Sau 130 năm, từ miền đất hoang sơ trên cao nguyên Lâm Viên, trải qua bao thăng trầm của biến cố lịch sử, cùng sự lao động, sáng tạo không ngừng của Đảng bộ, các cấp chính quyền và người dân Đà Lạt đã tạo dựng lên một thành phố du lịch nổi tiếng. Nhân kỷ niệm 130 năm “thành phố ngàn hoa” hình thành và phát triển, đồng chí Đặng Trí Dũng - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Đà Lạt đã dành cho Báo Lâm Đồng cuộc phỏng vấn nhằm nhìn lại chặng đường thành phố đã đi qua và những định hướng phát triển cho tương lai.
TP Đà Lạt thu hút du khách bởi khí hậu trong lành, mát mẻ, nhiều công trình kiến trúc lịch sử giá trị đặc sắc |
PV: Từ cao nguyên hoang sơ tới thành phố du lịch nổi tiếng trong và ngoài nước, qua 130 năm, đồng chí đánh giá thành phố đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận nào?
* Đồng chí ĐẶNG TRÍ DŨNG:
Ngày 21/6/1893, bác sĩ Alexandre Yersin tìm thấy mảnh đất Đà Lạt và lựa chọn vùng đất này làm nơi nghỉ dưỡng của người Pháp. Từ ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước 30/4/1975, đến nay, Đảng bộ và Nhân dân TP Đà Lạt đã trải qua 12 nhiệm kỳ đại hội.
Sau mỗi nhiệm kỳ đại hội, với sự phấn đấu vươn lên của Nhân dân các dân tộc tại TP Đà Lạt cùng sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, các sở, ban, ngành hỗ trợ đã giúp TP Đà Lạt hoàn thành các kế hoạch, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đề ra. Và đến nay, diện mạo của TP Đà Lạt có sự phát triển vượt bậc.
Thành phố nhận được rất nhiều danh hiệu và trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách trong nước và quốc tế, như: “Thành phố Festival Hoa” đầu tiên của Việt Nam, “Thành phố đáng sống”. Thành phố được UNESCO vinh danh, gia nhập mạng lưới các Thành phố Sáng tạo UNESCO trong lĩnh vực Âm nhạc và được các tổ chức quốc tế công nhận 2 lần là “Thành phố du lịch của ASEAN”, trung tâm du lịch quốc gia và quốc tế,…
Có thể nói, sau 130 năm, từ miền đất hoang sơ, trải qua nhiều giai đoạn phát triển với không ít thăng trầm, khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc TP Đà Lạt đã đạt được những thành tựu nổi bật trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Những giá trị ấy sẽ còn được tiếp nối khi mỗi người dân, các cấp, các ngành tiếp tục vun đắp bằng tình yêu và trách nhiệm với thành phố xinh đẹp này.
PV: Bên cạnh khí hậu quanh năm mát mẻ, cảnh quan thơ mộng, kiến trúc độc đáo thì phong cách người Đà Lạt được đánh giá là “tài sản” quý báu để phát triển du lịch?
* Đồng chí ĐẶNG TRÍ DŨNG:
Trải qua 130 năm hình thành và phát triển, Đà Lạt có nhiều ưu thế về tự nhiên, cùng khối lượng lớn công trình kiến trúc lịch sử để lại, là nơi giao thoa, hội tụ của nhiều yếu tố văn hóa, đã tạo cho thành phố một bản sắc riêng biệt. Tuy nhiên, các ưu thế của thành phố vốn thu hút du khách thập phương không phải chỉ có thiên nhiên, khí hậu hài hòa mà còn là con người Đà Lạt với phong cách “Hiền hòa - Thanh lịch - Mến khách”. Đây cũng là một tài sản đáng quý, nền tảng quan trọng để xây dựng TP Đà Lạt trở thành đô thị ngày càng văn minh, hiện đại, giàu bản sắc văn hóa. Người Việt đã di cư tới Đà Lạt cùng quá trình xây dựng đô thị của người Pháp, với nhiều thành phần dân cư, định cư dần qua nhiều thế hệ. Chính sự giao thoa của nhiều nền văn hóa, từ văn hóa bản địa tới văn hóa người Việt từ nhiều vùng, miền, cùng văn hóa phương Tây đã tạo nên nét độc đáo trong phong cách sống của người Đà Lạt ngày nay.
PV: Những năm qua, bên cạnh những thành tựu, dấu ấn đạt được trong nhiều lĩnh vực, chắc chắn sẽ còn những tồn tại, khó khăn mà lãnh đạo thành phố đang trăn trở để tìm giải pháp khắc phục, phát triển?
* Đồng chí ĐẶNG TRÍ DŨNG:
Đúng là bên cạnh những thành tựu và dấu ấn về phát triển kinh tế - xã hội, thành phố cũng còn những hạn chế, tồn tại như: Kinh tế phát triển có mặt chưa thật sự bền vững, hiệu quả và sức cạnh tranh chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh; phát triển du lịch chất lượng cao chưa có đột phá mạnh mẽ, thiếu các dịch vụ kinh tế ban đêm và các sản phẩm du lịch đẳng cấp quốc tế. Tái cơ cấu ngành nông nghiệp còn chậm, chưa thu hút được các nhà đầu tư thật sự có tiềm lực về vốn, công nghệ, giá trị thương hiệu; nguồn ngân sách đầu tư phát triển hạ tầng đô thị chưa tương xứng với vị thế là đô thị trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa của tỉnh.
Bên cạnh đó, việc thu hút các nhà đầu tư chiến lược để huy động các nguồn lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội còn hạn chế; hệ thống thiết chế văn hóa chưa đáp ứng yêu cầu phát triển xã hội; hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước một số mặt còn hạn chế. Đảng bộ, chính quyền thành phố đã nghiêm túc nhìn nhận, đánh giá, làm rõ những hạn chế, tồn tại, nhất là trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành cũng như xác định nguyên nhân khách quan, chủ quan để đề ra các giải pháp khắc phục và phát triển trong thời gian đến.
PV: Ngày 12/11/2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU về “Phát triển TP Đà Lạt giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045”. Đồng chí có thể cho biết các mục tiêu chính mà thành phố bám sát Nghị quyết để triển khai thực hiện thời gian tới với những nội dung, định hướng cốt lõi nào?
* Đồng chí ĐẶNG TRÍ DŨNG:
Năm 2024 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XII. Thành ủy Đà Lạt xác định chủ đề năm 2024 là: “Quyết liệt - Kỷ cương - Nêu gương - Trách nhiệm - Hiệu quả”. Phát huy lợi thế, Đảng bộ, chính quyền địa phương tiếp tục tập trung nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt để triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XII, Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 12/11/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy (khoá XI) cũng như các nghị quyết chuyên đề của Thành ủy, của Tỉnh ủy nhằm thực hiện hiệu quả các khâu đột phá trong nhiệm kỳ 2020-2025.
Trong đó, thành phố sẽ tiếp tục thực hiện việc kiện toàn tổ chức bộ máy, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động cũng như đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử gắn với xây dựng thành phố thông minh, siết chặt kỷ cương, tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
PV: Sau dấu mốc 130 năm hình thành và phát triển, Đà Lạt sẽ triển khai phương hướng, mục tiêu gì để phát triển mạnh mẽ trong năm 2024, thưa đồng chí?
Đồng chí ĐẶNG TRÍ DŨNG:
Nhìn lại những kết quả đã đạt được rất đáng tự hào nhưng khối lượng công việc, thách thức trong thời gian tới cũng rất lớn. Năm 2024, Đảng bộ và chính quyền thành phố đã có chương trình hành động, phương hướng, nhiệm vụ nhằm bám sát các nghị quyết Đảng bộ tỉnh, của thành phố với mục tiêu chung là phát triển hơn nữa, nhanh hơn nữa, hiệu quả hơn nữa, bền vững hơn nữa các lĩnh vực được coi là thế mạnh của địa phương. Trong đó, thành phố sẽ triển khai quyết liệt, đồng bộ Nghị quyết 18/NQ/TU của Tỉnh ủy về phát triển du lịch chất lượng cao đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 một cách đồng bộ, hiệu quả.
Thành phố xác định mục tiêu phát triển du lịch với tốc độ nhanh và bền vững gắn liền với quan điểm “tăng trưởng xanh” trên cơ sở khai thác hợp lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường du lịch. Và hiện nay, thành phố đang xây dựng Đề án Đô thị di sản để trình UNESCO. Nếu được công nhận đây cũng sẽ là một điều kiện rất tốt để cho địa phương phát triển trên lĩnh vực du lịch. Về quy hoạch, thành phố đang thúc đẩy quá trình tái cấu trúc theo quy hoạch liên ngành, mở rộng không gian đô thị Đà Lạt ra các vùng phụ cận để trở thành một vùng đô thị hiện đại, đẳng cấp quốc tế, có đặc thù về khí hậu, cảnh quan tự nhiên, văn hóa lịch sử và di sản kiến trúc tầm quốc gia, khu vực và có ý nghĩa quốc tế.
PV: Xin cảm ơn đồng chí!
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin