Sáng mãi phẩm chất bộ đội Cụ Hồ

KHÁNH PHÚC 06:15, 27/12/2023

Sinh ra tại quê hương Quảng Ngãi anh hùng, năm 13 tuổi, ông Nguyễn Văn Thời (66 tuổi, ngụ Phường 2, TP Bảo Lộc) tham gia du kích, rồi nhập ngũ, cầm súng, đánh giặc. Cũng như chồng mình, bà Nguyễn Thị Thám (67 tuổi) cùng tham gia du kích từ năm 13 tuổi. Chiến tranh kết thúc, ông Thời, bà Thám nên duyên vợ chồng rồi vào Lâm Đồng lập nghiệp. Bằng chính phẩm chất bộ đội Cụ Hồ, vợ chồng ông bà đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức trong cuộc sống để cùng nhau đạt được thành công đúng như những gì họ kỳ vọng.

Ông Thời và bà Thám luôn tự hào là những người lính Cụ Hồ,
vượt khó vươn lên để thành công trong cuộc sống
Ông Thời và bà Thám luôn tự hào là những người lính Cụ Hồ, vượt khó vươn lên để thành công trong cuộc sống
LÀM CÁCH MẠNG LÚC 13 TUỔI

Ông Nguyễn Văn Thời và bà Nguyễn Thị Thám là những người con sinh ra tại vùng đất huyện Đức Phổ (tỉnh Quảng Ngãi). Vợ chồng ông sinh ra và lớn lên trong thời kỳ chiến tranh chống đế quốc Mỹ và tay sai diễn ra ác liệt. Lúc bấy giờ, quê hương ông bà luôn chìm trong khói lửa chiến tranh. Cũng như bao người con quê hương Quảng Ngãi yêu nước, ông bà luôn ước ao có được cuộc sống hòa bình, tự do, ấm no, hạnh phúc.

Với tấm lòng yêu quê hương, đất nước và căm thù giặc sâu sắc, cùng với những người con Quảng Ngãi, khi ấy mới 13 tuổi, ở cái tuổi thiếu niên, ông bà đã tham gia du kích đánh Mỹ, ngụy.

Ông Thời nhớ lại: “Khi tham gia du kích, những người thiếu niên trạc tuổi như tôi chủ yếu tham gia vận chuyển lương thực, thuốc men tiếp viện cho bộ đội chiến đấu. Ngoài ra, là người dân địa phương nên chúng tôi còn được giao nhiệm vụ trinh sát nắm tình hình của quân địch để thông báo cho bộ đội có kế sách đối phó với kẻ thù. Trong thời gian tham gia du kích, tôi và bà Thám được gặp nhau. Khi đó, tuổi còn nhỏ nên chúng tôi cũng chỉ xem nhau như những người bạn cùng trang lứa”.

Năm 1974, ông Thời tròn 18 tuổi đã tình nguyện lên đường nhập ngũ chiến đấu tại đơn vị Thông tin Quân khu 5. Còn bà Thám tiếp tục ở lại hoạt động du kích tại địa phương đến ngày giải phóng, Bắc - Nam sum họp. Trong những năm tháng ông Thời cầm súng ra chiến trường, mẹ và anh trai thứ hai ở quê nhà mất do trúng pháo của quân địch. Tương tự, gia đình bà Thám có người anh trai hy sinh vào năm 1972 khi đang chiến đấu với kẻ thù.

• SÁNG MÃI PHẨM CHẤT BỘ ĐỘI CỤ HỒ

Với cựu chiến binh Nguyễn Văn Thời, trong suốt thời gian tham gia quân ngũ, cung đường nào, chuyến xe nào cũng để lại nhiều kỷ niệm. Cũng như bao đồng chí, đồng đội khác, trong cuộc kháng chiến ác liệt khi mỗi ngày đi qua, ông mới biết mình còn sống. Có những lúc sự sống và cái chết mong manh đến nỗi không ai dám nghĩ đến bởi đường đi đầy bom mìn, không biết nổ khi nào... Thế nhưng, cũng như bao đồng chí, đồng đội, đã nhận nhiệm vụ là ngồi lên xe cầm vô lăng lên đường và chỉ nghĩ tiến về phía trước chứ không bao giờ chịu khuất phục trước kẻ thù. 

Sau khi miền Nam được giải phóng, ông Thời xin ra quân quay trở về quê hương Đức Phổ (Quảng Ngãi) và mang trên mình thương tật 31% (thương binh 4/4). Rồi chính cái duyên đã định sẵn, ông Thời gặp lại bà Thám, người bạn quen biết trong những năm tháng tham gia du kích. Lúc này, bà Thám đã là một thiếu nữ đôi mươi, xinh đẹp. Năm tháng trôi qua, tình yêu giữa ông Thời và bà Thám ngày càng được vun đắp bền chặt, nên duyên vợ chồng.

Năm 1980, theo tiếng gọi của Đảng, Nhà nước, đôi vợ chồng trẻ lại xung phong Nam tiến vào vùng đất Bảo Lộc (Lâm Đồng) làm kinh tế mới, lập nghiệp. Tại vùng đất mới, đôi vợ chồng trẻ xin vào làm việc tại xí nghiệp chè Lâm Đồng (sau này là Công ty Chè Lâm Đồng). Tại đây, ông Thời tiếp tục làm nghề lái xe vốn đã theo ông vào sinh, ra tử trong quân ngũ. Còn bà Thám làm công nhân tại xí nghiệp.

Năm 1990, sau nhiều năm làm việc tại xí nghiệp chè và tích góp được chút vốn, ông bà xin nghỉ việc rồi mua một chiếc xe khách cũ tu sửa lại để chở khách tuyến Bảo Lộc - Đức Trọng. 

Bà Thám, chia sẻ: “Tôi còn nhớ như in. Cách đây hơn 30 năm, khi ấy với một chiếc xe khách cũ, chồng tôi làm tài xế còn tôi làm phụ xe. Mỗi lượt khách từ Bảo Lộc lên Đức Trọng là 3 ngàn đồng. Xe thì cũ, ngày chạy, đêm về lại tu sửa, bảo dưỡng để ngày mai chạy tiếp. Cuộc sống lúc đó rất khó khăn, phải nói “ba chìm, bảy nổi” với nghề xe. Nhưng vợ chồng tôi luôn nói với nhau “tích tiểu mới thành đại” để cùng cố gắng vượt khó vươn lên”.

Tích góp dần, mãi đến năm đến năm 2000, vợ chồng ông sắm được 2 chiếc xe Ford loại 16 chỗ ngồi và đăng ký chở khách tuyến cố định Bảo Lộc - Đắk Lắk. Cũng từ đây, ông Thời, bà Thám lấy tên nhà xe Thành Công để làm động lực cố gắng, phấn đầu. Trong suốt thời gian làm nghề xe, tuy gặp không ít khó khăn, vất vả, nhưng với bản lĩnh anh bộ đội Cụ Hồ luôn chịu thương, chịu khó và can trường đã giúp vợ chồng ông vượt qua tất cả. Càng ngày, thương hiệu xe Thành Công được người dân tin tưởng lựa chọn để đi lại. Cứ thế, số xe khách chạy tuyến cố định Bảo Lộc - Đắk Lắk của ông bà phát triển dần lên 4 rồi 6 và 8 xe Ford chở khách.

Năm 2016, để đáp ứng nhu cầu của khách hàng ngày càng cao, ông Thời quyết định đầu tư chuyển đổi xe khách ghế ngồi qua xe giường nằm chất lượng cao và thành lập Công ty Thành Công kinh doanh vận tải hành khách tuyến cố định Bảo Lộc - Đắk Lắk, với phương châm “Lấy an toàn tính mạng của hành khách là trên hết”.

Hiện tại, nhà xe Thành Công của ông Thời đang sở hữu 7 chiếc xe giường nằm chất lượng cao chạy tuyến cố định Bảo Lộc - Đắk Lắk. Công ty của ông đang tạo công ăn, việc làm với mức thu nhập ổn định cho hơn 30 lao động. Hạnh phúc hơn, khi vợ chồng ông Thời, bà Thám có 5 người con (2 trai, 3 gái), đều có công ăn, việc làm, cuộc sống ổn định; người làm giáo viên, người lại theo nghiệp cha, người kinh doanh, buôn bán. Với những cống hiến cho quê hương, đất nước, bản thân ông Thời được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huy chương kháng chiến các hạng Nhất, Nhì và Ba.