Kỷ niệm 23 năm ngày thành lập Hội Khuyến học tỉnh Lâm Đồng (23/10/2000 - 23/10/2023):
Khuyến học, khuyến tài là động lực cho sự phát triển

LINH ĐAN (thực hiện) 05:36, 23/10/2023

Thực hiện nhiệm vụ đươc giao, các cấp Hội Khuyến học (HKH) Lâm Đồng đã sáng tạo, phát động nhiều phong trào thi đua nhằm liên kết, phối hợp với các tổ chức chính trị xã hội, các sở, ban, ngành, cơ sở giáo dục thúc đẩy việc học tập suốt đời của các tầng lớp Nhân dân trong tỉnh thu được nhiều kết quả tốt đẹp. Nhân kỷ niệm 23 năm Ngày HKH tỉnh Lâm Đồng được thành lập, PV Báo Lâm Đồng đã có cuộc trao đổi với Nhà giáo Ưu tú (NGƯT) Nguyễn Xuân Ngọc - Chủ tịch HKH tỉnh về hoạt động của Hội trong thời gian vừa qua.

Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Xuân Ngọc - Chủ tịch Hội Khuyến học Lâm Đồng trao xe đạp cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn
Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Xuân Ngọc - Chủ tịch Hội Khuyến học Lâm Đồng trao xe đạp cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn

PV: Với sứ mệnh là nòng cốt xây dựng xã hội học tập, phát triển các mô hình học tập, gia đình học tập, dòng họ học tập, đơn vị học tập; từ khi ra đời, Hội đã thể hiện sứ mệnh đó như thế nào trong sự nghiệp giáo dục và đào tạo của tỉnh, thưa ông?

NGƯT Nguyễn Xuân Ngọc: Có thể nói, 23/10/2000 là ngày quan trọng không chỉ với cán bộ, hội viên của Hội Khuyến học các cấp trong tỉnh mà còn của cả ngành Giáo dục và đào tạo Lâm Đồng. 23 năm qua, hoạt động của Hội thường xuyên nhận được sự quan tâm của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh; các sở, ban, ngành, cũng như các tổ chức chính trị xã hội khác. Và đặc biệt là sự hưởng ứng, ủng hộ nhiệt tình ngày một nhiều của các tầng lớp Nhân dân, dân tộc anh em trong tỉnh. Điều này đã giúp cho công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập của HKH tỉnh đạt được nhiều kết quả quan trọng.

HKH tỉnh đã tạo được dấu ấn đậm nét trong sự nghiêp giáo dục và đào tạo với việc thúc đẩy phong trào học tập của ngươi dân trong tỉnh, qua đó hình thành nên cấu trúc xã hội học tập rộng khắp, trở thành phong trào thi đua, có sự lan tỏa rộng khắp.

Hội đã phối hợp với Sở  Giáo dục và Đào tạo Lâm Đồng tham mưu thành công cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo, tổ chức thực hiện các chủ trương của Đảng và Nhà nước về công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập ở địa phương như: “Đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng XHHT” trong các giai đoạn; Đề án “Xây dựng xã hội học tập”; “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng và đơn vị”...

Trải qua nhiều giai đoạn xây dựng và củng cố và phát triển; hoạt động của Hội đã có nhiều đổi mới căn bản về nhận thức, tư duy và phương pháp điều hành, triển khai khuyến học, khuyến tài, xây dựng cộng đồng, xã hội học tập. Điều đó được thể hiện trong sự thay đổi về nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, đảng viên và người dân trong tỉnh khi xác định học tập là nhiệm vụ suốt đời và là con đường để rút ngắn thành công, cũng như đóng góp tích cực cho sự phát triển nhanh và bền vững của tỉnh.

PV: Với vai trò là trung tâm liên kết, phối hợp với các tổ chức, lực lượng xã hội tham gia hoạt động khuyến học, khuyến tài; phát triển Quỹ Khuyến học theo hướng đa dạng, hiệu quả cao, hỗ trợ đối tượng học sinh, sinh viên giỏi có hoàn cảnh khó khăn tiếp cận với giáo dục chất lượng; trong thời gian vừa qua, Hội đã thể hiện vai trò đó như thế nào?

NGƯT Nguyễn Xuân Ngọc: Có thể nói, từ trước đến nay, nhiều người vẫn nghĩ khuyến học, khuyến tài chỉ dành cho các bạn học sinh, sinh viên ngồi trên ghế nhà trường, công việc của Hội là đi trao học bổng, phát quà và động viên. Thế nhưng, thông qua việc tuyên truyền tới các cấp ủy đảng, từng cán bộ, đảng viên, cũng như Hội đã trao tặng những suất học bổng cho cả người lớn, đặc biệt có cả những người lớn tuổi, những người làm nông vẫn đi học để nâng cao trình độ. Đồng thời, Hội cũng thường xuyên tổ chức các hội thảo về xã hội học tập, công dân học tập, cộng đồng học tập... đến nay, việc thay đổi nhận thức về học tập suốt đời ở các cấp Hội trong tỉnh đã có sự thay đổi cả về chất lẫn lượng; nhiều nơi trong tỉnh đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình...

Dù chưa được như kỳ vọng, nhưng Quỹ Khuyến học, khuyến tài của các cấp Hội đã liên tục tăng theo từng năm, được sử dụng theo đúng tôn chỉ, mục đích, quản lý có hiệu quả. Có thể nói rằng, việc hỗ trợ những hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, tôn vinh những người vượt khó học giỏi, những em học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên trong học tập đã góp phần không nhỏ trong việc hỗ trợ tích cực cho công tác giáo dục trong và ngoài nhà trường có sự phát triển vượt bậc.

PV: Một trong những khó khăn nhất của công tác khuyến học chính là việc vận động toàn thể các tầng lớp Nhân dân tham gia vào công tác khuyến học, khuyến tài. Theo ông, HKH Lâm Đồng đã có những phương án triển khai linh hoạt và sáng tạo để thay đổi điều đó?

NGƯT Nguyễn Xuân Ngọc: HKH Lâm Đồng chú trọng,đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tham mưu phối hợp cả chiều rộng và chiều sâu, tổ chức nhiều hình thức chuyển tải các nghị quyết, chỉ thị, chủ trương của Đảng, Chính phủ, của UBND tỉnh đến tận người dân, góp phần nâng cao chuyển biến nhận thức trong công tác khuyến học, khuyến tài.

Đặc biệt, HKH tỉnh đã ký kết chương trình phối hợp với gần như toàn bộ các ban, ngành, đoàn thể, các hội thực hiện công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2011-2016; 2016-2021 và 2021-2026. Từng năm đều tổ chức hội nghị đánh giá chương trình phối hợp và triển khai nhiệm vụ năm mới. Nhờ vậy, đã thay đổi được quan niệm khuyến học, khuyến tài, xây dựng XHHT không phải của riêng ngành Giáo dục, của riêng HKH, mà đây là nhiệm vụ của toàn bộ hệ thống chính trị, của toàn xã hội.

Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, trong những năm gần đây, Lâm Đồng luôn là điểm sáng trong công tác khuyến học từ tỉnh đến cơ sở. Số lượng hội viên ở Lâm Đồng phát triển cả về chiều rộng, chiều sâu, tức là bao phủ toàn bộ các cấp Hội từ tỉnh xuống đến chi hội.

Để có thể tạo ra phong trào khuyến học, khuyến tài đạt chất lượng và có sự tham gia của đông đảo các tầng lớp Nhân dân trong tỉnh. Chúng tôi coi việc phát triển hội viên là nhiệm vụ quan trọng, đặc biệt là phát triển hội viên ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số như ở Di Linh, Lạc Dương, Đam Rông. Bởi mỗi hội viên ở cơ sở, chính là cánh tay nối dài, là cán bộ dân vận đắc lực nhất cho công tác tuyên truyền, vận động người dân cùng tham gia đóng góp cho việc học tập. Đến nay, Hội đã có sự phát triển sâu rộng ở thôn, buôn, tổ dân phố, các cơ quan, đơn vị trường học và các tổ chức xã hội. Hiện tại, toàn tỉnh có 2.607 hội với 238.068 hội viên.

PV: Là một nhà giáo ưu tú, đã từng nhiều năm cống hiến cho sự nghiệp giáo dục của Lâm Đồng. Từng giữ cương vị Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo và bây giờ là Chủ tịch HKH của tỉnh. Ông mong muốn điều gì đối với sự phát triển của giáo dục Lâm Đồng trong giai đoạn hiện nay?

NGƯT Nguyễn Xuân Ngọc: Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”, giáo dục Lâm Đồng đã có sự “lột xác” ngoạn mục. Tuy nhiên, để phục vụ hiệu quả hơn nữa cho công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục và đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh, ngành Giáo dục Lâm Đồng cần phải tăng cường đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý theo định kỳ, với phương pháp hiện đại, thực chất trong cách quản lý, giảng dạy. Tạo ra cơ chế, chính sách tự chủ về tuyển dụng, sử dụng đội ngũ cũng như tài chính cho các cơ sở đào tạo. Đầu tư nhiều hơn nữa để xây dựng cơ sở vật chất đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng cao theo yêu cầu của Bộ  Giáo dục và Đào tạo. Sớm hoàn thiện phương pháp giảng dạy hiện đại, cần nhiều hơn thời gian dành cho các khóa học về kỹ năng sống và trải nghiệm thực tế, thực hành cho học sinh, có như vậy công tác giáo dục và đào tạo của tỉnh mới có được sự thay đổi nhanh chóng.

PV: Cảm ơn ông đã có những chia sẻ với Báo Lâm Đồng!