Năm học 2019 - 2020, Công đoàn ngành Giáo dục Lâm Đồng hướng dẫn các công đoàn trường học trên địa bàn tỉnh tổ chức và tham gia xây dựng trường học hạnh phúc theo "Kế hoạch nâng cao năng lực ứng xử sư phạm, đạo đức nhà giáo, người lao động đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới"...
Năm học 2019 - 2020, Công đoàn ngành Giáo dục Lâm Đồng hướng dẫn các công đoàn trường học trên địa bàn tỉnh tổ chức và tham gia xây dựng trường học hạnh phúc theo “Kế hoạch nâng cao năng lực ứng xử sư phạm, đạo đức nhà giáo, người lao động đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới”. Qua đó, hướng đến xây dựng môi trường sư phạm thân thiện và góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.
|
Xây dựng trường học hạnh phúc nhằm góp phần xây dựng môi trường sư phạm an toàn, thân thiện. Ảnh: T.Hương |
Xây dựng môi trường sư phạm thân thiện
Là ngôi trường đóng chân ở địa bàn vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh, nhưng Trường THCS&THPT Lộc Bắc (huyện Bảo Lâm) được Công đoàn ngành Giáo dục Lâm Đồng đánh giá là đơn vị thực hiện tốt hướng dẫn xây dựng trường học hạnh phúc. Để có được kết quả này là sự nỗ lực của cả tập thể từ lãnh đạo đến giáo viên, nhân viên và học sinh toàn trường. Theo thầy Lưu Thể - Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng Trường THCS&THPT Lộc Bắc, nhà trường đã xây dựng khối đoàn kết, phát huy dân chủ, phối hợp hoạt động đồng bộ với các tổ chức chính trị trong nhà trường. Do đó, nền nếp, kỷ cương trong trường học được duy trì, củng cố; đội ngũ giáo viên, nhân viên nhà trường đoàn kết, thống nhất trong việc thực hiện nhiệm vụ chung; chất lượng dạy, học và giáo dục của trường có những chuyển biến tích cực, từng bước xây dựng nhà trường trở thành trường THCS và THPT có chất lượng tiệm cận và ngang bằng với các đơn vị vùng thuận lợi. Đặc biệt, nhà trường xây dựng thành công môi trường sư phạm an toàn, lành mạnh và thân thiện, không để xảy ra bất kỳ hiện tượng tiêu cực nào liên quan đến các vấn đề bạo lực học đường, vi phạm đạo đức nhà giáo, vi phạm pháp luật của nhà giáo và học sinh…
Ông Ngô Văn Sơn - Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục Lâm Đồng cho biết: Năm học 2019 - 2020, Công đoàn ngành xây dựng kế hoạch triển khai nâng cao năng lực ứng xử sư phạm, đạo đức nhà giáo, người lao động đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Mục đích nhằm góp phần tạo sự chuyển biến căn bản trong nhận thức và hành động về đạo đức và năng lực ứng xử sư phạm của đội ngũ nhà giáo, người lao động, hướng tới sự chuẩn mực trong ứng xử và đạo đức nhà giáo và không vi phạm các quy chế, quy định của ngành, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Qua đó, xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện; ngăn ngừa, đấu tranh với các hành vi thiếu chuẩn mực đạo đức trong đội ngũ nhà giáo, người lao động hoặc các hành vi làm tổn thương đến danh dự, nhân phẩm đội ngũ nhà giáo, người lao động.
Cụ thể hóa tiêu chí xây dựng trường học hạnh phúc
Để thực hiện kế hoạch này, Công đoàn ngành đã hướng dẫn các công đoàn trường học xây dựng trường học hạnh phúc. Cụ thể là tạo dựng và duy trì những nhà trường mà ở đó học sinh, cán bộ, nhà giáo, người lao động được yêu thương, được tôn trọng, được an toàn, được hiểu và được có giá trị. Từ đó, phát triển môi trường nhà trường thân thiện, văn minh, cùng hợp tác vì sự phát triển bền vững trong bối cảnh đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo hiện nay.
Dựa trên các tiêu chí về trường học hạnh phúc, công đoàn cơ sở các trường học cụ thể hóa và tổ chức, phối hợp triển khai thực hiện phù hợp với điều kiện nhà trường.
Đối với tiêu chí thứ nhất về môi trường nhà trường và phát triển cá nhân, phải đảm bảo sức khỏe thể chất và sức khỏe tâm lý (phòng ngừa và ứng phó với bắt nạt, bạo lực học đường…) cho học sinh, sinh viên (HSSV) và cán bộ, nhà giáo, người lao động khi học tập và tham gia các hoạt động giáo dục do nhà trường tổ chức; không để xảy ra các hiện tượng vi phạm đạo đức nhà giáo và bạo lực học đường, tạo dựng môi trường xanh sạch đẹp, thân thiện, cởi mở. Duy trì bầu không khí học tập, lao động ấm áp và thân thiện; mọi thành viên trong trường học, trong lớp học được yêu thương, được tôn trọng, được hiểu, được có giá trị và được bảo đảm an toàn. Cán bộ, nhà giáo, người lao động thường xuyên sử dụng các biện pháp giáo dục kỷ luật tích cực. Nhà trường tạo cơ hội để mỗi HSSV và mỗi nhà giáo, người lao động đều được phát triển tối đa tiềm năng của bản thân, không ai bị bỏ lại, tất cả cùng thay đổi và tiến bộ; thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở…
Tiêu chí thứ hai về dạy và học, cán bộ, nhà giáo, người lao động làm gương cho HSSV trong mọi hoạt động giáo dục, hoạt động dạy và học. Phương pháp và hình thức tổ chức dạy học tạo hứng thú, phù hợp, thấu hiểu và chấp nhận sự khác biệt tâm lý, thể chất, hoàn cảnh của mỗi HSSV. HSSV và cán bộ, nhà giáo, người lao động được tự do phản hồi, sáng tạo và gắn kết, được chủ động thể hiện quan điểm, ý tưởng; có thói quen làm việc nhóm và hợp tác. Cán bộ, nhà giáo, người lao động tự chăm sóc sức khỏe tâm lý và thể chất cho bản thân, tự trang bị cho mình và thực hành được các giá trị sống, kỹ năng sống phù hợp với đạo đức, nhân cách nhà giáo trong môi trường giáo dục…
Tiêu chí thứ ba về các mối quan hệ trong và ngoài nhà trường, cán bộ nhà giáo, người lao động làm gương cho HSSV trong các mối quan hệ, trong tương tác, giao tiếp và đối thoại; HSSV và cán bộ nhà giáo, người lao động tôn trọng, lắng nghe thấu hiểu và chủ động xây dựng được các mối quan hệ tích cực, tốt đẹp. Đồng thời, cán bộ nhà giáo, người lao động phối hợp và hợp tác hiệu quả với phụ huynh, cộng đồng địa phương và các lực lượng liên quan trong công tác giáo dục học sinh…
TUẤN HƯƠNG