An toàn phòng cháy chữa cháy rừng cửa ngõ Đà Lạt

09:03, 03/03/2017

Lâm phần cửa ngõ lên thành phố Đà Lạt là những mảng rừng nên thơ, nhất là thông xanh ngăn ngắt sát hai bên quốc lộ. Để giữ được như vậy là công lao rất lớn của những người phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR), trong đó đặc biệt là những người dân của xã Hiệp An, huyện Đức Trọng - đơn vị tổ chuyên trách duy nhất trên toàn tỉnh được trao tặng Bằng khen năm 2016. 

Lâm phần cửa ngõ lên thành phố Đà Lạt là những mảng rừng nên thơ, nhất là thông xanh ngăn ngắt sát hai bên quốc lộ. Để giữ được như vậy là công lao rất lớn của những người phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR), trong đó đặc biệt là những người dân của xã Hiệp An, huyện Đức Trọng - đơn vị tổ chuyên trách duy nhất trên toàn tỉnh được trao tặng Bằng khen năm 2016. 
 
Nhóm cộng đồng phối hợp tuần tra PCCCR địa bàn Hiệp An. Ảnh: Đạo Phan
Nhóm cộng đồng phối hợp tuần tra PCCCR địa bàn Hiệp An. Ảnh: Đạo Phan
Tôi có dịp tiếp xúc với Tổ chuyên trách PCCCR Hiệp An mấy lần, lần nào họ cũng trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu với “giặc lửa”. Một lần là cùng Chi cục phó Chi cục Kiểm lâm tỉnh Võ Danh Tuyên và lãnh đạo Hạt Kiểm lâm huyện Đức Trọng đi kiểm tra, lần khác một mình tôi đi cùng với các anh trong tổ… Phụ trách Tổ chuyên trách, anh Ha Duy (người K’Ho) chia sẻ với tôi: “Rừng là tài nguyên vô cùng quý giá đối với đời sống của con người, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số chúng tôi sống gần rừng. Rừng bảo vệ nguồn nước và cung cấp gỗ để làm nhà, củi để đun nấu, cây thuốc để chữa bệnh... Việc để cháy rừng sẽ làm thiệt hại rất lớn đến tài nguyên rừng và ảnh hưởng nặng nề tới đời sống nói chung, trong đó trực tiếp là đồng bào chúng tôi”. Với những nhận thức như vậy, mùa khô năm 2015 - 2016, 8 người là đồng bào dân tộc K’Ho có hộ khẩu thường trú tại xã Hiệp An, huyện Đức Trọng đã mạnh dạn ký hợp đồng PCCCR với Hạt Kiểm lâm huyện Đức Trọng với thời gian hợp đồng 4 tháng. Từ 8 hợp đồng, các thành viên đã thành lập thành tổ chuyên trách PCCCR dưới sự điều hành chung của cán bộ kiểm lâm địa bàn. 
 
Trong thời điểm đầu mùa khô, dưới sự chỉ đạo, điều hành của cán bộ kiểm lâm địa bàn, Tổ chuyên trách PCCCR Hiệp An tiến hành phối hợp với các đơn vị chủ rừng đi đốt trước thực bì dưới tán rừng ở những khu rừng có nhiều thực bì, dễ xảy ra cháy. Vào những ngày thời tiết diễn biến khô hanh cao, các thành viên tổ vừa kết hợp việc canh cháy rừng, vừa đi tuyên truyền cho các hộ dân canh tác nương rẫy gần rừng khi dùng lửa để dọn rẫy phải đúng quy định. Các anh hướng dẫn bà con tận tình và rất kỹ lưỡng về kỹ thuật như phải làm đường ranh để lửa không cháy lan lên rừng; đốt vào lúc trước 9 giờ hoặc sau 16 giờ; khi đốt phải có người canh. Đồng thời, tuyệt đối không đốt rừng để chăn thả gia súc và các em nhỏ khi chăn thả trâu bò không được đốt rừng vì dễ gây ra cháy rừng... Thời gian khô hanh cao điểm, 100% thành viên trong tổ cắt cử thay phiên nhau trực 24/24 giờ tại trạm Quản lý Bảo vệ rừng Hiệp An của Ban Quản lý rừng phòng hộ Đại Ninh để khi phát hiện hoặc nhận được tin báo thì tổ chức lực lượng tiếp cận hiện trường triển khai dập tắt đám cháy kịp thời. Trạm trưởng Trạm QLBVR Hiệp An Phạm Mạnh Thùy nhận xét: Tổ chuyên trách PCCCR luôn luôn có người tham gia quản lý, bảo vệ rừng hàng ngày, đặc biệt là anh Ha Duy hầu như ngày nào cũng phối hợp với chúng tôi có mặt ở trong rừng. Mùa cao điểm, cán bộ của Ban quản lý và tổ được huy động rất đông người để túc trực ở trạm và luôn sẵn sàng xử lý các tình huống xấu có thể xảy ra đối với rừng. 
 
Việc phối hợp và tổ chức lực lượng để dập cháy của Tổ PCCCR Hiệp An được anh Ha Duy chia sẻ: Mỗi khi phát hiện đám cháy hoặc có tin báo về cháy rừng, trước hết chúng tôi báo cáo trực tiếp đến cán bộ kiểm lâm địa bàn để nắm tình hình và giữ thông tin liên lạc với các ban PCCCR cấp xã và cấp huyện, các đơn vị chủ rừng; sau đó xác định vị trí cháy, chuẩn bị nước uống, tư trang, công cụ dập cháy, phương tiện di chuyển và đi đến hiện trường đám cháy để dập cháy. Khi dập cháy, chúng tôi áp dụng các phương án dập cháy đã được cơ quan chức năng tập huấn và khi dập cháy phải đảm bảo an toàn cho người, dập tắt đám cháy nhanh nhất để giảm thiểu thiệt hại cho tài nguyên rừng.
 
Với những nỗ lực trong việc thực hiện hợp đồng của Tổ PCCCR Hiệp An đã góp phần rất lớn trong mùa khô năm 2015 - 2016 trên địa bàn xã Hiệp An không xảy ra vụ cháy lớn nào gây thiệt hại đến tài nguyên rừng. Vì đặc điểm gần quốc lộ và nương rẫy sản xuất, có những sơ suất của ai đó đã làm những vụ cháy nhỏ, nhưng tổ phối hợp với đơn vị chủ rừng và các tổ nhận khoán bảo vệ rừng khác kịp thời dập tắt nên không gây hại đến tài nguyên rừng.                        
 
ĐẠO PHAN