Giáo sư Trần Văn Giàu - Tấm gương mẫu mực, thanh liêm

09:10, 08/10/2015

Cố Giáo sư Trần Văn Giàu, nguyên Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ kiêm Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ giai đoạn 1945, là người lãnh đạo trực tiếp Cách mạng Tháng Tám Nam Bộ. Ông là một trong những đại trí thức miền Nam thời ấy. Cuối đời ông để lại cho hậu thế một kho tàng tư liệu, một tấm gương mẫu mực và càng khâm phục hơn khi Giáo sư hiến tặng 1.000 cây vàng từ việc bán căn nhà để thành lập giải thưởng sử học mang tên ông.

Cố Giáo sư Trần Văn Giàu, nguyên Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ kiêm Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ giai đoạn 1945, là người lãnh đạo trực tiếp Cách mạng Tháng Tám Nam Bộ. Ông là một trong những đại trí thức miền Nam thời ấy. Cuối đời ông để lại cho hậu thế một kho tàng tư liệu, một tấm gương mẫu mực và càng khâm phục hơn khi Giáo sư hiến tặng 1.000 cây vàng từ việc bán căn nhà để thành lập giải thưởng sử học mang tên ông.
 
Vợ chồng Giáo sư Trần văn Giàu cùng các giáo sư Trần Quốc   Vượng, Đinh Xuân Lâm, Hà văn Tấn, Phan Huy Lê (từ trái sang phải)
Vợ chồng Giáo sư Trần Văn Giàu cùng các giáo sư Trần Quốc Vượng, Đinh Xuân Lâm, Hà Văn Tấn, Phan Huy Lê (từ trái sang phải)

Thời sinh viên, tôi thường qua lại nhà Giáo sư tại 70 Phạm Ngọc Thạch, Q3, TP. HCM. Lúc ấy thầy và cô đã về hưu, sống lặng lẽ, suốt ngày đọc và viết. Vợ chồng không có con, nên những thanh niên trẻ, hiếu học và lễ độ đến thăm, thầy cô rất quý. Trong những câu chuyện về Việt Nam và thế giới sử, có lúc Giáo sư giải thích bằng tiếng Pháp (theo đề nghị của chúng tôi). Sau này mỗi lần có dịp về Sài Gòn tôi thường ghé, xem như về thăm thầy cũ, mặc dầu tôi chưa được diễm phúc là học trò chính danh.
 
Ông Sáu, Bác Sáu Giàu (tên thân mật trong gia đình) sinh năm 1911, xuất thân trong một gia đình giàu có ở Long An. Sau khi học xong Lycée Nguyễn Đình Chiểu ở Mỹ Tho, thầy chuyển sang Chasseloup Laubat ở Sài Gòn. Năm 1928 được gia đình cho sang Pháp học tại Đại học Toulouse với lời hứa trước khi lên đường sẽ “mang về hai bằng tiến sĩ”. Tuy nhiên, ông chẳng mang về được tấm bằng tiến sĩ nào như lời hứa trước tiên tổ mà còn bị chính phủ Pháp trục xuất (tham gia biểu tình trước Dinh Tổng thống Pháp đòi hủy án tử hình đối với các thủ lĩnh cuộc khởi nghĩa Yên Bái). Sau đó, ông sang Liên Xô học Trường Đại học Đông Phương đến năm 1933 mới tốt nghiệp. 
 
Trở về Sài Gòn, Trần Văn Giàu tham gia tổ chức lại Xứ ủy Nam Kỳ, đồng thời xuất bản tờ báo Cờ Đỏ, nên bị thực dân Pháp bắt giam nhiều lần. Năm 1943, được cử làm Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ, đến Cách mạng Tháng Tám thành công tại Sài Gòn, Giáo sư được bầu làm Chủ tịch Ủy ban hành chính kháng chiến Nam Bộ. 
 
Sau Cách mạng Tháng Tám, Trần Văn Giàu được điều ra chiến khu Việt Bắc tham gia xây dựng, phát triển hệ giáo dục đại học rồi chuyển sang công tác tại Viện Sử học thuộc Ủy ban Khoa học Xã hội Việt Nam cho đến ngày mất. Trong cuộc đời làm chính trị ra Bắc vào Nam kể cả Lào và Campuchia, có lẽ thầy gắn bó với sự nghiệp giáo dục nhiều nhất. Sau năm 1975, Giáo sư về lại Sài Gòn, tiếp tục nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học xã hội. Những công trình nghiên cứu của ông thể hiện kiến thức uyên thâm trên các lĩnh vực triết học, lịch sử, văn hóa như: Biện chứng pháp, Vũ trụ quan, Duy vật lịch sử, Sự phát triển của tư tưởng Việt Nam thế kỉ 19 đến Cách mạng Tháng Tám, Giá trị truyền thống của dân tộc Việt Nam, Sự khủng hoảng của chế độ nhà Nguyễn trước 1858, Lịch sử chống xâm lăng, Giai cấp công nhân Việt Nam, Lịch sử cận đại Việt Nam, Miền Nam giữ vững thành đồng, Địa chí văn hóa thành phố Hồ Chí Minh...
 
