Ðoàn Giáo dục Hàn Quốc đã mang sang rất nhiều thiết bị để học sinh Ðà Lạt cùng làm quen công nghệ với học sinh Hàn trong đợt giao lưu văn hóa giáo dục năm nay.
Ðoàn Giáo dục Hàn Quốc đã mang sang rất nhiều thiết bị để học sinh Ðà Lạt cùng làm quen công nghệ với học sinh Hàn trong đợt giao lưu văn hóa giáo dục năm nay.
|
Cô giáo Kim Soo Yeong cùng học sinh trong giờ học. Ảnh: V.Trọng |
Ðịnh hướng cho tương lai
Đây đã là lần thứ 2 Phòng Giáo dục thành phố Chungcheon tỉnh Gangwon - Hàn Quốc đưa học sinh tiểu học của thành phố mình sang Việt Nam cùng học chung với học sinh tiểu học Đà Lạt trong gần 1 tuần cuối 10 đầu tháng 11 vừa qua. Chương trình này là bước cụ thể hóa sự hợp tác trong lĩnh vực giáo dục giữa thành phố Đà Lạt và thành phố Chungcheon của Hàn Quốc.
Trong chuyến đi đến Đà Lạt năm nay đoàn Hàn Quốc có 40 thành viên trong đó có 34 học sinh bậc tiểu học, 3 giáo viên hướng dẫn và 3 quan chức phụ trách chuyên môn của Phòng Giáo dục thành phố Chungcheon.
Tương tự như chuyến giao lưu văn hóa giáo dục với học sinh Đà Lạt lần thứ 1 năm 2018, toàn bộ học sinh tiểu học của đoàn Hàn Quốc trong năm nay cũng đều là học sinh lớp 5, đây là những học sinh được chọn từ các trường tiểu học tại thành phố này. Tại Đà Lạt, 34 học sinh Hàn Quốc này được chia thành 3 nhóm, cùng học và sinh hoạt chung với các lớp 5 Tiểu học Đoàn Thị Điểm trong cả buổi sáng lẫn buổi chiều trong tuần.
Có một điều đáng lưu ý rằng so với học sinh lớp 5 Đà Lạt không ít học sinh Hàn Quốc cao và lớn hơn nhiều, điều này là bởi học sinh Hàn vào bậc tiểu học chậm hơn 2 năm so với học sinh Việt Nam, dù cùng lớp 5 nhưng học sinh Hàn Quốc lớn hơn 2 tuổi.
Theo chương trình năm nay, học sinh khối lớp 5 Ðoàn Thị Ðiểm cùng làm quen văn hóa Hàn Quốc trong các giờ học chung với các bạn học Hàn Quốc do chính giáo viên Hàn Quốc phụ trách.
Một nhóm các sinh viên khoa tiếng Hàn của Đại học Đà Lạt đã tham gia giúp phiên dịch cho các em học sinh Việt Nam trong các giờ học. Chương trình học trong các giờ học văn hóa này khá lý thú với các bài hát dân ca của hai nước, các hoạt động về mỹ thuật như tập tô màu các họa tiết dân tộc của Hàn Quốc theo mẫu do đoàn Giáo dục Hàn Quốc mang sang; học làm quen và sử dụng một nhạc cụ, trong chương trình năm nay là cây sáo Đức. “ Lúc đầu đoàn định mang sang Việt Nam cây sáo Hàn Quốc nhưng cách chơi sáo Hàn khá phức tạp nên sau đó chúng tôi đã thay thế bằng sáo Đức, dễ tháo lắp và sử dụng cho học sinh hơn” - cô giáo Kim Soo Yeong phụ trách lớp của đoàn Hàn Quốc cho biết.
Với 2 lớp còn lại, một lớp được dành cho học sinh Việt Nam và Hàn Quốc làm quen với việc lắp ghép đồ chơi 4 chiều (4D). Đây là giờ học mà theo thầy giáo Kim Gilnam - Hàn Quốc, người phụ trách lớp, lớp học “vừa học vừa chơi” này giúp tăng khả năng sáng tạo cho học sinh trong các môn khoa học.
Đặc biệt, trong năm nay đoàn Giáo dục Hàn Quốc đã mang sang 20 bộ thiết bị bay trên không với điều khiển để học sinh làm quen với công nghệ bay không người lái. Bộ thiết bị này khá đắt tiền, khoảng 3 triệu đồng mỗi thiết bị, có thể tháo lắp từng bộ phận và sau khi lắp xong, các học sinh có thể học cách tự điều khiển thiết bị này bay trên trời.
“Đây thực sự không chỉ là giờ học mà là một trải nghiệm để các em từ bậc tiểu học đã có thể làm quen với các công nghệ tiên tiến hiện nay, để các em mở rộng kiến thức, tạo sự ham mê công nghệ, định hướng nghề nghiệp tương lai cho các em sau này” - thầy giáo Kim Sangjun phụ trách môn cho biết.
Toàn bộ các thiết bị, cho cả 3 lớp học này, theo đoàn Hàn Quốc cho biết, sau chuyến giao lưu đều được tặng lại cho trường và cho Phòng Giáo dục Đà Lạt.
Hướng đến sự hợp tác lâu dài
Lần đầu tiên đến Việt Nam để dạy học cho học sinh tại thành phố Đà Lạt, cô giáo Kim Soo Yeong đã ngạc nhiên khi thấy nhiều em học sinh Việt trong lớp “rất có khiếu âm nhạc, học nhạc rất nhanh và có nhiều học sinh cực kỳ khéo tay, tô màu rất đẹp và sáng tạo”.
Tương tự, thầy giáo Kim Sangjun cũng không ngớt lời khen học sinh Đà Lạt học cách sử dụng các trang thiết bị rất nhanh: “Các em học sinh Việt trong lớp rất khéo tay, lắp thiết bị rất nhanh, và rất hào hứng. Bên nước chúng tôi học sinh đã tiếp cận với các tiến bộ công nghệ như thế này rất sớm, từ năm lớp 3, nhiều em sau này tiếp tục theo đuổi đam mê công nghệ từ thời nhỏ”.
Trong đợt giao lưu này, các thầy cô giáo đi cùng trong đoàn Hàn Quốc cũng đã có buổi chia sẻ kinh nghiệm giáo dục đầy hữu ích với các giáo viên của Tiểu học Đoàn Thị Điểm.
Theo ông Kang Hanwon - Trưởng đoàn và là Trưởng phòng Giáo dục Đào tạo thành phố Chungcheon, việc đưa học sinh Hàn Quốc sang Đà Lạt trong 2 năm nay không chỉ là bước phát triển hợp tác giáo dục giữa 2 thành phố mà còn góp phần không nhỏ trong giáo dục tinh thần “ công dân toàn cầu” cho học sinh của 2 nước, vì hòa bình và sự hợp tác phát triển giữa 2 dân tộc.
“Có thể thấy văn hóa giữa 2 nước Việt Nam và Hàn Quốc cũng có những nét tương đồng nhau, học sinh Việt Nam khi học chung với thầy cô giáo và học sinh Hàn Quốc chúng tôi sẽ biết thêm về văn hóa Hàn Quốc, ngược lại học sinh chúng tôi khi sang đây rất thích nền văn hóa lâu đời của Việt Nam” - ông Kang Hanwon cho biết.
Theo ông Kang Hanwon, kinh tế Việt Nam đang phát triển, ngày càng có nhiều hơn người Việt qua Hàn Quốc làm việc và ngược lại, cũng ngày càng có nhiều người Hàn Quốc hơn sang Việt Nam kinh doanh. Hàn Quốc, như ông Kang Hanwon đánh giá, người Việt cần cù, có tinh thần trách nhiệm cao, yêu nước; còn học sinh Việt Nam theo ông, cụ thể như học sinh Đà Lạt rất chăm chỉ, lễ phép, kính trọng thầy cô, sáng tạo, lớp học có nề nếp khiến thầy cô giáo trong đoàn Hàn Quốc qua đây dạy học đánh giá rất cao.
“Hàn Quốc 40 năm trước cũng rất khó khăn, chỉ bằng giáo dục và làm việc chăm chỉ chúng tôi mới tiến lên được, nên chúng tôi đánh giá rất cao sức mạnh của giáo dục” - ông Kang Hanwon nói.
Theo ông Kang Hanwon, trong khuôn khổ hợp tác giữa thành phố Changcheon và Đà Lạt nên trong thời gian đến, thành phố Changcheon sẽ tiếp tục gửi đoàn học sinh qua giao lưu học tập cùng học sinh Đà Lạt hằng năm. Trong năm đến dự kiến chương trình này sẽ mở rộng đến một số trường tiểu học khác trên địa bàn Đà Lạt chứ không dừng lại chỉ với Tiểu học Đoàn Thị Điểm như hiện nay.
VIẾT TRỌNG