(LĐ online) - Chiều 12/12, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Lâm Đồng phối hợp với Bệnh viện Thống Nhất Thành phố Hồ Chí Minh, hãng Medtronic tổ chức hội thảo khoa học máy tạo nhịp tim vĩnh viễn với sự tham dự của 50 bác sĩ chuyên khoa tim mạch thuộc ngành y tế Lâm Đồng.
* Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng đã cấy máy tạo nhịp vĩnh viễn cho 23 bệnh nhân
(LĐ online) - Chiều 12/12, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Lâm Đồng phối hợp với Bệnh viện Thống Nhất Thành phố Hồ Chí Minh, hãng Medtronic tổ chức hội thảo khoa học máy tạo nhịp tim vĩnh viễn với sự tham dự của 50 bác sĩ chuyên khoa tim mạch thuộc ngành y tế Lâm Đồng.
|
TS-BS Trương Quang Khanh - Bệnh viện Thống Nhất Thành phố Hồ Chí Minh báo cáo nghiên cứu về Chỉ định và kỹ thuật cấy máy tạo nhịp tim |
Phát biểu khai mạc, BSCKII Nguyễn Xuân Tạo - Phó Giám đốc BVĐK Lâm Đồng cho biết: Hội thảo có sự tham dự chủ tọa và báo cáo đề tài nghiên cứu của chuyên gia đầu ngành về nhịp tim, TS-BS Trương Quang Khanh - Trưởng Khoa Nhịp tim, Bệnh viện Thống Nhất Thành phố Hồ Chí Minh, chia sẻ kinh nghiệm cho các bác sĩ Lâm Đồng. Trước đây, bệnh nhân trong tỉnh được khám sàng lọc, phát hiện các trường hợp rối loạn nhịp tim được chuyển đến các trung tâm có năng lực, điều kiện để chữa trị. Những năm gần đây, BVĐK Lâm Đồng dưới sự giúp đỡ, hỗ trợ của các chuyên gia tim mạch từ Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai được kỹ thuật cấy máy tạo nhịp tim vĩnh viễn cho bệnh nhân.
TS-BS Trương Quang Khanh cho biết: Việc triển khai cấy máy tạo nhịp tim vĩnh viễn ở Việt Nam triển khai khá lâu, chủ yếu tập trung ở các bệnh viện lớn, các trung tâm lớn nhưng ở các bệnh viện địa phương tuyến tỉnh thì rất lâu mới triển khai được. Bệnh viện Thống Nhất Thành phố Hồ Chí Minh có chương trình phối hợp với BVĐK Lâm Đồng tiến hành triển khai chuyển giao kỹ thuật cấy máy tạo nhịp tim vĩnh viễn. Về chuyên môn, kỹ thuật, các bác sĩ ở BVĐK Lâm Đồng đã có kinh nghiệm, đã thực hiện cấy máy tạo nhịp tim vĩnh viễn tại chỗ được một số trường hợp, giúp cho bệnh nhân không còn phải chuyển lên tuyến trên.
Hội thảo tập trung vào các nội dung chính: Chỉ định và kỹ thuật cấy máy tạo nhịp tim (TS-BS Trương Quang Khanh),cấy máy tạo nhịp tim vĩnh viễn tại BVĐK Lâm Đồng (BSCKII Phạm Vũ Thanh - BVĐK tỉnh Lâm Đồng), tổng quan về máy tạo nhịp tim vĩnh viễn (Công ty Medtronic).
|
Nhân lực BVĐK Lâm Đồng được huấn luyện đào tạo và triển khai kỹ thuật cấy máy tạo nhịp tim vĩnh viễn từ năm 2017 |
Cấy máy tạo nhịp tim vĩnh viễn đến nay là một phương pháp điều trị chính cho rối loạn chức năng nút xoang, bệnh lý đường dẫn truyền nhĩ thất và cả các trường hợp nhịp nhanh. Theo BSCKII Phạm Vũ Thanh, BVĐK Lâm Đồng bắt đầu tiến hành đặt máy tạo nhịp vĩnh viễn trong buồng tim vào tháng 4/2017. Đến tháng 11/2019, có 23 bệnh nhân được cấy máy tạo nhịp vĩnh viễn trong buồng tim được thực hiện tại BVĐK tỉnh. Bệnh nhân có tuổi trung bình 71 tuổi (cao nhất 96 tuổi, thấp nhất 45 tuổi); trong đó, bệnh nhân trên 70 tuổi có 15 bệnh nhân (65,2%). Qua nghiên cứu, lý do các bệnh nhân nhập viện là mệt, khó thở (chiếm 65,2%), chóng mặt (52,2%), ngất (26,1%).
Mỗi năm, trên toàn thế giới có khoảng 900.000 bệnh nhân được cấy máy tạo nhịp tim vĩnh viễn. Tại Mỹ, có khoảng 100.000 bệnh nhân cấy máy tạo nhịp vĩnh viễn và khoảng 400.000 bệnh nhân cấy máy phá rung.
Tại Việt Nam, khu vực các tỉnh phía Nam, cấy máy tạo nhịp tim vĩnh viễn được thực hiện đầu tiên tại Bệnh viện Thống Nhất Thành phố Hồ Chí Minh. Các bệnh viện tuyến tỉnh thực hiện được kỹ thuật này có: BVĐK Kiên Giang (năm 2009), BVĐK An Giang (năm 2010), BVĐK Sóc Trăng (năm 2014), BVĐK Lâm Đồng (năm 2017).
Từ năm 2017, được sự hỗ trợ chuyên môn của TS-BS Trương Quang Khanh, kỹ sư của hãng Medtronic, đội ngũ cán bộ y tế của BVĐK Lâm Đồng gồm 3 bác sĩ, 4 điều dưỡng chuyên khoa tim mạch can thiệp đã được đào tạo chuyển giao kỹ thuật này để thực hiện được các ca cấy máy tạo nhịp tim vĩnh viễn ngay tại BVĐK tỉnh.
AN NHIÊN