Khởi nghiệp từ niềm đam mê dược liệu

05:01, 07/01/2020

Xuất phát từ mong muốn tạo nên thức uống lành mạnh nhưng không gây mất ngủ như các loại trà khô có hàm lượng caffeine, Lê Nguyễn Ngọc Trân - cô y sĩ Y học cổ truyền sinh năm 1995 đã phối hợp những vị thuốc có tính mát, thanh nhiệt, dưỡng tâm an thần để tạo nên một vị trà mới với tên gọi trà Thanh An.

Xuất phát từ mong muốn tạo nên thức uống lành mạnh nhưng không gây mất ngủ như các loại trà khô có hàm lượng caffeine, Lê Nguyễn Ngọc Trân - cô y sĩ Y học cổ truyền sinh năm 1995 đã phối hợp những vị thuốc có tính mát, thanh nhiệt, dưỡng tâm an thần để tạo nên một vị trà mới với tên gọi trà Thanh An.
 
Ngọc Trân cùng cộng sự của mình trình bày dự án trà Thanh An tại Cuộc thi Dự án khởi nghiệp sáng tạo thanh niên nông thôn năm 2019. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Ngọc Trân cùng cộng sự của mình trình bày dự án trà Thanh An tại Cuộc thi Dự án khởi nghiệp sáng tạo thanh niên nông thôn năm 2019. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
 
Niềm yêu thích với các loại dược liệu của Ngọc Trân được truyền từ người cha quá cố của mình - cũng là một lương y, người truyền cảm hứng về Y học cổ truyền cho cô. Tuổi thơ quanh quẩn bên chân cha phơi thuốc, theo cha học bốc thuốc giúp Trân hiểu rõ đặc điểm, tác dụng của mỗi loại thảo dược. Hiện đang là y sĩ Y học cổ truyền công tác tại Bệnh viện Đa khoa huyện Đức Trọng, ít ai biết rằng, Trân từng tốt nghiệp Trường Cao đẳng Kinh tế đối ngoại TP Hồ Chí Minh. Thế nhưng, khi nhận ra đó không phải là con đường phù hợp với mình, Trân không sử dụng tấm bằng đó và làm lại từ đầu, theo đuổi điều mình luôn mong muốn là Y học cổ truyền và một phần là để nối gót cha - khi anh chị trong nhà không có ai theo nghề này.
 
Ngay từ những năm học cấp II, Trân đã ấp ủ ý tưởng biến những dược liệu thông dụng vốn dùng làm thuốc chữa bệnh thành một thức uống lành mạnh có hương vị thanh mát, ngọt dịu, đặc biệt tốt cho sức khỏe người dùng. Cha cô mất đột ngột khiến ý tưởng này bị ngưng lại. Cho đến khi Ngọc Trân chính thức trở thành y sĩ, khi cô đã có đủ kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm để có thể tự tin tự mình làm ra một loại trà thì trà Thanh An được ra đời - cái tên nhẹ nhàng, đơn giản là sự kết hợp 2 đặc tính chính của sản phẩm: thanh lọc và an thần. Với những thành phần chính như nhân trần, kim ngân hoa, cúc hoa, liên tâm, thảo quyết minh, táo nhân, hòe hoa, cỏ ngọt...; Trân kết hợp các loại dược liệu đa dạng tạo ra vị ngọt, thanh mát, hương thơm nhẹ, dễ uống cho mọi đối tượng.
 
Theo Ngọc Trân, cuộc sống ngày càng phát triển, tuy nhiên, sức khỏe con người lại gần như đi xuống. Không khí bị ô nhiễm, thực phẩm lại có nguồn gốc không đảm bảo, kém chất lượng, công việc đầy áp lực,... gây ra những bệnh lý phổ biến hiện nay như các bệnh về gan, nóng trong người, mất ngủ, giảm trí nhớ, huyết áp, mỡ máu, tinh thần dễ cáu gắt, bực bội,... Chính vì vậy, trà Thanh An ra đời nhằm đáp ứng nhu cầu của con người là lấy đời sống tinh thần - sức khỏe làm trọng.
 
 “Những sản phẩm đầu tay của mình chỉ được dùng làm quà tặng cho những người thân quen uống để cải thiện sức khỏe, chứ không hề suy nghĩ đến việc khởi nghiệp hay kinh doanh thành một sản phẩm chuyên nghiệp” - Ngọc Trân chia sẻ. Suy nghĩ đó của Trân chỉ thay đổi khi sản phẩm của cô đoạt giải khuyến khích Cuộc thi Dự án khởi nghiệp sáng tạo thanh niên nông thôn năm 2019 diễn ra vào cuối tháng 11/2019, và được nhiều giám khảo nhận xét là một sản phẩm có tiềm năng.
 
Với cuộc thi, Trân gặp cực kỳ nhiều khó khăn khi cô chưa bao giờ tham gia một lớp học hay khóa huấn luyện nào về khởi nghiệp. Có những buổi cô phải cùng mẹ thức rất khuya để làm kịp sản phẩm mang đi dự thi. 66 slide trình bày cho phần thi trong vòng chung kết được rút gọn còn 20 slide trong một đêm. Tuy nhiên, sau cuộc thi, dự án trà Thanh An của Ngọc Trân vẫn được đánh giá cao vì nắm được giá trị cốt lõi của sản phẩm.
 
Cuộc thi Dự án khởi nghiệp sáng tạo thanh niên nông thôn năm 2019 đến với Trân như một mối duyên, mà theo Trân nói thì từ đó, cô có cơ hội hoàn thiện thêm sản phẩm của mình, chia sẻ những điều mình biết đến với mọi người, đồng thời thử thách bản thân trước những trải nghiệm mới. 
 
“Khi tham gia cuộc thi, tôi nhận được nhiều sự giúp đỡ, hỗ trợ, đồng thời học thêm được nhiều kiến thức bổ ích khác. Quan trọng hơn cả, tôi được truyền cảm hứng từ rất nhiều người có kinh nghiệm khởi nghiệp đi trước để mạnh dạn phát triển sản phẩm của mình theo hướng chuyên nghiệp” - Ngọc Trân cho hay.
 
Hiện tại, Trân đang từng bước tiến hành nghiên cứu thêm và hoàn thiện sản phẩm để đưa trà Thanh An ra thị trường một cách vững vàng nhất. Để đảm bảo về chất lượng sản phẩm, trà Thanh An của Ngọc Trân đã được kiểm nghiệm tại Viện Nghiên cứu Hạt nhân Đà Lạt và có kết quả vào đầu tháng 11/2019. Trong tương lai, quy trình sản xuất sản phẩm trà thảo mộc Thanh An hướng đến là một mô hình sản xuất khép kín. Nguyên liệu sẽ được trồng trọt, thu hoạch, chế biến tại chính Đức Trọng và những địa phương khác trong tỉnh theo đúng tiêu chuẩn của Việt Nam và hướng đến đạt được tiêu chuẩn quốc tế - đó là mong muốn và mục tiêu của Ngọc Trân.
 
Công việc còn rất nhiều và khá khó khăn với một người “tay ngang” như Trân, thế nhưng cô gái trẻ vẫn đang rất quyết tâm, với suy nghĩ lạc quan rằng: “Nếu như các dự án khác tham gia cuộc thi đã có sản phẩm đưa ra thị trường thì sản phẩm của tôi chỉ đơn thuần là một sản phẩm dùng thử. Bây giờ, tôi phải đi qua những trải nghiệm mà hồi xưa các anh chị đi trước đã từng trải nghiệm, phải nếm trải những khó khăn mà họ đã từng nếm trải. Thế nên, tôi xem tất cả những khó khăn và thử thách này là chuyện bình thường”.
 
VIỆT QUỲNH