Trẻ trung và táo bạo - đó là cảm nhận chung về sự kiện Festival Âm nhạc Cổ điển Việt Nam (diễn ra từ ngày 10 - 17/3/2024) do liên danh: Công ty CP Lễ hội Việt Nam - VYMI - Việt Fest - Phố Bên Đồi… phối hợp tổ chức lần đầu tiên tại cao nguyên Lâm Viên. Với hơn 100 nghệ sĩ Việt Nam và quốc tế, 17 buổi biểu diễn cùng nhiều worlshop có liên quan, tất cả đã tạo nên một dấu ấn riêng biệt của một thế hệ trẻ từ đơn vị tổ chức - nghệ sĩ tham dự cho đến khán thính giả dự khán…
Festival Âm nhạc Cổ điển Việt Nam tạo dấu ấn riêng biệt với nét trẻ trung và táo bạo |
Chị Phương Vũ - Giám đốc Công ty CP Lễ hội Việt Nam tâm sự: "Từ việc khảo sát, lên ý tưởng, xây dựng nội dung, kêu gọi nghệ sĩ… tới việc lên kịch bản chi tiết cho cả Lễ hội Âm nhạc Cổ điển Việt Nam - VCMF 2024 tại TP Đà Lạt (nơi vừa được chính thức gia nhập Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo trên lĩnh vực Âm nhạc của UNESCO vào cuối tháng 10/2023) diễn ra chóng vánh trước dịp Tết cổ truyền. Vất vả, tất bật nhưng đầy hào hứng và quyết tâm cao vì một tình yêu dành cho âm nhạc cổ điển, mong muốn giới trẻ Việt Nam tiếp cận gần hơn, nhiều hơn với các giá trị tích cực của dòng văn hóa đặc biệt này”. Hơn một lần trong những lời phát biểu và dẫn giải trước, trong hoặc sau các buổi talkshow - biểu diễn âm nhạc, chị Phương Vũ đã xúc động bộc bạch: "Là một người mẹ, tôi muốn con cái mình có thêm một chọn lựa để nghe, nhìn, suy ngẫm và yêu thích, đó chính là âm nhạc cổ điển, giản dị thế thôi! Xin mọi người hãy cứ đến, cứ nghe, cứ thưởng thức và cảm nhận đi để thấy âm nhạc cổ điển thực ra rất gần gũi, không quá xa lạ, không hề xa cách với đời sống tinh thần của người Việt Nam chúng ta …”.
Festival Âm nhạc Cổ điển Việt Nam tạo dấu ấn riêng biệt với nét trẻ trung và táo bạo |
Với tinh thần văn hoá và sáng tạo, với cái nhìn trẻ trung, tự tin như thế, VCMF 2024 đã diễn ra trong không gian thơ mộng, yên lành của Đà Lạt dịp cuối xuân, qua nhiều không gian nghe, nhìn khác nhau: từ Cung đường Nghệ thuật Lý Tự Trọng, Studio Phố Bên Đồi mang tinh thần giao lưu gần gũi… cho đến khán phòng lịch sự, trang trọng của Ana Mandara Villas Dalat và nhà hát Opera House Dalat. Với sự đóng góp của Hà Nội Brass Com-munity, Sông Hồng Ensemble, Schuber in a Mug, Việt Nam Youth Music Institute, Việt Nam Youth Orchestra, Slide on Strings; cùng nhiều nghệ sĩ tài năng và đầy nhiệt huyết như: Tim Allhoff, Kyle Acunicus, Trần Lê Bảo Quyên, Trần Lê Quang Tiến, Phạm Vũ Thiên Bảo, Lê Minh Hiền, Phan Đỗ Phúc, Liao Hsin Chiao, Nguyễn Tô Hoàn Phúc, Vũ Hoàng Cương, Nguyễn Đức Anh, Bùi Thanh Tân… Ở đây, các nghệ sĩ không chỉ tham gia biểu diễn, trình tấu các tác phẩm chọn lọc quốc tế và Việt Nam mà còn diễn giải, dẫn dắt khán thính giả hiểu rõ hơn về tác giả, tác phẩm, lịch sử ra đời, nhạc cụ trình tấu và cả cảm thụ cá nhân… theo một cung cách dễ hiểu nhất. Giám tuyển tranh Nguyễn Như Huy cùng pianist Trần Lê Bảo Quyên mang đến một cảm thụ và giao kết thú vị mới giữa tranh nghệ thuật giàu bản sắc văn hoá Á Đông của Nguyễn Tư Nghiêm với âm nhạc cổ điển, hoà quyện trong không gian kiến trúc cổ tuyệt đẹp của Ana Mandara Villas Dalat. Sự “hợp hôn” của nhiều hình thái văn hoá nghệ thuật theo hướng đi này, rõ ràng đã tạo nên diện mạo thu hút mới cho loại hình du lịch văn hoá của Đà Lạt nói riêng, Việt Nam nói chung trong bối cảnh đương đại.
Với tinh thần văn hoá và sáng tạo, với cái nhìn trẻ trung, tự tin như thế, VCMF 2024 đã diễn ra trong không gian thơ mộng, yên lành của Đà Lạt dịp cuối xuân, qua nhiều không gian nghe, nhìn khác nhau: từ Cung đường Nghệ thuật Lý Tự Trọng, Studio Phố Bên Đồi mang tinh thần giao lưu gần gũi… cho đến khán phòng lịch sự, trang trọng của Ana Mandara Villas Dalat và nhà hát Opera House Dalat.
Buổi nói chuyện Âm nhạc cổ điển dành cho mọi người rất dí dỏm gần gũi của MC Phương Chi (thành viên đồng sáng lập của tổ chức âm nhạc cổ điển Arietta) và nhạc sĩ - giảng viên kiêm diễn giả âm nhạc Nguyễn Tô Hoàng Phúc như một minh chứng sống động cho thấy: âm nhạc cổ điển không khó để tiếp cận, để học và để cùng lan toả các giá trị tích cực mà dòng nhạc này đã, đang mang lại cho đời sống văn hoá tinh thần của con người. Các buổi trình diễn của thế hệ thầy và trò thuộc dự án đào tạo Slide on Strings do hai nghệ sĩ tâm huyết Phạm Vũ Thiên Bảo, Lê Minh Hiền sáng lập đã mang lại một hơi thở mới, niềm tin mới cho cả người trẻ mới học nhạc và chơi nhạc ở Đà Lạt, Sài Gòn… bằng việc kiến tạo nên một không khí nâng đỡ, dìu dắt chan hoà từ lớp đàn anh, đàn chị đi trước dành cho các mầm non tương lai.
Tài năng đặc sắc của các nghệ sĩ solo như: Liao Hsin Chiao, Kyle Acunicus, Tim Allhoff, Nguyễn Đức Anh, Vũ Hoàng Cương, nhóm tam tấu Sông Hồng En semble.. không những cống hiến cho khán thính giả những màn trình diễn cuốn hút cao độ mà còn cho thấy tính nghiêm túc, kĩ luật và tinh thần phụng hiến dành cho nghệ thuật và công chúng nói chung. Nhạc trưởng Phan Đỗ Phúc vừa phong nhã vừa lưu loát gần gũi trong vai trò MC dẫn dắt các buổi hoà nhạc ở 2 buổi biểu diễn đặc biệt tại nhà hát Dalat Opera House, nhưng đồng thời cũng rất chỉn chu và thuyết phục ở cương vị chỉ huy một dàn nhạc với tuổi đời còn rất trẻ. Tất cả các tiết mục biểu diễn của dàn nhạc trẻ do anh điều khiển đều được đón nhận bởi hàng tràng pháo tay liên tục của khán giả hâm mộ.
Tính trẻ trung, táo bạo không chỉ hiện hữu ở nội dung, hình thức biên chế từng chương trình theo từng ngày cụ thể mà nó còn bộc lộ ở một khía cạnh cũng vô cùng đáng quý khác đó chính là: Dám tổ chức, dám làm của những người trong cuộc, bất chấp những khó khăn áp lực thường tình của việc bố trí đi lại, ăn ở, tập luyện, biểu diễn của nghệ sĩ; đó là chưa đã động gì đến thù lao hay bồi dưỡng khác - một vấn đề nhạy cảm và rất nan giải với cả Ban Tổ chức. Giám đốc của không gian sáng tạo Phố Bên Đồi xác nhận thêm: "Dù vấn đề phân bổ công - tư dành cho sự kiện chưa thật cụ thể rõ ràng, nhưng sự chung tay của nhóm tổ chức và lực lượng nghệ sĩ rất yêu quý Đà Lạt, kể cả một số doanh nghiệp thân hữu tham gia tài trợ khác… đã tạo nên nguồn năng lượng mới mẻ cho toàn bộ sự kiện. Thậm chí, sau mỗi buổi diễn, anh em tổ chức và nghệ sĩ ôm nhau khóc vì vui mừng trước tinh thần dự khán và hưởng ứng nồng nhiệt của khán thính giả, già có, trung niên có, thanh niên có, du khách có và có cả trẻ con ở từng buổi nói chuyện hay biểu diễn nữa. Với triết lí phải làm thực sự và nghiêm túc nên Phố Bên Đồi và toàn ê kíp tổ chức VCMF 2024 luôn nỗ lực hết mình vì cái chung, mong rằng sẽ có thêm nhiều sự quan tâm ủng hộ mạnh mẽ hơn nữa của chính quyền địa phương và cộng đồng doanh nghiệp để Festi-val Âm nhạc này được duy trì thường niên, qua đó thu hút du khách trẻ tìm đến với Đà Lạt nhiều hơn trong tương lai!”.
Được dự khán hầu hết các chương trình của VCMF 2024, anh Thi - chủ nhân Thi Tuấn Caffe, số 3 Yagout, Đà Lạt, cực kỳ tâm đắc tâm sự: "Mình không bỏ qua buổi nhạc nào cả vì nội dung quá hay và gần gũi, mình được học hỏi rất nhiều từ các nghệ sĩ trẻ Việt Nam cũng như quốc tế”. Ngoài tranh thủ quay hình, chụp ảnh để làm tư liệu, anh Thi còn cùng em trai và con gái đến dự khán thường xuyên vì cả gia đình đều đam mê nghệ thuật, đây là môi trường cọ xát rất hữu ích cho các thế hệ theo đuổi âm nhạc cổ điển của Đà Lạt. Mặt khác, phần lớn các buổi biểu diễn đều là phục vụ miễn phí cho cộng đồng, một số buổi có thu phí tính cách tượng trưng giá vé cũng rất dễ chịu. Nhiều khán giả Đà Lạt cho rằng: “Nên ủng hộ mạnh mẽ hơn cho Lễ hội, nhất là các nghệ sĩ vì họ quá vất vả, quá tâm huyết cho nền âm nhạc nước nhà!”.
VCMF 2024 chính là Liên hoan Âm nhạc Cổ điển Việt Nam mang tính tiên phong, xét trong bối cảnh hiện nay, vừa táo bạo, trẻ trung lại đầy tinh thần phụng hiến. Chính bởi thế, tinh thần ấy cần được lan toả, cộng hưởng và góp sức nhiều hơn của toàn thể cộng đồng xã hội.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin