Bên cạnh tăng thêm phương thức xét tuyển, mở rộng công tác tư vấn tuyển sinh, năm nay, Trường Đại học Đà Lạt còn đưa vào vận hành hệ thống đăng ký xét tuyển (ĐKXT) trực tuyến riêng của trường nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các thí sinh.
Công tác tư vấn tuyển sinh tại các trường THPT được Trường Đại học Đà Lạt chú trọng thực hiện |
Tiến sĩ Trần Hữu Duy - Trưởng Phòng Quản lý Đào tạo, Trường Đại học Đà Lạt cho biết, cùng với các phương án tuyển sinh như các năm trước, gồm xét học bạ kết quả học tập cấp trung học phổ thông (THPT), xét điểm thi tốt nghiệp THPT và xét kết quả kỳ thi đánh giá năng lực, năm nay, Trường Đại học Đà Lạt mở rộng thêm một phương thức xét tuyển mới là xét tuyển thẳng theo phương thức riêng của nhà trường.
Theo đó, bên cạnh các đối tượng được xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển theo Quy chế tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm 2023, Trường Đại học Đà Lạt còn xét tuyển thẳng theo Quy chế tuyển sinh của Trường đối với các thí sinh đạt học sinh giỏi 3 năm liên tục tại các trường THPT. Thí sinh nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển thẳng về Trường Đại học Đà Lạt trước 17h ngày 30/6/2023. Thí sinh được phép đăng ký không giới hạn số lượng nguyện vọng đối với hình thức đăng ký trực tuyến.
Bên cạnh đó, Trường Đại học Đà Lạt đã bắt đầu sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của Trường Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, Đại học Quốc gia Hà Nội và các đại học vùng để xét tuyển đại học chính quy từ năm 2022. Tuy nhiên, năm nay, nhằm tạo điều kiện cho các em học sinh trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng muốn tham dự kỳ thi đánh giá năng lực mà không phải di chuyển xa, tháng 3 vừa qua, Trường Đại học Đà Lạt đã phối hợp với Trường Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực ngay tại Trường Đại học Đà Lạt, với gần 2.400 thí sinh tham gia dự thi. Theo Tiến sĩ Trần Hữu Duy, công tác tổ chức thi của nhà trường đã được Trường Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh đánh giá rất cao, tạo tiền đề để từ năm nay trở về sau, Trường Đại học Đà Lạt tiếp tục phối hợp tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực, giúp các em học sinh trong tỉnh thuận lợi hơn.
Từ ngày 22/5, Trường Đại học Đà Lạt đã bắt đầu nhận hồ sơ ĐKXT đại học chính quy sử dụng phương thức học bạ THPT (đợt 1) và kết quả các kỳ thi đánh giá năng lực năm 2023, với tổng chỉ tiêu là 1.145 sinh viên cho 41 ngành học.
Cụ thể, đối với phương thức sử dụng học bạ THPT, việc xét tuyển dựa vào kết quả học tập lớp 12 hoặc kết quả lớp 11 cộng với học kỳ I lớp 12, lấy tổng điểm của 3 môn trong tổ hợp môn ĐKXT. Các ngành đào tạo Sư phạm yêu cầu thí sinh có học lực lớp 12 đạt loại giỏi hoặc điểm xét tốt nghiệp THPT đạt từ 8.0 trở lên. Các ngành khác yêu cầu tổng điểm 3 môn trong tổ hợp môn ĐKXT lớn hơn hoặc bằng 18 điểm và không có môn nào trong tổ hợp môn ĐKXT có điểm trung bình dưới 5.0.
Đối với phương thức sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh năm 2023, yêu cầu thí sinh các ngành Sư phạm đạt từ 800 điểm trở lên theo thang điểm 1.200, hoặc đạt từ 20 điểm trở lên quy đổi theo thang điểm 30. Các ngành ngoài Sư phạm phải đạt từ 600 điểm trở lên theo thang điểm 1.200, hoặc đạt 15 điểm trở lên quy đổi theo thang điểm 30. Trường hợp thí sinh sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội hoặc các Đại học Thái Nguyên, Đại học Huế, Đại học Đà Nẵng (nếu có) thì điều kiện ĐKXT được quy đổi như trường hợp của Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh.
Ngoài ra, bên cạnh việc nộp hồ sơ ĐKXT trực tiếp tại trường hoặc qua đường bưu điện như mọi năm, kể từ mùa tuyển sinh năm 2023, các thí sinh đã có thể đăng ký trực tuyến tại website tuyển sinh của trường, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các em thí sinh ở xa có nguyện vọng ĐKXT vào trường sẽ nộp hồ sơ nhanh chóng, tiện lợi và chủ động hơn.
Hiện, Trường Đại học Đà Lạt có 41 ngành đào tạo. Trong đó, 9 ngành đào tạo Sư phạm là những ngành đặc thù, được nhà trường đảm bảo ngưỡng chất lượng đầu vào theo yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Từ năm 2021 đến nay, Trường đã mở rộng thêm 10 ngành đào tạo. Năm 2023, Trường Đại học Đà Lạt giữ nguyên chỉ tiêu tuyển sinh như năm 2022 là 2.850 chỉ tiêu. Theo Tiến sĩ Trần Hữu Duy: “Quan điểm của nhà trường là mặc dù năng lực của trường có thể tuyển sinh nhiều hơn con số đã đề ra, nhưng chúng tôi vẫn giữ nguyên chỉ tiêu tuyển sinh nhằm hướng tới nâng cao chất lượng tuyển sinh đầu vào cũng như công tác đào tạo, chú trọng chất lượng của sinh viên hơn số lượng”.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin