Sau hơn năm năm thực hiện Đề án "Tăng cường hợp tác quốc tế hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số" (gọi tắt là Đề án 2214) theo Quyết định số 2214/QĐ-TTg ngày 14/11/2013...
Sau hơn năm năm thực hiện Đề án “Tăng cường hợp tác quốc tế hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số” (gọi tắt là Đề án 2214) theo Quyết định số 2214/QĐ-TTg ngày 14/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh, từ nguồn tiền đầu tư này mà nhiều vùng dân tộc thiểu số (DTTS) đã có những chuyển biến tích cực, đời sống vật chất, tinh thần của người dân có nhiều thay đổi.
|
Sự đổi thay ở vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào DTTS thời gian qua có sự hỗ trợ rất lớn từ các dự án phi chính phủ nước ngoài. Ảnh: N.Nghĩa |
Hàng triệu USD từ các dự án phi chính phủ nước ngoài
Tỉnh Lâm Đồng không triển khai thực hiện riêng Đề án 2214, mà triển khai thực hiện chung với Quyết định số 40/2013-TTg ngày 10/7/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Chương trình quốc gia xúc tiến vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài. Để thực hiện tốt Đề án và Chương trình này, UBND tỉnh đã thành lập và kiện toàn Ban Công tác phi chính phủ nước ngoài tỉnh Lâm Đồng, gồm 1 Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban và đại diện lãnh đạo một số sở, ngành liên quan làm thành viên; đồng thời ban hành quy định về quản lý, sử dụng nguồn viện trợ và quản lý hoạt động của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài trên địa bàn tỉnh.
Theo UBND tỉnh, giai đoạn 5 năm qua, danh mục dự án viện trợ phi chính phủ nước ngoài tỉnh đề xuất viện trợ gồm 56 dự án trên nhiều lĩnh vực, tập trung chủ yếu vào những lĩnh vực ở vùng nông nghiệp nông thôn với đối tượng hưởng thụ là bà con DTTS. Cụ thể, giai đoạn từ 2014 - 2017, tỉnh lên danh sách kêu gọi viện trợ 29 dự án, trong đó lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn 9 dự án; lĩnh vực giáo dục 10 dự án; lĩnh vực y tế 3 dự án; lĩnh vực tăng cường năng lực và phát triển nguồn nhân lực 2 dự án; lĩnh vực bảo vệ môi trường, quản lý tài nguyên, phòng chống thiên tai - dịch bệnh 2 dự án; lĩnh vực văn hóa xã hội 3 dự án. Đến năm 2018, tỉnh tiếp tục lên danh mục kêu gọi viện trợ 30 dự án, trong đó tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn 9 dự án, còn lại là lĩnh vực giáo dục, y tế và đào tạo bồi dưỡng cán bộ DTTS...
Kết quả là tỉnh đã vận động và tiếp nhận vượt số lượng dự án, chương trình. Theo thống kê của UBND tỉnh, năm 2014, tỉnh đã tiếp nhận được 53 chương trình, dự án, phi dự án của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài và các đối tác nước ngoài khác, trong đó có 27 chương trình, dự án và 26 viện trợ phi dự án với tổng giá trị giải ngân khoảng hơn 2 triệu đô la Mỹ, đạt 94% so với tổng giá trị nguồn viện trợ do các đơn vị cam kết năm 2014.
Năm 2015, tỉnh tiếp nhận 48 chương trình, dự án, viện trợ phi chính phủ, trong đó có 17 dự án và 31 viện trợ, tổng kinh phí dự án là hơn 1,7 triệu đô la Mỹ. Năm 2016, tiếp nhận 59 chương trình, dự án, viện trợ phi dự án, trong đó có 24 chương trình, dự án và 35 viện trợ phi dự án, tổng giá trị giải ngân đạt khoảng hơn 1,8 triệu đô la Mỹ. Năm 2017, tiếp nhận 48 chương trình, dự án và viện trợ phi dự án, tổng giá trị giải ngân là hơn 1,2 triệu đô la Mỹ. Năm 2018, tiếp nhận 41 chương trình, dự án và viện trợ phi dự án, tổng giá trị giải ngân là hơn 1,4 triệu đô la Mỹ.
Hỗ trợ đồng bào DTTS giảm nghèo và phát triển bền vững
Nhìn vào số liệu các dự án, viện trợ mà tỉnh vận động được trong thời gian qua, có thể thấy rằng, so với chỉ tiêu kế hoạch đặt ra, số dự án, viện trợ vận động và tiếp nhận được vượt hơn gấp nhiều lần so với chỉ tiêu, kế hoạch dự kiến ban đầu. Điều này chứng tỏ rằng tỉnh đã thực hiện công tác vận động, tiếp nhận và quản lý hoạt động hiệu quả, tích cực và nhận được sự tín nhiệm cao từ các tổ chức phi chính phủ nước ngoài. Giai đoạn 2014 - 2018, chỉ tiêu kế hoạch đặt ra là 59 dự án, nhưng thực tế tỉnh đã vận động kêu gọi và tiếp nhận đầu tư được tới 249 dự án, viện trợ phi dự án, trong số này có nhiều dự án kéo dài nhiều năm. Tiến độ giải ngân các chương trình dự án cũng khá cao, trung bình đạt hơn 72%. Trong quá trình thực hiện, tỉnh cũng đồng thời tăng cường nguồn vốn đối ứng, do đó mà đa phần các dự án đã đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân ở địa phương, nhất là bà con DTTS ở vùng sâu vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn.
Đạt được hiệu quả trong quá trình triển khai, thực hiện Đề án, theo phân tích của lãnh đạo UBND tỉnh là nhờ Ban Công tác phi chính phủ nước ngoài đã làm rất tốt công tác tham mưu, từ đó giúp UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện tốt công tác vận động, tiếp nhận viện trợ và quản lý hoạt động của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài. Các cơ quan, đơn vị, địa phương cũng phối hợp thực hiện các dự án tích cực và chủ động. Đặc biệt, trong quá trình thực hiện, luôn tăng cường công tác trao đổi thông tin và phối hợp, giải ngân minh bạch, rõ ràng, không để xảy ra các trường hợp lợi dụng các hoạt động từ thiện nhân đạo để tiến hành các hoạt động hay việc làm trái mục đích, tạo được niềm tin đối với các đối tác.
Sau hơn năm năm triển khai thực hiện Đề án tăng cường hợp tác quốc tế ở vùng đồng bào DTTS, vùng sâu, vùng xa... nhiều nơi đã có những chuyển biến tích cực. Đời sống đồng bào đã được cải thiện cơ bản, góp phần kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo; kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn, thủy lợi, điện, đường, trường, trạm y tế cũng nhờ đó từng bước được cải thiện. Tỉ lệ hộ nghèo hàng năm giảm bình quân từ 5 - 7%.
Tuy nhiên, vùng DTTS đến nay vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn, khoảng cách thu nhập của vùng DTTS so với vùng dân tộc Kinh vẫn còn chênh lệch, một số khu vực cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, trình độ sản xuất còn những hạn chế nhất định, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh nhưng chưa thật sự bền vững. Chính vì vậy, để Đề án 2214 mang lại hiệu quả cao, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững vào năm 2020, tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường chia sẻ thông tin về nhu cầu tài trợ với các đối tác, nhằm phát triển, thu hút các nhà tài trợ quan tâm tới vùng dân tộc thiểu số, miền núi nhiều hơn nữa, để nguồn vốn rót đúng địa chỉ. Tỉnh cũng đặt ra mục tiêu sẽ tiếp tục chủ động giới thiệu các danh mục cần viện trợ, cần hợp tác với các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài để kêu gọi vận động tài trợ, tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, y tế, giáo dục, xây dựng mô hình sản xuất và phát triển bền vững... Dự kiến cần tối thiểu khoảng 37 dự án nữa từ nay đến năm 2020.
NGUYỄN NGHĨA