Giáo sư được thưởng nhiều huân chương cao quý, trong đó có giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1, Huy hiệu 80 năm tuổi Đảng  và Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới (2003).
 
Những năm cuối đời vợ chồng Giáo sư sống đạm bạc, bằng lương hưu và tiền nhuận bút thời bao cấp (Thầy về hưu năm 1978). Ông thường nhắc đến hai người con nuôi là bà Đỗ Nguyệt Hương - Phó tiến sĩ Sử học và Tiến sĩ, Thượng tá Đinh Thu Xuân (dân tộc Mường). 
 
Có thể nói, Giáo sư Trần Văn Giàu là linh hồn của Cách mạng Tháng Tám ở Nam Bộ. Mỗi lần chúng tôi có dịp ngồi quanh ông, thế nào cũng được nghe kể về những đêm trắng ở Chợ Đệm Mỹ Tho hay ở Chợ Lớn để chỉ đạo cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Nam Bộ. 
 
Từ việc lớn của quốc gia đến việc nhỏ trong đời thường, Giáo sư là một người mẫu mực, chu đáo và tình cảm. Tôi chưa gặp được bà Đỗ Nguyệt Hương nhưng nghe kể rằng: Ngày 14/5/1983 bà đang công tác tại Vũng Tàu thì nhận được thư của ông, trong thư có đoạn: “Cô, dượng rất muốn đi Vũng Tàu thăm các cháu nhưng không có xăng đổ ôtô, thôi đành nghỉ mát ở 70 đường Duy Tân vậy!”.
 
Năm 1997, Bác Sáu gái bị tai nạn, do vấp té, bị nứt rạn xương hông. Sau đó bà phải nằm một chỗ, sức khỏe yếu dần, không đi lại được, người cháu gái của Giáo sư từ Long An lên phụ giúp việc nhà và chăm sóc bà Sáu. Hàng ngày, cứ đến bữa ăn, ông lại tự tay mang cơm đến bên giường ăn cùng bà. Chuyện kể rằng, lúc sinh thời, bà Sáu là một phụ nữ Nam Bộ điển hình về chung thủy, hiền hậu, đảm đang. Bà từng nói: “Nếu ông trời bắt, thì bắt ông đi trước, vì còn có người trông nom, săn sóc cho ông. Không may cô đi trước, lấy ai nuôi dưỡng ông đây!”. Nghe bà nói vậy, không ai cầm được nước mắt. Năm 2005, Bác Sáu gái trút hơi thở cuối cùng tại Sài Gòn.
 
Năm 2001, GS Trần Văn Giàu quyết định bán căn nhà số 70, đường Phạm Ngọc Thạch. Có được món tiền lớn, song ông chẳng màng đến của cải giàu sang, Ông dành lại số tiền mua một căn nhà trong hẻm cư xá Lữ Gia, quận 11 để ở lúc cuối đời, số còn lại trị giá 1.000 cây vàng, ông lập Giải thưởng khoa học Trần Văn Giàu. Mỗi giải thưởng thời ấy trị giá 100 triệu cho những công trình xuất sắc trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học xã hội và sử học về Nam Bộ. (Đến nay đã trên 10 năm chỉ được 5 giải, do trượt giá nên trị giá giải thưởng hiện nay là 200 triệu đồng, nhưng số người tham gia rất ít vì đề tài rộng và khó. Hiện nay số tiền lãi lên đến 2 tỉ đồng.)
 
Nặng lòng với giáo dục, mỗi lần ở quê Nam Bộ mời về dự khánh thành trường học là Giáo sư đi ngay, còn về dự lễ khánh thành công sở thì thẳng thừng từ chối. Ông bảo xây công sở để làm việc là cần thiết nhưng không nên xây to, còn trường học xây to bao nhiêu cũng tốt, vì đó là nơi đào tạo nhân tài cho quê hương, đất nước. 
 
Ngày Giáo sư mất (16/12/2010), tôi về Sài Gòn rồi xuống Long An tiễn đưa thầy trong dòng người quen, lạ. Thầy không có con, chỉ có cháu chắt mang tang. Tôi nhớ có lần thầy nói: “Có con bằng giấy cũng được rồi”. Con bằng giấy là những đầu sách, công trình nghiên cứu của Giáo sư để lại cho đời...
 
TRẦN ĐẠI