(LĐ online) - “Xem học trò là bạn, để hiểu học trò hơn, để thấy mình còn nhiều thiếu sót, để thấy các em cần những gì ngoài kiến thức” là trăn trở của cô Huỳnh Thiên Khôi - Giáo viên Trường THCS-THPT Xuân Trường khi nói về nghề dạy học trong ngày 20/11.
Mang dáng dấp đặc trưng của người phụ nữ Đà Lạt xưa, phong thái của cô giáo Huỳnh Thiên Khôi trong giao tiếp cuốn hút người đối diện bằng sự nhẹ nhàng ẩn chứa nhiều nét tinh tế khó lẫn.
Cô Huỳnh Thiên Khôi |
16 năm gắn bó với nghề dạy học, quãng thời gian vừa đủ ấy để cô hiểu nhiều hơn về vùng vùng đất ngoại ô xinh đẹp Cầu Đất, về con người về tâm tính của các thế hệ học trò nơi đây.
Là giáo viên hướng dẫn học sinh tham gia các cuộc thi khoa học cấp tỉnh, có học sinh đạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh, cũng là giáo viên chủ nhiệm giỏi cấp tỉnh... nhưng cô luôn ngại ngùng khi được hỏi về bản thân, bởi cô biết hành trang của mỗi học sinh khi rời mái trường này đến với các trường cao đẳng, đại học chuyên nghiệp hoặc trưởng thành khi bước vào đời lập thân, lập nghiệp mới là điều quan trọng nhất.
Mỗi học sinh đến trường không chỉ giản đơn là học văn hóa, là tiếp thu kiến thức và trách nhiệm của người làm thầy cũng không chỉ là truyền đạt kiến thức. Hơn tất cả là phải là người hướng dẫn, uốn nắn để các em hoàn thiện bản thân, nhân cách và xa hơn là lý tưởng sống của con người.
Là người giảng dạy môn Hóa học, nên ngay từ những ngày đầu đứng lớp, với cô giáo Huỳnh Thiên Khôi, việc dạy dỗ các em học sinh cá biệt luôn là một phương trình khó, mà ở đó không cho phép giáo viên hướng dẫn có thử nghiệm sai. Bởi mỗi phương trình thử nghiệm sai sẽ khiến các em lệch lạc và khó định hướng sự chuẩn mực trong lối sống và hành vi.
Ngoài việc tìm tòi, nghiên cứu để “mềm hóa” kiến thức, giúp các em dễ tiếp cận và ham tìm tòi ở một bộ môn khó như Hóa học, cô giáo Thiên Khôi còn là một nhà tư vấn tâm lý đúng nghĩa. Chưa bao giờ vượt mất tầm kiểm soát của cảm xúc cá nhân la mắng học sinh trước lớp, ngoài những giờ học, cô còn là người bạn để mỗi học sinh có thể chia sẻ những khó khăn, những ức chế trong suy nghĩ đơn thuần của tuổi mới lớn. Luôn bắt đầu với mỗi học sinh từ cái khó của các em, để hiểu hơn các em, để thấy mình còn nhiều thiếu sót, từ đó cả cô lẫn trò đều có cách nhìn cởi mở, không áp đặt, từ đó soi chiếu lại, giúp hoàn thiện bản thân tốt hơn.
Đứng lớp với vai trò chủ nhiệm hay là giáo viên bộ môn, cô đều tìm hiểu năng lực của mỗi học sinh để chia các em thành từng tổ, nhóm phù hợp. Cô giúp các em luôn có sự tương tác, tạo mối quan hệ tích cực giữa các thành viên, để mỗi bản thân học trò đều thấy mình có khả năng, có những đóng góp quan trọng trong mỗi bài học, mỗi đề tài. Sự kích thích ấy đã giúp các em luôn mở lòng, không né tránh, không có sự mặc cảm, luôn muốn tham gia tích cực vào các hoạt động chung và khát khao được chinh phục.
“Món quà lớn nhất của người làm thầy, của nghề dạy học, đó luôn là sự khôn lớn, trưởng thành vượt bậc của mỗi học trò. Chẳng có mòn quà tri ân nào lớn hơn!”, Cô Huỳnh Thiên Khôi chắc chắn với chúng tôi về điều đó.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin