Thời gian qua, việc triển khai Chỉ thị số 37-CT/TW ngày 06/6/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao trên địa bàn tỉnh đã đạt nhiều kết quả.
Các nhà giáo trình diễn bài giảng tại Hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức |
Toàn tỉnh hiện có 43 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, gồm: 4 trường cao đẳng công lập; 2 trường trung cấp tư thục; 18 trung tâm giáo dục nghề nghiệp (11 công lập, 7 tư thục); 15 doanh nghiệp đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp và 4 cơ sở khác (trường trung cấp ngoài tỉnh thực hiện liên kết đào tạo).
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, hàng năm, đơn vị đã phối hợp với các sở, ngành, địa phương, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp rà soát, cập nhật danh mục ngành nghề mới trình UBND tỉnh phê duyệt. Trên cơ sở danh mục nghề nghiệp, Sở đã chủ trì xây dựng chương trình đào tạo trình độ sơ cấp đối với các nghề phổ biến, nghề có nhu cầu lao động cao để sử dụng chung trong toàn tỉnh. Các chương trình đào tạo đều đảm bảo có từ 55 - 70% thời lượng đào tạo nội dung thực hành, thực tập; học sinh, sinh viên được tham gia học kỳ doanh nghiệp để được cọ xát thực tế, tiếp cận với trình độ quản lý, khoa học công nghệ, dây chuyền sản xuất tiên tiến, hiện đại của các doanh nghiệp.
Qua 10 năm thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW, Chương trình hành động số 83-CT/TU của Tỉnh ủy, nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong toàn tỉnh về vai trò, tầm quan trọng của công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao đã được nâng lên; nhiều tập thể, cá nhân đã tích cực triển khai và tổ chức những mô hình sáng tạo, hiệu quả trong đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề cao. Các trường cao đẳng, trung cấp, cơ sở giáo dục nghề nghiệp không ngừng đẩy mạnh phong trào thi đua dạy tốt, học tốt; tổ chức hội thi thiết bị đào tạo tự làm, hội giảng nhà giáo giáo dục nghề nghiệp, kỳ thi kỹ năng nghề cho học sinh, sinh viên hàng năm tại cơ sở và tham gia hội thi, hội giảng cấp tỉnh, cấp toàn quốc và đã đạt được nhiều thành tích cao.
Công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động đã góp phần giảm thiểu tỷ lệ lao động thất nghiệp, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững, ổn định an ninh trật tự xã hội của địa phương. Nguồn nhân lực có tay nghề cao đã trở thành lợi thế cạnh tranh hàng hóa, dịch vụ, tăng cường xuất khẩu lao động; lao động được tiếp cận với khoa học - công nghệ, chuyển đổi số, tác phong làm việc công nghiệp góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, tăng năng suất lao động, cải thiện chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh.
Cùng đó, đội ngũ nhà giáo trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được chăm lo bồi dưỡng, tỷ lệ nhà giáo đạt chuẩn và trên chuẩn về trình độ đào tạo ngày càng được nâng lên. Nếu năm 2014, số cán bộ quản lý, nhà giáo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp toàn tỉnh là 618 người, trong đó chỉ 60% đạt chuẩn trình độ nghiệp vụ sư phạm dạy nghề, số còn lại chủ yếu là giáo viên thỉnh giảng, nghệ nhân, người có tay nghề dạy nghề thủ công trình độ sơ cấp, thì đến cuối năm 2023, tổng số cán bộ quản lý, nhà giáo giáo dục nghề nghiệp của tỉnh là 1.196 người. Trong đó, trình độ trên đại học 268 người, đại học 442 người, cao đẳng 104 người, trung cấp 370 người, trình độ khác 12 người. Đến cuối năm 2023, toàn tỉnh có 98,83% cán bộ quản lý, nhà giáo đạt chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ, trong đó, 57,69% cán bộ quản lý, nhà giáo trên chuẩn.
Mặt khác, chương trình đào tạo được cập nhật, điều chỉnh, xây dựng theo hướng tiếp cận năng lực; đổi mới phương pháp đào tạo lấy người học làm trung tâm, chuyển từ đào tạo theo kế hoạch sang đào tạo theo nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp và thị trường lao động; người học không chỉ được chú trọng đào tạo kỹ năng nghề nghiệp mà còn được đào tạo kỹ năng mềm như tin học, ngoại ngữ, giao tiếp, kỷ luật lao động… Tỷ lệ học sinh, sinh viên tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng được các doanh nghiệp tuyển dụng đạt trên 89%, nhiều ngành nghề được doanh nghiệp đặt hàng và tuyển dụng 100%. Trong giai đoạn 2014 - 2023, hệ thống giáo dục nghề nghiệp của tỉnh đã đào tạo cho 374.128 lượt người các trình độ, trong đó, trình độ cao đẳng là 9.864 người, trình độ trung cấp là 15.009 người. Đến cuối năm 2023, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 78,37%, tỷ lệ lao động qua đào tạo được cấp văn bằng, chứng chỉ đạt 22,73%, đạt chỉ tiêu kế hoạch mà Nghị quyết của tỉnh đã đề ra.
Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã chủ động trong hội nhập và hợp tác quốc tế ở nhiều lĩnh vực như tuyển sinh, đào tạo và cấp văn bằng chứng chỉ của nước ngoài, phát triển chương trình đào tạo, đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo, cán bộ quản lý, nghiên cứu khoa học... qua đó, nâng cao chất lượng đào tạo, khẳng định uy tín và vị thế của nhà trường với xã hội.
Điển hình như các Trường Cao đẳng Nghề Đà Lạt, Cao đẳng Du lịch Đà Lạt, Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Lâm Đồng, Cao đẳng Y tế Lâm Đồng, Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Quốc Việt những năm qua đều có các chương trình trao đổi, hợp tác với các trường, tổ chức của các nước Úc, Nhật, Mỹ, Anh, Hàn Quốc, Thái Lan về tuyển sinh, đào tạo và cấp văn bằng chứng chỉ của nước ngoài và Việt Nam cho người học; phát triển chương trình đào tạo; đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo, cán bộ quản lý; nghiên cứu khoa học. Đặc biệt, trong khuôn khổ dự án EU VET Toolbox năm 2017 - 2018 của Liên minh châu Âu, Trường Cao đẳng Nghề Đà Lạt đã tham gia đánh giá chất lượng theo khung và phương pháp đánh giá tiêu chuẩn chất lượng của Vương quốc Anh. Trường Cao đẳng Nghề Đà Lạt cũng được Nhà nước đầu tư kinh phí cho đào tạo nhân lực, đủ điều kiện thực hiện nhiệm vụ đào tạo đạt chuẩn quốc gia, khu vực và quốc tế.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin