Nhiều kiến nghị trong công tác cải cách hành chính

VIẾT TRỌNG 06:22, 19/02/2024

Công tác cải cách hành chính (CCHC) của Lâm Đồng trong thời gian qua đã đạt được những kết quả đầy tích cực, góp phần không nhỏ trong thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển như đánh giá của UBND tỉnh Lâm Đồng gần đây. Tuy nhiên, vẫn còn không ít những tồn tại mà tỉnh phải đối mặt trong thực hiện các nhiệm vụ CCHC trong tỉnh hiện nay. 

Chẳng hạn trong việc công bố danh mục thủ tục hành chính (TTHC), do nhiều quy định TTHC thường xuyên thay đổi; các bộ, ngành Trung ương lại công bố thành nhiều quyết định của nhiều lĩnh vực và tại các thời điểm khác nhau nên địa phương khó theo dõi và cập nhật.

Hay như trong đề án vị trí việc làm hiện nay không có phụ lục hướng dẫn cụ thể các mẫu biểu về phân nhóm công việc, phân tích cơ cấu, tỷ lệ… dẫn đến mỗi cơ quan, đơn vị trong tỉnh lại triển khai một cách khác nhau, không đồng nhất. Việc xác định số lượng người làm việc sau khi đã xác định số lượng vị trí việc làm hiện nay còn mang tính định tính, dẫn đến việc thiếu tính thuyết phục trong đề xuất số lượng người làm việc tương ứng với số lượng vị trí việc làm. 

Cùng đó, một số vị trí thực tế đang thực hiện nhiệm vụ theo chức năng, nhiệm vụ được giao của một số cơ quan, đơn vị nhưng lại không có trong danh mục vị trí việc làm theo thông tư hướng dẫn của bộ. Đến nay, chưa có vị trí việc làm chuyên môn dùng chung về công nghệ thông tin và một số vị trí việc làm chuyên ngành: vị trí việc làm viên chức trong lĩnh vực lao động, người có công và xã hội; giải phóng mặt bằng; quản lý nông thôn mới; cung ứng vật tư và tiếp thị vật tư nông nghiệp; quản lý hồ, đập; quản lý nước sạch vệ sinh và môi trường; giám sát, quản lý thi công công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn, chi trả dịch vụ môi trường rừng...). Việc xác định cơ cấu công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức chưa có định mức cụ thể về tỷ lệ phần trăm tối đa của các ngạch, chức danh nghề nghiệp chuyên viên chính và tương đương trở lên.

Hiện một số TTHC do các bộ, ngành công bố nhưng không quy định thời gian giải quyết nên khó khăn cho địa phương khi xây dựng quy trình điện tử, quy trình nội bộ cũng như khó theo dõi, quản lý các cơ quan có thẩm quyền giải quyết. 

Chính vì vậy, cuối năm 2023, UBND tỉnh Lâm Đồng đã kiến nghị các bộ, ngành Trung ương cần có quy định cụ thể về thời gian giải quyết đối với các TTHC. 

Trong xây dựng đề án vị trí việc làm, tỉnh kiến nghị các bộ, ngành liên quan tham mưu Chính phủ sớm ban hành các quy định về vị trí việc làm và biên chế công chức, số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập để thống nhất các nội dung thực hiện xây dựng đề án vị trí việc làm trong tình hình hiện nay.

Tỉnh cũng đề xuất Bộ Nội vụ có văn bản hướng dẫn định mức cụ thể về tỷ lệ phần trăm tối đa của các ngạch, chức danh nghề nghiệp chuyên viên chính và tương đương trở lên; bổ sung vị trí việc làm công nghệ thông tin vào vị trí chuyên môn dùng chung để đảm bảo thực hiện chức năng, nhiệm vụ về công nghệ thông tin trong các cơ quan, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp trong chuyển đổi số, vận hành trang thiết bị công nghệ thông tin; nghiên cứu đưa vị trí việc làm y tế trường học từ nhóm hỗ trợ, phục vụ sang vị trí việc làm chuyên môn dùng chung để phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và đảm bảo chế độ, chính sách.

Tỉnh cũng kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm ban hành thông tư hướng dẫn về vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý và vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành trong các cơ sở giáo dục đại học và các trường cao đẳng công lập để địa phương có cơ sở xây dựng một số vị trí việc làm trong các trường cao đẳng; kiến nghị Bộ Y tế sớm ban hành bản mô tả vị trí việc làm viên chức y tế theo Thông tư số 03/2023/TT-BYT ngày 17/02/2023 của Bộ Y tế; kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành bổ sung hướng dẫn một số vị trí việc làm tại các đơn vị sự nghiệp thuộc ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn còn thiếu so với thực tế theo chức năng, nhiệm vụ được giao.