(LĐ online) - Ngày 11/7, Sở Y tế Lâm Đồng chỉ đạo các đơn vị trong toàn ngành chủ động phòng chống bệnh bạch hầu trên địa bàn tỉnh.
Từ đầu năm 2024 đến nay, cả nước ghi nhận 5 trường hợp mắc bệnh bạch hầu, trong đó có 1 trường hợp tử vong tại tỉnh Nghệ An.
Trong các năm gần đây, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng cũng ghi nhận các ca mắc bệnh bạch hầu rải rác qua các năm: Năm 2018 ghi nhận 1 ca mắc tại huyện Đam Rông; năm 2020 ghi nhận 3 ca mắc tại huyện Đam Rông và huyện Lạc Dương.
Ngày 9/7/2024, theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, tại tỉnh Lâm Đồng cũng đã tiếp nhận 1 trường hợp người dân đến khai báo y tế tại Phòng khám Đa khoa khu vực Nam Ban (Lâm Hà), khai báo có học cùng trường, cùng hội đồng thi tốt nghiệp với bệnh nhân mắc bệnh bạch hầu tại Nghệ An.
Để đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh bạch hầu trên địa bàn tỉnh, Sở Y tế đề nghị các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phổ biến lại cho nhân viên y tế về Quyết định số 2957/QĐ-BYT ngày 10/7/2020 của Bộ Y tế về việc ban hành hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh bạch hầu. Các ca bệnh lâm sàng nghi ngờ tới bạch hầu cần hội chẩn với tuyến trên, ưu tiên lựa chọn kháng sinh theo hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh bạch hầu và lấy mẫu xét nghiệm xác định kịp thời trường hợp mắc bệnh. Rà soát các trường hợp tiếp xúc gần với trường hợp mắc bệnh bạch hầu nếu có, tổ chức điều tra và điều trị kháng sinh dự phòng cho tất cả các trường hợp tiếp xúc gần theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Thực hiện tốt công tác chẩn đoán sớm, thu dung, cấp cứu, điều trị bệnh nhân, hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp biến chứng nặng, tử vong. Thực hiện các biện pháp phòng hộ cá nhân, các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn và phòng lây nhiễm chéo tại các cơ sở khám, chữa bệnh. Chuẩn bị sẵn sàng khu vực cách ly, buồng bệnh cách ly, cơ số thuốc, thiết bị y tế, vật tư, phương tiện phòng hộ cá nhân, hóa chất khử khuẩn để cấp cứu, điều trị bệnh. Phối hợp với các đơn vị dự phòng điều tra giám sát, lấy mẫu bệnh phẩm và triển khai các biện pháp phòng chống dịch khi phát hiện các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu.
Trung tâm Y tế các huyện, thành phố tăng cường giám sát chặt chẽ tình hình bệnh bạch hầu trên địa bàn tỉnh, kịp thời phát hiện các trường hợp nghi ngờ, rà soát các trường hợp tiếp xúc gần, lấy mẫu xét nghiệm xác định kịp thời trường hợp mắc bệnh, triển khai có hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch. Rà soát, tổ chức tiêm bù, tiêm vét cho các đối tượng chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều các vắc xin phối hợp phòng bệnh bạch hầu trên địa bàn, nhất là tại các xã vùng sâu, xùng xa, nơi tiếp cận với dịch vụ y tế còn hạn chế và có tỷ lệ tiêm chủng thấp. Tăng cường truyền thông về lợi ích của việc tiêm vắc xin phòng bệnh và vận động người dân đưa trẻ em đi tiêm vắc xin phòng bệnh đảm bảo đủ mũi và đúng lịch. Rà soát, đảm bảo sẵn sàng công tác hậu cần, thuốc, thiết bị y tế đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch theo phương châm 4 tại chỗ. Tập huấn lại cho cán bộ y tế dự phòng, cán bộ tại Trạm Y tế xã, phường, thị trấn về “Hướng dẫn giám sát và phòng, chống bệnh bạch hầu” của Bộ Y tế; tăng cường công tác truyền thông phòng, chống bạch hầu.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tăng cường giám sát thường xuyên, giám sát dựa vào sự kiện để phát hiện sớm các ca bệnh trong cộng đồng và tại các cơ sở y tế; theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh bạch hầu trên địa bàn. Phối hợp với Trung tâm Y tế các huyện, thành phố tăng cường giám sát, phát hiện sớm ca nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu, rà soát lại tỉ lệ tiêm chủng các vắc xin phối hợp phòng bệnh bạch hầu, đánh giá nguy cơ dịch bệnh trên địa bàn tỉnh, đề xuất tổ chức chiến dịch tiêm chủng cho đối với các xã có tỷ lệ tiêm chủng thấp, các khu vực vùng sâu vùng xa, vùng giáp ranh có nguy cơ bùng phát dịch bạch hầu, thực hiện cách ly, triển khai các biện pháp phòng chống dịch theo quy định. Hướng dẫn, phối hợp với các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn lấy mẫu, cách ly ca nghi ngờ, triển khai các biện pháp phòng chống dịch theo quy định. Tăng cường công tác truyền thông phòng, chống bạch hầu; xây dựng các tài liệu, sản phẩm, thông điệp truyền thông về phòng chống dịch bệnh và tiêm chủng vắc xin phòng bệnh phù hợp với phong tục, tập quán, ngôn ngữ của địa phương.
Trung tâm Y tế huyện Lâm Hà tiếp tục theo dõi sức khỏe học sinh học cùng trường, cùng hội đồng thi tốt nghiệp với bệnh nhân mắc bệnh bạch hầu tại Nghệ An và các trường hợp tiếp xúc với học sinh trên. Báo cáo về Trung tâm Kiểm soát Y tế, Sở Y tế khi học sinh và người tiếp xúc có các dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu. Nghiêm túc thực hiện việc báo cáo ca bệnh theo quy định của Bộ Y tế.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin