(LĐ online) - Ngày 20/11/1931, Tòa án của người Pháp ở Nam Kỳ đã tuyên án tử hình Lý Tự Trọng. Báo L'Echo annamite (Tiếng vọng An Nam) số ra ngày 23/4/1931 cho biết ở tòa án, Lý Tự Trọng đã tuyên bố là mình làm xong bổn phận, chấp nhận sự trừng phạt và không hối hận gì. Bài báo cũng cho biết sự can đảm phi thường của một thanh niên trẻ 17 thật đáng khâm phục.
(LĐ online) - Ngày 20/11/1931, Tòa án của người Pháp ở Nam Kỳ đã tuyên án tử hình Lý Tự Trọng. Báo L’Echo annamite (Tiếng vọng An Nam) số ra ngày 23/4/1931 cho biết ở tòa án, Lý Tự Trọng đã tuyên bố là mình làm xong bổn phận, chấp nhận sự trừng phạt và không hối hận gì. Bài báo cũng cho biết sự can đảm phi thường của một thanh niên trẻ 17 thật đáng khâm phục.
1. Lý Tự Trọng tên thật là Lê Hữu Trọng sinh ngày 20/10/1914 tại Thái Lan nhưng quê gốc ở Hà Tĩnh. Năm 1926, Lý Tự Trọng đã được gửi sang Trung Quốc học tập và hoạt động trong Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc thành lập. Ðến Quảng Châu, Lê Hữu Trọng được gặp đồng chí Nguyễn Ái Quốc và được Người tổ chức vào nhóm Thiếu niên tiền phong Việt Nam. Từ đấy, Lê Hữu Trọng được đổi tên thành Lý Tự Trọng. Năm Năm 1929, Lý Tự Trọng về nước hoạt động với nhiệm vụ thành lập thanh niên cứu quốc (nay là đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh) và làm liên lạc cho xứ uỷ Nam Kỳ.
Ngày 8/2/1931, tại Sài Gòn đã diễn ra buổi mít tinh kỷ niệm một năm cuộc khởi nghĩa Yên Bái. Trước cửa sân đá banh của Ủy ban Liên hội thể thao Annam (Commission Interclub Annamite, CIA) trên đường Lareynière (Trương Định ngày nay). Tại buổi mít tinh này, ông Phan Bôi (tức Hoàng Hữu Nam, sau này là Thứ trưởng Bộ Nội vụ của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa) khi ấy là người phụ trách công tác tuyên truyền của Xứ ủy Nam Kỳ được phân công làm trưởng ban, Lý Tự Trọng được phân công bảo vệ Phan Bôi. Người được Xứ ủy phân công phụ trách diễn thuyết đã không tới được địa điểm do bị bắt trước đó. Ông Phan Bôi đã lên thay thế phát biểu. Để tránh sự đàn áp, cuộc mít tinh diễn ra rất nhanh chóng. Tuy nhiên, khi cuộc mít tinh vừa kết thúc thì cảnh sát Pháp ập tới và tên Cò Legrand nhảy vào bắt ông Phan Bôi. Để bảo vệ đồng chí của mình, Lý Tự Trọng dùng súng lục bắn liền hai phát, tên Cò Legrand gục xuống. Sau đó, Phan Bôi, Lý Tự Trọng và nhiều người khác bị thực dân Pháp bắt giam ở khám Catinat, rồi đưa vào Khám Lớn (Sài Gòn), riêng Lý Tự Trọng bị kết án tử hình.
2. Trong thời gian dài từ khi bị bắt cho đến phút chót, Lý Tự Trọng đã một mực không khai báo và tự chịu trách nhiệm về việc làm của mình. Báo L’Echo annamite số ra ngày 20/3/1931 cho biết mặc dù bị tra hỏi, chiêu dụ và đe dọa với nhiều kế hoạch tinh vi bởi viên điều tra là ông Gorse nhưng Lý Tự Trọng vẫn quyết không khai báo. Cũng trên bài viết của Báo L’Echo annamite số ra ngày 10/2/1931 cho biết người ta đã dụ dỗ Lý Tự Trọng: “Anh đang đùa với cái đầu của mình lúc này. Nếu anh khai báo thì công lý sẽ giúp anh, công lý có thể khoan hồng cho anh. Trái lại, nếu anh tiếp tục giữ im lặng, công lý sẽ không thương hại anh”. Trước những lời dụ dỗ này, Lý Tự Trọng đã khẳng khái trả lời: “Tôi thà chết chứ không phản bộ bạn bè và bí mật của đảng chúng tôi”. Tờ báo này vẫn không quên viết thêm vào phía sau đoạn trả lời của Lý Tự Trọng một câu: “Người cộng sản kiên cường trả lời”. Trước đó, khi không thể dụ dỗ và khuất phục được Lý Tự Trọng khai báo, cơ quan điều tra của thực dân Pháp đã phao tin đồn để hạ nhục và làm mất uy tín của Lý Tự Trọng, rằng Lý Tự Trọng phạm tội vì nhận một khoản tiền vài chục đồng của một người cộng sản đưa cho anh. Tất cả sự vu khống này sau đó đã được vạch trần trước tòa án: “Tin đồn rằng anh đã phạm tội để có một khoản tiền vài chục đồng mà một người cộng sản đã đưa cho anh ta…Cuộc điều tra trước nhất, sau đó là bản tường trình và cuối cùng là điều trần trước công chúng chứng tỏ cho thấy lời đồn trên hoàn toàn sai trái” và khẳng định không còn nghi ngờ gì nữa rằng Lý Tự Trọng giết viên mật thám vì niềm tin và sự cuồng nhiệt với lý tưởng của anh.
Luật sư bào chữa cho anh xin tòa mở lượng khoan hồng vì anh chưa đến tuổi thành niên. Luật sư của Lý Tự Trọng cũng viện dẫn nhiều vấn đề về nhân thân, khai sinh của Lý Tự Trọng để tìm mọi cách cho anh không bị chém đầu và cho rằng đã có hành động không suy nghĩ. Lý Tự Trọng đã trả lời “Tôi đã làm xong bổn phận của tôi” và khẳng định anh không hề ân hận vì việc làm của mình và tuyên bố: “Tôi hành động không phải là không suy nghĩ. Tôi hiểu việc tôi làm. Tôi làm vì mục đích cách mạng. Tôi chưa đến tuổi thành niên thật, nhưng tôi đủ trí khôn để hiểu rằng con đường của thanh niên chỉ có thể là con đường cách mạng và không thể là con đường nào khác. Tôi tin tưởng rằng nếu các ông suy nghĩ kỹ thì các ông cũng thấy cần phải giải phóng dân tộc, giải phóng những người cần lao như tôi”.
3. Cuốn sách "Những người cộng sản trẻ tuổi" của các tác giả Đức Vượng – Nguyễn Đình Nhơn, NXB Thanh Niên, 2004 cho biết trong thời gian Lý Tự Trọng bị giam giữ chờ ngày ra pháp trường, Bộ trưởng Bộ Thuộc địa của Chính phủ Pháp sang Ðông Dương điều tra tình hình. Ðến Sài Gòn đã vào ngay Khám Lớn gặp Lý Tự Trọng: : Anh Trọng này, chúng tôi thấy anh là người có tài, học giỏi, thông minh tuấn tú. Những người như anh, Chính phủ Pháp bao giờ cũng tìm cách nâng đỡ, chỉ cần anh thực thà hối lỗi. Chính phủ Pháp sẵn sàng tha thứ, cho anh hưởng mọi quyền lợi. Anh có thể sang Pháp học tập để về giúp nước”. Lý Tự Trọng đã trả lời Bộ trưởng Bộ thuộc địa Pháp: “Tôi sinh ra là để đấu tranh cho Tổ quốc tôi được độc lập, chứ đâu có phải để hưởng những ân huệ ấy của các ông”. Trước khi lên máy chém, Lý Tự Trọng đã hô lớn: “- Ðả đảo đế quốc Pháp! - Ðảng Cộng sản Ðông Dương muôn năm! - Cách mạng Việt Nam thành công muôn năm!”.
Khí phách anh hùng, sự hy sinh lẫm liệt của người anh hùng trẻ tuổi Lý Tự Trọng đã làm thức tỉnh, khơi dậy tinh thần yêu nước của biết bao lớp thanh niên Việt Nam và sẽ còn sống mãi.
VŨ TRUNG KIÊN