Hai chữ lương thiện có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sự thành bại trong kinh doanh

LINH ĐAN 09:15, 07/05/2024

(LĐ online) - Đó là lời khẳng định của doanh nhân Jonathan Hạnh Nguyễn tại buổi nói chuyện với sinh viên Trường Đại học Đà Lạt xoay quanh chủ đề “Học và kinh doanh phải có tâm và có tầm” trong chiều 6/5.

Doanh nhân Johnathan Hạnh Nguyễn trong buổi nói chuyện với các bạn sinh viên Trường Đại học Đà Lạt.
Doanh nhân Johnathan Hạnh Nguyễn trong buổi nói chuyện với sinh viên Trường Đại học Đà Lạt.

Diễn giả - doanh nhân Johnathan Hạnh Nguyễn là Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG); tiến sĩ danh dự, Ủy viên Hội đồng Trường Đại hoc Đà Lạt; cựu sinh viên Trường Chánh trị Kinh doanh khóa 6 - Viện Đại học Đà Lạt (tiền thân của Trường Đại học Đà Lạt ngày nay).

Doanh nhân Hạnh Nguyễn đã mở đầu buổi nói chuyện bằng chính hành trình khởi nghiệp của mình với nhiều nỗ lực vươn lên trong học tập và cuộc sống. Sau khi kết thúc thời gian du học tại Mỹ, ông Hạnh Nguyễn đã bắt đầu sự nghiệp kinh doanh lừng lẫy của mình bằng việc vượt qua khoảng 1.200 ứng cử viên khác đến từ Mỹ và nhiều nước khác trên thế giới để trở thành Thanh tra tài chính của hãng máy bay Boeing.

Năm 1984, ông Johnathan Hạnh Nguyễn là người đã có nhiều nỗ lực trong việc đàm phán để mở tuyến bay chính thức giữa Việt Nam và Philippines. Hai năm sau đó, ông là một trong những Việt kiều đầu tiên về nước khi thành lập Công ty Liên Thái Bình Dương - Imexpan Pacific (IPPG). Từ năm 1996 đến nay, IPPG đã đầu tư hoặc hợp tác đầu tư 30 dự án với tổng số vốn hơn 280 triệu USD vào Việt Nam với doanh số hàng năm khoảng 460 triệu USD. Hiện công ty của ông đang giải quyết việc làm cho hơn 20.000 lao động tại Việt Nam. Ông cũng được giới kinh doanh và truyền thông phong tặng cho danh hiệu ông “Vua hàng hiệu” khi là đối tác độc quyền cung cấp các mặt hàng xa xỉ phẩm có thương hiệu trên toàn thế giới tại Việt Nam.

Ông chia sẻ với các bạn sinh viên, đặc biệt là các bạn sinh viên đang theo học ngành Kinh tế - Quản trị kinh doanh của Trường Đại học Đà Lạt, chữ lương thiện đặc biệt có ý nghĩa tối quan trọng trong kinh doanh. Người làm kinh doanh phải tuân thủ giá trị đạo đức của cộng đồng. Tài năng kinh doanh và đạo đức sẽ là chìa khóa dẫn đến yếu tố thành công bền vững cho mỗi doanh nghiệp. “Chỗ dựa lớn nhất trong kinh doanh của tôi chính là cái tâm và cái tầm khi chọn hướng đi riêng cho mình”, ông chia sẻ thêm.

Doanh nhân Johnathan Hạnh Nguyễn là người có nhiều đóng góp về ý tưởng và vật chất cho sự phát triển của Trường Đại học Đà Lạt. Tập đoàn IPPG của ông cũng là nhà tài trợ cho trường trong nhiều dự án như: Thành lập Trung tâm Giáo dục và Đào tạo trí tuệ nhân tạo đầu tiên của khu vực Tây Nguyên; xây dựng thung lũng Mai Anh Đào; trao tặng học bổng cho sinh viên khởi nghiệp; đóng góp 1 tỷ đồng để hỗ trợ đời sống cho cán bộ, viên chức và gây quỹ học bổng cho sinh viên nghèo vượt khó.

Tiến sĩ danh dự Hạnh Nguyễn cùng các sinh viên tham quan Trung tâm Giáo dục và Đào tạo trí tuệ nhân tạo.
Tiến sĩ danh dự Hạnh Nguyễn cùng các sinh viên tham quan Trung tâm Giáo dục và Đào tạo trí tuệ nhân tạo.

Trả lời câu hỏi của một sinh viên trong phần giao lưu: Ông dành tình cảm cho Trường Đại học Đà Lạt bởi vì chỉ đơn thuần ông là cựu sinh viên của trường, hay ông có mong muốn gì khác?, doanh nhân Johnathan Hạnh Nguyễn cho rằng: Đầu tiên đó là sự trả ơn cho ngôi trường này, nếu không có một sinh viên của Đại học Đà Lạt ngày xưa, chắc chắn sẽ không có một doanh nhân thành đạt nổi tiếng như Johnathan Hạnh Nguyễn như bây giờ.

Năm 2016, ông Hạnh Nguyễn là cá nhân đầu tiên được Trường Đại học Đà Lạt phong tặng danh hiệu Tiến sĩ danh dự vì những cống hiến không ngừng nghỉ của ông đối với sự phát triển của trường.

Công viên Thung lũng Mai Anh Đào với sân khấu biểu diễn và cảnh quan được tôn tạo mới mang dấu ấn rất lớn tư doanh nhân Johnathan Hạnh Nguyễn.
Công viên Thung lũng mai anh đào với sân khấu biểu diễn và cảnh quan được tôn tạo mới mang dấu ấn rất lớn từ doanh nhân Johnathan Hạnh Nguyễn.

Từ khóa:

Đà Lạt

Đại học