Nhân Ðại hội đại biểu Phật giáo tỉnh Lâm Ðồng lần thứ IX, để giúp bạn đọc, đông đảo bà con phật tử hiểu rõ thêm về hoạt động công tác phật sự trong 5 năm 2012 - 2017, định hướng hoạt động phật sự trong thời gian tới, phóng viên Báo Lâm Ðồng có cuộc phỏng vấn Hòa thượng Thích Toàn Ðức - Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Lâm Ðồng xung quanh nội dung này.
Nhân Ðại hội đại biểu Phật giáo tỉnh Lâm Ðồng lần thứ IX, để giúp bạn đọc, đông đảo bà con phật tử hiểu rõ thêm về hoạt động công tác phật sự trong 5 năm 2012 - 2017, định hướng hoạt động phật sự trong thời gian tới, phóng viên Báo Lâm Ðồng có cuộc phỏng vấn Hòa thượng Thích Toàn Ðức - Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo (GHPG) Việt Nam tỉnh Lâm Ðồng xung quanh nội dung này.
PV: Thưa Hòa thượng, hoạt động phật sự tỉnh Lâm Đồng luôn gắn bó với đạo pháp - dân tộc và chủ nghĩa xã hội; đặc biệt luôn đề cao giá trị đạo đức, văn hóa con người, vậy Hòa thượng có thể cho biết ý nghĩa và những kết quả đạt được?
|
Hòa thượng Thích Toàn Đức - Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Lâm Đồng |
Hòa thượng Thích Toàn Đức: Đồng hành cùng với sự phát triển của đất nước, Phật giáo đã góp phần tạo nên truyền thống văn hóa thực sự giàu bản sắc. Ngày nay, đạo đức Phật giáo đã có vị trí vững chắc trong nền văn hóa dân tộc. Với triết lý từ bi, hỷ xả, khuyến khích con người hướng thiện, đạo đức Phật giáo đã dễ dàng đi vào lòng người, có tác dụng hoàn thiện nhân cách đạo đức, hướng con người đến lối sống vị tha, bình đẳng, bác ái. Thực tế đã chứng minh, đạo đức Phật giáo phù hợp với đạo đức lẽ sống của con người Việt Nam và đã có những đóng góp tích cực trong việc xây dựng một nền tảng đạo đức mới cho xã hội trên cơ sở kế thừa các giá trị đạo đức truyền thống đã được đặt ra.
Đạo đức Phật giáo khuyên con người luôn nhớ đến “đạo hiếu”, lấy chữ hiếu làm đầu: “hạnh hiếu là hạnh Phật, tâm hiếu là tâm Phật”, “muôn việc ở thế gian không gì hơn công ơn nuôi dưỡng của cha mẹ”. Thêm vào đó, những không gian chùa chiền của Phật giáo luôn thu hút con người tìm về chốn tĩnh tâm, nơi chiêm nghiệm và cảm nhận... Tất cả những điều đó là những giá trị đạo đức tích cực, thiết thực góp phần giáo hóa con người, giúp cho thế hệ trẻ vững bước trước cám dỗ của cuộc đời, khích lệ họ quan tâm đến số phận của cộng đồng, sống lương thiện, coi trọng tính nhân văn, coi trọng thiên nhiên...
Hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 310.000 phật tử, trong đó phật tử là người dân tộc thiểu số khoảng 7.000 người, có 1.979 tăng ni, trong đó có 11 Hòa thượng, 15 Thượng tọa, 392 Đại đức, 11 Ni trưởng, 31 Ni sư, 479 sư cô, 97 Thức xoa Mana, 409 Sa di, 534 Sa ni di. Toàn tỉnh có 424 cơ sở thờ tự; 1 cơ sở đào tạo, bồi dưỡng chức sắc, nhà tu hành.
Trong nhiệm kỳ qua, tổ chức Phật giáo cấp tỉnh, cấp huyện tiếp tục được củng cố, kiện toàn; các sinh hoạt, hoạt động tôn giáo được thực hiện đúng quy định pháp luật. Tăng, ni, phật tử phát huy tốt tinh thần đoàn kết; tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do Mặt trận phát động, nhất là Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, giữ gìn an ninh trật tự, đảm bảo an toàn giao thông, tích cực tham gia các hoạt động và phong trào bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, duy trì tốt các hoạt động phối hợp giữa MTTQ và các tổ chức thành viên, các tôn giáo bạn nhằm tạo sự đoàn kết, gắn bó, hướng đến mục tiêu ổn định, phát triển mọi mặt.
Thời gian qua, được sự quan tâm, tạo điều kiện của lãnh đạo tỉnh, các sở, ban, ngành, chính quyền các cấp nên nhiều cơ sở Tự viện, Tịnh xá, Tịnh thất được trùng tu, sửa chữa, xây dựng khang trang; các ngày lễ lớn như lễ Phật đản, nhiều lễ đài trang nghiêm được thiết lập, việc diễu hành xe hoa, nhiều hoạt động văn hóa Phật giáo diễn ra sôi nổi đã tạo niềm hoan hỉ trong giới tăng, ni, phật tử và nhân dân, tạo điều kiện để mọi hoạt động phật sự, mọi hoạt động phát triển kinh tế - xã hội địa phương ngày càng ổn định, phát triển. Mọi hoạt động củng cố, kiện toàn tổ chức Giáo hội đã được Ban Thường trực Ban Trị sự GHPG tỉnh quan tâm, chú trọng, nhiều nội quy, hiến chương, quy chế được ban hành và đi vào hoạt động nề nếp, góp phần vào các hoạt động phụng đạo yêu nước.
PV: Hoạt động từ thiện xã hội của Ban Trị sự GHPG tỉnh đã có nhiều đóng góp tích cực và luôn nhận được sự đồng tình của đông đảo giới tăng, ni, bà con phật tử và nhân dân, vậy những kết quả nổi bật trong hoạt động này của GHPG Lâm Đồng thời gian qua là gì, thưa Hòa thượng?
Hòa thượng Thích Toàn Đức: Công tác từ thiện xã hội là những hoạt động phật sự đạo đức mang tính tích cực và trong sáng, thể hiện tinh thần từ bi cứu khổ của đạo Phật với tinh thần vô ngã vị tha, cứu giúp người hoạn nạn là phương châm hành động của tăng, ni và đồng bào phật tử. Vì thế, các hoạt động từ thiện nhân đạo trong cộng đồng tăng, ni, phật tử đã trở thành phong trào mang tính xã hội rộng lớn, bà con phật tử luôn thể hiện tấm lòng đoàn kết nhân ái đối với mọi hoàn cảnh khó khăn trong xã hội.
5 năm qua, các tăng ni, phật tử đã tích cực tham gia ủng hộ Quỹ Đền ơn đáp nghĩa, Quỹ Vì người nghèo, Quỹ Bảo trợ trẻ em mồ côi, tàn tật, Quỹ Khuyến học, giúp đỡ hỗ trợ cho Hội Người mù, Quỹ Bảo trợ người cao tuổi, bảo trợ bệnh nhân nghèo, ủng hộ xây dựng cầu đường, nhà tình nghĩa, hỗ trợ đào giếng nước sinh hoạt cho người dân khó khăn, tặng xe đạp, xe lăn, hỗ trợ lương thực, thuốc men cho các hộ đồng bào DTTS còn khó khăn ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS trong tỉnh. Ngoài ra, Ban từ thiện của GHPG Lâm Đồng còn tích cực tham gia hỗ trợ các hoạt động như “Chương trình tiếp sức mùa thi” cho hàng vạn lượt thí sinh... Phối hợp với phật tử duy trì hoạt động bếp ăn từ thiện tại một số bệnh viện nhằm giúp đỡ bệnh nhân nghèo. Các hoạt động thăm hỏi, động viên, tặng quà cho người già neo đơn, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, tặng quà cho người nghèo dịp tết nguyên đán, dịp lễ Vu lan báo hiếu, hỗ trợ giúp kinh phí cho bệnh nhân nghèo chạy thận, hỗ trợ miễn phí trong dịch vụ chuyển viện lên tuyến trên đi thành phố Hồ Chí Minh cho nhiều bệnh nhân nghèo, khó khăn. Thực hiện kêu gọi gây quỹ cứu trợ cho đồng bào không may bị thiên tai, lũ lụt tại miền Trung… Tổng kinh phí làm công tác từ thiện xã hội 5 năm qua ước khoảng trên 100 tỷ đồng.
Đặc biệt, hoạt động khám chữa bệnh từ thiện cũng được Ban từ thiện quan tâm chú trọng, thời gian qua đã thành lập được 4 phòng khám chữa bệnh, châm cứu, bốc thuốc cho bệnh nhân như ở chùa Linh Phong (Phường 10), chùa Linh Quang (Phường 6), chùa Vương Xá (Phường 5) tại Đà Lạt và chùa Khánh Hỷ, huyện Đạ Huoai… Các địa chỉ này hiện đang hoạt động hiệu quả, khám chữa bệnh, phát thuốc cho hàng ngàn lượt bệnh nhân mỗi năm với tổng kinh phí hỗ trợ gần 1 tỷ đồng. Nổi bật hơn cả là hoạt động của phòng khám Tuệ Tĩnh Đường, tuy mới đi vào hoạt động từ tháng 5 năm 2016 nhưng đã phát huy hiệu quả tích cực, thực hiện khám chữa bệnh, châm cứu, siêu âm, trị liệu các bệnh về xương khớp, thần kinh… cho hàng chục ngàn bệnh nhân, được nhân dân, phật tử tín nhiệm, tin yêu.
PV: Thưa Hòa thượng, để tiếp tục phát huy tốt vai trò của Phật giáo tỉnh Lâm Đồng, Ban Trị sự GHPG tỉnh đã rút ra những bài học kinh nghiệm quý báu nào?
Hòa thượng Thích Toàn Đức: Kết quả công tác phật sự đạt được 5 năm qua là to lớn và quan trọng, góp phần tích cực vào việc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong tỉnh. Tuy nhiên, bên cạnh đó trong quá trình quản lý, điều hành công tác, Ban Trị sự vẫn còn những hạn chế, khó khăn nhất định như công tác hành chính đạo của Ban Trị sự chưa khoa học, chưa có sự phân công, phân nhiệm rõ ràng dẫn đến nhiều phật sự thiếu thống nhất, thiếu kịp thời, đôi khi còn chồng chéo dẫn đến hiệu quả hoạt động chưa cao. Nhiều hoạt động chưa được quan tâm đúng mức như hoạt động Hoằng pháp, giáo dục tăng ni, công tác thống kê, quản lý tăng ni, cơ sở thờ tự, chỉ đạo hoạt động gia đình phật tử… Đôi lúc, đôi nơi còn để xảy ra tình trạng mâu thuẫn nội bộ và chưa có biện pháp giải quyết dứt điểm, ảnh hưởng phần nào đến uy tín Giáo hội.
Nguyên nhân chính của những hạn chế nêu trên phần lớn do nhân sự chủ chốt Ban trị sự có sự thay đổi, các thành viên Thường trực Ban trị sự mỗi người ở một nơi nên việc điều hành chưa hiệu quả, tính đoàn kết, thống nhất chưa cao, một số thành viên chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm của mình trong hoạt động chung của Giáo hội.
Trong thời gian tới, với phương châm “Đoàn kết - ổn định - phát triển”, Ban Trị sự GHPG tỉnh Lâm Đồng nhiệm kỳ tới cần tiếp tục phát huy tốt hơn nữa vai trò, trách nhiệm, phát huy năng lực, trí tuệ tập thể để lãnh đạo giới tăng, ni, phật tử thực hiện đúng Hiến chương, nội quy, quy chế của Ban Trị sự. Kịp thời chỉ đạo Ban Trị sự GHPG các huyện, thành phố xây dựng và ban hành thực hiện có hiệu quả quy chế hoạt động của Ban Trị sự GHPG cấp huyện nhiệm kỳ 2016 - 2021. Nâng cao tính kỷ luật, kỷ cương trong chỉ đạo, điều hành hoạt động Ban Trị sự, hướng đến xây dựng hoạt động phật sự trong tỉnh ngày càng ổn định, phát triển.
PV: Xin chân thành cảm ơn Hòa thượng!
NGUYỆT THU (thực hiện)