Cộng đồng đồng lòng giữ rừng

08:11, 22/11/2016

Dọc sát con đường vào thác Pongour huyện Đức Trọng, trên vùng đất Chơrông Tampo, từng quần thể thông xanh ngắt, reo ca trước gió ngàn. Đó là thành quả của 18 hộ đồng bào dân tộc K'Ho ngày đêm bảo vệ hơn 66 ha rừng thông do ông K'Long gần 80 tuổi làm trưởng nhóm. 

Dọc sát con đường vào thác Pongour huyện Đức Trọng, trên vùng đất Chơrông Tampo, từng quần thể thông xanh ngắt, reo ca trước gió ngàn. Đó là thành quả của 18 hộ đồng bào dân tộc K’Ho ngày đêm bảo vệ hơn 66 ha rừng thông do ông K’Long gần 80 tuổi làm trưởng nhóm. 
 
Cánh rừng thôn Phú Bình, Phú Hội yên bình. Ảnh: M. Đạo
Cánh rừng thôn Phú Bình, Phú Hội yên bình. Ảnh: M. Đạo

Chưa để xảy ra vụ cháy nào
 
Cách đây hơn 7 năm, UBND huyện Đức Trọng đã quyết định giao hơn 66 ha rừng, loại rừng tự nhiên cho nhóm hộ đồng bào K’Ho thôn Phú An, xã Phú Hội quản lý bảo vệ, khoanh nuôi phục hồi rừng và trồng rừng. Đến năm 2012, cộng đồng ở đây thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) với diện tích 63,64 ha theo nhiệm vụ, chức năng cụ thể được Hạt Kiểm lâm giao. 
 
Hạt phó Hạt Kiểm lâm Đức Trọng Đồng Văn Tuyên nhận xét: Bà con đã thực hiện đúng chức năng nhiệm vụ được giao. Diện tích, hiện trạng chất lượng rừng và đất rừng được giữ ổn định và rừng ngày càng phát triển tốt hơn. Vào mùa hanh khô, bà con đã xây dựng phương án PCCCR và thực hiện các biện pháp như đốt trước vật liệu cháy ở những khu vực dễ xảy ra cháy như gần đường đi, những nơi thực bì dày, bụi rậm; phân công trực PCCCR hàng ngày, giờ cao điểm. “Từ năm 2011 đến nay, chưa để xảy ra vụ cháy rừng nào gây thiệt hại đến tài nguyên rừng. Các hành vi xâm phạm trái phép hoặc gây hại đến rừng và đất rừng; phá rừng làm nương rẫy; lấn chiếm đất rừng; khai thác lâm sản; chích nhựa thông, khai thác khoáng sản, đất đá trái phép; chặt hạ cây, ken cây; đốt than; đẽo ngo; săn bắt động vật rừng; gây cháy rừng… đều được ngăn chặn”, ông Tuyên khẳng định. Mặt khác, ý thức bảo vệ rừng (BVR) của người dân có nương rẫy xung quanh khu vực rừng giao khoán ngày càng được nâng cao. Mỗi năm số tiền chi trả DVMTR gần 30 triệu đồng, họ sử dụng để xây dựng chòi trực, mua các dụng cụ hỗ trợ công tác BVR, làm đường…
 
Ngày và đêm đều có người trực
 
Anh Phan Huy Hải, cán bộ địa chính xã Phú Hội là người dẫn tôi đến nhà ông K’Long. Tuy đã cao tuổi, nhưng ông K’Long còn rất minh mẫn, quán xuyến hết mọi việc BVR cũng như xây dựng nông thôn mới trong thôn. Sinh ra và lớn lên tại thôn Phú An (trước đây), thôn Phú Bình (hiện nay), ông K’Long cho biết, những năm 1978 - 1979, khi chưa có chủ trương giao khoán BVR, ông đã làm đơn xin chính quyền địa phương được trông coi quản lý, bảo vệ khu rừng thông này rồi. Rất đơn giản bởi theo ông, “Mình sống với rừng và yêu rừng từ nhỏ. Mình biết được không có rừng thì không còn nước và như vậy thì cây trồng của bà con làng mình cũng không sống được. Và rừng còn là nơi để trâu, bò có chỗ sinh sống hàng đêm cũng như 3 tháng ngày mùa”.  
 
Theo cách nghĩ như vậy, ông K’Long giao cho tất cả con cháu, bà con trong thôn cương quyết giữ cho được rừng bằng nhiều cách cụ thể. 
 
Trước hết, ông huy động bà con bỏ ra 40 triệu đồng xây cái nhà canh rừng và canh trâu, bò của thôn thả trong rừng. 18 hộ, hộ nào có con trai lớn đều được huy động và ông chia ra 3 tổ, chốt từng khu vực cụ thể, cả ngày lẫn đêm. 
 
Động chỗ nào là có người chỗ đó. Mỗi người luôn có ý thức tự giác, còn ông luôn giữ vai trò chỉ huy. “Tiền BVR phải công bằng thì họ mới làm, rừng mới còn. Cứ có một đồng là phải có trách nhiệm giữ rừng hết”, ông nói. Theo danh sách ông K’Long lập, kế toán của Hạt Kiểm lâm trực tiếp kiểm tra chứng minh nhân dân và phát tiền cho từng người rõ ràng, minh bạch. Mặt khác, ông phát huy sức mạnh của cả cộng đồng trong và ngoài thôn xung quanh rừng. Hễ có động sự gì trong rừng là bà con gọi điện cho ông và ông triển khai lực lượng tại chỗ một cách nhanh chóng, kịp thời và chính xác. Ông nói, cũng có những hộ ở ngoài thôn xúi ông phá rừng đi để trồng cà phê, nhưng “nhất quyết già này không chịu, cứ rừng ngày một phát triển thêm là ưng cái bụng rồi”. 
 
Hỏi tuổi của rừng thông, ông K’Long giải thích: Năm nào cũng trồng, không có năm, không có tuổi gì hết, cứ thấy cây con mọc là đào lên trồng. Vừa rồi thôn của ông tự bỏ tiền trồng thêm được 2 sào cây muồng đen. Số diện tích trống còn lại, ông đang dự tính xin cây giống từ Hạt Kiểm lâm huyện để tiếp tục phủ xanh dần. “Uy tín, gương mẫu, biết cách tập hợp khối đoàn kết và lòng kiên trì của ông K’Long không chỉ rừng không bị xâm hại mà còn diện tích ngày một phát triển rộng ra. “Mặc dù xung quanh có rẫy cà phê, hoa màu và cả khu tái định cư của người Kinh nhưng tuyệt nhiên rừng giáp ranh vẫn không ai dám lấn vào” - anh Phan Huy Hải nhận xét. Ông K’Long cũng đề nghị anh Hải cung cấp cho ông cái quyết định phân cho ai và bản đồ ranh giới cụ thể “để chúng tôi biết mà quản lý”.  
 
Rời ngôi nhà xây khang trang của ông K’Long, tôi vẫn ấn tượng trên bức tường nhà ông bà treo trang trọng 2 tấm Bằng khen của UBND tỉnh tặng. Một là của cộng đồng đồng bào dân tộc thiểu số Khu C, thôn Phú Bình, xã Phú Hội “có thành tích xuất sắc trong thực hiện chính sách chi trả môi trường rừng giai đoạn 2011-2015” và một nữa là tặng ông K’Long về thành tích quản lý BVR năm 2014. 
 
Họ xứng đáng được UBND tỉnh Lâm Đồng khen về thành tích qua chương trình DVMTR.   
 
MINH ÐẠO