Tất cả đã và đang góp phần xây dựng quê hương giàu đẹp, mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho Nhân dân.
(CÒN NỮA)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin