Hàng năm, Việt Nam có khoảng 130.000 người mắc lao mới, 170.000 người mắc lao lưu hành, khoảng 3.500 người mắc lao đa kháng thuốc và đặc biệt có đến 18.000 người tử vong do bệnh lao. Do đó, đánh giá chất lượng cuộc sống của bệnh nhân lao sẽ cung cấp thêm những chỉ số tốt phản ánh toàn diện những ảnh hưởng của bệnh lao đến cuộc sống của người bệnh.
Khám sàng lọc bệnh lao miễn phí trong cộng đồng tại Đức Trọng |
• NGHIÊN CỨU VỀ CHẤT LƯỢNG CUỘC SỐNG CỦA BỆNH NHÂN LAO
Đề tài nghiên cứu “Khảo sát chất lượng cuộc sống và một số yếu tố ảnh hưởng đến bệnh nhân điều trị lao tại huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng năm 2022” của nhóm tác giả thuộc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Lâm Đồng vừa được Sở Y tế Lâm Đồng công nhận kết quả đề tài khoa học có phạm vi ảnh hưởng và hiệu quả áp dụng ở cấp cơ sở năm 2023.
Thạc sỹ Mai Ngọc Trung - Chủ nhiệm đề tài cho biết: Đề tài khảo sát các yếu tố liên quan đến giới tính, tuổi, nghề nghiệp, hôn nhân, thu nhập, tinh thần, chất lượng cuộc sống của bệnh nhân và một số yếu tố ảnh hưởng đến bệnh nhân điều trị lao tại huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng năm 2022.
Việt Nam vẫn xếp thứ 13 trong số 30 quốc gia có gánh nặng bệnh lao cao nhất thế giới. Việt Nam đã có chính sách hỗ trợ bệnh nhân lao như miễn phí thuốc điều trị, tuy nhiên, người bệnh vẫn còn gặp phải một số các rào cản trong quá trình chẩn đoán và điều trị bệnh, như: Chi trả thêm các chi phí liên quan đến dịch vụ y tế, chi phí đi lại, nơi ở, thực phẩm, giảm thu nhập, năng suất và thời gian. Bệnh nhân lao và gia đình đối mặt với chi phí cho việc chẩn đoán và điều trị bệnh lao vượt quá 20% thu nhập hàng năm của cả hộ gia đình, 70% người mắc lao ở trong độ tuổi lao động. Ngoài gánh nặng về tiền bạc và thể chất, bệnh nhân lao còn chịu thêm gánh nặng về tinh thần. Bệnh nhân mắc lao có xu hướng lo lắng, thất vọng, ít có khả năng tìm được việc làm và chăm sóc gia đình. Bệnh lao không chỉ có ảnh hưởng lớn đến sức khoẻ của người bệnh mà còn ảnh hưởng đến thể chất, tình cảm và nhu cầu xã hội. Bệnh lao thật sự là một vấn đề ảnh hưởng đến kinh tế từng hộ gia đình nói riêng và đất nước nói chung.
Nghiên cứu thực hiện trên 65 bệnh nhân với độ tuổi từ 16 - 86 tuổi, có tỷ lệ nữ giới chiếm 29,23% và nam giới chiếm 70,77%. Nhóm bệnh nhân có nghề nghiệp nghỉ hưu, nội trợ hoặc thất nghiệp chiếm tỉ lệ cao nhất 30,77%. Về tình trạng kinh tế, nhóm có tình trạng kinh tế khó khăn chiếm tỉ lệ thấp nhất với 22%. Trình độ học vấn của người bệnh càng cao thì chất lượng cuộc sống của người bệnh càng tốt.
Tìm ra được các yếu tố liên quan đến bệnh lao, chăm sóc sức khỏe và cải thiện chất lượng cuộc sống bệnh nhân lao một cách toàn diện về mọi khía cạnh là một quá trình mang tính chất lâu dài và liên tục. Nhóm nghiên cứu khuyến nghị cần chú trọng phát huy và đẩy mạnh vai trò các tổ chức xã hội, tổ chức y tế trong việc quan tâm, giúp đỡ, chia sẻ, động viên tinh thần bệnh nhân lao. Củng cố lại hệ thống giám sát, tăng cường hoạt động báo cáo các trường hợp điều trị tại các phòng khám tư nhân, tránh bỏ sót bệnh nhân lao. Tổ chức nhiều hơn nữa các buổi tư vấn, truyền thông về bệnh lao, về tầm quan trọng của dịch vụ điều trị tại địa phương.
• HIỆU QUẢ TỪ KHÁM SÀNG LỌC BỆNH LAO MIỄN PHÍ TRONG CỘNG ĐỒNG
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Lâm Đồng tăng cường phát hiện lao sớm và điều trị có hiệu quả bệnh lao. Sử dụng tối ưu các kỹ thuật chụp phim X-Quang, Xpert, soi đờm trực tiếp để khám, điều trị và phòng bệnh lao đạt hiệu quả trong điều kiện tại đơn vị. Tăng cường phát hiện bệnh nhân lao, lao kháng thuốc. Lồng ghép hoạt động phòng, chống bệnh lao với hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, các bệnh phổi mạn tính và các hoạt động y tế dự phòng khác.
Trong năm 2023, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã tổ chức khám phát hiện chủ động lao tại Lâm Hà, Đam Rông, Đơn Dương, Đức Trọng, Di Linh, Đạ Tẻh, Bảo Lâm, TP Đà Lạt và Bảo Lộc. Kết quả, thực hiện sàng lọc bệnh lao miễn phí trong cộng đồng cho 8.539 người, chụp phim 8.384 trường hợp, phát hiện có tổn thương nghi lao 598 người. Thực hiện xét nghiệm Gene Xpert 598 người, phát hiện xét nghiệm lao dương tính 18 ca. Thu nhận và điều trị cho 18 bệnh nhân lao mới.
Có 9 đơn vị y tế công - tư tham gia phối hợp trong phát hiện bệnh nhân lao (2 bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh, Bệnh viện Y học cổ truyền Phạm Ngọc Thạch Lâm Đồng, Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh, Bệnh viện Nhi, Trung tâm Y khoa Pasteur Đà Lạt, Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Lạt và 2 phòng khám đa khoa. Kết quả, trong số 526 người nghi lao được xét nghiệm đờm tại các đơn vị y tế công (chủ yếu tại 2 bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh), phát hiện 93 bệnh nhân lao đưa vào chương trình điều trị.
Bên cạnh đó, chương trình chống lao của tỉnh cũng triển khai hoạt động sàng lọc bệnh lao tiềm ẩn trong cộng đồng. Tổng số sàng lọc 732 người, phát hiện 60 bệnh nhân đưa vào chương trình điều trị.
Chương trình phòng, chống bệnh lao tại Lâm Đồng có sự quan tâm chỉ đạo của các cấp lãnh đạo từ Bệnh viện Phổi Trung ương, Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch - TP Hồ Chí Minh, Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh và lãnh đạo Trung tâm Y tế các huyện, thành phố trong tỉnh. Mạng lưới phòng, chống lao được triển khai đến 100% huyện, thành phố, xã, phường trong toàn tỉnh và trại giam Đại Bình. Cán bộ phụ trách chương trình tại các tuyến từ tỉnh, huyện, xã nhiệt tình nên mọi hoạt động được duy trì nền nếp. Các hoạt động tiểu dự án quỹ toàn cầu trong năm 2023 diễn ra theo đúng kế hoạch; trong đó, sàng lọc bệnh lao tiềm ẩn tỷ lệ dương tính đạt 10,2% và sàng lọc chủ động tỷ lệ phát hiện dương tính đạt 3%. Thực hiện 45 buổi truyền thông trực tiếp, tuyên truyền về mục đích, nội dung của kế hoạch khám sàng lọc phát hiện bệnh lao chủ động và tình hình bệnh lao tại địa phương; cung cấp một số kiến thức cơ bản về bệnh lao và các biện pháp phòng, chống lao tại cộng đồng. Từ đó, người dân quan tâm hơn đến hoạt động phòng, chống bệnh lao và chủ động đi khám sàng lọc bệnh để sớm phát hiện và điều trị bệnh lao kịp thời, giảm lây nhiễm trong cộng đồng.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin