(LĐ online) - Sáng nay, 23/2, tại Bệnh viện Y học Cổ truyền Phạm Ngọc Thạch Lâm Đồng, để tưởng niệm 233 năm ngày mất của Hải Thượng Lãn Ông - Đại y tổ Việt Nam, Danh nhân văn hóa thế giới (1791 -2024), Hội Đông y tỉnh Lâm Đồng phối hợp với Bệnh viện Y học Cổ truyền Phạm Ngọc Thạch tổ chức Lễ dâng hương ôn lại thân thế sự nghiệp, học tập đạo đức cứu chữa bệnh của Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông và Thiền sư Tuệ Tĩnh.
Các hội viên Hội Đông y Lâm Đồng ôn lại thân thế sự nghiệp, học tập đạo đức cứu chữa bệnh của Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông và Thiền sư Tuệ Tĩnh |
Tham dự buổi lễ có đại diện lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lâm Đồng, Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật tỉnh, UBND thành phố Đà Lạt, Sở Y tế, Công đoàn ngành Y tế; các Hội, Chi hội Đông y trong tỉnh và hơn 150 hội viên Hội Đông y tỉnh Lâm Đồng.
Lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh Lâm Đồng dâng hương Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông và Thiền sư Tuệ Tĩnh |
Tại buổi lễ, bác sĩ chuyên khoa II Phạm Thanh Liêm – Giám đốc Bệnh viện Y học Cổ truyền Phạm Ngọc Thạch Lâm Đồng đã ôn lại thân thế, sự nghiệp, thành tựu y học của Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông, vị danh y nổi tiếng, là người thầy y đức của nền Y học cổ truyền Việt Nam. Không chỉ tinh thông Y thuật, ông còn là Người học cao, hiểu biết sâu rộng về văn chương, dịch lý. Sự uyên bác về Y thuật của Ông được vinh danh là “Danh nhân Việt Nam thế kỷ XVIII" và nhận được sự kính trọng của đông đảo Nhân dân.
Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác là Danh y lỗi lạc nhất trong lịch sử Y học dân tộc, đồng thời cũng là nhà văn hóa lớn có nhiều đóng góp với nền văn hóa dân tộc. Ông để lại cho đời sau sự nghiệp trước tác đồ sộ trên nhiều lĩnh vực như: y học, văn học, triết học, dân tộc học... Ông thật sự là một nhà khoa học lớn của dân tộc ta trong thế kỷ 18, người đã cống hiến cả đời mình cho nền văn hóa, khoa học dân tộc, cho sức khỏe nhân dân. Y đức và sự nghiệp của Hải Thượng Lãn Ông như sau:
Các hội viên Hội Đông y Lâm Đồng dâng hương Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông và Thiền sư Tuệ Tĩnh |
Tận tụy phục vụ nhân dân, quên mình vì người bệnh: Theo quan niệm của Hải Thượng Lãn Ông: "Đạo làm thuốc là một nhân thuật có nhiệm vụ giữ gìn tính mạng người ta, phải lo cái lo của người và vui với cái vui của người, chỉ lấy việc giúp người làm phận sự của mình mà không cầu lợi kể công".
Trong suốt sự nghiệp chữa bệnh cứu người, Lê Hữu Trác luôn tận tụy, hết lòng vì người bệnh, không quản ngại nắng mưa "Ông đã đi bộ hai ba mươi dặm chữa bệnh ở huyện Nghi Xuân hay vượt qua núi Thiên Nhẫn trong đêm khuya sương lạnh để cấp cứu bệnh nhân ở huyện Nam Đàn, Nghệ An (Nghệ Tĩnh), không nề hà khó nhọc. Ông không phân biệt địa vị trong cứu người và còn cho rằng “nhà giàu không thiếu thầy, thiếu thuốc, còn như nghèo thì khó lòng rước được lương y. Vậy cần lưu tâm cứu chữa cho những người này thì họ mới sống được”, chu cấp cả cơm, gạo cho người bệnh vì “có thuốc mà không có ăn uống thì cũng đi đến chỗ chết". Gặp bệnh nhân hiểm nghèo, Lãn Ông không ngại khó khăn, tránh tiếng, hết lòng cứu chữa, đôi lúc ông còn băn khoăn "e rằng y lý mênh mông không tránh khỏi thiếu sót, hoặc giá bệnh nặng thuốc nhẹ chưa đủ sức chăng?".
Các đại biểu tham dự buổi lễ |
Hết lòng vì sự nghiệp Y học nước nhà: Sống trong hoàn cảnh xã hội rối ren, Lãn Ông thông cảm sâu sắc với nỗi khổ cực của nhân dân. Chí hướng của Lãn Ông về nghề Y là mong muốn phải có sự nghiệp đóng góp với đời. Ông quan niệm: “Đạo làm thuốc cũng không khác gì đạo làm tướng”. Làm nghề thuốc trị bệnh cứu người, biển nguy thành an thì sự quan trọng có khác gì làm tướng. Ông coi việc làm nghề Y là làm việc nghĩa: “Đã làm nghề Y với ý chí là đem hết sức mình để làm mọi việc đáng làm thì cần trước tác sâu rộng, dương cao ngọn cờ đỏ thắm của nền Y học".
Để chữa bệnh, giúp đời, sách thuốc không mấy khi rời tay, Ông nói: “Khi có chút thì giờ nhàn rỗi nên luôn luôn nghiên cứu sách thuốc xưa nay, luôn phát huy biến hóa, thâm nhập được vào tâm, thấy rõ được ở mắt thì tự nhiên ứng vào việc làm là không phạm sai lầm". Không chỉ chữa bệnh, Lãn Ông còn mở lớp truyền dạy Y thuật. Ông tìm hiểu quan hệ giữa khí hậu thời tiết với bệnh tật ở nước ta, nhất là bệnh dịch. Ông ghi chép cần thận, học hỏi, trao đổi việc chữa bệnh để rút kinh nghiệm. Trong suốt đời làm thuốc chữa bệnh, hết sức, hết lòng vì người bệnh, ông còn có nhiều đóng góp cho nền Y học cổ truyền nước nhà, đúc rút, ghi lại các phương pháp điều trị, về dược vật, nhất là dùng thuốc nam.
Bộ Hải thượng Y tông tâm lĩnh 66 quyển bao gồm: Lý, Pháp, Phương, Dược và biện chứng, trị bệnh... và bàn về đạo đức người thầy thuốc, cuốn Vệ sinh yếu quyết hướng dẫn vệ sinh về ăn, ở, phân, nước, rác.
Bộ Y tông tâm lĩnh của ông được đánh giá rất cao, chẳng những phục vụ cho việc truyền dạy Y thuật, giúp ích các thầy thuốc mà còn góp phần vào việc tổng kết lý luận và kinh nghiệm Y học dân tộc cổ truyền Việt Nam, xây dựng, phát triển nền Y học dân tộc cổ truyền một cách hoàn chỉnh. Trong bộ Lãn Ông tâm lĩnh, Ông thường khuyên các nhà làm thuốc “phải yêu nghề mình, giữ lấy tính cách cao cả của nghề mình, phải coi mệnh người là trọng". Bên cạnh Y tông tâm lĩnh với các nội dung xuất sắc về Y thuật, Lê Hữu Trác còn thể hiện tài năng văn chương xuất sắc khi viết cuốn Thượng kinh ký sự. Đây là những trang dã sử quý báu, có giá trị về văn chương và lịch sử.
Thừa kế học thuật tiên y, nêu cao tinh thần độc lập, sáng tạo, tiếp thu học thuật nước ngoài, có phê phán, phát triển: Hải Thượng Lãn Ông có chủ trương thừa kế luận thuyết Y học cổ truyền của các Tiên y nhưng không quá câu nệ sách vở kinh điển, không sử dụng cổ phương một cách cứng nhắc. Lãn Ông đề cao óc độc lập suy nghĩ, vận dụng linh hoạt vào chữa bệnh, đúc rút kinh nghiệm làm sáng tỏ nhiều điều ngờ vực, bổ sung những chỗ người xưa chưa nói tới. Trong tập Đạo lưu dư vận, ông biện luận và bổ sung những vấn đề Y lý mà các sách xưa chưa nói rõ, nói chưa đúng hoặc chưa bàn đến. Quyển Ngoại cảm thông trị có các phương thuốc thích hợp với tính chất bệnh và cơ thể người Việt Nam.
Coi trọng các nghiệm phương của Nhân dân, ông viết tập Bách gia trân tàng ghi chép 644 phương thuốc, một số bài thừa kế của họ ngoại, một số thu lượm trong dân gian, một số ghi lại của người nước ngoài, một số được các Y gia truyền lại hay bán lại cho. Tập Hành giản trân nhu ghi chép 2.210 bài thuốc đơn giản có tác dụng tốt rút trong bản thảo của Tiên y và sưu tầm trong Nhân trị 126 loại bệnh từ nội, ngoại khoa, thương khoa, cấp cứu. Trong tập Lĩnh nam bản thảo, ông ghi chép Dược tính 496 vị thuốc nam biên tập theo Tuệ Tĩnh và 305 vị được bổ sung về công dụng hoặc mới sưu tầm thêm.
Đại biểu ngành Y tế Lâm Đồng tham dự buổi lễ |
Thận trọng trong chữa bệnh, khiêm tốn trong học tập: Lãn Ông coi nghề Y là một nghề cao quý, coi việc bảo vệ sinh mệnh con người là nhiệm vụ hàng đầu. Do đó, ông rất thận trọng khi khám bệnh, chữa bệnh, có trường hợp gặp bệnh nặng, triệu chứng phức tạp, ông đợi hôm sau xem mạch thêm lần nữa và nghiên cứu bệnh tình thật chắc chắn rồi mới cho đơn. Theo ông, một trong 8 tội cần tránh của người thầy thuốc là “ngại đêm mưa vất vả không chịu tới thăm mà đã cho phương, đó là cái tội lười”. “Đạo làm thuốc là nghệ thuật bảo vệ sinh mệnh con người là nguồn gốc xây dựng đạo đức, người có kiến thức rộng không thể không biết đến, mà đã biết thì phải cho sâu rộng, và tính mệnh người ta ở trong tay mình. Há không nên cẩn thận lắm sao?", cho nên trong âm án số 10 của Hải Thượng Lãn Ông có ghi “Lại như xét bệnh còn lờ mờ, sức học còn non đã cho thuốc chữa bệnh, đó là tội dốt nát".
Lãn Ông khám bệnh rất kỹ, vận dụng các phương pháp, vọng, văn, vấn, thiết (nhìn, nghe, hỏi, xem mạch người bệnh), chẩn đoán toàn diện có kết luận chính xác rồi mới kê đơn. Khi kê đơn ông ghi rõ chi tiết và chỉ dẫn cách chế thuốc, sắc thuốc, cách uống, liều lượng rất tỷ mỷ. Gặp trường hợp nguy cấp, ông bình tĩnh giải quyết theo đúng tinh thần “cứu bệnh như cứu hỏa” vừa khẩn trương vừa chu đáo.
Lãn Ông đề cao tinh thần trách nhiệm với bệnh nhân một cách thành khẩn. Ông ghi chép lại những bệnh đã điều trị một cách trung thực, khách quan và khoa học. Y dương án ghi lại những bệnh Ông đã chữa khỏi, y âm án ghi lại những bệnh Ông chữa không khỏi. Thận trọng trong chữa bệnh, Lãn Ông lại rất khiêm tốn học tập, đêm ngày trao đổi nghề nghiệp, trong lòng luôn luôn nghĩ đến việc giúp đỡ mọi người một cách rộng rãi. Sau vài ba năm học thuốc, Ông bắt đầu chữa một số bệnh thông thường trong gia đình, thôn xóm. Khi đã nổi tiếng, Ông vẫn lên kinh đô mong tìm thầy học thêm. Lãn Ông cũng tranh thủ gặp gỡ nhiều thầy thuốc trao đổi kinh nghiệm và sưu tầm thêm phương thuốc gia truyền. Học trong sách vở, học trong quá trình chữa bệnh, học trong Nhân dân kết hợp với thái độ thận trọng, phương pháp chẩn đoán toàn diện trong điều trị là một bài học quý giá trong Y đức Hải Thượng Lãn Ông.
Quan hệ đúng đắn trong nghề nghiệp: Trong tập Y huấn cách ngôn, Hải Thượng Lãn Ông dặn người thầy thuốc “Khi gặp đồng nghiệp cần nên khiêm tốn học hỏi, giữ gìn thái độ, không nên khinh nhờn. Người lớn tuổi thì kính trọng, người học giỏi thì coi như bậc thầy, người kiêu ngạo thì mình nhân nhượng, người kém mình thì dìu dắt học.
Với những đóng góp của Hải Thượng Lãn Ông cho nền Y thuật nước nhà, ngày 16 tháng 10 năm 1985, Bộ Y tế ban hành văn bản số 6083/YH về việc tổ chức lễ Kỷ niệm ngày sinh Hải Thượng Lãn Ông. Bộ Y tế ghi nhận: “Hải Thượng Lãn Ông trên 200 năm nay đã để lại cho chúng ta nhiều bài học lớn về y đức”. Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác là vị danh y truyền cảm hứng lớn tới các thế hệ thầy thuốc Việt Nam. Ông đã để lại kho tàng Y học cổ truyền vô giá, vẫn vẹn nguyên giá trị và ứng dụng, đóng góp to lớn cho sự nghiệp Y học nước nhà.
Phiên họp toàn thể lần thứ 42 (vào ngày 21/11/2023) của Đại hội đồng UNESCO (Cộng hòa Pháp) đã thông qua nghị quyết với bản danh sách gồm 53 danh nhân văn hóa và sự kiện lịch sử sẽ được UNESCO vinh danh và cùng tham gia kỷ niệm, trong đó có Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác. Năm 2024 sẽ tròn 300 năm ngày sinh Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác. Việc UNESCO vinh danh Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác là một sự ghi nhận to lớn đối với những công lao, đóng góp, cống hiến của ông cho nền y học, văn học, văn hóa dân tộc Việt Nam cũng như thế giới.
Ông Đường Anh Ngữ - Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ VN tỉnh trao Cờ thi đua xuất sắc của Hội Đông y Việt Nam cho Hội Đông y tỉnh Lâm Đồng |
*Tại buổi lễ, bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Văn Trịnh – Phó Giám đốc Bệnh viện Y học Cổ truyền Phạm Ngọc Thạch Lâm Đồng đã ôn lại thân thế và sự nghiệp của Thiền sư Tuệ Tĩnh (1330 -1400). Về y học ông đã soạn các sách Dược tính chỉ nam và Thập tam phương gia giảm (theo Hải Dương phong vật chí), nhưng phần nguyên tác của Tuệ Tĩnh không còn tròn vẹn do binh hỏa, cụ thể các thư tịch của ta đã bị quân nhà Minh phá hủy hồi đầu thế kỷ XV khi chúng sang xâm chiếm nước ta. Những tác phẩm còn lại đến nay đều do người đời sau biên tập lại với tài liệu thu thập trong nhân dân. Hiện có: Bộ Nam dược thần hiệu; Nam dược chính bản; Thập tam phương gia giảm; Thập tam phương gia giảm và Bổ âm đơn; Một bài Nhân thân phú.
Hải Thượng Lãn Ông (thế kỷ XVIII) đã thừa kế 496 bài thơ dược tính của Nam dược thần hiệu chép vào sách Lĩnh nam bản thảo, với nhiều phương thuốc nam của Tuệ Tĩnh chép vào các tập Hành giản trân nhu và Bách gia trân tàng. Đường hướng dưỡng sinh của Tuệ Tỉnh về giữ gìn tinh khí thần để sống lâu cũng được Lãn Ông phụ họa thêm ở thiên Khởi cư của tập "Vệ sinh yếu quyết ". Đặc biệt truyền thống thuốc nam của Tuệ Tĩnh đã để lại tập quán trong nhân dân, trồng một số cây ở vườn, đền chùa vừa làm cảnh vừa làm thuốc và ở gia đình, mọi người ít nhiều đều biết dùng một số cây gia vị, rau quả hay các vị thuốc thường có quanh mình, cùng các phép xông hơ, chườm nóng, xoa bóp... để chữa một số bệnh ban đầu, khi mới xảy ra, rất tiện lợi.
Truyền thống y học của Tuệ Tĩnh đã phục vụ đắc lực sức khỏe nhân dân từ bao đời nay, sự nghiệp trước tác của ông đã giữ một vị trí trọng đại nhất trong lịch sử y học Việt Nam.
*Nhân dịp này, các đại biểu cùng ôn lại 9 điều Y huấn cách ngôn của Hải Thượng Lãn Ông. Đồng thời, Hội Đông Y Lâm Đồng vinh dự nhân Cờ thi đua xuất sắc trong xây dựng và phát triển Hội năm 2023 của Hội Đông y Việt Nam trao tặng.
Hội viên Hội Đông y tỉnh Lâm Đồng dâng hương cố Bộ trưởng Phạm Ngọc Thạch |
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin