KỶ NIỆM 99 NĂM NGÀY BÁO CHÍ CÁCH MẠNG VIỆT NAM (21/6/1925 - 21/6/2024):
Đi để thêm yêu Tổ quốc

NHẬT QUỲNH 06:14, 21/06/2024

Nghề báo luôn gắn liền với những chuyến đi. Đó có thể là hành trình khám phá, ghi lại những góc khuất và mảng sáng, tối của đời sống xã hội, mang đến cho độc giả những câu chuyện chân thực và sống động nhất. Có những chuyến đi để bắt kịp nhịp đập thời đại, cập nhật thông tin thời sự nóng hổi. Và cũng có những chuyến đi để càng thêm yêu Tổ quốc - chuyến thăm và chúc Tết cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ trên các Nhà giàn DK1 là một chuyến đi như thế!

Các phóng viên, nhà báo cố gắng thu thập nhiều thông tin, hình ảnh để có những tác phẩm báo chí chất lượng
Các phóng viên, nhà báo cố gắng thu thập nhiều thông tin, hình ảnh để có những tác phẩm báo chí chất lượng

Những ngày đầu năm 2024, hơn 80 nhà báo, phóng viên các cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương, địa phương, trong và ngoài quân đội đã có chuyến thăm, chúc Tết cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ tại các Nhà giàn DK1, tàu trực, trạm ra đa và các cơ quan dân chính Đảng huyện Côn Đảo. 

Hầu hết phóng viên, nhà báo tham gia hải trình lần này đều có chung tâm trạng háo hức xen lẫn hồi hộp bởi đây là lần đầu tiên họ được tác nghiệp tại Nhà giàn DK1. Ra lúc mùa biển động, đoàn công tác phải đối mặt với thử thách cam go khi những cơn sóng bạc đầu cấp 5, cấp 6 liên tục đập vào mạn tàu, làm cho con tàu nghìn tấn chao nghiêng dữ dội. Sự hào hứng ban đầu dần nhường chỗ cho những cơn say sóng, phải hạn chế di chuyển, chủ yếu nằm hoặc ngồi cố định một chỗ. Nhiều thành viên không thể ăn uống do say sóng. Những ngày đầu trên tàu như dài vô tận - lắc lư theo từng cơn sóng và nghe tiếng đồ đạc va đập trong đêm tối.

Sau hơn 50 giờ chống chọi, trưa ngày 11/1, tàu đã đến nhà giàn đầu tiên - Nhà giàn DK1/9 thuộc Cụm Ba Kè. Dù mệt mỏi chống chọi với những cơn say sóng, nhưng, khi có thông báo đã đến nhà giàn đầu tiên, các thành viên dường như quên đi mọi mệt mỏi. Các phóng viên chuẩn bị sẵn sàng máy ảnh, máy quay để lên boong tàu và mũi tàu, háo hức ghi lại những hình ảnh đầu tiên của nhà giàn.

Nhưng do sóng to, gió lớn, dòng chảy mạnh, nên tàu chỉ có thể neo đậu từ xa, đợi thời tiết tốt lên rồi hạ xuồng nhỏ, vận chuyển quà và đưa một số thành viên đoàn lên thăm, chúc Tết cán bộ, chiến sĩ nhà giàn. Là một trong hai phóng viên nữ đầu tiên được đặt chân lên Nhà giàn DK1/9, phóng viên Vũ Nguyên Hạnh - Báo Tuổi Trẻ không khỏi xúc động. Đây là lần đầu tiên chị được ra nhà giàn, cũng là lần đầu tiên tác nghiệp ở biển, nên dù vẫn còn mệt mỏi sau những ngày vật lộn với cơn say sóng dữ dội, chị vẫn háo hức: “Dù có mệt như thế nào đi chăng nữa tôi cũng lên”.

Thử thách đầu tiên mà phóng viên phải đối mặt là di chuyển từ tàu lớn xuống xuồng nhỏ bằng thang dây trong điều kiện sóng to, gió lớn, tàu nghiêng dữ dội. Phải tập trung và cẩn trọng cao độ bởi nếu sơ sẩy rất dễ bị chấn thương. Vì vậy, tất cả các thành viên tàu đều đoàn kết, hỗ trợ và phối hợp nhịp nhàng để di chuyển xuống xuồng được an toàn nhất. Khi đến gần nhà giàn, xuồng cũng phải di chuyển vòng quanh cho đến khi lựa được cơn sóng phù hợp mới cho phóng viên đu dây và cẩu lên nhà giàn.

Chia sẻ về trải nghiệm đặc biệt này, chị Hạnh hào hứng cho biết: “Dù hồi hộp, nhưng khi lên được nhà giàn, tôi cảm thấy rất vui vì đã vượt qua thử thách bản thân”. Còn với Biên tập viên Việt Anh - Ban Truyền hình đối ngoại, Đài Truyền hình Việt Nam thì, “cảm thấy vô cùng tự hào vì đã đặt chân đến nơi canh giữ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, được lắng nghe và hiểu thêm về cuộc sống gian khổ nhưng đầy ý nghĩa của cán bộ, chiến sĩ nơi đây”.

Đặt chân lên nhà giàn, mọi cơn say sóng của các phóng viên dường như tan biến, nhường chỗ cho tâm huyết để hoàn thành nhiệm vụ. Họ nhanh chóng tiếp cận nhân vật, ghi chép, chụp ảnh và quay phim để có những nét khắc họa chân thực nhất về cuộc sống của cán bộ, chiến sĩ. Hình ảnh cuộc sống, công việc của cán bộ, chiến sĩ nơi đầu sóng, ngọn gió đã thôi thúc phóng viên phải nỗ lực hơn nữa để có những tác phẩm chất lượng, góp phần lan tỏa thông điệp ý nghĩa về tình yêu nước và lòng biết ơn sâu sắc đối với những người lính hải quân. “Sau chuyến đi, tôi đã thực sự hiểu được ý nghĩa của việc “yêu Tổ quốc bằng những hành động cụ thể’, nhà báo Phan Trường Sơn - Đài Phát thanh và Truyền hình Vĩnh Long chia sẻ. 

Cũng có phóng viên dù đã nhiều lần đặt chân đến Trường Sa, Nhà giàn DK1 và Côn Đảo như nhà báo Cù Thị Thuận (bút danh Nguyệt Hà), Báo Đồng Nai. Nhưng với họ, mỗi chuyến đi đều mang đến những trải nghiệm và cảm xúc riêng biệt, càng thêm yêu và tự hào về Tổ quốc. Dù dày dặn kinh nghiệm, nhà báo Nguyệt Hà vẫn không tránh khỏi những cơn say sóng dữ dội. Song, với ý chí quyết tâm cao, chị cùng các đồng nghiệp vẫn hoàn thành xuất sắc 11 bản tin phát thanh nội bộ trong suốt 15 ngày lênh đênh trên biển cả - giúp kết nối các thành viên, cập nhật thông tin và truyền tải tình cảm của Nhân dân đất liền đến với cán bộ, chiến sĩ nơi đây.

Với chị, việc gieo mầm tình yêu biển, đảo cho thế hệ trẻ và lan tỏa ý thức bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc là trách nhiệm chung của mỗi cá nhân, đặc biệt là những ai may mắn có cơ hội được đặt chân đến những cột mốc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. “Tuy quê hương tôi không có biển, nhưng biển luôn trong trái tim tôi”, chị tâm sự.

Hải trình 15 ngày lênh đênh trên biển, tác nghiệp tại Nhà giàn DK1 đã để lại trong lòng mỗi phóng viên, nhà báo những kỷ niệm khó phai. Hơn cả một chuyến công tác, đây còn là bài học quý giá về tính kiên trì, đoàn kết và lòng yêu nước. Trở về đất liền, những người làm báo mang theo niềm tự hào và trách nhiệm, càng thêm quyết tâm dùng ngòi bút của mình để lan tỏa những câu chuyện đẹp về hình ảnh những người lính biển ngày đêm canh gác, giữ vững chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.