Đa dạng các dự án khởi nghiệp

QUỲNH UYỂN 06:18, 06/03/2024

Từ hàng ngàn dự án, ý tưởng tham dự các cuộc thi khởi nghiệp dành cho mọi lứa tuổi, tầng lớp, 5 năm qua, toàn tỉnh đã có 72 dự án, ý tưởng được UBND tỉnh công nhận. Các dự án khởi nghiệp cấp tỉnh mang tính khả thi cao, đã tạo ra giá trị, hình thành nên nhiều dịch vụ, sản phẩm hữu ích được cộng đồng đón nhận.

Các dự án khởi nghiệp đã tạo ra sản phẩm hữu ích phục vụ cộng đồng
Các dự án khởi nghiệp đã tạo ra sản phẩm hữu ích phục vụ cộng đồng

Đa số các dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo gắn liền với tiềm năng, thế mạnh, phù hợp với đặc điểm cơ cấu các ngành kinh tế của tỉnh; trong đó, có đến 35 dự án thuộc lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản, dược liệu; 12 dự án thuộc lĩnh vực du lịch, dịch vụ, thực phẩm; 11 dự án thuộc công nghệ thông tin, truyền thông. 

Với dự án “PANAPHARCO - dược mỹ phẩm từ sâm Ngọc Linh sinh khối”, nhóm sinh viên Trường Đại học Yersin Đà Lạt đã tạo ra các dòng sản phẩm chất lượng từ sâm Ngọc Linh với giá thành sản xuất hợp lý nhằm đem lại cho người tiêu dùng những sản phẩm đạt chất lượng, hiệu quả cao. Dự án nhằm thúc đẩy phát triển mô hình nuôi cấy sâm Ngọc Linh sinh khối, góp phần cân bằng được số lượng sâm Ngọc Linh ở ngoài thiên nhiên, hạn chế việc khai thác bừa bãi một cách quá mức. 

Dự án “Tổ hợp tác cung ứng tằm con tuổi 03” của chị Ma Rương (thôn Đa Xế, xã Đạ Mrông, huyện Đam Rông) cho thấy hiệu quả việc nuôi tằm con tập trung đã tháo gỡ được khó khăn trong việc đáp ứng số lượng tằm giống, giảm chi phí đi lại, giảm rủi ro trong việc nhận tằm giống, rút ngắn thời gian. Tại đây tằm con được chăn nuôi theo tiêu chuẩn kỹ thuật, nuôi tập trung theo cơ cấu giống sẽ cho các lô kén lớn đồng đều, ươm được tơ có chất lượng cao. Trong thời gian thực hiện khảo nghiệm 10 hộ nhận tằm con từ cơ sở của chị Ma Rương thì 7 hộ chăn nuôi mang lại hiệu quả cao hơn so với các hộ khác.

Với dự án “Quảng bá du lịch địa phương bằng công nghệ VR360”, anh Nguyễn Quốc Bảo (Công ty TNHH Giác Quan Đà Lạt, Phường 6) ứng dụng hiệu quả công nghệ số vào lĩnh vực du lịch. Dự án cung cấp cho khách hàng nhiều tính năng vượt trội so với những sản phẩm công nghệ VR360 trước đây như: Khách hàng chỉ cần những kiến thức tin học cơ bản đã có thể tự tuỳ chỉnh, xử lý tài nguyên thông tin mà không cần chuyên viên kỹ thuật; MC thuyết minh viên ảo; khám phá đa góc nhìn, bằng mắt thường người xem không thể nhìn thấy được... Cộng hưởng sự đa dạng và phong phú của tài nguyên thiên nhiên, du khách sẽ được khám phá trước điểm đến với đầy đủ những thông tin, hình ảnh, dịch vụ cần thiết thông qua nền tảng trải nghiệm Tour VR360 độ - một hình thức truyền thông hấp dẫn hơn dạng video, hình ảnh thông thường.

Dự án “Quản lý phòng nuôi cấy mô Seedify BioLab” của nhóm bạn trẻ Nguyễn Văn Huy Dũng, Phan Trung Tính, Nguyễn Trọng Hiếu, Phạm Huy Đức là phần mềm công nghệ cung cấp khả năng quản lý tổng thể và chi tiết cho một phòng nuôi cấy mô với quy mô lớn. Về mức độ chi tiết, phần mềm cho phép quản lý nhân công, quản lý quy trình, quản lý phòng sáng, phòng giống, phòng cấy; theo dõi quy trình lên giàn, hạ giàn; theo dõi nhiễm, quản lý phòng môi trường, lên kế hoạch... có thể quản lý hầu hết tất cả các tác vụ trong nghiệp vụ của quản lý nuôi cấy mô. Về tổng thể, phần mềm có các phân hệ về kế hoạch, báo cáo tổng thể cho chủ doanh nghiệp. Để cho chủ doanh nghiệp có thể đưa ra được định hướng tiếp theo dựa trên số liệu. Từ đó hỗ trợ tạo ra một số lượng lớn giống cây trồng đồng đều, sạch bệnh. 

Dự án “Trồng và chế biến các sản phẩm từ giống ớt cay nhất thế giới theo hướng hữu cơ” của anh Lê Tiến Dũng (thị trấn Đạ Tẻh) đã tạo ra loại gia vị đặc biệt từ ớt siêu cay với hương vị độc đáo, mới lạ, chất lượng, thương hiệu, có giá trị dinh dưỡng cao, an toàn tuyệt đối với người sử dụng. Dự án góp phần thay đổi tư duy sản xuất canh tác truyền thống, hướng tới sản xuất nông nghiệp hữu cơ bền vững, thân thiện với môi trường, an toàn với con người.

Dự án “AIC FARM - nền tảng chuyển đổi số trong nông nghiệp” của Phạm Đức Thịnh, Võ Thành Danh, Hồ Thị Bích Vân (Đa Thiện, Phường 8, Đà Lạt) lại là một hệ sinh thái toàn diện cho nông nghiệp. Dự án nhằm tối ưu hóa sản xuất, quản lý trang trại và kết nối nông dân với thị trường qua công nghệ. AIC FARM có các tính năng nổi bật bao gồm: Quản lý trang trại: Từ lên kế hoạch đến giám sát sản xuất hàng ngày; Theo dõi quy trình sản xuất từ ngày trồng đến ngày thu hoạch; Kết nối thị trường: mở rộng khả năng tiếp cận khách hàng qua hệ thống thương mại điện tử; Quản lý kho: đảm bảo sản phẩm luôn sẵn sàng cho thị trường; Chuẩn hóa sản phẩm: phát triển thương hiệu và đảm bảo chất lượng sản phẩm, đáp ứng tiêu chuẩn an toàn; Tối ưu hóa hiệu suất: nâng cao năng suất và thu nhập của người sản xuất.

Dự án “Tự động hóa sản xuất túi quang tự dưỡng trong nuôi cấy mô tế bào thực vật” của anh Nguyễn Thành Đạt (Phường 7, Đà Lạt) giúp tăng hiệu quả kinh tế, sản lượng phục vụ trong sản xuất nuôi cấy mô tế bào thực vật; thay thế vật liệu đựng môi trường nuôi cấy từ bình thủy tinh, ống nghiệm... giảm nhân công làm túi quang tự dưỡng bằng phương pháp thủ công, giảm tỉ lệ lây nhiễm chéo trong khâu làm túi, giảm giá thành sản phẩm. Dây chuyền sản xuất giúp tăng sản lượng gấp 200-400 lần so với làm thủ công, tạo ra sản phẩm có độ chính xác cao, thẩm mỹ và đồng đều. Góp phần vào quá trình sản xuất giống rau, hoa với lượng lớn ở vùng nông nghiệp công nghệ cao Đà Lạt - Lâm Đồng hiện nay. 

Không thể kể hết được ý nghĩa thực tiễn của các dự án. Thời gian tới, để hỗ trợ các dự án tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa phục vụ cộng đồng, Sở Khoa học và Công nghệ Lâm Đồng tiếp tục tạo điều kiện cho các tổ chức khởi nghiệp tiếp cận nguồn vốn với lãi suất ưu đãi (không thế chấp) từ các quỹ hỗ trợ hoặc kết nối nhà đầu tư cho các dự án khởi nghiệp. Hỗ trợ áp dụng các quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy trình kỹ thuật, quản lý chất lượng sản phẩm, tổ chức sản xuất, xác lập và phát triển tài sản trí tuệ, thiết kế nhận diện thương hiệu, chuyển đổi số, đào tạo chuyên sâu về khởi sự kinh doanh, tra cứu thông tin, kết nối giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ, trung tâm trưng bày, bán sản phẩm, dịch vụ trên các sàn thương mại điện tử. Hỗ trợ kết nối với các tổ chức nghiên cứu, chuyên gia tư vấn, cố vấn để cùng đồng hành với doanh nghiệp nghiên cứu, cải tiến sản phẩm, tạo ra sản phẩm mới. Hỗ trợ xác định giá trị, định hướng phát triển trong các giai đoạn phát triển tiếp theo của dự án.