Ông Tính vào lập nghiệp ở xã Lạc Xuân từ năm 1954, là một nông dân hiền từ, chất phác, quanh năm chỉ biết bán mặt cho đất bán lưng cho trời; và điều đáng nói hơn cả là ông bà Tính đã nuôi 7 người con ăn học đến nơi đến chốn.
Năm nay, ông Đoàn Văn Tính, 63 tuổi, hiện sống tại thôn Lạc Viên, xã Lạc Xuân, huyện Đơn Dương tỉnh Lâm Đồng. Ông Tính vào lập nghiệp ở xã Lạc Xuân từ năm 1954, là một nông dân hiền từ, chất phác, quanh năm chỉ biết bán mặt cho đất bán lưng cho trời; và điều đáng nói hơn cả là ông bà Tính đã nuôi 7 người con ăn học đến nơi đến chốn. Trong căn nhà xây cấp 4, tuy chưa bằng những căn nhà xây khang trang kiên cố khác trong thôn nhưng nội thất được bài trí một cách gọn gàng ngăn nắp, ông Đoàn Văn Tính cho biết, gia đình ông có 7 người con (6 trai và 1 gái), với quyết tâm không để cho con mình thất học, ông đã giáo dục động viên con mình phải cố gắng học tập thật tốt để mai sau trở thành những người có ích cho xã hội. Nghe lời cha mẹ chỉ bảo, những người con của ông Tính không những chăm chỉ học tập mà còn giúp đỡ được rất nhiều cho cha mẹ. Ngoài thời gian học tập, các cháu tranh thủ ra đồng cấy lúa, làm cỏ, bón phân và trồng rau để có thêm nguồn thu nhập cho gia đình. Đến nay, trong số 7 người con của gia đình ông bà Đoàn Văn Tính thì đã có 5 người con tốt nghiệp đại học và đã có việc làm ổn định; trong đó, có 3 kỹ sư tốt nghiệp Đại học Bách khoa thành phố HCM hiện nay đang công tác tại Nhà máy Thủy điện Hàm Thuận - Đa Mi; 2 người con trai là giáo viên đang giảng dạy tại Trường THCS xã Lạc Lâm và THCS xã KaĐô, huyện Đơn Dương; còn 2 cháu đang học tại Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng thành phố Hồ Chí Minh. Ngoài ra, gia đình ông Đoàn Văn Tính còn có 2 người con dâu cũng có trình độ đại học và đang là giáo viên giảng dạy ở huyện Đơn Dương.
Nhớ lại thời kỳ bao cấp, ông tâm sự: “Lúc đó hoàn cảnh gia đình tôi rất khó khăn nhưng nghe tin con thi đậu vào Trường Đại học Bách Khoa TP. Hồ Chí Minh, tôi không ngần ngại một việc gì, ai thuê gì làm nấy, thuê đi cuốc đất cũng đi miễn là có tiền cho các cháu ăn học là được, có một điều hạnh phúc lớn nhất của tôi đó là các cháu đều chăm ngoan. Ở thành phố, các cháu vừa đi học lại vừa đi làm thêm để nuôi bản thân mình, đồng thời đỡ đần giúp cho bố mẹ giảm bớt nỗi lo trong những năm tháng theo học đại học”. Ở huyện Đơn Dương có hàng trăm hộ gia đình đã có từ 3 đến 5 người con vào đại học nhưng đối với gia đình ông Đoàn Văn Tính ở thôn Lạc Viên, xã Lạc Xuân, một nông dân quanh năm chỉ biết trồng rau màu mà ông bà Tính đã nuôi 7 người con vào đại học thì quả là một điều ai ai cũng trân trọng và cảm phục.
Ngọc Thanh