(LĐ online) - Ngày 23/2, Sở Y tế Lâm Đồng đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc trong toàn ngành và các bệnh viện tư nhân trong tỉnh tăng cường công tác quản lý chất lượng bệnh viện, khắc phục các tồn tại, hạn chế và phòng ngừa sự cố y khoa.
Trước đó, ngày 20/2, tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lâm Đồng xảy ra sự cố y khoa nhầm lẫn người bệnh khi tiến hành chụp X-quang mà các cơ quan truyền thông đã phản ánh. Để tiếp tục nâng cao chất lượng công tác khám chữa bệnh, chăm sóc người bệnh và phòng ngừa không để xảy ra sự cố y khoa, Sở Y tế Lâm Đồng đề nghị các đơn vị nghiêm túc, khẩn trương thực hiện tốt một số nội dung sau:
*Tập trung nâng cao kỹ năng giao tiếp, tinh thần thái độ phục vụ của nhân viên y tế đối với người bệnh và người nhà người bệnh
Đẩy mạnh và thực hiện nghiêm quy tắc ứng xử của viên chức và người lao động làm việc tại các cơ sở y tế theo quy định của Bộ Y tế tại Thông tư số 07/2014/TT-BYT ngày 25/02/2014; Quyết định số 2151/QĐ-BYT ngày 04/6/2015 nhằm chuyển đổi rõ rệt trong nhận thức, thái độ, phong cách phục vụ người bệnh của cán bộ y tế, rèn luyện kỹ năng giao tiếp, ứng xử, nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ, củng cố niềm tin và sự hài lòng của người bệnh.
Tiếp tục tổ chức tập huấn kỹ năng giao tiếp, giáo dục sức khỏe người bệnh cho viên chức và người lao động trong đơn vị, đặc biệt là đội ngũ bác sỹ, điều dưỡng, nữ hộ sinh, kỹ thuật viên trực tiếp khám chữa bệnh, chăm sóc người bệnh tại bệnh viện. Hướng dẫn cán bộ y tế trong đơn vị thường xuyên dành thời gian giao tiếp, giáo dục sức khỏe cho người bệnh trong quá trình nằm viện, đặc biệt là giáo dục sức khỏe, hướng dẫn người bệnh những điều cần thiết trước khi ra viện.
Định kỳ tổ chức đánh giá mức độ hài lòng của bệnh nhân nội trú, ngoại trú, mức độ hài lòng của nhân viên y tế theo Quyết định số 56/QĐ-BYT ngày 08/01/2024 của Bộ Y tế về việc Ban hành Hướng dẫn về phương pháp đo lường hài lòng của người dân đối với dịch vụ y tế công giai đoạn 2024 – 2030. Cần nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhan viên y tế, đặc biệt trong bối cảnh khó khăn như hiện nay, làm căn cứ xác định thực trạng, khả năng duy trì nguồn nhân lực để xây dựng kế hoạch cải tiến chất lượng bệnh viện. Lưu ý sử dụng ứng dụng công nghệ thông tin khảo sát trên điện thoại, máy tính… tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân của người điền phiếu cho Ban Giám đốc và Trưởng, phó các khoa phòng, chịu trách nhiệm về tính bảo mật thông tin của nhân viên. Tiếp thu, giải quyết kịp thời các kiến nghị, các ý kiến phản ánh của bệnh nhân, nhân viên y tế, từng bước đổi mới phong cách, thái độ phục vụ, hướng tới đáp ứng sự hài lòng của người bệnh. Có hình thức kỷ luật nghiêm đối với viên chức thực hiện không tốt quy tắc ứng xử, có phản ánh của người bệnh về tinh thần, thái độ phục vụ.
*Tăng cường công tác quản lý, nâng cao chất lượng bệnh viện
Triển khai thực hiện nghiêm túc các quy định, quy chế và hướng dẫn về chuyên môn trong bệnh viện của Bộ Y tế. Khẩn trương triển khai thực hiện tốt các nội dung chỉ đạo của Sở Y tế tại Công văn số 408/SYT-NVY ngày 21/02/2023 về việc khắc phục các tồn tại; tăng cường quản lý, nâng cao chất lượng bệnh viện sau đợt kiểm tra cuối năm 2023 và Công văn số 1727/SYT-NVY ngày 12/6/2023 về việc rà soát, củng cố hoạt động cải tiến chất lượng, khảo sát sự hài lòng và phòng chống dịch COVID-19. Rà soát, đánh giá chất lượng nội bộ và khảo sát sự hài lòng khách quan, trung thực, không chạy theo thành tích, xác định các vấn đề tồn tại. Các bệnh viện cần rút kinh nghiệm, nghiên cứu kỹ và bám sát yêu cầu cụ thể của Bộ tiêu chí. Khẩn trương lập kế hoạch và khắc phục các vấn đề đã nêu tại Công văn số 408/SYT-NVY ngày 21/02/2023, Công văn số 1727/SYT-NVY ngày 12/6/2023 của Sở Y tế và Công văn số 735/KCB-QLCL&CĐT ngày 09/6/2023 của Cục quản lý Khám chữa bệnh - Bộ Y tế.
Ban Giám đốc các đơn vị cần quán triệt nhiệm vụ cho cán bộ, viên chức, người lao động trong đơn vị tích cực thực hiện nhiệm vụ cải tiến, bảo đảm chất lượng theo Luật khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi có hiệu lực từ ngày 01/01/2024. Tiếp tục hướng dẫn các khoa, phòng trong bệnh viện xây dựng kế hoạch cải tiến chất lượng; xây dựng bảng kiểm đánh giá cho từng khoa, phòng, bộ phận và toàn bệnh viện; tổ chức đánh giá định kỳ hàng quý và xác định các ưu tiên cải tiến và giải pháp, đảm bảo các điều kiện thực hiện cho quý tiếp theo. Căn cứ Thông tư 19/2013/TT-BYT ngày 12/7/2013 của Bộ Y tế về việc Hướng dẫn thực hiện quản lý chất lượng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh tại Bệnh viện, tiếp tục rà soát, kiện toàn Hội đồng quản lý chất lượng, tổ quản lý chất lượng bệnh viện, mạng lưới chất lượng bệnh viện và bố trí cán bộ chuyên trách, kiêm nhiệm và triển khai các hoạt động quản lý chất lượng theo hướng dẫn.
Các đơn vị chưa thành lập Phòng quản lý chất lượng cần thành lập Tổ quản lý chất lượng, trong đó đồng chí Giám đốc bệnh viện hoặc Phó Giám đốc phụ trách chuyên môn làm tổ trưởng để tập trung chỉ đạo và triển khai công tác cải tiến chất lượng bệnh viện của đơn vị. Các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến tỉnh phát huy vai trò là bệnh viện tuyến cuối của tỉnh trong việc xây dựng, cập nhật, hoàn thiện các phác đồ điều trị, quy trình chuyên môn, thực hiện các kỹ thuật cao, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển giao kỹ thuật, chỉ đạo tuyến, giám sát, hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới. Xây dựng các kế hoạch cải tiến chất lượng, an toàn người bệnh, phân tích dữ liệu, đề xuất các giải pháp cụ thể. Tăng cường nhân lực cho công tác quản lý chất lượng, xứng đáng là hình mẫu cho các bệnh viện tuyến dưới học tập.
*Đẩy mạnh công tác phòng ngừa và báo cáo sự cố y khoa
Nghiêm túc triển khai thực hiện đầy đủ các quy định về quy chế chuyên môn, đặc biệt là thực hiện các quy trình gây mê, phẫu thuật, thủ thuật, sử dụng thuốc và nhận dạng đúng người bệnh, tuyệt đối không để xảy ra các sự cố y khoa trong quá trình khám, điều trị và chăm sóc người bệnh. Thực hiện việc tổng hợp và báo cáo đầy đủ sự cố y khoa định kỳ, đột xuất về Sở Y tế theo hướng dẫn tại Thông tư 43/2018/TT-BYT ngày 26/12/2018 của Bộ Y tế về Hướng dẫn phòng ngừa sự cố y khoa trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Các đơn vị đặc biệt lưu ý báo cáo kịp thời các sự cố liên quan đến an toàn tính mạng người bệnh, nhân viên y tế để có thể đưa ra khuyến cáo cho các đơn vị khác. Chủ động phát hiện, báo cáo phân loại theo 11 nhóm sự cố đã được hướng dẫn tại phụ lục Thông tư 43/2018/TT-BYT, chú ý đến nhóm sự cố liên quan đến nhầm lẫn người bệnh, liên quan đến vật tư y tế và thuốc (là các nhóm chiếm tỷ lệ cao theo kết quả khảo sát nhanh toàn quốc gần đây).
Đặc biệt, cần rà soát chất lượng các trang thiết bị y tế sử dụng trực tiếp trên người bệnh có nguy cơ gặp sự cố như các loại kim, ống thông dùng trong lòng mạch máu, dây truyền, ống hút dịch, ống nội soi... và thiết bị có khả năng gây tổn thương cho nhân viên y tế như ống xét nghiệm, ống thuốc, thiết bị điện... Tăng cường tập huấn, nâng cao trách nhiệm của từng nhân viên y tế trong việc phát hiện và tự nguyện báo cáo sự cố y khoa; hướng dẫn phổ biến cho người bệnh và người nhà người bệnh hợp tác trong việc nhận diện, báo cáo chính xác sự cố y khoa. Rà soát, củng cố hệ thống báo cáo sự cố y khoa bắt buộc, tự nguyện và động viên, khuyến khích nhân viên y tế duy trì báo cáo thường xuyên các sự cố ý khoa.
*Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát
Thường xuyên thực hiện công tác kiểm tra, giám sát để kịp thời động viên, khen thưởng các tập thể, cá nhân làm tốt, đồng thời phát hiện chấn chỉnh ngay các tồn tại, hạn chế trong công tác khám, chữa bệnh và chăm sóc người bệnh tại đơn vị.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin