Cuộc cách mạng công nghiệp cuối thế kỷ VIII đầu thế kỷ XIX đưa châu Âu bước sang nền sản xuất đại công nghiệp cơ khí, máy móc kỹ thuật hiện đại và sự ra đời của giai cấp công nhân. Ngay từ khi mới ra đời, giai cấp công nhân đã tiến hành cuộc đấu tranh chống áp bức, bóc lột của giai cấp tư sản.
Cuộc cách mạng công nghiệp cuối thế kỷ VIII đầu thế kỷ XIX đưa châu Âu bước sang nền sản xuất đại công nghiệp cơ khí, máy móc kỹ thuật hiện đại và sự ra đời của giai cấp công nhân. Ngay từ khi mới ra đời, giai cấp công nhân đã tiến hành cuộc đấu tranh chống áp bức, bóc lột của giai cấp tư sản. Chính sự phát triển của phong trào công nhân đặt ra đòi hỏi phải có lý luận tiên tiến để tổ chức, giáo dục, giác ngộ giai cấp công nhân về sứ mệnh lịch sử của mình; vạch ra đường lối và phương pháp cách mạng khoa học. Chủ nghĩa Mác ra đời đã đáp ứng được đòi hỏi đó; lời kêu gọi “Vô sản tất cả các nước, đoàn kết lại” làm phương châm đấu tranh cho phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Tại Đại hội lần thứ nhất của Quốc tế I họp tại Gieneve (Thụy Sỹ) tháng 9/1866, vấn đề đấu tranh cho ngày làm việc 8 giờ được coi là nhiệm vụ quan trọng. Từ đây, phong trào bãi công đòi tăng lương, giảm giờ làm của công nhân châu Âu, Bắc Mỹ bùng lên. Năm 1868, giới cầm quyền Mỹ buộc phải thông qua đạo luật ngày làm 8 giờ nhưng giới chủ vẫn giữ ngày làm việc từ 11 đến 12 giờ.
Ngày 1/5/1886, tại thành phố Chi-ca-gô, hưởng ứng lời kêu gọi của “Liên đoàn lao động Mỹ”, trên 40 nghìn công nhân toàn thành phố tiến hành bãi công, tổ chức mít tinh và biểu tình trên đường phố; chính quyền tư sản rơi vào thế bị động. Nhưng với bản chất ngoan cố, những ông chủ tư bản không trả lời yêu sách của công nhân, mà cho đóng cửa nhà máy và đưa cảnh sát đàn áp dã man người bãi công, làm cho nhiều người chết, bị thương, bị bắt giam. Vụ tàn sát đẫm máu sau ngày 1/5/1886 gây nên chấn động lớn trong giai cấp công nhân thế giới. Ở Mỹ, nhiều cuộc biểu tình lớn nổ ra tại các thành phố lên tiếng ủng hộ yêu sách của công nhân Chi-ca-gô. Công nhân Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Hà Lan…tổ chức nhiều cuộc mít tinh bày tỏ sự đồng tình với công nhân Mỹ. Hơn một năm sau, sáng 1/11/1887, các thủ lĩnh của cuộc đấu tranh bị chính quyền treo cổ. Tuy phong trào bị trấn áp, nhưng chính phủ buộc phải ban hành đạo luật ngày làm 8 giờ. Để ghi nhận và biểu dương những thành quả của phong trào công nhân các nước, ngay trong Đại hội thành lập Quốc tế thứ II ngày 14/7/1889, các đại biểu của giai cấp công nhân đã thông qua Nghị quyết lấy ngày 1/5 làm ngày đoàn kết đấu tranh của những người cộng sản trên toàn thế giới. Từ đó, ngày 1/5 trở thành Ngày Quốc tế Lao động.
Đối với Việt Nam, từ những năm đầu của thế kỷ XX, thông qua các hoạt của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, giai cấp công nhân Việt Nam đã hiểu rõ phong trào cộng sản, phong trào công nhân thế giới và ngày Quốc tế Lao động 1/5. Ngày 1/5/1925, công nhân Chợ Lớn, công nhân đường sắt Dĩ An và công nhân Đà Nẵng biểu tình thể hiện ý chí ủng hộ Liên Xô; cột mốc đánh dấu sự gắn kết phong trào của giai cấp công nhân Việt Nam với phong trào giai cấp công nhân thế giới.
Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập, ngày 1/5/1930, nhiều nơi trong cả nước đã treo cờ Đảng, tổ chức mít tinh, tuần hành thị uy, mở đầu cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân và nông dân dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự hướng dẫn, vận động của Công hội đỏ. Từ đây, ngày Quốc tế Lao động 1/5 được tổ chức công khai; đặc biệt cuộc mít tinh ngày 1/5/1938 tại Hà Nội có gần 3 vạn công nhân lao động tham gia.
Sau Cách mạng Tháng 8 thành công, ngày 19/4/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 56 quyết định công nhân lao động cả nước được nghỉ hưởng lương ngày Quốc tế 1/5. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng và Nhà nước ta luôn coi trọng xây dựng giai cấp công nhân. Điều đó được thể hiện trong các văn kiện của Đảng và trong Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước.
Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhất là qua gần 30 năm đổi mới, cùng với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, giai cấp công nhân Việt Nam tăng nhanh về số lượng, đa dạng về cơ cấu, chất lượng được nâng lên, đã hình thành ngày càng đông bộ phận công nhân trí thức; tiếp tục phát huy vai trò của mình, có những đóng góp to lớn vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trước yêu cầu, nhiệm vụ to lớn và nặng nề trong tình hình mới, đòi hỏi giai cấp công nhân và nhân dân lao động nước ta phải phát triển mạnh mẽ hơn nữa cả về số lượng và chất lượng; không ngừngnâng cao trình độ học vấn, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, có khả năng tiếp cận và làm chủ khoa học - công nghệ tiên tiến, hiện đại; thích ứng nhanh với cơ chế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế; có giác ngộ giai cấp, bản lĩnh chính trị vững vàng, có tác phong công nghiệp và kỷ luật; ngày càng khẳng định vai trò tiên phong và lãnh đạo các lực lượng xã hội, đảm bảo sự thắng lợi của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội;
Kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động 1/5 thực sự có ý nghĩa khi toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta kỷ niệm 40 năm Ngày chiến thắng lịch sử 30/4, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Đây là dịp để chúng ta ôn lại lịch sử ngày Quốc tế lao động 1/5 - ngày hội đoàn kết đấu tranh của giai cấp công nhân thế giới; ôn lại truyền thống cách mạng của giai cấp công nhân và nhân dân lao độngViệt Nam. Phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, giai cấp công nhân Việt Nam tiếp tục sát cánh với giai cấp nông dân, đội ngũ trí thức và lực lượng doanh nhân dưới sự lãnh đạo của Đảng, ra sức phấn đấu xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, không ngừng vươn lên làm tròn sứ mệnh lịch sử của mình, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
BAN BIÊN TẬP