Thổ cẩm… hàng rong

02:04, 15/04/2012

Sản phẩm của làng nghề truyền thống ấy đang trở thành những món hàng rong do chính những chủ nhân của nó bán ở khu du lịch Lang Biang và các điểm giao lưu cồng chiêng ở thị trấn Lạc Dương.

Dệt thổ cẩm là một nghề có từ lâu đời của người dân đồng bào Cil (Cờ Ho) ở thôn thôn Bonne C xã Lát (Lạc Dương) dưới chân núi Lang Biang huyền thoại. Vừa qua, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có Quyết định số 2475/QĐ-UBND công nhận thôn Bonne C là làng nghề dệt thổ cẩm truyền thống. Thế nhưng, sản phẩm của làng nghề truyền thống ấy đang trở thành những món hàng rong do chính những chủ nhân của nó bán ở khu du lịch Lang Biang và các điểm giao lưu cồng chiêng ở thị trấn Lạc Dương.

Thổ cẩm bày bán lộn xộn trên đỉnh Lang Biang
Thổ cẩm bày bán lộn xộn trên đỉnh Lang Biang


Chúng tôi theo chân một đoàn khách du lịch đi giao lưu cồng chiêng ở thị trấn Lạc Dương. Khi xe vừa dừng, dưới cái sương lạnh của đêm trên cao nguyên Lang Biang, có nhiều người tay xách, nách mang mời chào, nài nỉ khách với những món hàng thổ cẩm, sản phẩm của làng nghề do chính tay họ làm ra. Họ chủ yếu là chị em phụ nữ và trẻ em, nhiều người không chỉ đi một mình mà còn địu con nhỏ ngủ gật sau lưng và dắt thêm một đứa con lớn hơn đi bán thổ cẩm. Thế nhưng, du khách cũng chẳng mấy người quan tâm đến những người bán rong thổ cẩm này, có người nhìn lướt qua rồi bỏ đi, có người xem rồi không mua, có người mua một cách gượng ép như là bố thí.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, du khách không mấy quan tâm đến những món hàng lưu niệm được làm từ thổ cẩm của người dân địa phương là do nhiều nguyên nhân khác nhau. Anh Nguyễn Đình Công, một du khách đến từ Bình Dương, cho biết: “Đi tham quan du lịch ở đây, tôi cũng muốn mua ít đồ lưu niệm về làm quà, nhưng sợ mua đồ thổ cẩm bán rong như thế chất lượng và giá cả không đảm bảo”. Mặt khác, một nguyên nhân nữa mà du khách không mấy mặn mà với thổ cẩm của làng nghề Bonne C là vì các mặt hàng thổ cẩm của họ thiếu tính phong phú và đa dạng về màu sắc, mẫu mã (các sản phẩm ở đây chủ yếu chỉ xoay quanh các mặt hàng như ba lô, túi xách, dây băng đô (dây buộc đầu), ví đựng tiền…) và cũng chẳng khác gì mấy so với các nơi khác. “Các mặt hàng thổ cẩm này cũng chẳng khác mấy so với hàng thổ cẩm ở nhiều nơi khác. Thổ cẩm ở đây cũng na ná giống với thổ cẩm của đồng bào Chăm ở Ninh Thuận, Bình Thuận. Các mặt hàng này tôi vẫn thường thấy nhiều ở các khu du lịch ở tỉnh Đắc Lắc” - anh Nguyễn Văn Thanh, một du khách đến từ Long An - cho biết. Tuy thu nhập chẳng được bao nhiêu sau những đêm bán rong hàng thổ cẩm, nhưng những chủ nhân của làng nghề Bonne C vẫn kiên trì bám trụ ở những điểm giao lưu cồng chiêng hàng đêm để đưa sản phẩm của mình đến với du khách. Cứ hơn 5 giờ chiều là nhiều phụ nữ và trẻ em thôn Bonne C lại ríu rít dắt nhau qua thị trấn Lạc Dương đến những điểm giao lưu cồng chiêng chờ khách tới để bán sản phẩm thổ cẩm. Những ngày lễ, tết khách đông thì còn bán được một ít còn những ngày vắng khách họ lại về không. Chị Cil Múp Ka Hem mệt mỏi trở về trong đêm sau khi đã đảo qua mấy điểm giao lưu cồng chiêng nhưng chẳng bán được đồng nào buồn rầu nói với chúng tôi: “Đi bán rong thổ cẩm như thế này cực lắm, mình phải đi bộ mấy cây số từ làng mình qua đây để bán, nhưng bán thế này cũng mắc may, bữa được bữa không. Ngày đông khách thì bán được hơn 1 trăm ngàn, nhưng cũng có nhiều ngày về không. Có chỗ (điểm giao lưu cồng chiêng - PV) thì họ cho bán có chỗ thì họ đuổi không cho vào, mình phải bán lén lút ở ngoài đường. Tuy thế, nhưng mình vẫn phải đi bán hàng đêm để kiếm thêm thu nhập cho gia đình”.

Anh Rơ Ông Ha Toanh - Trưởng thôn Bonne C cho biết: “Mình rất buồn vì dệt thổ cẩm là một nghề truyền thống có từ xa xưa của dân tộc mình nay sản phẩm ấy lại không có đầu ra, người dân phải đi bán rong, bán dạo như thế. Thôn Bonne C của mình hiện nay có 52 hộ đồng bào dân tộc Cil, trong đó 48 hộ có người tham gia dệt thổ cẩm. Nhưng dệt thổ cẩm đối với họ chỉ là phụ thôi. Họ chỉ tranh thủ dệt những lúc rảnh rỗi không có việc gì làm thôi, chứ để sống được bằng nghề dệt thổ cẩm thì rất khó”.

DUY DANH